Covid-19: WHO kết thúc điều tra ở Trung Quốc, quá nhiều câu hỏi để ngỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhóm chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kết thúc cuộc điều tra thực địa nguồn gốc dịch Covid-19 kéo dài 28 ngày tại TP Vũ Hán - Trung Quốc song vẫn chưa làm rõ được nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

Các chuyên gia tin rằng dịch bệnh này rất có thể lây nhiễm sang người từ vật chủ trung gian là động vật. Sau khi phát hiện các cụm dịch Covid-19 ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, Trung Quốc đã phong tỏa thành phố này 76 ngày. Công tác điều tra của phái đoàn WHO bị cản trở bởi sự chậm trễ, lo ngại về khả năng tiếp cận và mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Mỹ.

Chuyên gia WHO đến Vũ Hán gồm những ai?

Nhóm chuyên gia WHO được dẫn dắt bởi tiến sĩ Peter Ben Embarek - chuyên gia hàng đầu của tổ chức này về các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật. Nhóm chuyên gia có 14 thành viên, là các nhà dịch tễ học, chuyên gia về bệnh động vật và con người, bác sĩ thú y, bác sĩ y khoa và nhà virus học.

Theo tờ The Straits Times, trong nhóm chuyên gia có nhà động vật học Peter Daszak, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Dominic Dwyer, Marion Koopmans - nhà virus học tại Trung tâm Y tế Đại học Erasmus ở Hà Lan, chuyên gia dịch tễ học người Đan Mạch Thea Kolsen Fischer.


 

Chuyên gia Peter Ben Embarek giơ biểu đồ cho thấy các con đường lây truyền virus trong cuộc họp báo của WHO tại Vũ Hán vào ngày 9-2. Ảnh: AP
Chuyên gia Peter Ben Embarek giơ biểu đồ cho thấy các con đường lây truyền virus trong cuộc họp báo của WHO tại Vũ Hán vào ngày 9-2. Ảnh: AP



Nhiệm vụ là gì?

Ngoài giả thuyết về SARS-CoV-2 gây Covid-19 bị rò rỉ ra từ phòng thí nghiệm Viện Virus học Vũ Hán, nhóm chuyên gia WHO cần làm rõ các giả thuyết về virus SARS-CoV-2 đến từ vật chủ nào.

Thứ 1, người bệnh đã tiếp xúc trực tiếp với virus nằm trong động vật chủ là loài dơi. Thứ 2, virus lây truyền sang người một cách gián tiếp, thông qua một loài vật trung gian. Thứ 3, virus gây dịch Covid-19 nằm trong loài dơi (theo giả thuyết thứ 1) hoặc một loài vật trung gian (giả thuyết thứ hai) đã lây truyền ở các sản phẩm của dây chuyền đông lạnh.

Trong quá trình điều tra, nhóm chuyên gia đã đến khảo sát các địa điểm quan trọng ở Vũ Hán như chợ hải sản Hoa Nam, nơi những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện, và Viện Virus học Vũ Hán.

Trung Quốc có cản trở cuộc điều tra của WHO?

Các quốc gia phương Tây chỉ trích Bắc Kinh vì đã không hoàn toàn minh bạch khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, xử lý sai các giai đoạn ban đầu và để mầm bệnh thoát ra ngoài biên giới Trung Quốc.


 

Các chuyên gia tin rằng Covid-19 rất có thể lây nhiễm sang người từ vật chủ trung gian là động vật. Ảnh: EPA-EFE
Các chuyên gia tin rằng Covid-19 rất có thể lây nhiễm sang người từ vật chủ trung gian là động vật. Ảnh: EPA-EFE


Đầu tháng 1, Trung Quốc từ chối không cho các thành viên trong nhóm chuyên gia WHO tới Vũ Hán để tìm hiểu nguồn gốc đại dịch. Khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tỏ ra "rất thất vọng".

Mặc dù một số thành viên trong nhóm chuyên gia WHO khẳng định họ được phép tiếp cận các địa điểm và những người muốn gặp nhưng một số cho biết họ không được cung cấp dữ liệu thô về các ca Covid-19 ban đầu.

Nhóm chỉ nhận được một bản tóm tắt, thay vì dữ liệu thô của 174 ca Covid-19 được Trung Quốc xác định từ giai đoạn đầu của đợt bùng phát ở Vũ Hán vào tháng 12-2019 cũng như các trường hợp khác. Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa giải quyết về vấn đề cung cấp dữ liệu thô.

Có "rò rỉ" virus từ phòng thí nghiệm Trung Quốc không?

Nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây khẳng định rất khó có khả năng rò rỉ virus SARS-CoV-2 từ Viện Virus học Vũ Hán. Theo đánh giá của nhóm chuyên gia, không có dữ liệu nào chứng minh cũng như không có bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ đây. Vì vậy, giả thuyết về việc virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm này rất ít khả thi.

Covid-19 xâm nhập Trung Quốc qua đồ đông lạnh từ nước ngoài?

Bắc Kinh đặt giả thuyết SARS-CoV-2 đã xâm nhập Trung Quốc thông qua hàng đông lạnh nhập từ nước ngoài, chỉ ra các ca bệnh gần đây ở Trung Quốc đều liên quan tới những khu chợ có bán đồ đông lạnh nhập khẩu.

Tiến sĩ Peter Ben Embarek cho rằng cần nghiên cứu thêm để xác định xem động vật hoang dã đông lạnh trong điều kiện thích hợp có thể lây lan virus hay không.

 

Nhóm chuyên gia WHO đến chợ hải sản Hoa Nam của Vũ Hán vào ngày 31-1. Ảnh: Kyodo
Nhóm chuyên gia WHO đến chợ hải sản Hoa Nam của Vũ Hán vào ngày 31-1. Ảnh: Kyodo



Quốc tế phản ứng thế nào?

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về thông tin của WHO, kêu gọi Trung Quốc công bố dữ liệu từ những ngày đầu tiên dịch Covid-19 bùng phát.

Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi ký kết một hiệp ước toàn cầu về các đại dịch, các quốc gia ký kết đảm bảo rằng họ đóng góp tất cả dữ liệu mình có, từ đó giúp ngăn đại dịch tái diễn.

Về phía Trung Quốc, đáp lại những lời chỉ trích của Mỹ rằng họ nên cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu thô sớm hơn, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington tuyên bố Mỹ không nên "chỉ tay" vào Trung Quốc và các quốc gia khác đã hỗ trợ WHO trong đại dịch.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Sau câu hỏi liệu một số giả thuyết có bị loại bỏ hay không, Tổng giám đốc của WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bói rằng mọi khả năng vẫn còn bỏ ngỏ và cần nghiên cứu thêm về nguồn gốc của Covid-19.

Các nghiên cứu trong tương lai có thể bao gồm cách virus lây nhiễm sang người từ các sản phẩm thực phẩm đông lạnh, truy tìm chuỗi cung ứng các sản phẩm động vật đông lạnh tại chợ Hoa Nam để xác định vật chủ, mở rộng tìm kiếm trên toàn cầu để tìm bằng chứng về sự lây lan dịch Covid-19 trước tháng 12-2019.

Theo Huệ Bình (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Tăng huyết áp, hay còn gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà áp lực máu trong động mạch cao hơn mức bình thường. Ở trẻ em, bệnh này ít được nhận biết hơn so với người lớn nhưng không kém phần nguy hiểm. Vậy bố mẹ làm thế nào để phát hiện con mình có dấu hiệu của một bệnh nhân cao huyết áp?