Cuối trời Đông Bắc...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã là những tháng cuối năm. Khu vực Bắc Tây Nguyên bắt đầu vào mùa gió lộng. Gió làm khô dần lá xanh, đất đai, sông suối, núi rừng. Gió làm con người mốc da, khô môi, rối tóc… Ấy chính là “cái đuôi” của những ngọn gió mùa từ cuối trời Đông Bắc Tổ quốc tràn về. Cái gió mà nhà thơ Xuân Diệu khi đến đây đã để lại những câu thơ: “Cái gió Tây Nguyên gió rất hùng/Thổi từ đỉnh núi xuống lòng thung(…) Cái gió Tây Nguyên gió rất hào/Thổi từ lũng thấp tới non cao”.

Nói cuối trời Đông Bắc là nói về Móng Cái, điểm tận cùng của tỉnh Quảng Ninh (xưa là xứ Hải Ninh). Từ Hà Nội, đi đường bộ chừng 400 km, qua vùng Mông Dương, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà… theo đường quanh co dốc đèo của sườn đông dãy núi Đông Triều, thế mà khi sắp đến Móng Cái lại bất ngờ mở ra một vùng rộng thênh, bằng phẳng, thoáng đãng, lồ lộ vẻ phong nhiêu.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Buổi tối, ngồi thư giãn bên bờ Ka Long hóng gió, lắng nghe con sông nhỏ rì rầm dưới sâu. Trên bờ con sông sâu là loang loáng phố đêm ở cả 2 bên Việt Nam và Trung Quốc. Có phải từ cái eo biển cực Bắc vịnh Bắc bộ này chính là nơi hình thành một mùa gió lạnh căm trong năm, gọi là gió mùa Đông Bắc?

Buổi sớm mai chớm gió mùa Đông Bắc, theo đường đi Trà Cổ, đến một nơi ai cũng muốn tìm đến, là mũi Sa Vĩ. Đây chính là điểm đặt bút đầu tiên khi vẽ cái hình chữ S cong cong thân thuộc của bờ biển Việt Nam. Theo tay bạn chỉ, ngóng sang phía xa kia là Mũi Ngọc, nơi bóng núi canh chừng bến tàu thủy chạy về Nam. Mũi Sa Vĩ và Mũi Ngọc là 2 điểm nhấn ở 2 đầu Trà Cổ. Ngay địa điểm này, một tấm bảng xây cách điệu ngọn cây dương 3 chóp lá có ghi đậm câu thơ của Tố Hữu: “Từ Trà Cổ rừng dương/Đến Cà Mau rừng đước…”. Cũng tại đây, Xuân Diệu cảm xúc bằng nỗi lòng đau đáu: “Sa Vĩ là đây, kia Mũi Ngọc/Bao giờ ta đến mũi Cà Mau?”! Vâng, đứng tại nơi đây khó mà không rưng lòng một cảm khái thiết tha về Tổ quốc, về thống nhất Bắc Nam, mà không lãng mạn ước gì sẽ lội bộ một lèo từ đây theo dọc dài trên 3.200 km bờ biển, thẳng đến Mũi Nai (Hà Tiên) tận cùng miền Tây Nam Tổ quốc! (Tố Hữu, Xuân Diệu chỉ nhắc mũi Cà Mau vì đó là điểm cực Nam, chứ bờ biển nước ta còn đi vòng đến tận Mũi Nai, giáp Campuchia mới dứt).

Dạo bước loanh quanh dưới những tán bàng cổ thụ thăm làng Trà Cổ xưa và ngôi đình làng cùng tên được lập từ thời Hậu Lê, đã trên 600 năm tuổi, cổ kính, bề thế, uy nghiêm. Nếu nói đình làng là biểu trưng văn hóa làng xã Việt Nam thì đình Trà Cổ chính là “cột mốc văn hóa” đầu tiên của cư dân Việt cắm nơi địa đầu Tổ quốc! Gần đấy là chùa Vạn Linh Khánh cũng trên 600 năm, nơi nhà chí sĩ Phan Bội Châu trên đường Đông du đã từng ghé qua, còn lưu lại đôi câu đối.

Ghé Đồn Biên phòng số 3, tức Đồn Sa Vĩ-điểm chốt đầu tiên của đường biên trên bộ Việt Nam. Một sĩ quan Biên phòng chỉ cho thấy khoảng đường biên nơi triền núi xa xa choãi dần xuống đầm lầy ven biển và tâm sự: Bước tuần tra bảo vệ biên cương của chúng tôi có khi phải thụt sâu vào bùn đất quê hương!

Ra chơi cửa khẩu. Bên ta gọi là Móng Cái, Trung Quốc gọi Đông Hưng. Cửa khẩu nằm kề ngã ba sông Ka Long và Bắc Luân. Sông Ka Long chảy vào đất Việt đến đây rẽ một nhánh nghiêng nghiêng về Bắc, nên gọi Bắc Luân. Nơi rẽ nhánh ấy là ngã ba Xoáy Nguồn. Bắc Luân đổ ra vịnh Bắc bộ, nơi mũi Sa Vĩ. Ở đây người ta giao lưu, giao dịch với nhau bằng cả tiếng Trung và tiếng Việt! Chiếc cầu giới tuyến bắc ngang sông được kẻ vạch chia đôi. Cặp cột mốc biên giới số 1369 được cắm gần đầu cầu ở cả 2 bên. Sông nhỏ quá nên đứng bên này nhìn sang thị xã Đông Hưng của Trung Quốc thấy và nghe rõ mồn một những sinh hoạt phố phường bên kia, tưởng như gần gũi lắm! Ngôi đền Xã Tắc thiêng liêng được lập dựng tại đây để khẳng định chủ quyền “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”…

Ngày đi thì theo đường bộ; ngày về theo đường thủy. Ra cầu tàu nơi Mũi Ngọc, cô bạn văn trẻ chỉ đảo lớn trước mặt giới thiệu đấy là đảo Vĩnh Thực, một đảo đẹp hùng vĩ của Móng Cái, nơi cô có trên 10 năm dạy học. Anh bạn thơ già chỉ về phía phải khoe làng Vạn Ninh quê anh, một vùng đất cổ của Móng Cái, đã hình thành từ mấy trăm năm… Móng Cái còn nhiều điều để tìm biết, tiếc là mình chẳng ở được lâu, chỉ một thoáng lãng du để ngấm hồn đất nước!

Tàu rẽ sóng phăm phăm ngang vịnh biển Vân Đồn trên 600 đảo núi, trực chỉ Hạ Long. Đẹp mê hồn, đẹp không thể tả! Thảo nào ngày xưa Nguyễn Trãi có thơ vịnh “Vân Đồn san trùng san” (Vân Đồn núi tiếp núi)! Đúng vậy, giăng giăng trước mắt là một “rừng” núi đứng san sát nhau giữa biển trời vô tận như trận đồ địa võng thiên la, để cho ngày xưa danh tướng Trần Khánh Dư vùi xuống lòng biển sâu trên trăm tàu binh lương của giặc thuở đánh Nguyên Mông xâm lược!

…Nhớ về Móng Cái nơi cuối đất cùng trời Đông Bắc diệu vợi xa xăm mà sao thân thương quá đỗi! Ơi cái nơi “đứng mũi chịu sào” gánh nhiều sóng gió của cả thiên tai và địch họa! Ơi cái nơi khởi đầu của những ngọn gió mùa Đông Bắc để tràn về rừng núi Tây Nguyên thành mùa gió lộng miên man!...

Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.