Đảm bảo môi trường pháp lý để nhà giáo phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo là để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ và toàn diện trong hệ thống pháp luật liên quan đến đội ngũ nhà giáo, đáp ứng những nhu cầu bức thiết nhất của nhà giáo nói riêng và của nền giáo dục nói chung.

Đảng ta luôn khẳng định “giáo dục là quốc sách hàng đầu” và vai trò của nhà giáo là yếu tố quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Điều này có ý nghĩa then chốt đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Việc ban hành Luật Nhà giáo không chỉ giúp khắc phục những bất cập hiện tại như thiếu đồng bộ trong các quy định pháp luật mà còn đảm bảo môi trường pháp lý thuận lợi cho nhà giáo phát triển, tạo điều kiện để họ yên tâm công tác và đóng góp. Kỳ vọng lớn vào Luật Nhà giáo là làm sao để khắc phục những hạn chế tồn tại hiện nay như sự chồng chéo trong quản lý; việc không gắn với người; tình trạng nơi thừa nơi thiếu giáo viên; khó thu hút nhân tài; chính sách đãi ngộ chưa tương xứng... Do đó, việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý vững chắc, đảm bảo chế độ lương bổng và phúc lợi tốt hơn cho nhà giáo, nhất là giáo viên trẻ và giáo viên mầm non, là cần thiết. Đồng thời, luật này cũng cần chú trọng vào việc phát hiện và thu hút nhân tài vào ngành giáo dục, tạo ra cơ chế bảo vệ và tôn vinh nhà giáo, giúp họ an tâm gắn bó, tận hiến với nghề.

Dự thảo Luật Nhà giáo đã bước vào giai đoạn gần cuối để trình Quốc hội tại kỳ họp này. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, dự thảo còn thiếu phần đánh giá tác động một cách chuyên nghiệp của bộ phận soạn thảo đối với chính sách pháp luật. Yêu cầu bắt buộc này nếu triển khai không bài bản sẽ tạo ra những hạn chế đáng lo ngại, làm giảm tính toàn diện và thuyết phục của dự thảo. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu khả thi trong thực tiễn, nếu các chính sách đề ra không được phân tích kỹ lưỡng về tác động kinh tế - xã hội và các khía cạnh thực tiễn khác. Đặc biệt, việc rút lại một số điều khoản gây tranh cãi như miễn học phí cho con giáo viên; bỏ việc cấp chứng chỉ hành nghề dạy học (vốn được cho rằng nhà giáo sẽ hưởng lợi từ quy định này) hay việc không công khai sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận điều tra... là dấu hiệu cho thấy dự thảo còn thiếu cân nhắc kỹ lưỡng về sự đồng thuận và phản ứng của xã hội. Vấn đề là làm sao để Luật Nhà giáo bao quát hết tất cả các bậc học từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học và tất cả nhà giáo đang công tác tại những vùng sâu vùng xa, hải đảo một cách hài hòa. Đồng thời không quá thiên về nhà giáo trong giáo dục phổ thông mà coi nhẹ tính đặc thù nghề nghiệp riêng của nhà giáo trong mỗi bậc học, trong giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên. Những vấn đề đào tạo đội ngũ nhà giáo giao cho Bộ LĐTB-XH chịu trách nhiệm như dự thảo là bất cập, không khả thi bởi lực lượng nhà giáo trong giáo dục nghề nghiệp đại đa số tốt nghiệp đại học từ các trường đại học khác nhau do Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước.

Người dân nói chung và lực lượng nhà giáo nói riêng kỳ vọng Quốc hội và cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu một cách cởi mở, cầu thị và nghiêm túc các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội và dư luận. Người dân còn kỳ vọng các phản hồi tiếp tục được lắng nghe và xem xét một cách toàn diện nhằm bảo đảm các quy định được điều chỉnh linh hoạt nhưng không làm mất đi tính chính danh của Luật Nhà giáo. Việc lắng nghe và phản hồi đúng đắn sẽ giúp dự thảo hoàn thiện hơn, tạo sự đồng thuận trong xã hội và nâng cao tính khả thi khi triển khai. Luật Nhà giáo không chỉ đặt ra những mục tiêu lớn mà còn phải xây dựng trên cơ sở hiểu rõ, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra, tránh tạo thêm áp lực hay sự bất công cho các đối tượng bị điều chỉnh bởi luật cũng như tính khả thi của luật. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng Luật Nhà giáo không chỉ là một khung pháp lý vững chắc mà còn mang tính bao hàm, đáp ứng được các thay đổi và đòi hỏi trong thực tiễn giáo dục.

Theo TS. HOÀNG NGỌC VINH (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Khi nghệ sỹ vượt qua lằn ranh tối kị

Khi nghệ sỹ vượt qua lằn ranh tối kị

Khi thông tin Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố trên 1.000 bị can liên quan đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ Pháp về Việt Nam, trong đó có cả người mẫu, diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL), dư luận đã giật mình.

Đưa lao động phi chính thức trở thành 'tài nguyên'

Đưa lao động phi chính thức trở thành 'tài nguyên'

Theo Công văn 1127 năm 2019 của Tổng cục Thống kê, khu vực phi chính thức bao gồm các cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và thủy sản sản xuất ra sản phẩm (vật chất, dịch vụ) để bán, trao đổi và không phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, khái niệm này đã phần nào không còn sát với thực tế.

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.