Dân ca của người M’nông ở Đắk Nông (còn gọi là Nau M’pring) là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Nguồn: Báo Ảnh Dân tộc và Miền núi |
Dân ca của người M’nông ở Đắk Nông (còn gọi là Nau M’pring) là hình thức diễn xướng dân gian (không có nhạc đệm) được người M’nông sáng tác, sản sinh từ lao động sản xuất, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được cộng đồng coi là tài sản chung của tộc người.
Nau M’Pring của người M’nông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 2743/QĐ-BVHTTDL ngày 30/9/2020.
Theo Cục Di sản Văn hóa, dân ca M’nông gồm hai thành phần cơ bản là âm nhạc giữ chức năng nhịp điệu, tiết tấu; lời ca thể hiện nội dung, gắn bó với nhau và hỗ trợ cho nhau.
Những bài hát dân ca là lời ăn tiếng nói thường ngày được nghệ thuật hóa, khái quát hóa mang sắc thái dân tộc, địa phương tạo sự phong phú về giai điệu, tiết tấu và tô đậm bản sắc dân tộc trong dân ca của người M’nông. Xét về thang âm, dân ca M’nông có đủ các thể từ thang 3 bậc âm, 5 bậc âm, 6 bậc âm và 7 bậc âm. Tuy nhiên, người M’nông dùng chủ yếu là thang 5 âm (có hoặc không có bán âm).
Ngôn ngữ của dân ca M’nông rất gần với lời nói hằng ngày. Nguồn: Báo Ảnh Dân tộc và Miền núi |
Nội dung cơ bản của dân ca M’nông thường đề cập đến sự hình thành của vũ trụ, con người và xã hội; ngôn ngữ rất gần với lời nói hằng ngày. Phương pháp sử dụng tục ngữ và thành ngữ được vận dụng một cách sáng tạo để khắc họa tính cách của nhân vật và sự việc.
Ngoài ra, Dân ca M’nông là thể loại giàu chất trữ tình, những câu hát có hình ảnh, nhịp điệu, có vần điệu… Chủ đề của lời hát còn được dùng trong các nghi lễ và những điệu hát khấn thần. Chính nhờ hình thức này mà dân tộc M’nông đã dựng nên những pho sử thi rất hoành tráng, có dung lượng dài đến hàng nghìn câu.
Những bài hát dân ca của người M'nông được phân thành nhiều thể loại như các bài hát ru con, các khúc hát ngắn tả các con vật, khúc hát của các chúa tể thời xa xưa, những bài hát minh họa một sự kiện nào đó thường rất gần… nhưng quan trọng nhất là các bài hát về tình yêu.
Dựa vào nội dung của các bài hát dân ca M’nông, có thể phân loại theo hai nhóm: hình thức diễn xướng và hình thức nghi thức.
Ngoài việc phân loại dân ca dựa vào nội dung bài hát, dân ca M’nông có thể chia thành các thể loại như: dân ca gắn với lao động sản xuất, phong tục tập quán, sinh hoạt và nghi lễ tín ngưỡng.
Không gian diễn xướng của dân ca M’nông rất rộng, bao trùm toàn bộ môi trường sinh sống của người M’nông. Sau các nghi lễ trang trọng, người ta quây quần bên các ghè rượu thưởng thức những đồ ăn, thức uống mang linh khí của các thần bảo mệnh, rồi thả hồn vào những bài hát dân ca, ca ngợi quê hương, làng bản.
Hình thức hát dân ca tương đối tự do. thoải mái, không bị câu thức bởi lễ nghi, phép tắc diễn xướng. Người nghệ nhân bằng giọng hát của mình, đặt chỗ lấy hơi, chọn nơi thêm luyến láy, từ phụ, hư từ làm cho lời hát sinh động. Giọng, điệu, lời hát, cách sử dụng ngữ điệu, ngữ khí, sắc thái là những phương tiện cơ bản của diễn xướng mà nghệ nhân hát dân ca cần có để có thể diễn xướng được những bài dân ca M’nông.
Dân ca M’nông góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, khích lệ quá trình lao động và sinh hoạt cộng đồng. Nguồn: Dân tộc và Phát triển |
Dân ca của dân tộc M’nông mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, gắn liền với sự hình thành và phát triển của cộng đồng người M’nông. Dân ca M’nông để giao tiếp giữa con người với thế giới siêu nhiên, hát về tình yêu đôi lứa, ca ngợi những chàng trai anh dũng chống lại cái ác để bảo vệ buôn làng, thiên nhiên tươi đẹp.
Dân ca M’nông góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, khích lệ quá trình lao động và sinh hoạt cộng đồng. Dân ca M’nông bảo vệ và trao truyền các tri thức về tự nhiên, xã hội và con người như: các hiện tượng nắng, mưa, gió, bão, sấm sét, đêm ngày, núi rừng, sông suối, ao hồ, đầm lầy, trời đất...; ứng xử với tự nhiên trong lao động sản xuất, săn bắt, hái lượm...; ứng xử giữa con người với nhau; về văn hóa vật chất (ăn, mặc, ở…) và văn hóa tinh thần (nghi lễ, lễ hội, phong tục, tập quán...)…
Dân ca M’nông góp phần cố kết cộng đồng, giáo dục các thế hệ về ý thức cội nguồn dân tộc, bản sắc tộc người, đạo đức trong gia đình và trong cộng đồng, tình yêu đôi lứa, trao truyền kinh nghiệm lao động sản xuất… để truyền dạy cho thế hệ sau.