Cuộc thi viết "Từ trong ký ức": Chiếc mo cơm và tình bạn thời khói lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

"Trước đây nhà anh khá giả, vẫn đem mo cơm ở lại ăn trưa với tụi nhà nghèo như tôi thì tôi hiểu được cái tình của anh với bạn bè rồi" - Thiên nói và giúp tôi chuyển từ nghề chạy xe thồ sang làm giáo viên.



Những năm trước ngày đất nước thống nhất, vì là vùng bán sơn địa nên cả một vùng rộng lớn quê tôi (nay là huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chỉ có một trường trung học đệ nhất (tương đương cấp II) với cái tên là Trường Trung học Bán công Hiếu Đức. Lũ học sinh chúng tôi hầu hết đều lớn tuổi nhưng được cha mẹ khai sinh nhỏ lại vừa được đi học, vừa trốn đi lính cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Như tôi sinh năm 1953 nhưng được sửa lại 1956.

Mo cơm thuở học trò

Đi học với chúng tôi ngày ấy là cuộc trường chinh vì nhiều đứa ở rất xa trường. Hành trang đến trường là một túi xách khâu bằng bao bố, trong đó có một ít sách vở và một phần cơm để ăn trưa vì thời đó chúng tôi học 2 buổi, nếu về nhà thì không kịp quay lại trường.

Trong lớp ngày ấy tôi có hai người bạn thân là thằng Lục và thằng Thiên, cả hai đều mồ côi cha nên gia cảnh khá khó khăn (sau này mới biết cha của hai đứa tập kết ra Bắc). Nhà tôi tuy ở gần trường nhưng sáng nào đi học, tôi cũng nói với mẹ gói cơm để trưa ở lại ăn cùng với bạn cho vui. Phần cơm của Lục và Thiên gói trong một chiếc mo cau, trong đó một ít cơm độn thêm khoai sắn, thức ăn có khi là muối mè, có khi là ít cá kho khô. Mo cơm của tôi thường có cá kho, thịt kho, trứng,… vì nhà tôi khá giả hơn. Và chúng tôi thường mang cơm ra ăn chung với nhau. Ăn xong, ba đứa lăn ra trên bàn học nằm nghỉ và tâm sự với nhau về chiến tranh và mong ước đất nước sớm thanh bình.

Bạn tôi là Việt cộng

Năm 1968, vào một đêm khuya, súng nổ vang trời ở hướng nhà thằng Thiên và thằng Lục. Sáng hôm sau, đến lớp chỉ có thằng Lục mà không thấy thằng Thiên đâu. Thằng Lục nó nói nhỏ vào tai tôi là thằng Thiên nhảy núi rồi (đi theo Việt cộng).

Vào giờ ra chơi, có mấy người lính xông vào lớp. Một người ra dáng chỉ huy hỏi: "Thằng Thiên sáng nay có đi học không". Cả lớp im lặng. Thầy giáo trả lời: "Sáng nay chưa thấy em Thiên đi học". Tên chỉ huy lạnh lùng nói: "Em Thiên cái gì, nó là Việt cộng nòi đó, trong lớp này, nó chơi thân với đứa nào đứng lên coi".


 

 Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG



Cả lớp im phăng phắc, tôi lo sợ, hai tay nắm chặt mép bàn. Thấy không ai trả lời, tên chỉ huy gằn giọng: "Thằng Thiên theo Việt cộng nhảy núi rồi, học không học lo theo Việt cộng, tao bắt được là bắn bỏ" rồi quay sang bọn lính vẫy tay ra hiệu đi về. Khi chiếc xe chở đám lính vừa ra khỏi cổng trường, tôi thở phào nhẹ nhõm. Sau buổi học ấy, tôi giận Lục đến mấy ngày, trách nó tại sao bạn bè thân thiết mà giấu tôi chuyện thằng Thiên là Việt cộng và ba của 2 đứa cũng là Việt cộng.

Về sau Lục giải thích nó phải giữ bí mật của gia đình, nếu lộ ra thì cả nhà gặp chuyện và chuyện học hành của nó, Thiên cũng bị ảnh hưởng. Khi hiểu ra chuyện, tôi không còn trách Lục và càng quý nó hơn.

Cuộc viếng thăm giữa bom đạn

Từ ngày thằng Thiên nhảy núi, tôi và Lục vẫn tiếp tục đi học. Đêm 30-10-1969, ngoài trời mưa tầm tả, tôi học bài xong thì đã khuya, chuẩn bị đi ngủ, bỗng nghe pháo sáng từ xa tạch đùng bắn lên, chớp sáng cả trời đêm, liền sau đó là tiếng súng vang rền. Cả nhà tôi thức giấc nháo nhào bò xuống hầm tránh đạn.

Hầm tránh đạn của nhà tôi nằm bên chái bếp, có một khung ván nhỏ thông ra ngoài, đậy sơ sài bằng tấm ván được phủ lên một lớp vải dầu mỏng.

Cả nhà chui xuống hầm được một lát thì có tiếng cộc cộc gõ liên hồi vào miếng ván và tiếng gọi "Học ơi, Học ơi". Cả nhà ai cũng run cầm cập vì không biết ai gọi. Ba tôi ra dấu bảo cả nhà im, ông bò lại miệng giở miếng ván lên thì một bóng đen chui tọt vào, trên mình mang đầy súng đạn.

Dưới ánh đèn dầu hỏa tò mò, tôi nhận ra thằng Thiên. Nó ra dấu cho mọi người im lặng, đến gần tôi và nói đêm nay nó về đánh chi khu nhưng bị lộ, chúng bắn rát quá nên phải rút lui. Nó tranh thủ ghé qua thăm tôi vì lâu ngày không gặp nhớ bạn quá.

Nghe Thiên nói tôi rất cảm động vì nguy hiểm kề bên vẫn còn nhớ đến bạn bè. Lúc ấy sẵn mấy cái bánh bắc (loại bánh làm bằng bột nếp và đường bên ngoài là giấy gương nhỏ đủ màu) mẹ cúng đầu tháng, tôi dúi vào tay nó. Cầm mấy chiếc bánh tôi đưa, nó lí nhí cảm ơn rồi bò lên miệng hầm. Ngoài kia, tiếng súng máy vẫn bắn liên hồi…

Đâu dễ phôi pha

Kể từ hôm thằng Thiên nghỉ học, tôi và Lục vẫn đi học bình thường nhưng nó có hơi khang khác. Thấy vậy, tôi hỏi nó có chuyện gì nhưng nó làm thinh. Tôi biết nó đang có điều gì đó nhưng không tiện nói nên không hỏi nữa. Dù vậy, trong lòng tôi cảm phục vô cùng vì mình có những người bạn dũng cảm, có chí khí.

Những buổi trưa ở lại trường, chỉ còn tôi và Lục ăn cơm với nhau. Bữa cơm từ bộ ba giờ chỉ còn 2 cũng có phần kém ngon. Đôi khi hai đứa bất giác thẫn thờ thở dài vì nhớ Thiên.

Mùa hè năm 1969 cũng là năm cuối cấp, tôi và Lục tiếp tục xuống Đà Nẵng để học tiếp lên cấp III. Chúng tôi tiếp tục chung trường, chung lớp.

Hồi đó, Lục rất thường xuyên về quê và mỗi lần trở lại trường nó lại có vẻ trầm ngâm hơn trước. Có lần nó không về quê mà nghỉ học liền 2-3 ngày. Tôi hỏi, nó bảo tôi cứ lo học, nó làm chuyện gì rồi có ngày, tôi sẽ biết. Nghe Lục nói vậy, tôi linh tính nó đang làm việc gì đó cho Việt cộng rồi, nên không hỏi nữa.

Đầu năm 1970, một lần về quê, thằng Lục kể nghe nói thằng Thiên bị máy bay Mỹ bắn và hy sinh trên đường ra miền Bắc rồi. Tôi bàng hoàng đau xót!

Sau ngày miền Nam giải phóng, thằng Lục về quê, xuất hiện ở Ủy ban Quân quản xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, với cái túi xách bên mình cùng khẩu súng nhỏ. Nó trở thành cán bộ của chính quyền cách mạng còn tôi không có việc làm nên làm nghề chạy xe thồ ở bến xe liên tỉnh Đà Nẵng.

Trưa hôm ấy, trong khi chờ khách ở bến xe, tình cờ và quá đỗi bất ngờ, tôi gặp được Thiên. Hai đứa nhận ra nhau, thằng Thiên không chết, nó kể được đồng đội cứu sống rồi tiếp tục học tập ở miền Bắc và mới được điều về quản lý bến xe.

Sau phút giây hội ngộ mừng ra nước mắt ấy, Thiên bảo: "Người anh ốm yếu, đi xe thồ làm chi, nộp đơn xin học sư phạm cấp tốc 4 tháng ra đi dạy".

Tôi băn khoăn khi mình mới lấy vợ, sinh con, đi học thì gạo đâu mà nuôi vợ con trong 4 tháng đó. Thiên quả quyết nói tôi cứ đi học, chuyện gạo cơm của vợ con tôi để nó lo. "Trước đây nhà anh khá giả, vẫn đem mo cơm ở lại ăn trưa với tụi nhà nghèo như tôi thì tôi hiểu được cái tình của anh với bạn bè rồi. Bây giờ tôi giúp lại anh". Thế là nhờ sự giúp đỡ của Thiên, tôi trở thành giáo viên cấp II.

Năm 1979, cuộc chiến biên giới phía Bắc nổ ra, Thiên tình nguyện lên đường chiến đấu. Quyết định của nó rất bất ngờ và dứt khoát, tôi và Lục không thể can ngăn. Và đau đớn thay, cũng trong năm ấy, nó đã nằm xuống trên biên cương phía Bắc sau một trận đánh ác liệt. Được tin, tôi và Lục vô cùng đau đớn và tiếc thương. Đây là lần chia tay vĩnh viễn với Thiên - người bạn anh dũng, chí tình của Lục và tôi.

Giờ đây, tôi và Lục đã nghỉ hưu, thỉnh thoảng chúng tôi cùng về thăm quê, ghé lại thắp cho thằng Thiên mấy nén nhang. Những lúc ấy, tôi vẫn còn mường tượng được khuôn mặt cương nghị của bạn mình. Mỗi lần như thế, tôi lại nhớ đến những bữa cơm trưa đạm bạc dưới mái trường xưa. Thương làm sao chiếc mo cơm thời khói lửa!


 

 



Theo NGUYỄN VĂN HỌC (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy “về nhà”

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy “về nhà”

(GLO)- Khi tôi và nhà thơ Hương Đình “mở tiệc” chia tay Đỗ Tiến Thụy ra Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du thì anh là Thượng úy, công tác tại Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3). Ấy là năm 2002. Tháng 11 năm nay, khi trở “về nhà”, anh đã mang hàm Đại tá, Trưởng ban Văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhóm tác giả thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng AVIEW giành giải nhất, nhì cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu”

Nhóm tác giả thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng AVIEW giành giải nhất, nhì cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu”

(GLO)- Ngày 16-12, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định Phê duyệt kết quả cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu” thuộc dự án Phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn Thượng đạo).

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.