Cuộc sống đảo lộn vì dự án

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Công trình nối QL46 với đường ven sông Lam tại TP. Vinh (Nghệ An) triển khai, với ý tưởng dự án từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ đem lại cho đô thị diện mạo mới, người dân xung quanh được hưởng lợi. Thế nhưng, cuộc sống của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã bị đảo lộn; người dân lâm vòng kiện tụng, bức xúc vì những hành vi ứng xử tiền-hậu bất nhất của cơ quan chức năng.

“Chống người thi hành công vụ”

Năm 2015, TP. Vinh triển khai thực hiện dự án đường nối quốc lộ 46 với đường ven sông Lam, dài khoảng 8km, trong đó đoạn đi qua xã Nghi Đức khoảng 4km. Dự án này được phê duyệt năm 2011 lòng lề đường rộng 35m, nhưng sau đó đã được UBND tỉnh Nghệ An điều chỉnh xuống còn 15m. Công tác kiểm đếm, lập hồ sơ giải phóng mặt bằng đã làm xong vào cuối năm 2015, tất cả hộ dân có dự án đi qua đều đồng thuận. Một số vị trí đường đi qua đất nông nghiệp đã được gấp rút thi công.

 

Đất ông Nguyễn Văn Cảnh sử dụng, vốn là đất của liệt sĩ và Mẹ Việt Nam Anh hùng, nay không được công nhận là đất ở.
Đất ông Nguyễn Văn Cảnh sử dụng, vốn là đất của liệt sĩ và Mẹ Việt Nam Anh hùng, nay không được công nhận là đất ở.

Tuy nhiên, vào tháng 7-2016, nhiều hộ dân xóm Xuân Hoa (xã Nghi Đức) bất ngờ nhận được thông báo của UBND TP.Vinh sẽ kiểm đếm, thu hồi thêm 10m hai bên tuyến đường nói trên tại khu vực khu dân cư, để “phù hợp với quy hoạch nền đường 35m”. Nhiều hộ phản ứng, vì họ phải “hy sinh” thêm rất nhiều đất đai, đập phá nhà cửa, để thu hồi đất trống chờ dự án “treo”.

Là người đầu tiên phát hiện sự vô lý và không đồng tình với việc thu hồi đất để bỏ không, ông Nguyễn Xuân Bình (85 tuổi, cựu chiến binh, cán bộ ngân hàng nghỉ hưu, trú xóm Xuân Hoa) liên tiếp gặp những chuyện phiền phức. Vào khoảng 15 giờ ngày 1-12-2016, ông Bình đang nghỉ trong nhà thì ông Nguyễn Văn Phương - Bí thư chi bộ xóm - gọi cửa, để vận động ông Bình đồng ý cho thu hồi đất. Đã bị nhiều đoàn đến làm phiền, và cho rằng ông Phương đến không hẹn trước, ông Bình không đồng ý tiếp, đuổi ông Phương ra khỏi nhà và đóng cửa lại.

Bất ngờ, vào chiều tối hôm đó, có nhiều công an đến làm việc tại nhà ông Bình, với lý do ông Bình đã đánh ông Phương, nghĩa là “chống người thi hành công vụ”. Sau đó, ông Bình còn bị triệu tập lên làm việc với công an hai lần, một lần tại trụ sở xã Nghi Đức và một lần tại Công an TP.Vinh. Trong các buổi làm việc, một cán bộ ngỏ lời nếu ông Bình chấp nhận đồng ý cho kiểm đếm, thu hồi đất thì sẽ “xóa” tội cho ông, nhưng ông Bình không chấp nhận. Từ đó, đã 8 tháng trôi qua, ông Bình không thấy công an “mời” làm việc nữa.

Không thuyết phục được, ngày 26-12-2016, chính quyền rầm rộ huy động lực lượng đến nhà ông Bình và một số hộ khác để “cưỡng chế kiểm đếm”. Thấy ông Bình sức khỏe yếu, trong ngày bị “cưỡng chế”, vợ con phải đưa ông đi lánh chỗ khác.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 31-7-2017, UBND TP.Vinh liên tiếp ban hành 2 quyết định: Thu hồi 847m2 đất của ông Bình để làm dự án, và “hỗ trợ” cho việc ông Bình tháo dỡ nhà với lý do “tài sản xây dựng trên đất sau khi có quy hoạch”.

“Nhà của vợ chồng tôi xây dựng năm 2010, nhưng chính quyền địa phương cho rằng chúng tôi xây dựng năm 2012, sau thời điểm có quy hoạch làm đường (2011). Tôi đã nói với họ, nhưng cán bộ xã không nghe” - bà Lộc - vợ ông Bình - kể. Nói rồi, bà Lộc chạy te tái vào nhà, đưa ra một mớ hóa đơn, chứng từ mua vật liệu xây dựng, tất cả đều ghi năm 2010, ngoài ra còn có giấy ứng tiền của chủ thầu, cũng ghi rõ năm 2010. P.V gọi điện, được anh Chiến, chủ thầu xây dựng nhà của ông Bình, khẳng định nhà ông Bình khởi công vào tháng 10.2010, hoàn thành tháng 4-2011.

Tuổi già, sức yếu, ông Nguyễn Xuân Bình càng thêm hao mòn vì bức xúc trước cách ứng xử “lạ” của chính quyền.

Giáo viên được “mời” nghỉ dạy để giải phóng mặt bằng

Ông Nguyễn Trọng Hòa (xóm Xuân Hoa, xã Nghi Đức) cũng không đồng ý với phương án thu hồi đất mỗi bên thêm 10 mét, nên đã lập tức “gặp chuyện”. Ngày 10-3-2017, Trưởng phòng GDĐT TP.Vinh (Nghệ An) Thái Khắc Tân ký văn bản số 128/PGDĐT gửi Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Đức, yêu cầu bố trí dạy thay để giáo viên Nguyễn Trọng Hòa nghỉ dạy một tuần, từ 13 - 18-3, lý do “để giải quyết việc liên quan đền bù, giải phóng mặt bằng theo chủ trương của Nhà nước”. Đồng thời, yêu cầu ông Nguyễn Trọng Hòa “báo cáo với hiệu trưởng tiến độ việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng”.

Trưởng phòng GDĐT TP.Vinh cũng yêu cầu Hiệu trưởng THCS Nghi Đức báo cáo kết quả việc thực hiện liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng của ông Nguyễn Trọng Hòa. Ông Thái Khắc Tân cũng được huy động làm thành viên của Ban Vận động giải phóng mặt bằng của thành phố. Mặc dù ông Tân phủ nhận, cho rằng đây không phải là hình thức đình chỉ, hay gây áp lực đối với giáo viên, nhưng một lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định việc làm nói trên là sai. Điều đáng nói, đó xuất phát từ chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Vinh, và sẽ có nhiều người khác tiếp tục bị “mời” nghỉ công tác, nếu không có sự phản ánh của báo chí.

Thấy việc thu hồi đất của dân rồi để không là không ổn, UBND TP.Vinh đề xuất phương án “xây dựng đường 35 mét qua khu dân cư” và đã được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý. Nói là “xây dựng đường 35 mét”, nhưng thực chất lòng đường xe chạy chỉ có 7 mét, và vỉa hè, hành lang rộng gấp 4 lần, đến 28 mét. Đây cũng là một con đường “lạ” bởi vì khoảng 4 km đi qua khu đất nông nghiệp thì chỉ rộng 15 mét, nhưng đi qua khu dân cư lại rộng đến 35 mét. Nói là “làm đường”, nhưng theo lời một lãnh đạo TP. Vinh, thì cũng chỉ san ủi, đắp đất vỉa hè. Mặc dù vậy, khi người dân yêu cầu xuất trình các thủ tục liên quan như quyết định làm đường 35 mét, bản vẽ thiết kế thi công, thì cán bộ chỉ hứa, mà không đáp ứng được.

Phủ nhận đất ở của Mẹ Việt Nam Anh hùng

Ông Nguyễn Văn Cảnh (46 tuổi, xóm Xuân Hoa, xã Nghi Đức) là người thừa kế, sử dụng mảnh đất có nguồn gốc từ hàng trăm năm của cha ông để lại, trong đó có mảnh đất của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Em và hai liệt sĩ (chú ruột): Nguyễn Văn Nhâm - Nguyễn Thanh Dần. Tuy nhiên, khi dự án đi qua, phần đất ảnh hưởng bởi dự án chỉ có chưa đầy 20 m2 đất ở, còn lại được xác định là “đất vườn” và được áp giá đền bù thấp hơn nhiều so với giá đất ở.

Ông Cảnh viết đơn khiếu nại, kiến nghị, ngày 24-4-2017, UBND xã Nghi Đức có báo cáo số 80 nêu nguồn gốc đất ông Cảnh, và giải thích xã lập phương án bồi thường theo hiện trạng ghi trong bìa đất và xin ý kiến chỉ đạo của thành phố. Nhưng đã nhiều tháng trôi qua, ông Cảnh vẫn chưa nhận được phản hồi, và đang đứng trước nguy cơ bị cưỡng chế. Một cán bộ của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố nói: “Tốt nhất, ông Cảnh nên làm đơn khiếu nại, để có quyết định giải quyết”.

Cùng hoàn cảnh trớ trêu, ông Hoàng Quốc Dũng (trú TP. Vinh), có hai mảnh đất mua đấu giá đất ở bám đường Lê Quý Đôn cũng bị chính quyền liệt vào diện “đất vườn” sử dụng sau ngày 18.12.1980. Điều làm ông Dũng bức xúc hơn, là được giới thiệu nhận đất tại khu tái định cư, được xây dựng trên bãi tha ma cũ. Ông Dũng đã kiến nghị, khiếu nại, nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Còn ông Phạm Ngọc Tiến (xóm Xuân Hoa) thêm nản lòng vì trong quá trình thu hồi đất, ông đã kiến nghị được cấp đất “sạch” để xây dựng nhà thờ họ. Ban đầu, cán bộ hứa sẽ xem xét giải quyết; nhưng đến giờ “G”, ông Tiến nhận được văn bản trả lời yêu cầu về đất làm nhà thờ họ không được giải quyết, và sau đó là quyết định cưỡng chế. Hộ Phạm Quốc Việt, có mảnh đất 1.400 m2 được những người cao niên xác định là đất ở trước 1980, nhưng UBND xã Nghi Đức lại cho rằng sử dụng sau ngày 18-12-1980.

Làm việc với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP .Vinh, chúng tôi được giải thích là những việc làm của cán bộ đều đúng, dựa trên các quy định hiện hành. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa đồng thuận vì cho rằng bị “xử ép”, thiệt thòi. Tiến độ giải phóng mặt bằng càng chậm trễ.

Quang Đại/laodong

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.