Cửa biển Mỹ Á hồi sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bây giờ, ngư dân Mỹ Á không chỉ chọn vùng biển quần đảo Hoàng Sa làm ngư trường quen thuộc mà theo chiều gió, mùa biển động thì họ hướng về phương Nam, vào vùng biển quần đảo Trường Sa để đánh bắt hải sản.
 

Cảng cá Mỹ Á ở phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi là dãy nhà dài chừng 60 m, mái lợp tôn. Phía Bắc cảng cá là điểm cung ứng dầu, phía Nam là triền đà Mỹ Á - nơi tu sửa những con tàu sau chuyến xa khơi.

 

 Vùng cửa biển Mỹ Á
Vùng cửa biển Mỹ Á


Sướng cùng sướng, khổ cùng khổ

Trong sớm mai, nhiều con tàu từ khơi xa chầm chậm trở về cập cảng Mỹ Á, chờ bốc cá lên bờ. Tiếng máy nổ, tiếng mặc cả, nói cười rộn rả cả vùng cửa biển.

Ngư dân Đồng Văn Ngắn là tay lái tàu điệu nghệ. Sau khi anh đánh tay lái, con tàu vào cửa biển rồi vào sâu trong vũng neo đậu tàu thuyền, cập ngay bến cá. Anh cười rất tươi thay cho câu chào người thân, bạn hàng sau một lèo đi biển non nửa tháng đánh bắt cá từ Hoàng Sa trở về.

Những bạn chài của anh Ngắn, mặt rám nắng gió biển khơi, chờ tàu dừng hẳn là vội thả neo rồi mở khoang chuyển cá lên bờ. Phía trên cầu tàu, nhiều chiếc xe đông lạnh chờ sẵn. Chị em lao động trên bờ thấy tàu về là góp sức vào việc chuyển cá.

Những con cá cờ to phải nhờ đến 5 người khiêng và khi cân phải dùng 2 chiếc cân. Cá thu nhồng mỗi con vài chục ký lô và nhiều nhất vẫn là cá ngừ sọc dưa, cá ngừ chù. Sau khi cá được chuyển lên bờ, thương lái cân ngay rồi xếp vào sọt, đổ đá dăm và chuyển lên xe đông lạnh để chở đi muôn nơi.


 

Cá đánh bắt từ vùng biển Hoàng Sa
Cá đánh bắt từ vùng biển Hoàng Sa


Cá cờ bán tại bến là 50.000 đồng/kg, con có trọng lượng 80 - 120 kg giá từ 4 - 6 triệu đồng. Cá ngừ thì 25.000 đồng/kg, cá thu nhồng 115.000 đồng/kg...

Vuốt mái tóc mướt mồ hôi, anh Ngắn hồ hởi: "Giá cá không tăng nhưng khi đánh bắt được số lượng khá thì dư sức trừ hao tổn".

Tàu của anh Đồng Văn Út có 9 bạn chài, đều là anh em trong họ, trong làng. Lâu rồi, họ đã sướng cùng sướng, khổ cùng khổ nên mọi chuyện nói ít hiểu nhiều. Họ cùng nhau vượt qua sóng gió biển khơi để bám biển.

Một bạn chài của anh Út vuốt mái tóc dài lòa xòa trước trán, nói: "Được cá mà giá dầu xuống ở mức 23.900 đồng/lít là mừng. Tính ra anh em bạn mỗi người được khoảng 3 triệu đồng/lèo biển".

Tiếp theo tàu anh Ngắn, nhiều con tàu sau chuyến xa khơi cùng trở về. Từ ngoài cửa biển, tiếng máy vọng vào nghe rõ mồn một.

Rồi những con tàu nối nhau theo luồng vào vũng neo đậu. Trên boong tàu thấp thoáng những dân chài. Phía đầu mũi tàu, cờ Tổ quốc bay phần phật trong nắng mai.

 

Lao xao bến cá
Lao xao bến cá


Vượt qua sóng cả

So với các cửa biển ở Quảng Ngãi như Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ Lũy, Sa Huỳnh..., cửa biển Mỹ Á hẹp hơn và chuyện ngư dân vùng biển này vươn ra khơi xa cũng chậm hơn. Nhưng điều đáng nói là chậm mà chắc.

Lão ngư Nguyễn Xết nhớ lại: "Hơn 15 năm trước, ngư dân Phổ Quang chuyên đánh bắt ở vùng biển trải dài từ Đà Nẵng đến Bình Định; riêng ở Quảng Ngãi thì tập trung ngoài khơi đảo Lý Sơn. Cửa biển Mỹ Á hẹp, mùa đông sóng đưa cát vào bồi lấp, tàu đánh cá phải vào cửa biển Sa Huỳnh hoặc ra cửa biển Sa Kỳ để núp gió".

Hồi đó, luồng lạch hẹp nên có rất nhiều tàu vào cửa biển Mỹ Á va phải đá ngầm gãy chân vịt, mắc cạn, rồi bị sóng lớn đánh chìm. Cứ mỗi lần nghe tàu vào cửa biển bị sự cố là ông Xết cùng các bạn chài đưa tàu mình ra, vòng dây kéo. Nhiều tàu bị hư hỏng nặng nên ngư dân gặp khó khăn.

Thế rồi trong cái khó, làng biển này bèn nghĩ cách lập quỹ hỗ trợ ngư dân. Cứ mỗi chuyến tàu từ khơi xa trở về đánh bắt hải sản đạt khá, sau khi bán cá là gom góp ít nhiều vào quỹ. Đến khi tàu nào gặp nạn thì người làng trích quỹ giúp đỡ bà con.

Sau khi nhà nước nạo vét luồng lạch, xây dựng vũng neo đậu tàu thuyền Mỹ Á, nhiều người gom góp, vay mượn tiền đóng tàu lớn. Cuộc chinh phục khơi xa của bà con ngư dân nơi đây bắt đầu.

Cho đến bây giờ, những con tàu của ngư dân Mỹ Á - Phổ Quang không chỉ chọn vùng biển quần đảo Hoàng Sa làm ngư trường quen thuộc mà còn theo chiều gió. Đến mùa biển động thì họ đưa tàu hướng về phương Nam, vào vùng biển quần đảo Trường Sa để đánh bắt hải sản.

Vươn ra vùng biển xa là thêm một lần ngư dân vùng biển Mỹ Á - Phổ Quang thể hiện rõ hơn tính bền chặt của cộng đồng.

"Đánh bắt hải sản ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa thường bị tàu nước ngoài ngang ngược truy đuổi, thậm chí nã súng vào tàu ngư dân. Cứ mỗi lần như thế, anh em ngư dân đánh bắt trong khu vực gần đó vội đưa tàu đến tìm cách giải vây. Còn khi trời sắp bão tố, anh em thông tin qua máy icom báo cho nhau nhanh chóng rời khỏi vùng tâm bão. Vì vậy, tàu thuyền ở Mỹ Á so với vùng biển khác gặp nạn không nhiều" - ông Xết giải thích.

 

Ngư dân tranh thủ chuyển đá cây, gạo, mắm... lên tàu để đi chuyến biển kế tiếp
Ngư dân tranh thủ chuyển đá cây, gạo, mắm... lên tàu để đi chuyến biển kế tiếp


Xoay xở đưa tàu ra khơi

Tại cảng cá, tôi gặp ngư dân Nguyễn Búp. Anh hành nghề lưới rê ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Anh Búp cho hay: "Một lèo biển kéo dài từ 15 đến 20 ngày. Tàu phải chuẩn bị lượng dầu khoảng 5.000 lít. Hạ tuần tháng 6 vừa qua, giá dầu tăng phi mã, lên đến trên 30.000 đồng/lít nên mỗi chuyến ra khơi, chỉ riêng dầu đã ngốn hết 130 triệu đồng".

Cái khó của những người như anh Búp là lúc giá dầu bình thường, các cửa hàng kinh doanh cho ứng tiền dầu trước khi ra khơi. Khi giá dầu tăng liên tục, các đại lý lo ngại nên chấm dứt chuyện ứng trước thanh toán sau, chuyển sang hình thức "tiền tươi, dầu thật", vì vậy lúc khó lại càng khó hơn.

Biết vậy, anh Búp cũng như nhiều chủ tàu vẫn ráng chịu đựng. Họ cố gắng xoay xở để đưa tàu ra khơi.

Theo anh Búp, lúc giá dầu bình ổn thì những con tàu vươn khơi liên kết theo từng nhóm đánh bắt hải sản. Khi "bão giá" đến, các nhóm chẳng ai bảo ai đều tự nguyện liên kết nhau. Khi phát hiện luồng cá là thông báo ngay về tọa độ, cùng nhau đánh bắt để đạt hiệu quả hơn.

Trong lúc "bão giá", chuyện vươn khơi cũng lắm điều để nói. Lâu nay, để chuẩn bị cho chuyến ra khơi, ngoài dầu, gạo, mắm, muối, ngư dân còn mua 5-7 thùng bia lon, vài thùng bò húc để uống giải mỏi hoặc động viên nhau khi đánh được mẻ cá lớn. Song, khi giá cả tăng cao thì giá dầu "ăn" hết phần bia bọt, gạo mắm nên mọi người đành phải bảo nhau tiết kiệm.

"Cứ mỗi món tiết kiệm một ít, may ra còn tiền đem về cho vợ con, chứ xài như trước đây có khi chưa đủ bù chi phí. Khi giá dầu bình thường, tàu ra cửa biển hoặc hồi nào phấn khích thì tăng ga thoải mái. Khi giá dầu tăng cao thì rê ga cho tàu chạy đều đều, đỡ tổn nhiên liệu" - ngư dân Huỳnh Văn Tâm tiết lộ.

Tính cộng đồng bền chặt

Tại cảng cá Mỹ Á, trong câu chuyện về việc chống chọi lúc "bão giá", nhiều chủ tàu đánh bắt hải sản xa bờ cũng nói nhiều đến Quyết định 48 của Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Sự nỗ lực của ngư dân là điều cần thiết. Song, nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì họ khó trụ được trong việc đánh bắt hải sản vùng biển xa.

Chủ một tàu đánh cá ở Mỹ Á, ông Huỳnh Đào, nhìn nhận: "Khi đánh bắt hải sản diễn ra bình thường thì việc hỗ trợ dầu của nhà nước đã là thiết thực. Khi giá dầu tăng cao, sự hỗ trợ ấy càng cần thiết hơn. Bởi lẽ, mỗi lèo biển tốn hơn trăm triệu đồng tiền dầu. Trong khi đó, giá cá không tăng mà đâu phải được mùa liên tiếp. Còn bây giờ, khi nhà nước thực hiện bình ổn giá, dầu nằm ở mức 23.900 đồng/lít, tuy vẫn còn cao nhưng ngư dân tạm bớt khó khăn khi vươn khơi".

Tôi rời cầu cảng Mỹ Á trở về lúc thủy triều lên, càng hiểu hơn chiều sâu của làng chài. Những con tàu trong vũng neo đậu tàu thuyền Mỹ Á đang xuất bến. Tiếng máy rộn lên vang vọng cả làng chài.

Những con tàu rẽ sóng ra khơi. Trên boong tàu, bạn chài vẫy tay chào bến cảng, chào người thân. Đó là tính cộng đồng bền chặt, giúp bao người vượt qua bão tố, "bão giá" để làm ăn, cải thiện cuộc sống và góp phần bảo vệ vùng biển thiêng thiêng của Tổ quốc.

 


Nỗ lực vượt khó bám biển

Theo ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, khi giá dầu lên cao, có lúc khoảng 40% tàu cá địa phương phải nằm bờ. Song, ở vùng biển Phổ Quang, ngư dân có nhiều nỗ lực vượt khó bám biển.

"Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương động viên ngư dân phát huy vai trò của tổ đoàn kết, chia sẻ thông tin về luồng cá để đánh bắt hiệu quả hơn. Sở còn đề nghị các địa phương nhanh chóng lập danh sách hỗ trợ dầu theo Quyết định 48 để trình cấp trên hỗ trợ kịp thời cho ngư dân" - ông Phương cho biết.


Bài và ảnh: VÕ QUÝ CẦU

(Dẫn nguồn NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.