Dấn thân vì bệnh nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thực hiện thiên chức, là hiện thân của trí tuệ, sự đồng cảm và sẵn sàng hi sinh vì người bệnh. Dù bất cứ nơi nào đi nữa, cán bộ nhân viên y tế - những người ở tuyến đầu - luôn là những người trực tiếp đối phó với dịch COVID-19, cứu người.
 
Bác sĩ khám cho bệnh nhân nhiễm virus corona đầu tiên ở Việt Nam (nay đã khỏi bệnh) - Ảnh: D.PHAN
Hàng loạt hình ảnh nhân viên y tế kiệt sức vì làm việc quá tải, những cái chết bi thương không tránh khỏi của người thầy thuốc trước sự tấn công như vũ bão của virus corona, những giọt nước mắt nhớ thương gia đình của họ khi chưa được phép gặp người thân...
Sự cống hiến thầm lặng và hi sinh của người thầy thuốc chưa bao giờ trở nên rõ ràng, cụ thể như lúc này.
Thế nhưng ngành y tế cũng hứng chịu nhiều cay đắng, bạc bẽo. Trong một khu vực cách ly người nghi ngờ nhiễm bệnh, một bác sĩ cầm kết quả xét nghiệm báo tin mừng cho một người nghi nhiễm, nhận kết quả âm tính virus corona.
Người đó không vui mà ngay lập tức còn mắng bác sĩ: "Mừng cái con khỉ! Sao không báo ngay từ đầu? Bác sĩ gì mà không biết trước gì ráo, hơn mười ngày nay ở đây, tui bỏ biết bao công ăn việc làm".
Một trường hợp khác ở một tỉnh du lịch miền Trung, du khách 7 tuổi, người nước ngoài, cùng gia đình đi du lịch, khi du khách này đến sân bay quốc tế để về nước, đơn vị kiểm dịch tại sân bay phát hiện du khách bị sốt, không cho xuất cảnh, tạm thời đưa về bệnh viện tỉnh để kiểm tra, theo dõi.
Bệnh viện đưa bệnh nhân vào khu cách ly, lấy mẫu xét nghiệm theo quy trình. Các bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện tận tình chăm sóc, phục vụ ăn uống cho người bệnh. Nhưng mẹ của bệnh nhân liên tục gọi vào điện thoại di động của giám đốc bệnh viện để chửi mắng. Còn bố bệnh nhân thì ném đá vào bệnh viện, cầm dao dọa chém các bác sĩ, dọa hành hung nhân viên.
Nhìn vào nỗ lực phòng dịch trong quá khứ như dịch SARS, những bệnh nhân vào viện trong tình trạng sống chết trong gang tấc, bác sĩ sẵn sàng lao ra cứu họ mà trên người không hề có phương tiện bảo hộ nào.
Khi cứu người bệnh, không ai nghĩ cứu để được khen thưởng, được cảm ơn, mà đó là sự hi sinh. Bảy thầy thuốc đã qua đời trong dịch SARS tại Việt Nam. Trong mùa dịch virus corona lần này, chúng tôi cũng càng nhớ nhiều về đồng nghiệp của mình.
Người thầy thuốc luôn chấp nhận, vượt qua mọi thử thách, chỉ cần cứu sống được bệnh nhân là hạnh phúc. Từ các anh chị điều dưỡng cho tới bác sĩ đều coi chuyện chữa trị cho bệnh nhân là lẽ đương nhiên.
Như điều dưỡng Vy ở Bệnh viện Khánh Hòa, khi nhắc đến bệnh dịch, cười tươi cho biết: "Mới đầu sợ thật, mang 2-3 lớp bảo hộ, riết rồi thấy bệnh nhân là lao vào hỗ trợ thôi". Còn điều dưỡng Thắng nói: "Ai cũng sợ, lấy ai điều trị cho bệnh nhân? Mà đã sợ, đừng làm ngành y".
Ngay chị hộ lý Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho biết chị làm hộ lý ở khu cách ly phải kiêm luôn người phục vụ ăn uống, nhu cầu cá nhân của bệnh nhân vì không có gia đình bên cạnh.
Chị Diệp nói: "Tôi công tác nhiều năm, trải qua 3-4 mùa dịch từ H1N1, H5N1, SARS... nên quen với việc tiếp xúc bệnh nhân, cũng đã có kiến thức để phòng tránh cho bản thân. Khi tiếp xúc với bệnh nhân, tôi động viên, hỗ trợ họ, tạo được sự thân thiện, gần gũi để họ an tâm điều trị".
Ở tỉnh Vĩnh Phúc, khi dịch COVID-19 lan rộng, xã Sơn Lôi của huyện Bình Xuyên bị cách ly toàn bộ trong 20 ngày, Sở Y tế Vĩnh Phúc đã cử ngay 65 y bác sĩ từ khắp các bệnh viện đóng trên địa bàn tỉnh đến huyện này.
Phần lớn trong số các y bác sĩ nói trên đến hỗ trợ với tinh thần tình nguyện. Trực tiếp ăn, ngủ, khám chữa bệnh cho người dân ở xã Sơn Lôi.
Tại Hà Nội, khi thành phố quyết định cử nhân viên y tế đến Vĩnh Phúc hỗ trợ chống dịch COVID-19, 3 cán bộ thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố gồm 2 bác sĩ và 1 lái xe đã tình nguyện tham gia.
Tương tự tại Bệnh viện Bạch Mai, dù lãnh đạo bệnh viện thông báo không bắt buộc nhân viên y tế tham gia chống dịch COVID-19 ở Vĩnh Phúc mà dựa trên tinh thần tình nguyện, thế nhưng danh sách đăng ký vào vùng dịch nhiều hơn dự kiến.
Các bác sĩ tình nguyện vào "tâm dịch" bởi đó là trách nhiệm với cộng đồng, tất cả vì bệnh nhân, bởi khi bước vào cổng trường y, ai cũng hiểu sứ mệnh của mình là thế nào. Họ sẵn sàng bỏ lại gia đình phía sau để dấn thân, tất cả vì bệnh nhân.
Chúng ta vững tin rằng mọi trận dịch rồi sẽ đi qua, những người thầy thuốc chúng tôi tiếp tục làm tốt nhất nhiệm vụ của mình, thực hiện thiên chức của người thầy thuốc là cứu người, là hiện thân của trí tuệ, lòng nhân từ, sự đồng cảm và sẵn sàng hi sinh bản thân vì người bệnh.
Chúng tôi hiểu rằng khi gặp khó khăn cũng là lúc con người ta có cơ hội để phát triển bản thân, có cơ hội để thể hiện bản lĩnh vượt khó, thể hiện lòng yêu thương và trách nhiệm với cộng đồng.
Chúng tôi tri ân tất cả các cấp lãnh đạo, tất cả các bộ ngành, tất cả mọi người đồng lòng chung tay với ngành y tế đã và đang phòng chống dịch rất có hiệu quả. Và chúng tôi rất mong sự chia sẻ và thông cảm của cộng đồng.
BS Nguyễn Thành Úc (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Nâng chuẩn an toàn giao thông

Nâng chuẩn an toàn giao thông

Mới đây, Việt Nam đã tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024. Theo số liệu thống kê được thông tin tại buổi lễ, từ tháng 1 - 10, cả nước xảy ra 19.711 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.061 người, bị thương 14.685.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

Chẳng còn gì ngạc nhiên khi nghe chuyện học trò sử dụng ChatGPT và có thể là nhiều hỗ trợ AI khác nữa để "xử đẹp" các bài tập môn này môn kia. Nhưng cũng chẳng có lý do gì để đặt ra chuyện cấm dùng những hỗ trợ đó.

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.