Đăk Nông: Chuyện ghi ở làng "8 không" khi trẻ em mờ mịt tương lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không điện, đường, trường, trạm, không nước sạch, không sóng điện thoại, không hộ khẩu, không khai sinh… Gần 1.700 người dân ở 4 cụm dân cư thuộc xã Đăk R'Măng, huyện Đăk G'Long (Đăk Nông) sống cơ cực sau 20 năm tha hương. Nhưng đáng báo động hơn, cả ngàn trẻ em ở đây vì thất học mà tương lai mờ mịt, không lối thoát.
Nghèo cái ăn, giàu con cái
Hơn 20 năm trước, có hàng chục hộ dân người Mông được Nhà nước đưa vào thôn Đăk Nang, xã Đăk Song, huyện Đăk Nông (thuộc tỉnh Đăk Lăk cũ, nay là tỉnh Đăk Nông). Họ vốn là dân di cư tự do, ở rải rác trong rừng, được gom về để ổn định cuộc sống. Nhưng ở đất ấy, sinh kế khó khăn, những hộ dân này tiếp tục di cư sang xã Đăk R'Măng, lén lút lấn rừng, trồng tỉa rồi dần hình thành những cụm dân cư. Ban đầu chỉ vài chục hộ, nhưng giờ ở đây đã có đến 260 hộ với gần 1.700 người sinh sống thành 4 cụm dân cư được đánh số: 8, 9, 10 và 12.
 
Chưa đầy 30 tuổi, nhưng người phụ nữ này đã sinh đến 5 đứa con và "dự kiến" sinh thêm 2 đứa nữa. Ảnh: D.H

Thông tin từ lãnh đạo UBND huyện Đăk G'Long, 4 cụm dân cư nói trên được đưa vào đề án ổn định dân di cư tự do của huyện, nhưng do chưa có kinh phí nên đề án này vẫn chưa thể triển khai được. Lãnh đạo Công an xã Đăk R'măng cho biết, do người dân đang sinh sống trên đất rừng phòng hộ, nên việc cấp hộ khẩu không thể thực hiện. Về việc cấp giấy khai sinh, xã vẫn luôn tạo điều kiện, nhưng phần lớn người dân tự sinh ở nhà, không có xác nhận của y tế xã, cũng như cán bộ y tế thôn bản, nên việc này gặp không ít khó khăn. Người dân thường chỉ làm khai sinh cho con khi muốn con đến trường


Mùa mưa, đường vào 4 cụm dân cư này chi chít những vũng sình. Nếu là người "ngoại lai", không có sự chuẩn bị trước, hành trình vào đó là một chuyến đi dài đằng đẵng và vô cùng cơ cực. Ngay cả người dân tại đây, muốn ra ngoài, họ phải đi cùng lúc nhiều người để khi gặp những vũng lầy không thể chạy được xe máy, thì cùng nhau khiêng qua.
Thào Seo Sùng - một công dân đầu tiên có mặt tại đây, hiện đang sống ở cụm dân cư số 8, cho biết, 20 năm qua, thứ đổi thay nhanh nhất ở đây chính là con người. Mùa mưa, người dân nơi đây phải tự cung tự cấp, cái ăn chủ yếu là bánh ngô và mèn mén. Gần như chẳng ai ra ngoài, mà có ra ngoài cũng chẳng có tiền để mua thứ gì. 6 tháng ròng rã với cái đói bủa vây, nhưng không hiểu sao trẻ em vẫn cứ được sinh ra một cách đều đặn. Với gần 1.700 dân nhưng trẻ em trong độ tuổi đến trường lại có đến gần 1.000 em.
Thào Thị Sơ (ở cụm dân cư số 9) năm nay chưa đến 30 tuổi, nhưng đã có đến 5 đứa con. Sơ nói với chúng tôi: "Chồng bảo phải sinh thêm 2 đứa nữa và nhất định phải có một đứa con trai". Sơ kể thêm, 5 lần vượt cạn, chị chưa hề nhờ đến cán bộ y tế. Chỉ khi nào đau quá mới nhờ đến chị chồng giúp đỡ.
Chẳng riêng gì Sơ, ở 4 cụm dân cư này, người có 9 - 10 đứa con không hiếm. Nhà nào ít nhất cũng phải có đến 4 đứa con. Chúng cứ lớn lên tự nhiên như cây cỏ với mèn mén, bánh ngô…
Nhức nhối nạn thất học
Với gần 1.000 trẻ trong độ tuổi đến trường, nhưng theo thống kê của ngành giáo dục huyện, tại 4 cụm dân di cư tự do ở Đăk R'Măng, hiện chỉ có khoảng 400 trẻ được đến trường, số còn lại đều thất học mù chữ.
Giàng Seo Chính ở cụm dân cư số 4 được xem là một trong những người có trình độ nhất trong cả 4 cụm dân cư tại đây. Chính vào lớp 1 khi đã bước sang tuổi 20 và đã cố học đến lớp 9. Được thầy giáo động viên, Chính tham gia vào lớp y tế thôn bản về giúp dân. Nhưng Chính cũng theo con đường của cha ông, lấy vợ rồi sinh liền 7 đứa con. Những đứa con của Chính cũng có đứa thất học, theo bố dọn rừng, làm rẫy.
Trăn trở việc học của con em, Chính đã vận động dân góp đất làm trường cho trẻ. Nhưng hơn 1ha đất mà dân góp mấy năm nay vẫn bỏ hoang, vì không có tiền để xây trường và quan trọng hơn, xây trường xong chưa biết có giáo viên về dạy hay không.
Giàng A Trống năm nay 15 tuổi, ở cụm dân cư số 9, kể với chúng tôi về những ngày đến trường rằng: “Nhà chỉ có một chiếc xe máy, mỗi lần đến trường bố chỉ chở được 4 đứa nên em phải đi bộ. Đường đến trường xa quá và hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn nên em đành bỏ học để ở nhà kiếm tiền phụ giúp gia đình. Mai mốt, có điều kiện, em chỉ muốn được đi học lại".
Không có cái chữ, lại không có hộ khẩu, hay bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, những đứa trẻ ở 4 cụm dân di cư tự do tại xã Đăk R'Măng khi đã thành niên cũng không thể thoát ra được chốn núi rừng thâm u đó. Đã có không ít thanh niên đi tìm cơ hội cho mình ở thành phố, nhưng vì không có lý lịch rõ ràng nên chẳng ai nhận. Cuối cùng, họ đành quay về chốn rừng núi ấy sống tiếp cuộc sống lam lũ.
Duy Hậu (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.