Cuối cùng thì cũng có con voi nhà... đau đẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nếu không có gì thay đổi thì khoảng cuối tháng 9 này, H’Ban Nang - “nàng” voi nhà đầu tiên của Tây Nguyên sẽ sinh hạ một chú voi con sau 24 tháng mang thai. Vậy là cuối cùng cũng có một con voi nhà biết... đẻ sau bao nhiêu năm mỏi mòn chờ đợi. Đây là ca sinh nở đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, mang đến niềm hy vọng đối với đàn voi nhà Tây Nguyên đang ngày một già nua.

Nghị quyết cho… voi yêu

Những ngày này, thời sự ở buôn M’liêng (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) là chuyện H’Ban Nang sắp chuyển dạ. Chủ voi H’Ban Nang là ông Y Mứ Bkrông gắn nghiệp nài voi hơn nửa đời người, thế mà đây mới là lần đầu ông biết cảm giác chăm sóc voi mang thai. Ngày chúng tôi có mặt, ông Y Mứ Bkrông chỉ kịp nói mấy câu đại ý “cảm ơn nghị quyết” rồi vội lấy ít đồ dùng cá nhân nhanh chóng băng rừng để kịp đêm đến cùng nhân viên của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk theo dõi, chăm sóc voi H’Ban Nang sắp sinh. “Mày ở đây tiếp chuyện các nhà báo” - ông giao nhiệm vụ cho người cháu là anh Y Vinh vừa vận chuyển đồ ăn, theo dõi sức khỏe của hai mẹ con voi H’Ban Nang trong rừng trở ra.

 

Voi H’Ban Nang (bên trái ảnh) và voi bảo mẫu H’Băn.
Voi H’Ban Nang (bên trái ảnh) và voi bảo mẫu H’Băn.

Nghị quyết mà ông Y Mứ Bkrông vừa cảm ơn là Nghị quyết số 78 “Quy định một số chính sách bảo tồn voi” do Hội đồng Nhân dân tỉnh Ðắk Lắk ban hành tháng 12.2012 - thời điểm tổng đàn voi nhà Ðắk Lắk chỉ còn 44 con, trong đó 25 voi cái, 19 voi đực. Và khoảng phân nửa còn trong độ tuổi có thể sinh sản. Theo nghị quyết này, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đồng ý chi ngân sách cho việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực bảo tồn voi. Quy hoạch đất đai tạo nơi chăn thả, chăm sóc voi nhà; quy hoạch bảo tồn sinh cảnh cho đàn voi hoang dã sinh sống. Phòng chống voi hoang dã phá hoại hoa màu và hạn chế xung đột voi với người. Về “Chính sách hỗ trợ voi nhà sinh sản”, nghị quyết ghi cụ thể mức bồi dưỡng cho các chủ voi tự nguyện đưa voi vào khu chăn thả, để chúng có cơ hội gặp gỡ giao phối với mức từ 200.000 - 600.000 đồng/ngày, tùy thời kỳ voi động dục, mang thai, trước hoặc sau sinh, voi đực hoặc voi cái... Và tháng 5.2014, Chủ tịch UBND tỉnh Ðắk Lắk cũng đã ban hành Quyết định số 13, cụ thể hóa trình tự, thủ tục thực hiện các chính sách về bảo tồn voi trên địa bàn.

Nghị quyết đã có, nhưng làm sao để những “nàng” và “chàng” voi nhà yêu, giao phối với nhau là chuyện không hề đơn giản. Ông Nguyễn Công Chung - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Ðắk Lắk, chủ trì đề tài “Nghiên cứu khả năng sinh sản trên đàn voi nhà” - kể, đầu tiên phải lấy mẫu máu, huyết thanh của số voi chưa già đi xét nghiệm để xác định chu kỳ động dục, khả năng sinh sản của voi thông qua chỉ số hoócmon proestrogen và estrogen. Sau đó cán bộ của Trung tâm thay nhau xuống các buôn làng vận động các chủ có voi còn khả năng sinh sản đồng ý cho voi bắt cặp tìm hiểu nhau, giao phối. “Rất khó để người dân đồng ý bởi một con voi nhà hiện nay dùng để kéo cây, chở khách… cho thu nhập khoảng trên dưới 2 triệu đồng/ngày (trong khi chính quyền chỉ hỗ trợ từ 200.000 - 600.000 đồng/ngày nếu mang thai như đã dẫn). Để voi cái mang thai vừa mất cả khoản tiền lớn thu nhập trong suốt hơn 2 năm (hơn 1 tỉ đồng), rồi rủi ro chửa đẻ…”.

Khó khăn nữa là khác với nhiều loài vật, voi là loài vật thông minh, tế nhị. Chuyện yêu đương của chúng vốn kín đáo giữa đại ngàn, nên khi thành voi nhà, quanh năm bị xiềng xích và phơi trần trước những cái nhìn tọc mạch, thì việc giao phối và sinh đẻ tự nhiên trở nên rất hiếm. Chúng tôi từng được ông Đàng Năng Long - chủ voi ở hồ Lắk và là hậu duệ của một trong hai gia tộc săn, buôn, nuôi và thuần dưỡng voi lớn nhất Tây Nguyên - cho xem một đoạn clip voi nhà giao phối do một nài voi của ông tình cờ quay được mà ông gọi là “hàng hiếm”. Đó là hình ảnh một đôi voi tựa vào gốc kơ nia cổ thụ giao phối đúng nghĩa trời long đất lở. Gần như cả một cánh rừng quanh đó bị quần nát cùng những âm thanh ràn rạt như bão tố. “Khi yêu, chúng chẳng còn để ý gì xung quanh” - ông Long nói. Điều đặc biệt nữa là voi cái trưởng thành bao giờ cũng chỉ cho con đực ve vãn, vuốt ve, mơn trớn nếu thật sự có tình cảm. Nếu không “thương”, voi cái nhất quyết từ chối, thậm chí còn tấn công voi đực một cách không thương tiếc nếu bị cưỡng ép.

Thuê bảo mẫu chăm… voi đẻ

Y Vinh kể từ 2 năm trước, khi các nài voi trong vùng cùng chuyên gia bảo tồn voi trên thế giới mất nhiều tháng trời nghĩ mọi cách tạo cơ hội để voi đực trong vùng được gần gũi, làm quen với 5 “nàng” voi cái ở buôn Jang Tao và M’liêng. Nhiều tháng trôi qua, những cuộc “ép duyên” này đều… thất bại. 4 voi cái của buôn Jang Tao lúc thì “lười yêu”, lúc thì “yêu” nhưng không đậu thai. Trong lúc mọi người đang tuyệt vọng nghĩ “ngày mai mới là ngày của chúng ta” thì bất ngờ cuộc tình giữa voi đực Y Mâm với voi cái H’Ban Nang cho kết quả. “Chúng tôi không tin vào tai mình khi nghe các chuyên gia thông báo bởi thất bại nhiều đến mức đã thành quen” - Y Vinh nói. Để chắc chắn, các chuyên gia bàn với nài voi sử dụng các thiết bị siêu âm đưa vào bụng H’Ban Nang và sau đó xác tín việc voi mang thai thành công. Để chắc ăn, các chuyên gia Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cùng chủ voi H’Ban Nang nhanh chóng xây một một kế hoạch chăm sóc. Quãng thời gian này, anh Y Vinh cùng người chú luôn theo sát để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra với mẹ voi. Việc chở khách gần như cấm tuyệt, thay vào đó voi H’Ban Nang được theo dõi với chế độ đặc biệt nhất.

Càng gần đến ngày sinh của voi H’Ban Nang, không khí làm việc tại Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk càng nhộn nhịp, hối hả hơn với thường lệ. Để mọi việc không xảy ra sự cố đáng tiếc, lãnh đạo, nhân viên của Trung tâm nhiều tháng nay trực tiếp có mặt 24/24 gần khu vực voi mang thai quan sát những sự thay đổi dù nhỏ nhất của voi mẹ. Công việc của đoàn được phân công chu đáo từ việc xây dựng kế hoạch chăm sóc, chuẩn bị thuốc men, phối hợp với các chuyên gia nước ngoài tư vấn giải pháp, vấn đề phát sinh trong thời gian voi sinh sản.

Anh Y Thiện Niê - thành viên chăm sóc voi H’Ban Nang với công việc hằng ngày là lấy máu, quan sát biểu hiện, tư vấn hoạt động, hành vi các hoạt động chuyển dạ của voi… vừa trở về sau thời gian chăm sóc voi H’Ban Nang - háo hức kể với chúng tôi những khoảnh khắc đáng nhớ. “Gần ngày chuyển dạ, voi H’Ban Nang ít di chuyển, bầu vú nở nang, 4 chân bắt đầu phù lớn”. Gửi chúng tôi vài bức ảnh voi trong rừng để thấy rõ những vất vả của nài voi và Trung tâm, anh Y Thiện ví von “chăm voi sinh sản còn nhọc hơn chăm người”. Mỗi khi về nhà, anh Y Thiện thường xuyên chia sẻ với chúng tôi những đoạn video tư liệu do anh quay về hoạt động, sự thay đổi trong tính của voi mẹ.

 

Không phải ngẫu nhiên mà Y Vinh nói câu này với chúng tôi khi tạm biệt: “Sau khi voi nhà mang thai, tôi tin rằng trong tương lai không xa, chúng ta có thể gây dựng và phát triển đàn voi nhà và giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong nghiên cứu bảo tồn voi Tây Nguyên…”.

Không chỉ huy động rất nhiều nhân lực, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk còn thuê hẳn một “bà” bảo mẫu là voi H’Băn về chăm sóc, dạy dỗ và sắp tới sẽ “đỡ đẻ” cho H’Ban Nang. Điều đặc biệt, trong quá khứ, voi H’Băn chính là “mẹ nuôi” voi H’Ban Nang. Anh Y Thiện mở điện thoại cho chúng tôi xem một đoạn clip quay cảnh hai con voi này nhường thức ăn cho nhau rất xúc động. “Có lẽ trải qua thời gian sống với nhau nên hai mẹ con dễ dàng đồng cảm để che chở, sẻ nhường nhau như thế này” - Y Thiện nói.

Cũng theo anh Y Thiện, voi bảo mẫu H’Băn rất kỹ tính, không muốn người lạ đến gần voi H’Ban Nang. Một điều thú vị nữa là qua theo dõi, anh Y Thiện ghi nhận dù voi H’Ban Nang sắp sinh nhưng nhiều đêm “nàng” ta vẫn đỏng đảnh, giận hờn bỏ đi khiến voi bảo mẫu lo lắng gọi quay về. “Đặc biệt gần đây, biết bản thân sắp sinh nên suốt ngày voi H’Ban Nang cứ quấn quýt bên voi H’Băn. Chúng tôi đoán đó là sự sẻ chia tình cảm của loài voi trước ngày sinh nở, điều mà con người hiếm khi nhìn thấy” - anh Y Thiện nói.

Voi H’Ban Nang sắp đẻ - ca đẻ đầu tiên của voi nhà sau dằng dặc mấy chục năm chờ đợi là một sự kiện trọng đại đang được người dân và chính quyền tỉnh Đắk Lắk chờ đón. Đây là một niềm vui nhân đôi bởi trước đó, những cán bộ của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã kỳ công khi thay đổi được nhận thức của các chủ voi từ việc nuôi voi để “tận thu” sang chửa đẻ.

Hoàng Văn Minh-Hữu Long/laodong

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.