Đất hoang chuyển mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 67 ngôi nhà mới được dựng dưới chân núi Chư A Thai (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã biến bãi đất hoang thuở nào thành khu tái định cư khang trang, đẹp đẽ. Mỗi lần ngang qua đây, bà con phấn khởi nói với nhau, làng Drôk hôm nay như một khu phố.

Phố trong làng

Nắng tháng 4 như muốn thiêu đốt cây cỏ. Những giọt mồ hôi vừa mới túa ra đã vội khô. Vậy mà ở khu tái định cư làng Drôk, hàng chục con người vẫn hăng say làm việc, quyết tâm hoàn thiện các hạng mục còn lại để 67 hộ dân chuyển vào sinh sống trong dịp 30-4 này. Trong ngôi nhà xây trị giá gần 400 triệu đồng, vợ chồng anh Đoàn Văn Chỉnh cùng mấy người họ hàng đang cặm cụi sơn tường. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt họ khi tiếp chuyện tôi và Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phan Văn Vinh. Không vui sao được bởi sau mười mấy năm rời quê hương Bắc Giang vào Gia Lai sinh sống, gia đình anh đã thực sự an cư.

Khu tái định cư làng Drôk (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Tú
Khu tái định cư làng Drôk (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Tú


“Sau một thời gian bám trụ ở huyện biên giới Chư Prông, năm 2014, gia đình tôi chuyển xuống đây ở cho gần họ hàng. Chúng tôi thuê một mảnh vườn ở làng Drôk để cất nhà tạm. Ai thuê gì làm nấy, không nề hà. Nhờ thế mà chúng tôi có tiền nuôi con cái học hành, mua được cặp bò giống. Nhưng cái phận ở thuê cũng buồn lắm, cộng thêm nhà tạm nên dột nát vào mùa mưa. Khi được Nhà nước cấp 400 m2 đất ở, tôi bán bớt bò, vay mượn thêm tiền người thân để xây dựng nhà mới”-anh Chỉnh hồ hởi.

Cách nhà anh Chỉnh độ 10 bước chân là gia đình anh Lê Văn Tiền. Đó là một ngôi nhà nhỏ thưng tôn bốn bề. Ngưng tay phụ đám thợ xây nhà tắm, nhà vệ sinh, người đàn ông dân tộc Thái quê Thanh Hóa phấn khởi nói: “Ngoài quê không có ruộng vườn nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Năm 2012, vợ chồng mình chuyển vào đây sinh sống. Người quen cho dựng tạm túp lều nơi góc vườn để ở từ đó đến nay. Hồi nghe nói được cấp đất ở trong này, vợ chồng mừng lắm. Đây là nhà tạm để ít bữa cả nhà dọn vào ở theo đúng quy định của Nhà nước giao trước khi cấp đất, còn mình sẽ xây nhà kiên cố sau. Cũng chừng 2 tháng nữa thôi, mình đặt mua vật liệu rồi”.

Vợ chồng anh Hà Văn Việt cũng đang xây nhà mới. Nụ cười tỏa nắng thay cho nét ưu tư buổi đầu gặp chúng tôi cách đây ít lâu, khi chưa biết mình có thuộc diện chuyển đến ở khu tái định cư hay không. Ưu tư là phải, bởi chỉ một khoảnh đất rộng chưa đầy 1 sào mà bao năm nay có đến 3 ngôi nhà tạm của anh trai, chị gái và anh Việt. Nền đất ẩm ướt, nhà tạm xiêu vẹo. Cuộc sống làm thuê bữa no bữa đói. Vậy nên, được chuyển vào khu tái định cư sẽ mở ra cơ hội đổi đời. Nghe tôi hỏi sao không nghỉ tay chút tránh nắng gắt, anh cười bảo: “Nắng này chứ nắng nữa cũng làm. Phải làm cho kịp căn nhà để về ở với hàng xóm cho vui. Khu tái định cư nay như một khu phố thu nhỏ rồi”.

Thêm trợ lực thoát nghèo

Theo chân Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện bách bộ trên những con đường bê tông thơm mùi vữa mới, tôi thấy vui lây cho 67 hộ dân di cư tự do ở các làng Drôk, Dlâm và thôn Kinh Môn (xã Chư A Thai). Khu tái định cư được quy hoạch bài bản với điện, đường, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng. Cửa hàng tạp hóa cũng đã xuất hiện ở đây. Cơ hội đổi đời cho 67 hộ dân di cư tự do được mở ra. Ký ức những ngày ăn ở trong những ngôi nhà tạm tại khu đất chật chội dần vào dĩ vãng.

Tại khu tái định cư có cả trường học khang trang. Ảnh: Nguyễn Tú
Khu tái định cư ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Nguyễn Tú
Ông Phan Văn Vinh-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện: Bước đầu, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực là giúp người dân di cư tự do có chỗ ở ổn định, không phải đi thuê mướn. Các đoàn kiểm tra của tỉnh, huyện đánh giá rất cao tiến độ thi công và ý thức chấp hành của người dân trong dự án này. Chúng tôi cũng đang xây dựng các phương án, dự án nông nghiệp, chăn nuôi để tham mưu UBND huyện triển khai nhằm giúp các hộ dân vươn lên trong cuộc sống.

Nếu không chuyển vào khu tái định cư theo chủ trương của tỉnh, việc mở một cửa hàng tạp hóa bán nhu yếu phẩm cho người dân trong thôn chỉ nằm trong ý nghĩ của chị Vũ Thị Loan (vợ anh Chỉnh). Còn nay, dù tạm bợ trước hiên ngôi nhà chưa xây xong nhưng đã có rất đông người vào ra mua bán. “Nhà tôi là hộ đầu tiên chuyển vào đây ở. Ban đầu, chúng tôi dựng tạm cái lều để trông coi vật liệu xây nhà và bày bán hàng hóa cho người dân trong vùng. Xây nhà xong, tôi sẽ lấy hàng về nhiều hơn để bán, đồng thời mua hàng hóa của bà con rồi chở ra ngoài thị trấn bán lại. Khu này giao thông thuận tiện, hy vọng việc buôn bán suôn sẻ để có tiền trả nợ xây nhà, nuôi con học hành nên người. Vợ chồng tôi cũng sẽ gầy dựng đàn bò 5 con, chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm để có thêm thu nhập”-chị Loan bộc bạch.

Anh Hà Văn Việt cũng đã có những toan tính khi chuyển vào khu tái định cư sinh sống. Theo anh Việt, nơi này trường học cách nhà mấy bước chân, con cái đi học, vợ chồng không còn phải cắt cử nhau ở nhà trông mà sẽ xin vào làm công nhân cho mấy nhà máy sản xuất gạch ở phía đối diện khu tái định cư. “Hai người cùng đi làm, thu nhập chắc chắn sẽ tăng. Nếu vợ chồng có thu nhập chừng 12 triệu đồng/tháng thì cố gắng tằn tiện chừng 3 năm sẽ trả xong tiền xây nhà. Sau đó, vợ chồng sẽ dành dụm tiền để mua thêm mấy sào đất rẫy”-anh Việt rủ rỉ.

Ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai-thông tin: Cả 67 hộ di dân từ miền núi phía Bắc vào đều thuộc diện nghèo, cận nghèo. Dự án di dân này không chỉ có ý nghĩa giúp họ an cư lạc nghiệp mà còn góp phần thay đổi diện mạo của xã, rút ngắn khoảng cách với các địa phương khác trong huyện. Xã cũng đã làm việc với ngành chức năng của huyện để mở lớp dạy nghề nông thôn, tạo điều kiện cho vay vốn ngân hàng để các hộ dân phát triển kinh tế gia đình.

…Chiều tối, khu tái định cư Drôk rực rỡ ánh điện, làm sáng bừng một góc núi Chư A Thai. Không gian như thêm phần sống động bởi tiếng loa kẹo kéo phát bản nhạc vui tươi từ một ngôi nhà giữa khu. Gần đó, 2 cửa hàng tạp hóa nhộn nhịp người vào ra. Một cuộc sống mới đang trỗi dậy nơi làng tái định cư này.

 

 NGUYỄN TÚ
 

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.