Đam mê cùng với trẻ vùng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo người dân dẫn đường, đoàn Câu lạc bộ từ thiện Nụ cười hồng (thành phố Đà Nẵng) đi bộ dọc núi lên Nóc (làng) Ngọc Nâm, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Lần này, đoàn mang theo rạp chiếu phim trên núi số 6, trạm điện năng lượng mặt trời số 17 và hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt cho các hộ dân.
Anh Hồ Hoàng Liêm trao quà tặng các em nhỏ.

Anh Hồ Hoàng Liêm trao quà tặng các em nhỏ.

Anh Hồ Hoàng Liêm (sinh 1989), Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết, anh và các thành viên mong muốn mang ánh sáng, mang trí thức lên cho các em nhỏ, tạo bước đệm giúp các em tự mở “cánh cửa” để bản thân có thể nhìn ra được thế giới.

Chiếu phim trên Nóc Ngọc Nâm

Sau một giờ leo bộ, đoàn cũng lên tới điểm trường Ngọc Nâm, thôn 1. Đám trẻ đã chờ sẵn ở đây từ sớm khi nghe tin sẽ có đoàn lên chiếu phim và lắp điện cho các con học.

Trời về chiều, nhóm nhanh chóng đẩy những tấm điện mặt trời lên mái điểm trường để kịp lắp trước khi trời tối. Ba tấm điện đủ cho các thầy, cô giáo cùng học trò sử dụng cho những bóng đèn sáng, máy chiếu và các thiết bị khác. Một nhóm khác tranh thủ chế biến đồ ăn, nấu bữa chiều cho các con.

Điểm trường mẫu giáo và tiểu học Ngọc Nâm có 32 trẻ nhỏ ở các độ tuổi mầm non, lớp một, lớp hai của ba làng: Ngọc Nâm, Tu Reo, Tak Pót (thôn 1). Tại đây chưa có hệ thống điện lưới quốc gia, các hộ gia đình và điểm trường đều sử dụng điện thủy luân và điện năng lượng mặt trời do các mạnh thường quân tài trợ, đủ để chiếu sáng bóng đèn.

Ba tấm điện mặt trời vừa được lắp xong tại điểm trường, hệ thống điện cũng được kích hoạt và hoạt động ngay khi trời vừa chập choạng tối. Những bóng đèn lớn chiếu sáng sân trường nhỏ, nơi đó, những suất ăn tối do các cô, các chú nấu cũng đã sẵn sàng để các bạn nhỏ thưởng thức.

Trước buổi chiếu phim, những chiếc ghế cũng đã được xếp gọn lại thành hàng để các bé xem thoải mái hơn. Em Hồ Minh Dự (chín tuổi) cùng em gái bốn tuổi của mình từ chiều đã được mẹ dẫn đến trường chờ xem phim. Cậu bé và em ngoan ngoãn ăn hết bữa tối với thịt, rau củ, kèm bánh mì. Chị Hồ Thị Thà (28 tuổi) người Xơ Đăng chăm chú quan sát hai con. Chị Thà cho hay, hai vợ chồng chị làm nương rẫy để có thức ăn hằng ngày, ngoài ra, chồng chị đến các làng khác để làm thuê, kiếm tiền thêm cho sinh hoạt.

Ngôi nhà đơn sơ cũng chỉ một vài vật dụng cơ bản, không có gì đáng giá. Dù buổi tối trời mưa, nhưng với sự háo hức của các con, chị Thà vẫn cầm theo áo mưa chờ con xem xong bộ phim mới đưa con về nhà. Chị Thà tâm sự: “Nhà chúng tôi không có tivi, ngày thường thì các con tự tạo ra các trò để chơi với nhau. Bữa nay, lần đầu được xem phim trên màn hình to, thấy con vui tôi cũng vui, kể cả tôi cũng thấy háo hức với mấy bộ phim này”.

Ngay khi phim “Doraemon” được chiếu, những em bé còn chưa ăn xong cũng nhanh chóng ngừng lại, đôi mắt dán chặt lên màn hình lớn, đầy háo hức, đầy tò mò và phút chốc đã bị cuốn hút. Bánh kẹo do đoàn phát lúc đó cũng không còn hấp dẫn nữa. Sau lưng các con, là ba mẹ, là ông bà và mọi người trong thôn cũng chăm chú xem phim. Sau “Doraemon” là “Tôm và Jerry” và những bộ phim khác.

“Có lẽ, đối với chúng tôi, đây là bộ phim tuổi thơ ai cũng đã từng xem qua, còn đối với mọi người trong thôn, gần như là lần đầu được xem” - thầy Nguyễn Văn Tuyên, dạy tiểu học ở điểm trường, phát biểu vậy. Thầy Tuyên người xã Trà Ka (huyện Bắc Trà My). Thầy Tuyên kể, khi thấy trường đăng thông tin về việc thiếu giáo viên dạy, thầy đã đăng ký lên điểm trường này, rồi gắn bó cùng học sinh. “Điểm trường cũng từng có các đoàn tới giao lưu, tặng quà, nhưng hôm nay, những bộ phim đã cuốn hút đám trẻ, ai cũng hứng thú với câu chuyện trên phim. Có lẽ, món quà tinh thần hôm nay sẽ làm các con nhớ hơn bởi nó khác với những điều nơi các con sinh sống, nó tạo ra một sự đón nhận mới”-thầy Tuyên nói.

Lắp điện mặt trời tặng điểm trường.

Lắp điện mặt trời tặng điểm trường.

Câu lạc bộ từ thiện Nụ cười hồng cũng tặng điểm trường bộ máy chiếu, âm thanh cùng các thiết bị để phục vụ việc dạy học sau này cũng như trường tiếp tục chiếu phim cho các em xem. Cùng với đó là hỗ trợ hệ thống đường ống dẫn nước sinh hoạt từ suối về trường, dụng cụ học tập, cặp sách, đồng phục đi học, quần áo mới, chăn màn, sữa, bánh kẹo, áo mưa...

“Cánh cửa” để các con nhìn ra thế giới

Trong nhiều năm thành lập Câu lạc bộ và chọn lựa những hướng đi, và rồi Nụ cười hồng vẫn quyết tâm với dự án lắp đặt trạm điện năng lượng mặt trời cho các điểm trường và mang rạp chiếu phim lên núi cho đám trẻ.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ từ thiện Nụ cười hồng Hồ Hoàng Liêm, bộc bạch: Chúng tôi chọn bắt đầu từ những đứa trẻ, bởi vì chỉ có những đứa trẻ mới thay đổi được tương lai. Nhiều em đa số học tới cấp 1 là đã dừng lại. Từ cấp 2 thì cần xuống núi, là cả một chặng đường rất xa để đi học. Chúng tôi muốn các em cảm nhận được cuộc sống bên ngoài rộng lớn, phong phú như thế nào. Và để có thể “chạm” vào được thế giới đó, các em cần học tập. Chúng tôi mong rằng chương trình sẽ góp phần vào hành trang, tạo động lực giúp các em vượt núi rừng đến trường.

Trong nhiều lần thực hiện lắp điện cho thôn, điểm trường, anh Liêm thấy các thầy, cô giáo vẫn đến từng nhà để vận động các con đi học, gần như đây là việc giáo viên nào ở trên núi cũng làm. Lúc đó anh nghĩ, mình cần làm cái gì đó, vui, hấp dẫn, để lôi kéo các em háo hức đến trường. Vì vậy, anh Liêm đã thử mang phim lên núi chiếu, “rạp” đầu tiên là ở Quảng Nam, thật không ngờ, khi phim được chiếu, tụi nhỏ đã rất thích thú. Lúc đó, mọi người biết rằng, điều này không chỉ thu hút được các em, mà đây còn là công cụ cần thiết hỗ trợ cho việc dạy học cũng như giúp các em hiểu được nhiều điều hơn bên ngoài những dãy núi.

Liêm nhớ, nhiều lần khi hỏi rằng, con biết bên kia núi là gì không? Các con sẽ trả lời là núi. Nên khi thầy, cô giáo tải các nội dung phong phú khác để chiếu cho học sinh xem, học trò sẽ hiểu rằng, đây là thật, là thế giới đang có ở dưới chân núi. Những điều mới mẻ mỗi ngày các con được tiếp nhận sẽ tạo nên hứng thú, động lực đi học, học để có thể tiếp cận những điều mà các con xem.

Bên cạnh đó, bây giờ có rất nhiều cách giảng, bài giảng phong phú, có hoạt hình, hình ảnh, âm thanh sinh động giúp các em dễ nhớ, dễ hiểu. Với thiết bị này, các thầy cô có thể tải về, áp dụng vào trong bài giảng của mình. Học mà chơi, chơi mà học, thầy cô cũng nhàn hơn, bài giảng cũng tươm tất hơn, học trò cũng dễ tiếp thu hơn.

Để chạy được bộ máy chiếu này thì cần có điện, nên đó là lý do anh Liêm phối hợp thực hiện cả hai dự án đối với những điểm trường chưa có điện. Mỗi một chuyến đi như vậy, hệ thống được trao tặng lại trị giá khoảng 60 triệu đồng. Thời gian đầu thực hiện, kinh phí từ các anh em trong câu lạc bộ góp với nhau, rồi cùng làm các đêm nhạc đường phố, phòng trà để gây quỹ. Sau này, chương trình lan tỏa sâu rộng, nhiều mạnh thường quân tới hỗ trợ và cùng tham gia, nên câu lạc bộ cũng may mắn có được nguồn để duy trì các dự án.

Xong rạp này, câu lạc bộ lại đang tiếp tục chuẩn bị cho rạp số 7, bởi có nhiều thầy cô đã liên hệ để được hỗ trợ. Anh Liêm cũng may mắn gặp được những người bạn có cùng tâm huyết nên cũng bắt tay làm luôn, rạp số 8 và những trạm điện khác.

Anh Hồ Hoàng Liêm chia sẻ: “Lúc đầu, tôi nghĩ, Nụ cười hồng sẽ chỉ hoạt động trong 10 năm để cùng nhau đồng hành, thực hiện những mục tiêu đã đề ra. Vậy nhưng, đến bây giờ đã kéo dài tới 13 năm và những hệ thống điện thì vẫn tiếp tục được lắp đặt. Có lẽ rằng, chúng tôi không đặt mục tiêu được mấy năm nữa, chúng tôi cứ tiếp tục làm vậy thôi, lại lên núi cùng đám trẻ...”

Có thể bạn quan tâm

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 1: Chiến thắng Đức Lập trong ký ức của một cựu binh

30/4 năm nay đánh dấu mốc chặng đường 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Để có được niềm hạnh phúc cho ngày thống nhất ấy, không biết bao nhiêu công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.