Cuối năm lên núi săn “đặc sản”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày cuối năm, nhiều người dân ở huyện Sa Thầy lại rủ nhau lên núi săn “đặc sản” đọt mây, chuối hột rừng và sâu tre để bán, kiếm thêm thu nhập.

Nguồn thu này cũng giúp nhiều người dân cải thiện, nâng cao đời sống.

Cận Tết Nguyên đán, chúng tôi có dịp theo nhóm của anh A Niêm (41 tuổi, ở làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi) lên núi để tìm đọt mây, chuối hột rừng, sâu tre mới thấy hết nỗi khó khăn, vất vả của những người sống dựa vào rừng.

Sau khi cuốc bộ qua những triền đồi vừa thu hoạch xong vụ mì cuối năm, chúng tôi tiếp cận cửa rừng. Mất thêm một giờ đồng hồ đi bộ đường rừng nữa, chúng tôi mới tới nơi cần đến. Chỉ tay về phía bụi cây đầy gai nhọn hoắt, anh A Niêm và 2 thành viên trong nhóm hồ hởi: “Kia kìa. Mây rừng là cây nhiều gai đó!”. Sau đó, tôi nhìn theo hướng chỉ tay của họ thấy xung quanh bụi mây kia còn rất nhiều bụi mây khác. Anh A Niêm cầm rựa, từ từ tiến đến chỗ bụi mây phía trước mặt, chọn cây mây có đọt mập, non rồi lựa thế và bắt đầu chặt.

cuoi-nam-len-nui-san-dac-san-dd.jpg
Nhóm của anh A Niêm đi tìm “đặc sản“ rừng. Ảnh: NS

Đang chặt, anh A Niêm cũng không quên giải thích: “Mây rừng là loại thân leo. Bao bọc bên ngoài thân mây là một lớp vỏ gai dày đặc. Thế nên, người đi lấy đọt mây, ngoài yêu cầu thông thuộc địa hình, biết rõ chỗ nào trong rừng có nhiều mây mọc. Thường người đi lấy đọt mây sẽ phân cây mây ra thành nhiều khúc ngắn rồi kéo tuột dần xuống. Khi kéo, cần hết sức thận trọng, nhất là ở đoạn gần ngọn, vì chỗ ấy có nhiều dây gai dài móc vào các nhánh cây xung quanh, phải lựa tìm thế thích hợp để chặt, tránh bị gai đâm”.

Theo anh A Niêm, trước đây đọt mây chỉ để gia đình ăn, nhưng mấy năm trở lại đây, nhiều người tìm mua nên bà con trong làng thường lên núi chặt đọt mây về bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Hiện nay ở các núi gần nhà đọt mây cũng ít dần nên phải đi những núi ở xa hơn.

“Bình quân mỗi chuyến đi như này, mỗi người kiếm được từ 30 - 40 bó đọt mây. Mỗi bó 5 - 7 đọt, giá bán 30.000 đồng/bó; trung bình kiếm được trên dưới 1 triệu đồng. Một phần số tiền này dùng mua gạo, mắm, muối, cá khô phục vụ chuyến đi tiếp theo, còn lại để dùng chi tiêu trong gia đình”- anh A Niêm cho biết.

Trong khi anh A Niêm đang chặt đọt mây thì anh A Chỉ (25 tuổi, ở làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi)- thành viên cùng nhóm tìm được những cây chuối hột rừng ven bờ suối cách địa điểm chặt đọt mây hơn 300m. Khi chúng tôi tới nơi, phía trước là cả một rừng chuối đang cho trái. Chuối mọc theo chòm, nhiều bụi gần nhau.

Anh Chỉ cho biết, chuối hột rừng mọc nhiều ở các khu vực rừng mát mẻ quanh năm, nhất là gần chỗ có nước hoặc bờ suối. Chuối ra trái quanh năm, nhưng thường sau mùa mưa mới ra hoa nhiều và chín rộ dịp cuối năm. Đây cũng là thời điểm hột chuối cho chất lượng tốt nhất.

Cây chuối hột rừng trổ buồng rất nhiều, nhưng anh A Chỉ lại chọn những buồng có trái đều nải và đã già tới mới chặt bỏ vào bao. Sau một một giờ đồng hồ 2 bao của anh đầy ắp chuối, nặng trĩu. “Chuối hột rừng già chặt về ủ trong thùng 3 - 4 ngày sẽ chín. Trái chín được lột vỏ, phơi nắng chừng 5 ngày sẽ khô, để dành bán cho các thương lái trên địa bàn thị trấn huyện Sa Thầy. Trung bình mỗi ngày đi hái chuối hột rừng, cho thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng”- anh A Chỉ chia sẻ.

Trong khi đang bỏ chuối vào bao, chúng tôi bắt gặp vợ chồng anh A Chuy (29 tuổi, ở làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi) chặt buồng chuối gần đó. Khuôn mặt ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi, áo quần lấm lem bụi đất và nhựa chuối.

Anh A Chuy bộc bạch: Năm nào cũng vậy cứ đến dịp cận Tết, 2 vợ chồng lại lên núi tìm chuối hột rừng kiếm tiền mua sắm quần áo, giày dép cho con. Sau khi kiếm được chuối và đem về nhà phơi khô, chúng tôi sẽ mang ra thị trấn Sa Thầy để bày bán cho người đi đường. Có khi bán được 200.000 đồng, lúc 300.000 đồng, nhưng có tiền sắm Tết thì cũng ấm lòng.

2dacsan.jpg
Buồng chuối rừng được anh A Chỉ chặt mang về phơi khô rồi bán. Ảnh: NS

Sau khi trò chuyện với vợ chồng anh A Chuy, chúng tôi lại tiếp tục hành trình đi săn “đặc sản”. Gần đến trưa, nhóm dừng chân ở một ngọn thác nhỏ, xung quanh mọc rất nhiều bụi tre. Bằng kinh nghiệm cá nhân, anh A Niêm quả quyết, khu vực này có sâu tre nên phân công mọi người cùng đi tìm.

Vừa đi tìm, anh A Niêm vừa nói: Sâu tre sẽ có nhiều là vào những tháng cuối năm, đây là thời điểm cây tre non mơn mởn, tạo cơ hội cho quá trình sản sinh sâu tre. Sở dĩ gọi là sâu tre, bởi loài sâu này thường làm tổ bên trong thân tre, chúng dùng bột tre làm thức ăn để sinh trưởng. Trước đây, sâu tre thường được xem như quà tặng đầy ý nghĩa của chàng rể dành cho bố mẹ vợ. Bây giờ nó thành món ăn đặc sản của người dân ở xã Rờ Kơi.

Khi đã xác định được chỗ trú ẩn của con sâu, anh A Niêm cầm rựa chặt vào thân tre, lộ ra những sâu non đang ngoe nguẩy trong lớp mùn rục. Con sâu tre có màu trắng sữa, thân bóng nhẫy, to bằng đầu đũa, độ dài chừng hai đốt ngón tay.

Cũng theo anh A Niêm, sâu tre chỉ sinh trưởng trong khoảng vài tháng, thời điểm cuối năm nên quá trình khai thác cũng lắm gian truân. Không phải ai cũng có cơ hội bắt được loại sâu này. Có khi vào rừng cả buổi nhưng phải về tay không. Bởi quan trọng là kinh nghiệm, cũng như khả năng nắm bắt được chu kỳ sinh sản của loài sâu tre để thu hoạch. Một lần đi, anh lấy được 2 - 3kg sâu; với giá bán từ 200.000 - 250.000 đồng/kg, thì cũng kiếm được từ 500.000 - 700.000 đồng.

Anh A Niêm không quên lấy một ít sâu tre, đọt mây chế biến món ăn ngon cho chúng tôi thưởng thức. Đọt mây, anh nướng chấm với muối ớt xiêm; còn sâu tre xào tỏi, ớt. Đọt mây nướng có vị đắng nhẹ đặc trưng của các món ăn làm từ núi rừng. Sâu tre thì béo ngậy, bùi, ngọt. Không cầu kỳ, xa hoa, đọt mây, sâu tre cứ thế giản dị đi vào lòng người thông qua hương vị mộc mạc, chân chất.

Theo NAY SĂT (baokontum.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.