Dấu ấn của Hoàng đế Quang Trung ở Bỉm Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bỉm Sơn là thị xã công nghiệp nằm tại cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây có nhiều dãy núi đá vôi trùng điệp và vô số hang động thiên nhiên kỳ vĩ, án ngữ tuyến đường thiên lý Bắc-Nam.
Vua Quang Trung-Nguyễn Huệ (1753-1792) từng hạ lệnh đóng quân ở vùng núi non hiểm trở này để cùng với các tướng lĩnh luận bàn binh pháp, huấn luyện binh lính, tập kết quân lương, chiêu mộ binh sĩ trước khi tiến quân ra Thăng Long đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh. Sau đại thắng vào mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung trở về vùng đất này thành kính dâng hương tạ ơn Tiên Nữ Ngọc Thủy Tinh công chúa đã có công báo mộng hiến kế, mở tiệc khao quân, thiết đãi muôn dân trợ giúp nghĩa quân Tây Sơn thần tốc đánh thắng quân xâm lược. Ngày nay, dấu ấn vua Quang Trung ở nơi đây đã trở thành những điểm dã ngoại, du lịch, tìm hiểu lịch sử-văn hóa đặc biệt hấp dẫn đối với du khách khắp nơi.
 Tượng vua Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ảnh: VĨNH XUÂN
Tượng vua Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ảnh: VĨNH XUÂN
Dấu ấn vua Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn ở thị xã Bỉm Sơn còn hiện hữu tại đình làng Gạo, đồi Ông Tập, đồi Ông Đùng, đập Chắn Voi, suối Khởi Thủy, suối Ngọc, đồng Càn Chuối, đồng Cắm Cờ, núi Tượng Sơn, núi Kỳ Sơn, động Trình, động Cửa Buồng, đền Chín Giếng, đền Sòng Sơn, đền Cây Vải (Trà Sơn Miếu), Nhà bia Ba Dội (còn có tên khác là Tam Điệp-nơi giáp ranh giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Ninh Bình)...  Trong đó, đường Thiên Lý, hồ Cánh Chim, đền Chín Giếng, đền Sòng Sơn (phường Bắc Sơn); núi Kỳ Sơn, động Cửa Buồng (phường Ba Đình); đồi Ông Đùng, đền Cây Vải (phường Lam Sơn); đình làng Gạo (xã Hà Lan) đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa, danh thắng cấp quốc gia từ ngày 18-1-1993. Mỗi địa danh lịch sử, danh thắng nêu trên đều in đậm những câu chuyện huyền thoại về người anh hùng áo vải Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn.
Thường ngày, người dân ở thị xã Bỉm Sơn vẫn kể cho nhau nghe về đình làng Gạo là nơi tích trữ lương thực của nghĩa quân Tây Sơn; đình làng Nghĩa Môn là nơi Tiên Nữ Ngọc Thủy Tinh công chúa báo mộng hiến kế cho vua Quang Trung hành quân thần tốc ra Thăng Long tiêu diệt giặc Mãn Thanh. Động Cửa Buồng là nơi nhà vua và các tướng lĩnh luận bàn kế sách đánh địch; động Quang Trung tối linh động (ở trong lòng núi Tượng Sơn) là nơi vua Quang Trung lập đàn tế trời đất và cầu khấn thần linh phù hộ độ trì cho nghĩa quân Tây Sơn đánh đuổi giặc phương Bắc; núi Kỳ Sơn là nơi vua Quang Trung cắm cờ hiệu lệnh tiến quân như vũ bão ra Bắc Hà... Khi thắng trận trở về đình làng Nghĩa Môn, vua Quang Trung kính cẩn dâng hương hoa, tri ân Tiên Nữ Ngọc Thủy Tinh công chúa đã báo mộng hiến kế quét sạch quân thù, bảo vệ non sông. Sau đó, nhà vua đã có câu đối nổi tiếng hiện vẫn còn lưu giữ trong đền Cây Vải.
Đền Sòng Sơn tọa lạc bên cạnh con đường thiên lý trước kia ở làng Cổ Đam, trang Phù Dương, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung (nay là khu phố 6, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn). Đền hình thành từ thời vua Lê Thần Tông (1607-1662) và phát triển vào thời Cảnh Hưng, triều vua Lê Hiển Tông (1740-1786). Trong đền thờ nữ thần Vân Hương (người dân nơi đây thường gọi là Bà Chúa Liễu Hạnh hay Thánh Mẫu Liễu Hạnh)-một trong tứ bất tử (4 vị thánh bất tử trong tín ngưỡng của người Việt Nam là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Công chúa Liễu Hạnh) được nhân dân tôn thờ. Vì thế trong dân gian còn lưu truyền câu ca: “Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh” hay “Nhất vui là hội Phủ Dày/Vui là vui vậy chẳng tày Sòng Sơn”.
Tương truyền, ngay khi dừng chân ở nơi đây, vua Quang Trung và Thượng thư bộ binh Ngô Thì Nhậm (1746-1803), Đại tư mã Ngô Văn Sở cùng các tướng sĩ đã vào đền Sòng Sơn cầu khấn Thánh Mẫu Liễu Hạnh phù hộ cho nghĩa quân Tây Sơn thu phục được lòng người, huy động được nhiều quân lương, chiêu mộ thật nhiều binh sĩ tinh nhuệ, đánh tan giặc thù... Thắng trận trở về, vua Quang Trung cùng các tướng sĩ đã dâng hương hoa tri ân công đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. “Nơi đây còn lưu truyền nhiều huyền thoại về vua Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn. Những câu chuyện và thông tin quý báu đó thu hút mọi người về các di tích, danh thắng tham quan, thưởng ngoạn, chiêm bái. Đền Sòng Sơn nổi tiếng linh thiêng từ xưa đến nay, lại luôn xanh tươi, sạch đẹp và có bãi đậu xe rộng mát nên du khách thường xuyên đến vãn cảnh, hành lễ, cầu lộc, cầu tài...”-chị Phạm Thị Liên-hướng dẫn viên Ban Quản lý di tích thị xã Bỉm Sơn-cho biết.
Hàng năm, vào những ngày hạ tuần tháng 2 và thượng tuần tháng 3 Âm lịch, nhân dân trong vùng lại tưng bừng tổ chức lễ hội Sòng Sơn-Ba Dội. Sau phần lễ dâng hương hoa, tưởng nhớ công ơn của Thánh Mẫu Liễu Hạnh và các tiền bối, bà con bước vào phần hội biểu diễn múa rồng, múa lân, võ cổ truyền, côn quyền, múa gậy và tái hiện cảnh vua Quang Trung, tướng sĩ nghĩa quân Tây Sơn tiến quân như vũ bão ra Bỉm Sơn tuyển quân, huy động lương thảo, luyện tập binh sĩ, tiến đánh giặc ngoại xâm... Ông Vũ Văn Xuyên-Trưởng ban Quản lý di tích thị xã Bỉm Sơn-phấn khởi: “Những hoạt động văn hóa-văn nghệ, tâm linh diễn ra ở đền Sòng Sơn ngày một phong phú nên lượng khách đến tham quan ngày càng tăng, năm 2018 đón gần 400.000 lượt khách, năm 2019 ước đón hơn 450.000 lượt và năm 2020 rất có thể lên tới 500.000 lượt. Thị xã Bỉm Sơn đang liên kết phát triển các tour du lịch”.
 HOÀNG CƯ

Có thể bạn quan tâm

Dùng mặt nạ kỹ thuật số để phục hồi tranh. (Ảnh: Franetic)

Công nghệ đột phá phục chế tranh cổ chỉ trong vài giờ

(GLO)-Với những bức tranh có niên đại hàng thế kỷ, bị hỏng nặng, việc phục chế gặp nhiều rủi ro và tiêu tốn thời gian. Một bước đột phá về công nghệ vừa được các nhà khoa học thử nghiệm thành công, đã giải quyết được khó khăn này, đó là phương pháp mặt nạ kỹ thuật số.

Đừng để giấc mơ Tây Nguyên ngủ yên trên đỉnh đồi

(GLO)- Người Tây Nguyên làm du lịch không chỉ bằng khu nghỉ dưỡng, mà còn bằng lòng hiếu khách và nghệ thuật kể chuyện. Vậy nên, đừng để giấc mơ Tây Nguyên ngủ yên trên đỉnh đồi mà hãy đánh thức nó bằng chính giọng nói của rừng, bằng bàn tay của bà con và bằng tình yêu với buôn làng của mình.

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui là hiện tượng văn hóa xã hội đặc sắc của cộng đồng người Jrai ở Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Nghi lễ này tập hợp nhiều biểu tượng văn hóa độc đáo giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới tâm linh của cư dân bản địa.

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” - những câu thơ của nhà nghiên cứu Quách Tấn trong biên khảo Xứ trầm hương vừa là sự khẳng định danh xưng của một miền đất, vừa như lời mời gọi lữ khách bốn phương tìm về với thủ phủ của trầm hương Việt Nam.

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

(GLO)- Ở buôn E Kia (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa), ông Hiao Thuyên được biết đến là một nghệ nhân tài hoa khi giỏi cả sáo trúc, biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca... Bằng những việc làm thiết thực, ông đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Jrai và xây dựng khối đại đoàn kết ở buôn làng.

Tây Nguyên: Nhịp sống mới dưới những nếp nhà xưa

Tây Nguyên: Nhịp sống mới dưới những nếp nhà xưa

Nhắc đến đại ngàn Tây Nguyên, có lẽ biểu tượng văn hóa “sừng sững” chính là những mái nhà rông, nhà dài truyền thống của đồng bào các dân tộc. Trong những biến chuyển của thời đại, không gian che chở các hộ gia đình và lan tỏa văn hóa cộng đồng ấy khó tránh khỏi những hư hao, nghiêng ngả.

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

(GLO)- Tuy có sự phát triển của hệ thống thủy lợi song lễ cúng cầu mưa vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống cư dân vùng thung lũng Cheo Reo. Sự đa dạng trong nghi thức cúng của mỗi cộng đồng dân cư đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

(GLO)- Người Bahnar quan niệm rằng mọi sự vật, hiện tượng đều có sự hiện diện của thần linh và con người phải tôn trọng, thờ cúng. Vì vậy, họ có nếp sống, sinh hoạt văn hóa với hệ thống lễ hội vô cùng phong phú, gắn với vòng đời người và chu kỳ canh tác nông nghiệp.

null