Đặc sắc lễ hội Gầu Tào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 29-2, tại làng Mông (xã Ya Hội), UBND huyện Đak Pơ tổ chức phục dựng lễ hội Gầu Tào (lễ hội mùa xuân) của cộng đồng dân tộc Mông trên địa bàn.

Các thiếu nữ duyên dáng với những bộ váy áo sặc sỡ đính đủ loại tua rua đẹp mắt; các chàng trai khoác trang phục dân tộc, tay nâng chiếc khèn đặc trưng của đồng bào vùng cao phía Bắc đã nhuộm sắc những nẻo đường làng Mông trong lễ hội lớn nhất năm.

Xuân quê hương trên đất mới

Năm 1982, từ xã Phi Hải (huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng), một bộ phận đồng bào dân tộc Mông di cư đến sinh sống tại xã Ya Hội. Sau hơn 40 năm định cư trên vùng đất mới, đến nay, làng Mông có 158 hộ với 736 khẩu, chiếm hơn 22% dân số của xã. Theo phong tục, vào tháng Giêng, bà con người Mông lại tổ chức lễ hội Gầu Tào nhằm tạ ơn trời đất và thần linh phù hộ, ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng bội thu, gia súc đầy chuồng.

Lễ hội Gầu Tào diễn ra trong vòng 1 ngày, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ có 3 nghi thức cúng (cúng lấy gánh nước đầu tiên, cúng làng và cúng thổ địa). Thầy cúng Lý Văn Tính (72 tuổi) cho hay: Những ngày đầu đến nơi đây lập nghiệp, bà con làng Mông gặp khó khăn nhiều mặt do không quen khí hậu, phong tục tập quán, cuộc sống kham khổ.

Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều quyết tâm bám trụ. Lễ hội Gầu Tào được bà con duy trì tổ chức hàng năm như một cách hướng về cố hương, gìn giữ nét bản sắc độc đáo của dân tộc.

Theo ông Tính, để thực hiện lễ hội Gầu Tào, đầu tiên, làng sẽ tổ chức họp để phân công đội phục vụ nấu ăn, đội tập luyện các trò chơi, múa hát, đội trang trí...

Trước khi tổ chức lễ hội 1 tuần, thanh niên trong làng sẽ đốn 1 cây tre về làm cây nêu với tiêu chuẩn về độ dài khoảng 7-10 m, không bị cụt ngọn, khi chặt phải đổ về hướng mặt trời mọc. Cây nêu sau đó được trang trí thật đẹp, dựng ở bãi đất trống, sân tập trung của làng.

Thầy cúng Lý Văn Tính thực hiện nghi thức cúng làng. Ảnh: P.D

Thầy cúng Lý Văn Tính thực hiện nghi thức cúng làng. Ảnh: P.D

Từ 2 giờ sáng 29-2, già làng, trưởng thôn và thầy cúng đã thực hiện nghi thức cúng lấy gánh nước đầu tiên được tổ chức ở con suối chảy qua làng để lấy lộc buổi sáng, lấy lộc xuân đầu năm. Sau khi cúng xong, nước được mang về làng để nấu cơm cúng.

Tiếp đó, khi mặt trời vừa lên, tại sân tập trung của làng diễn ra lễ cúng làng. Lễ vật cúng gồm 1 con gà trống còn sống, chén gạo, quả trứng gà sống, 1 đĩa xôi 4 màu tượng trưng cho 4 mùa xuân-hạ-thu-đông, 1 chén mèn mén, 1 chén cơm, thịt, 1 ly rượu trắng, 1 xấp tiền giấy, 3 cây nhang. Đứng trước cây nêu, thầy cúng trịnh trọng đọc lời khấn:

“...Hôm nay, năm cũ đã qua, năm mới tới, chúng tôi sẽ xua đuổi tất cả tà ma, âm khí nặng, bệnh tật đau ốm mang lên thần Mặt trời, thần Mặt trời mang xuống cho Long Vương để cho bà con dân làng đều được bình an”. Vừa khấn, thầy cúng vừa lấy tay xoay đảo hạt bắp trong chiếc nia trước mặt, sau đó quăng bắp ra xung quanh để đuổi tà ma, bệnh tật, đau ốm…

Nghi thức cúng làng tiếp diễn khi thầy cúng cầm con gà trống còn sống vào và lầm rầm khấn: “Thần linh hãy về đây để chứng kiến. Chúng tôi có gà, có gạo, có trứng, có nhang để cúng cho các thần linh. Năm mới tới, các ông hãy phù hộ cho bà con dân làng, mọi người đều bình an vô sự, con cháu đầy nhà, mùa màng bội thu…”.

Đọc xong, thầy cúng lấy con gà đưa cho trai làng đi làm thịt. Sau khi gà được luộc chín và đưa lên bàn cúng, thầy cúng tiếp tục đại diện dân làng gửi lời khấn đến thần linh: “Chúng tôi đã nấu chín gà, có xôi nếp, có mèn mén, có rượu trắng để đây, mời các thần linh hãy về đây ăn uống”.

Gìn giữ, bảo tồn bản sắc dân tộc

Sau khi phần lễ kết thúc với nghi thức cuối cùng là cúng thổ địa, cả làng cùng hào hứng tham gia phần hội với các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào vùng cao phía Bắc như: trình diễn khèn, hát giao duyên, biểu diễn sáo, nhảy sạp… Đặc biệt, các phần thi ném còn, bịt mắt ăn mèn mén đã kết nối cộng đồng trong một không khí không thể sôi nổi hơn.

Ẩm thực truyền thống với các món thắng cố, mèn mén, xôi đủ màu mà dân làng cùng tập trung chuẩn bị càng mang đến cảm nhận rõ nét về xuân quê nhà trên đất mới.

Bằng nỗ lực gìn giữ, trao truyền của người đi trước, bản sắc văn hóa của dân tộc Mông ở Ya Hội đã được lớp trẻ kế thừa một cách đầy ý thức. Giới thiệu về bộ váy áo bắt mắt cùng chiếc kiềng bạc đeo trên cổ, chị Lý Thị Mã chia sẻ: “Mình yêu bộ trang phục của con gái dân tộc Mông lắm. Mỗi lần mặc trong những lễ hội như thế này, mình thấy rất tự hào”.

Còn bạn trẻ Lý Thiên Toàn-một nghệ nhân múa khèn Mông của làng thì cho hay: “Năm ngoái, em có về thăm quê ở Cao Bằng. Ở đó nét bản sắc văn hóa rất đậm đà. Em vui vì ở đây, tuy xa quê nhiều năm nhưng bà con vẫn giữ được văn hóa truyền thống của dân tộc. Năm nào em cũng mong chờ được tham gia lễ hội Gầu Tào”.

Thanh niên làng Mông hào hứng tham gia nhảy sạp trong phần hội. Ảnh: P.D

Thanh niên làng Mông hào hứng tham gia nhảy sạp trong phần hội. Ảnh: P.D

Trao đổi với P.V, bà Bùi Thị Thương-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ, Trưởng ban tổ chức các hoạt động văn hóa-thể thao huyện-cho biết: Những năm qua, huyện đã phục dựng nhiều nghi lễ truyền thống của dân tộc Bahnar trên địa bàn nhưng đây là lần đầu tiên chủ trì phục dựng lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông với nét văn hóa tín ngưỡng vô cùng đặc sắc.

Hoạt động trên nhằm bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 21-4-2017 của Huyện ủy Đak Pơ.

“Thông qua hoạt động phục dựng lễ hội Gầu Tào, chúng ta sẽ có dịp nhìn lại một phần thực tế phong phú, đa dạng các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc Mông nhằm bảo tồn và phát huy; qua đó thắt chặt tình đoàn kết giữa cộng đồng dân cư. Đây cũng là dịp để du khách hiểu hơn về mảnh đất và con người huyện Đak Pơ, là cơ hội để quảng bá, xúc tiến du lịch cho huyện nhà”-Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.