"Đại thụ" biển khơi của vùng gió cát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cầm trên tay kỷ vật được Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng, ông ngược dòng thời gian, nhắc lại những ngày đầu cùng với anh em BĐBP và cán bộ ở Liên đoàn Lao động huyện bàn tính kế hoạch ra mắt Nghiệp đoàn nghề cá. Ông bảo, đời ông sung sướng nhất là lúc này, được nhìn thấy lớp trẻ trong làng làm chủ những con tàu dài hơn 20m, công suất cả ngàn mã lực, kết nối nhau làm ăn, hiên ngang vượt sóng, vượt gió ra khơi. Ông là Trà Chí Thu, mọi người hay gọi là Ba Thu, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
 
Lão ngư Trà Chí Thu với kỷ vật được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng. Ảnh: Phương Oanh
Nghiệp biển
Căn nhà cấp 4 của lão ngư Trà Chí Thu xây dựng đã 32 năm, bức tường vôi đã xỉn màu thời gian, nhưng với người dân của làng cát Hòa Hiệp Trung, đây là nơi đầy ắp tình người. Anh em ngư dân trẻ sau mỗi chuyến biển thường quy tụ về đây, ngồi bên ông thổ lộ những câu chuyện đời, chuyện nghề, trao đổi tình hình biển, chia sẻ kinh nghiệm sóng nước trên đường làm ăn...
Ông kể, Hòa Hiệp Trung là vùng gió cát khắc nghiệt. Ngày trước, cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn muôn bề. Hơn 10 tuổi, ông đã theo cha ra biển, chèo sõng, quăng lưới bắt cá. Làm biển không có máy điện đàm, định vị, dò cá như bây giờ mà chủ yếu dùng kinh nghiệm. Người đi biển cứ nhìn sao, nhìn trời, dõi theo hướng gió, kết hợp dùng 2 radio mở hai đài Bình Định và Khánh Hòa. Theo lời ông: “Ghe đang chạy trên biển mà nghe tiếng đài Bình Định rõ hơn là biết mình đang lệch về hướng Bắc. Ngược lại, nghe rõ đài Khánh Hòa là ghe xuống hướng Nam. Tiếng 2 radio cân bằng nhau là đang đi thẳng về nhà”. Rồi đến tuổi trưởng thành, ông cưới vợ, sinh con. 6 người con của ông, 4 trai, 2 gái, lớn lên đều theo nghiệp cha, bám bờ chân sóng, cật lực mưu sinh.
Năm 1990, thấy ngư dân các nơi bắt đầu có ghe thuyền lớn vươn khơi, ông mạnh dạn đóng mới chiếc thuyền công suất 45 mã lực và cùng với những người con trai, con rể mở rộng vùng đánh bắt. Những chuyến đi lộng với nghề lưới vây, lưới cảng đã giúp gia đình ông dần có của ăn, của để. Dùng khoản tiền tích góp, năm 1998, ông nâng cấp con tàu lên 155 mã lực, vài năm sau lại đóng mới chiếc tàu 160 mã lực, rồi tiếp theo là chiếc 450 mã lực, vươn khơi, bám biển dài ngày với nghề lưới rút nơi khơi xa.
Thương ông tuổi già khó nhọc, những người con xin thay cha cầm lái, để ông được ở nhà nghỉ ngơi. Song, chính bởi sự vững vàng trong nghề thuyền, mẫu mực trong lối sống, ông được bà con trong khu phố đề cử làm trưởng lạch. Rồi lần lượt, các chức trách: Chi hội trưởng Chi hội Nông dân khu phố Phú Thọ 1, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá thị trấn Hòa Hiệp Trung, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đông Hòa đến với ông, bởi sự tín nhiệm và nể trọng của mọi người. Vậy là, nghiệp biển vẫn chưa dứt, ông trở thành “chỉ huy trưởng” của làng biển, tiếp tục chỉ huy đội tàu gia đình và cánh ngư dân trẻ trên “trận địa” biển khơi.
Tạo sức bật cho làng cá
Ông Thu kể, cuối năm 2017, khi ông tiếp tục hạ thủy con tàu gỗ công suất 850 mã lực từ số vốn tích góp hơn chục tỷ đồng, không ít người ái ngại, lo ông thêm cực khổ. Nhiều người bảo, nếu lấy tất cả tiền đầu tư vào nghề biển đem gửi ngân hàng, mỗi tháng, ông có khoản lãi rút về dư ăn, dư để mà không phải thức khuya, dậy sớm, không phải ngược xuôi, nặng đầu tính toán.
Nghe vậy, ông chỉ cười khì, nói: “Cuộc đời tôi đã gắn với nghiệp biển, thân thể thấm vị mặn mòi của gió biển. Trong đầu tôi chỉ một ý nghĩ vươn khơi bám biển, đâu màng tới chuyện kinh doanh đất đai làm giàu”.
Từ khi dựng xỏ đóng chiếc tàu lớn này, ông như thỏa niềm đam mê khi được “chạm tay” tới các thiết bị, máy móc hàng hải trên con tàu khai thác hiện đại. Giờ đây, ngồi cùng với lớp ngư dân trẻ, ông cũng rành mạch, thông thạo không kém khi anh em bàn tới tính năng thiết bị này, máy móc kia. Chiếc máy dò cá hiện đại có thể xác định luồng cá cách vị trí tàu bao xa, trọng lượng đàn bao nhiêu tấn. Trong khi đó, máy định vị có thể xác định tàu chạy trong bao lâu tới được địa điểm định tới.
 
Tàu cá cập bờ, ngư dân làng biển Hòa Hiệp Trung tất bật đưa cá lên xe đông lạnh, bán cho thương lái. Ảnh: Phương Oanh
Ông Thu hạnh phúc bộc bạch, nghề cá của ngư dân Hòa Hiệp Trung đã có một bước tiến rất xa so với thời làm ăn đơn lẻ, mò mẫm. Hiện, làng biển này đã có hàng trăm chiếc tàu lớn, trong đó có gần 60 tàu công suất trên 400 mã lực. Đặc biệt, từ khi có Nghị định 67 của Chính phủ, ngư dân được khuyến khích đóng tàu lớn vươn ra biển xa. Nơi đây đã có 3 chiếc tàu vỏ thép công suất mỗi chiếc trên 1.000 mã lực được hạ thủy. 
Trên những con tàu công suất lớn, những anh em ngư dân trẻ kết nối thành tổ đội, cùng nhau xuất bến, vượt sóng, vượt gió ra khơi. Gặp đàn cá, họ mở máy đàm thoại, gọi nhau đến cùng bủa lưới. Những năm qua, nghề đánh bắt nhiều nơi vẫn khó khăn, nhưng nhiều chuyến tàu của ngư dân Hòa Hiệp Trung về bờ luôn rộn rã niềm vui, hầm tàu nào cũng chứa đến vài chục đến cả trăm tấn cá. Kết vụ năm 2018, Hòa Hiệp Trung có hàng chục chủ tàu có thu nhập từ 2 đến 6 tỷ đồng, mỗi thuyền viên được nhận từ 150 đến 300 triệu đồng.
Nhờ kết quả sản xuất đầy khởi sắc ấy, những mái nhà tranh, nhà đất thấp lè tè dưới tán phủ rừng dương đã lùi vào quá khứ. Thay vào đó là hàng trăm ngôi nhà tầng tươi sáng, hiện đại, những con đường bê tông khang trang, thoáng đãng. Cuộc sống mới đầy phấn khởi, đoàn kết đang hiện hữu trên mảnh đất này.
Ngư dân trẻ Nguyễn Văn Chúng, một trong những tỷ phú ở Hòa Hiệp Trung khẳng định, để có được ngày hôm nay, lớp trẻ trong làng không quên công ơn ông Thu. “Chúng tôi đến với nghề biển bằng tất cả lòng nhiệt huyết, khát khao thoát đói, vượt nghèo, nhưng cách làm ăn vụn vặt, manh mún mạnh ai nấy biết. Hồi đó, trong làng chỉ đánh bắt bằng xuồng, sõng, cao lắm chỉ là thuyền máy D, sáng ra biển, tối vô bờ với vài rổ cá nhỏ, đủ trang trải qua ngày. Chú Ba Thu là một trong những người đầu tiên có tàu công suất lớn. Thấy chiếc tàu cá của chú Ba đi biển vài ba bữa trở về là có mấy tạ cá, ai cũng mê. Rồi cũng chính chú là người tích cực khích lệ, giục ngư dân trẻ mạnh dạn đóng tàu lớn, đứng ra kết nối, hỗ trợ để mọi người tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Có chú Ba phía sau, ngư dân trẻ chúng tôi mạnh dạn bước tới để có ngày hôm nay” - Anh Chúng cảm kích kể.
Tâm sự chuyện nghề, ngư dân Nguyễn Văn Bế, ở khu phố Phú Thọ 1, thị trấn Hòa Hiệp Trung cho biết, cùng với phương tiện hiện đại, mấy năm qua, nghề cá của ngư dân Hòa Hiệp Trung thắng lớn là nhờ đi đánh bắt theo tổ đội. Những ai gắn bó với làng biển này cũng sẽ không quên hình ảnh ông Ba Thu ngược xuôi trên bờ, dưới cảng để lo toan hàng trăm chuyện lớn nhỏ. Từ theo dõi việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho ngư dân đến tham gia hòa giải những sự cố va chạm, mang lưới trên ngư trường, gọi đàm thoại ra biển xa báo tin gió bão, dặn dò ngư dân trẻ không vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, quyên góp ủng hộ cho các gia đình bị hoạn nạn...
Cuộc trò chuyện của chúng tôi gián đoạn nửa chừng, vì đến giờ ông hẹn nói chuyện với anh em ở biển. Ông Ba Thu bật công tắc chiếc máy Icom 710 đặt trên chiếc bàn rồi rà lại tần số. Đã có tín hiệu kết nối từ ngoài biển vọng về. Giây lát, có giọng một anh ngư dân nào đó vang lên: “Nghe rõ chưa chú Ba... Đêm qua, đàn 14 tụi con đánh được “trận lớn”. Trăng này, chiếc no nhất cỡ 3 tỷ, ít thì cũng khoảng 700 đến 800 triệu. Sáng nay, tàu hậu cần của Út Chí vừa thu xong cá, đang chạy về bờ. Tụi con đánh thêm vài bữa nữa, tới trăng thì cả đàn về”.
Hơn 10 năm trước, khi thấy ông Ba Thu cùng cán bộ Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam đi vận động ngư dân trong làng vào tổ, đội tàu thuyền an toàn, tụi tôi nghĩ đó là cách dự phòng, khi có tai nạn bất trắc thì cứu giúp nhau. Vậy mà dần dần, với sự kết nối ấy, anh em trong tổ thương yêu, gắn bó, tin tưởng, sát cánh bên nhau, cùng làm ăn và chia sẻ ngọt bùi. Nhờ vậy mà việc làm ăn trên biển luôn gặp nhiều thuận lợi” - Anh Nguyễn Văn Bế thổ lộ.  
Phương Oanh (Biên Phòng)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.