Đàn bò nơi 'chảo lửa' Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Krông Pa, nơi được xem là “chảo lửa” của Gia Lai với cái nắng nóng khắc nghiệt bao đời nay, nhưng thiên nhiên lại không hề bạc đãi mảnh đất này bởi có bao sản vật. Trong số đó, có sản phẩm từ thịt bò nức tiếng trong và ngoài nước!

Gia Lai với diện tích đứng thứ hai VN và đang có đàn bò đứng đầu cả nước với khoảng 415.000 con. Trong đó, H.Krông Pa có tổng số bò nhiều nhất tỉnh, hơn 63.000 con. Vì thế, có câu nói vui: “Dân số Krông Pa đông không… bằng bò!”. Điều đặc biệt là thịt bò ở đây ngon nức tiếng, được chế biến thành nhiều sản phẩm như khô bò, bò một nắng hay các món ăn khác từ bò được tiêu thụ trong tỉnh, xuất đi khắp nơi.

Đàn bò có thương hiệu

Hầu như gia đình nông dân nào ở H.Krông Pa cũng đều chăn nuôi bò. Đấy như là tập tục bao năm trong cộng đồng bản địa. Bò dùng để định giá vật phẩm trong trao đổi, làm thịt trong dịp lễ hội, ma chay, cưới hỏi hay làm của hồi môn khi dựng vợ gả chồng cho con cái... Đủ cả!


 

 Krông Pa - nơi có đàn bò lớn nhất Gia Lai. Ảnh: Trần Hiếu
Krông Pa - nơi có đàn bò lớn nhất Gia Lai. Ảnh: Trần Hiếu


Nhiều năm nay, khi máy móc được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp, bò cũng không còn được sử dụng làm sức kéo. Nó chỉ còn giá trị thương phẩm. Với hơn 700 ha đất dùng để trồng cỏ cùng 24.000 ha đồng cỏ tự nhiên và khoảng 160.000 ha rừng, nơi đây thật là thiên đường lý tưởng cho đàn bò liên tục sinh sôi nảy nở, nhân đàn. Thường xuyên, xe tải từ trong đến ngoài tỉnh đều ghé đến các thương lái ở đây mua bò rồi tỏa đi các nơi. Đấy là nguồn sinh kế bền vững giúp cho hàng ngàn hộ nông dân có cuộc sống ổn định, hình thành thêm những vùng dân cư trù phú nhờ chăn nuôi bò, trồng thuốc lá và nhiều loại cây trồng cạn khác.

Với một huyện có tổng đàn bò khủng vậy, kể cũng đã rất lạ ở VN rồi!

Người dân bản địa Jrai bao đời nay đều không thể lý giải được tại sao thịt bò ở đây lại ngon hơn nhiều so với vùng khác. Thớ thịt chắc, thơm ngon, chế biến thành món ăn rất ngọt với những đặc trưng riêng có. Quả vậy, có hề gì và họ cũng chưa cần đến những lý giải có căn cứ khoa học về điều này. Họ chỉ biết: Tại vì…nó ngon! Vậy nên ở Krông Pa có câu cửa miệng: “Về đến Krông Pa mà chưa thưởng thức món thịt bò thì xem như… chưa đến!”.

Hàng ngàn con bò từ vùng đất này mỗi năm được xuất đi khắp nơi làm thực phẩm cũng là đã bảo chứng vàng cho sự ngon của thịt bò nơi đây.

Thú vị về Krông Pa

PV Thanh Niên đã có dịp được trò chuyện với ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN-PTNT H.Krông Pa. Gắn bó với đất Krông Pa từ thuở tóc còn xanh, đến nay ông Duyên cũng đã ngót nghét hơn 40 năm công tác. Từ số liệu, đặc điểm cây trồng, vật nuôi ở các làng xã, ông có thể nói vanh vách mà không cần phải nhìn vào sổ sách, tài liệu nào. Vì thế, rất nhiều năm qua, ông Duyên được cánh phóng viên ở Gia Lai xem là “bách khoa thư” của H.Krông Pa.

Lý giải về nguyên cớ khiến thịt bò Krông Pa ngon so với nhiều vùng khác ở VN, ông Duyên nói: “Có 2 nguyên tố hết sức quan trọng là kali và natri trong quá trình trao đổi chất của con bò. Qua một số nghiên cứu, đồng đất Krông Pa chứa hàm lượng kali tự nhiên rất cao giúp tăng khả năng trao đổi chất của con bò qua hấp thụ thức ăn. Do vậy, bò ở đây phát triển nhanh, mắn đẻ, chịu được kham khổ, có sức bền tốt. Bằng chứng là 2 địa phương liền kề là TX.Ayun Pa (Gia Lai) và H.Sơn Hòa (Phú Yên), điều kiện tự nhiên cũng có một số yếu tố tương tự, bầy bò đông đúc song nói về chất lượng thịt bò không thể sánh được với bò Krông Pa”.

 

H’Rơnl, cô con gái út của “Vua bò” Ama Doa với đàn bò được cha chia
H’Rơnl, cô con gái út của “Vua bò” Ama Doa với đàn bò được cha chia.


Theo ông Duyên, thịt bò Krông Pa ngon nhất là vào dịp cuối năm. Thời điểm này, cây cỏ đâm chồi nảy lộc. Con bò ăn nguồn thức ăn dồi dào này vào cũng như được thưởng thức cả hương trời khí đất tích tụ lại. Lúc giao thời giữa năm cũ năm mới, khí trời cũng dịu lại, không nắng nóng như bình thường. Thịt bò vào mùa này rất mềm, thớ thịt màu đỏ tươi. Khi thưởng thức, dù nấu món gì cũng có mùi thơm hết sức quyến rũ, đặc trưng.

Những năm gần đây, trong chương trình cải tạo đàn bò, huyện này đã lựa chọn một số giống bò lai phù hợp đưa về hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân. Bò lai có ưu điểm là có giá trị kinh tế cao, giúp cải tạo đàn bò nhà của địa phương. Đã có hàng ngàn con bò lai phát triển tốt ở vùng “chảo lửa”.

Ngoài chuyện đàn bò, huyện này cũng có thêm nhiều thứ nổi tiếng khác như có 1.000 ha dưa hấu với sản lượng 40.000 tấn mỗi năm, tương đương 25% sản lượng dưa hấu của VN; 2.000 ha thuốc lá vàng - diện tích lớn nhất Tây nguyên; 22.000 ha mì…

Phẩm vật Cao Nguyên

Vì sở hữu số giờ nắng cao nhất Gia Lai với hơn 1.600 giờ/năm nên ở Krông Pa, người dân còn sáng tạo nên sản phẩm bò một nắng nức tiếng. Trước đây, người dân khi làm bò còn thừa thì lấy số thịt đó tẩm ướp, phơi khô. Khi cần thì đem nướng lên chấm với muối kiến - loại muối được làm bằng cách bắt kiến vàng về rang lên, giã nát với muối hạt, ớt quả chín nướng lên và chút ít bột ngọt. Ban đầu chỉ là thức ăn chơi trong cộng đồng Jrai ở đây. Lâu dần, nhiều người ăn và đâm nghiện bởi vị thơm của bò, vị đậm đà của muối kiến đã làm nên thứ mỹ vị Jrai đầy mê hoặc. Sản phẩm này vì thế đã có mặt không chỉ địa phương mà còn đến nhiều nơi trong cả nước cũng như nước ngoài.

Chị Đinh Thị Hậu, chủ cơ sở bò một nắng Tuấn Hậu nổi tiếng ở H.Krông Pa, cho biết: “Bò một nắng Krông Pa được làm từ phần ngon nhất của con bò là thịt đùi. Sau khi tẩm ướp gia vị, thịt bò được đem phơi dưới cái nắng như đổ lửa ở đây. Phơi một ngày, gọi là “một nắng”. Lấy miếng bò nướng trên bếp than hồng khi vừa ngửi được mùi thơm là ăn được. Nếu nướng kỹ quá bò sẽ bị dai, mất vị ngọt thơm. Khi bò một nắng bán đi đều kèm thêm hũ muối kiến để khách có thể thưởng thức đầy đủ phong vị ẩm thực đặc sắc này”.

Mỗi năm, hàng tấn thịt bò một nắng như thế đã tỏa đi các nơi như một thứ vật phẩm nức tiếng từ vùng đất “chảo lửa”. Mới đây, sản phẩm bò một nắng Gia Lai được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp chứng nhận bảo hộ. Đây là lợi thế lớn giúp sản phẩm vươn xa hơn nữa.

Nhắc đến bò Krông Pa mà không nhắc đến “Vua bò” Ama Doa thì quả là sai lầm. Ông tên thật là Ksor Det ở buôn Thim, xã Phú Cần, H.Krông Pa. Sở dĩ gọi là Ama Doa bởi con trai đầu của ông tên Doa - Ama Doa nghĩa là bố của thằng Doa theo cách gọi của người Jrai nơi đây. Lúc nhiều nhất, ông có đến gần 500 con bò. Số bò này ông cho người bản địa ở các buôn làng nuôi rẽ. Mỗi con bò cái đẻ hai con thì ông được một con, người nuôi được một con.

Không ít hộ Jrai nhờ nhận nuôi bò rẽ (nuôi bò rẽ là hộ có bò cho hộ có hoàn cảnh khó khăn nhận nuôi, sau khi bò sinh sản sẽ chia đều cho cả hai bên) của ông đã thoát nghèo, trở nên khấm khá. Ama Ngun ở buôn Lăk, xã Ia R’mok là một trường hợp như thế. Ngun nhận nuôi rẽ bốn con bò gồm hai cái hai đực. Sau gần 6 năm nhận nuôi rẽ, bò lớn đẻ bò bé, bò mẹ đẻ bò con, gia đình Ngun đã sở hữu hơn mười con bò lớn bé. Anh Ngun xúc động: “Nhờ tiền bán bò mà mình xây được nhà, lo được nhiều việc và còn hơn chục con bò làm vốn. Không có Ama Doa chắc nhà mình chẳng biết khi nào hết cơn khổ. Mình biết ơn ông lắm!”.

Vợ chồng “Vua bò” có tám người con. Khi ông mất (năm 2020), thọ đến 88 tuổi, toàn bộ bò được chia hết cho con cái trong nhà. Đám tang của ông cũng được xem là lớn nhất từ trước đến giờ trong cộng đồng Jrai. Hơn 10 con bò đã được làm thịt để phục vụ lễ cúng và ăn uống cho người đến viếng.

Cô con gái út của “Vua bò” là H’Rơnl kể: “Hồi trước cha mình đều làm lễ cúng bò mỗi năm. Lúc đó, tất cả những người nhận nuôi bò rẽ ở các làng, các buôn đều dắt bò về, đứng đỏ cả sân vận động, tràn cả ra đường. Sau này thấy như vậy khổ cho bà con quá nên ông đề nghị bà con không dắt bò đến mà dùng dây thay bò. Mỗi con bò là một sợi dây, ai nhận nuôi bao nhiêu con thì mang đến chừng ấy sợi dây, buộc vào một nơi nào đó. Cha mình mất, những người nhận nuôi bò rẽ dắt bò đến trả, không thiếu một con”.

Theo Trần Hiếu (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.