Danh thắng biến dạng-Bài 1: Còn đâu thời vang bóng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sự phát triển quá nhanh các hoạt động du lịch nhưng thiếu quy hoạch đồng bộ đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân cư, văn hóa bản địa, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, đe dọa phát triển du lịch trong tương lai. 

Năm 2017, du lịch Việt Nam đã phục vụ 86 triệu lượt khách, trong đó đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2016. Lần đầu tiên, Việt Nam lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh các hoạt động du lịch nhưng thiếu quy hoạch đồng bộ đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân cư, văn hóa bản địa, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, đe dọa phát triển du lịch trong tương lai. Báo SGGP khởi đăng loạt bài về thực trạng các khu danh thắng đang bị biến dạng bởi sự phát triển du lịch ồ ạt và lời giải nào cho bài toán phát triển, bảo tồn du lịch của các địa phương.

 

Phố cổ Đồng Văn bị che khuất bởi các bảng hiệu dày đặc.
Phố cổ Đồng Văn bị che khuất bởi các bảng hiệu dày đặc.

Những cái tên như Sa Pa - Lào Cai, Đồng Văn - Hà Giang, Tam Đảo - Vĩnh Phúc... từ lâu đã là những địa danh du lịch nổi tiếng với những lợi thế đặc biệt do thiên nhiên ưu đãi và văn hóa bản địa đặc sắc của các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam. Trong ký ức nhiều người, đó là những miền đất mơ mộng, lãng mạn, đẹp như trong cổ tích. Thế nhưng, quay lại những địa danh trên vào thời điểm này, không ít người thất vọng.

Miền cổ tích không còn bình yên…

Khi nghe tin chúng tôi chuẩn bị có một chuyến du hành các tỉnh phía Bắc để “hưởng rét”, cô bạn vốn là phóng viên thích xê dịch khuyên can: “Đi đâu cũng được, trừ Sa Pa nhé. Em mới đi về, chán toàn tập. Sa Pa giờ là đại công trường của xe ben, cát, bụi và rác” và thế là chúng tôi quyết định chọn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) để được yên bình hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.

Thế nhưng, lần trở lại này, ngay từ đầu con đèo dốc đã là một cơn ác mộng với những bụi bặm từ công trường mở rộng đường vào. Càng đi vào sâu khu trung tâm, tiếng đập chan chát của công trường thi công càng vang lên dồn dập. Những con đường nhỏ vắng vẻ, trong lành ngày nào hoàn toàn biến mất, thay vào đó là những con đường xuống cấp, bụi bặm và chật chội.

Khu vực quảng trường trung tâm trước đây là những con dốc, con đường nhỏ, nay trở thành một công viên có từ ghế đá, bập bênh, xích đu tới đài phun nước, vườn hoa và dòng chữ Tam Đảo bằng bê tông đập vào mắt du khách.

Chưa hết, một quán cà phê to đùng án ngữ ngay ở trung tâm khiến Tam Đảo trở nên lạ lẫm. Càng lạ lẫm hơn khi vào đến phòng khách sạn, bước ra ban công, phóng tầm mắt là thấy một công trường ngổn ngang, bụi mù mịt; nhà cửa san sát, chật chội bởi không gian bị cơi nới vô tội vạ.

Nhìn sang bên cạnh, đường lên nhà thờ đá cổ nổi tiếng giờ được giăng mắc bởi hàng hóa, nón, áo... Phía trước là hai, ba quán nướng khói xen lẫn bụi. Như để vớt vát, chúng tôi rảo bộ một vòng để tìm lại chút dư vị của một Tam Đảo bình yên. Sau một hồi bị lạc lối bởi những con đường có vô số khách sạn lớn nhỏ mới xây, đang xây, thác Bạc hiện ra chỉ còn là một dòng nước nhỏ xíu, khai mùi nước tiểu…

Rời Tam Đảo trong nỗi thất vọng, chúng tôi quyết định quay trở lại Sa Pa để xem lời cô bạn nói “chán toàn tập” đến mức độ nào. Và quả thật, Sa Pa - thành phố trong sương đã không còn như thuở chúng tôi đặt chân đến cách đây 20 năm, khi còn là những cô cậu sinh viên. Khi ấy, Cát Cát vẫn là bản người Mông hoang sơ, chưa có dấu vết của dịch vụ du lịch. Núi Hàm Rồng là nơi thu trọn Sa Pa trong tầm mắt. Fansipan là giấc mơ, bởi muốn lên đỉnh núi cao nhất Đông Dương này chỉ có mỗi cách cuốc bộ 2 đến 3 ngày đường mà thôi.

 

Các phiên chợ vùng cao luôn là điểm hấp dẫn du khách.
Các phiên chợ vùng cao luôn là điểm hấp dẫn du khách.

Và giờ đây, trước mắt tôi, Sa Pa hiện ra với cảnh đường sá, xe cộ, nhà cửa, khách sạn đan cài, chật như nêm. Ngang qua tòa án thị trấn được xây dựng hoành tráng, ngôi chợ mới tấp nập du khách. Có lẽ, nhờ ngôi nhà thờ Đá cổ kính mà tôi thoáng thấy Sa Pa của ngày xưa cũ. Thị trấn nhỏ như lòng bàn tay nhưng chiếc xe du lịch 45 chỗ ì ạch mãi mới về được khách sạn trên đường Hoàng Liên, cũng nằm ngay trung tâm bởi đường sá Sa Pa ngày cuối tuần ùn tắc không kém Hà Nội giờ tan tầm.

Đồng Văn mất kiến trúc cổ

Điều nuối tiếc nhất trong chuyến đi của chúng tôi đến với những điểm du lịch phía Bắc chính là khu phố cổ Đồng Văn. Được bao bọc bởi tầng tầng lớp lớp những dãy núi đá tai mèo sắc nhọn, song cơn bão du lịch cũng đã tràn đến phố cổ nơi đây.

Phố núi dịu dàng, bình yên của bao năm bỗng chốc được khoác lên mình tấm áo mới với xanh đỏ lòe loẹt của đèn màu, bởi nhấp nhô to nhỏ đủ loại biển hiệu của hàng quán, homestay…

Lẫn trong tiếng khèn réo rắt của đoàn văn công biểu diễn trong quán cà phê phố cổ thì ngoài kia, nhạc trẻ, nhạc vàng đủ loại tạo nên một không gian hỗn độn. Sẽ không quá nếu ví Đồng Văn giống như một thôn nữ lần đầu khoác lên mình đầm tây, giày cao gót… vừa lúng túng, vừa ngượng nghịu.

Với nét kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của người dân vùng cực Bắc, cộng tuổi đời hàng trăm năm, khu phố cổ Đồng Văn đã được Bộ VH-TT-DL xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng trong việc phát triển du lịch trên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Dù đã chuẩn bị trước tâm lý rằng vạn vật sẽ thay đổi, ngoài ký ức thì mọi điều không có gì là vĩnh cửu, thêm nữa 10 năm là quãng thời gian quá dài để một đứa trẻ kịp trưởng thành…, nhưng lữ khách từ dưới xuôi như tôi vẫn không khỏi bất ngờ bởi sự đổi thay quá nhanh ở nơi này.

Nếu không thật tinh ý, không nhìn vào tấm biển chỉ dẫn thì không ai nghĩ rằng mình đã đặt chân tới khu phố từng một thời được coi là nơi hội tụ không gian văn hóa đậm sắc bản địa nhất của phố núi miền Tây Bắc, nơi đang giấu trong mình những kiến trúc tổng hòa văn hóa của người Mông, Dao, Lô Lô, Hà Nhì...

Khu phố cổ nằm bao trọn quanh khu chợ Đồng Văn xưa hấp dẫn đến ma mị bởi những vách nhà trình tường, bởi lớp ngói âm dương phủ màu thời gian thì nay đã chìm lấp bởi nhà bê tông cốt thép kiên cố. Những ngôi nhà cổ xưa còn sót lại nơi này sau nhiều lần tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp, hay sửa chữa cho phù hợp với cuộc sống hiện đại cũng đã khoác lên một lớp áo mới.

Vì thế, sau một thời gian du khách xót xa bởi sự tương phản đối lập cũ - mới, thì nay đến cảm xúc này cũng không còn nhiều, bởi lẽ 100% nhà thuộc khu vực phố cổ đều chuyển công năng sang phục vụ du lịch. Đâu đâu cũng thấy nhà trọ bình dân, quán cà phê, cửa hàng lưu niệm, quán ăn đồ Việt…

Điều may mắn còn lại

May mắn thay, phía sau dãy phố cổ… vẫn còn thấp thoáng bóng dáng của tường rào đá với những bậc thang dẫn lên hiên nhà bằng đá khối nguyên tảng được thời gian bào mòn trở nên bóng loáng.

Vẫn còn đó vài ba ngôi nhà trình tường với khung cửa gỗ nâu sậm, bờ vách nứt nẻ in hằn dấu của thời gian, còn đó một miếng đất nhỏ đầu hiên nhà với cây đào đang đâm chồi nảy lộc. Phía dưới kia, rặng xương rồng đang trổ bông đỏ rực như những đốm lửa làm sáng bừng không gian lạnh lẽo nơi phố núi.

Chính ở những căn nhà này chứ không phải dãy phố cổ ngoài kia, khu chợ mới được di dời khỏi trung tâm du lịch, điểm hẹn của mỗi phiên chợ cuối tuần, nơi mà đồng bào phải men theo hai quả núi từ tờ mờ sớm để đem nông sản xuống trao đổi, giao lưu gặp gỡ mọi người, để tụ tập, hẹn hò… mới thực sự là điểm cộng của du lịch thị trấn vùng biên Đồng Văn.

Cuối tuần, du khách đổ về phố cổ ngày một đông nhưng hiếm hoi lắm mới nhìn thấy một dáng váy xòe cách tân của đồng bào Mông, một nếp áo thâm của người Dao… thấp thoáng trong những quầy bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. Nhiều người đã phải thốt lên rằng, so với Sa Pa, có lẽ nơi này còn chịu ảnh hưởng của cơn lốc đô thị hóa nhanh hơn, nhiều hơn.

Câu chuyện về phố cổ Đồng Văn thực ra không hề mới. Nó chỉ là câu chuyện lặp lại ở Hội An (Quảng Nam), Đường Lâm (Hà Nội), phố cổ Hà Nội… Việc những kiến trúc cổ bị xâm lấn bởi các công trình kiến trúc hiện đại, bị mai một bởi nhu cầu phát triển cũng đồng nghĩa với việc sức hấp dẫn của những điểm đến này dần phôi pha.

Sẽ ra sao nếu những điểm mạnh, được coi là hút khách du lịch nhất lại đang teo tóp? Có thể những người dân bản địa chưa hiểu rõ được hệ lụy của việc phát triển ồ ạt, nhưng những người làm công tác quản lý du lịch lẽ nào chưa thấy sốt ruột?

Lê Ngọc-Bích Quyên-Mai An/sggp

Có thể bạn quan tâm

Cầm dao đi “gõ” sầu riêng, kiếm tiền triệu mỗi ngày

Cầm dao đi “gõ” sầu riêng, kiếm tiền triệu mỗi ngày

Những ngày này, nhà vườn trồng sầu riêng tại huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) vào vụ thu hoạch. Đây cũng là lúc tạo công việc thời vụ với mức thu nhập cao cho hàng trăm người. Cứ mỗi vụ mùa như thế này, với những người lành nghề, nhiều kinh nghiệm, việc cầm dao đi “gõ” sầu riêng cũng có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Đam mê cùng với trẻ vùng cao

Đam mê cùng với trẻ vùng cao

Theo người dân dẫn đường, đoàn Câu lạc bộ từ thiện Nụ cười hồng (thành phố Đà Nẵng) đi bộ dọc núi lên Nóc (làng) Ngọc Nâm, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Lần này, đoàn mang theo rạp chiếu phim trên núi số 6, trạm điện năng lượng mặt trời số 17 và hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt cho các hộ dân.
Cào sò ở vịnh Xuân Đài

Cào sò ở vịnh Xuân Đài

Khi triều cường xuống, vịnh Xuân Đài (TX.Sông Cầu, Phú Yên) lộ ra bãi bùn cát trải dài. Đó là lúc vùng vịnh này trở nên nhộn nhịp bởi những người mưu sinh bằng nghề cào sò.
'Bố già' xóm chân cầu

'Bố già' xóm chân cầu

Là người đầu tiên sinh sống ở bãi giữa sông Hồng rồi từ từ mà tụ họp thành cả một xóm ngụ cư như hiện nay, dân ở đây coi ông Được Đen như trưởng làng của mình. Trẻ con sinh ra ở cái xóm chắp vá này, được người thầy đầu tiên là ông Được dạy chữ. Lại cũng là ông, chạy vạy ngược xuôi để đám trẻ ấy có giấy khai sinh, có thể đến trường lớp đàng hoàng...
'Tổ quốc nhìn từ biển…': Niềm tin và khát vọng

'Tổ quốc nhìn từ biển…': Niềm tin và khát vọng

Trở lại quê hương với khát khao có thêm hiểu biết về tình hình chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, những người con đất Việt xa xứ đã chia sẻ nhiều câu chuyện trong việc góp phần gìn giữ bản sắc của người Việt ở nơi định cư, lập nghiệp mới, với niềm tin và khát vọng hướng về đóng góp cho nơi mình được sinh ra.
Nữ chính trị viên phó sắm hai vai

Nữ chính trị viên phó sắm hai vai

Có rất nhiều điều để kể về Nguyễn Thị Yến, Bí thư Đoàn xã kiêm Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự (CHQS) xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, nhưng trên hết là sự nhiệt tình, năng nổ, trách nhiệm với công việc dù ở vai trò nào. Chị từng là một trong những cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và giành nhiều giải thưởng cao trong các hội thi, hội thao quân sự của huyện và thành phố.
Lớp học tình thương của anh bảo vệ dân phố

Lớp học tình thương của anh bảo vệ dân phố

Với mong muốn giúp những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn có được cái chữ, phép tính để thay đổi cuộc đời, tránh bị kẻ xấu dụ dỗ vào con đường lầm lạc, bằng nguồn kinh phí ít ỏi từ phụ cấp làm bảo vệ dân phố và làm công nhân khu công nghiệp, anh Trần Lâm Thắng, ngụ khu phố Long Bửu, phường Long Bình, TP Thủ Đức đã mở lớp học tình thương.
Muôn nẻo tình thầy

Muôn nẻo tình thầy

Khi những ngày cuối của năm học 2022-2023 sắp kết thúc, hai câu chuyện ở hai vùng miền đất nước (Hà Giang, Kon Tum) đã khiến biết bao người rưng rưng và càng thêm khâm phục, chia sẻ những gian khó, hiểm nguy và cả tấm lòng, sự tận tâm, tận tụy, đức hy sinh của những người giáo viên nơi vùng khó.