Cột mốc trong tim - Kỳ 2: Những người giữ mốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng tôi đã cùng đứng rất lâu ở bờ đê khu vực cửa sông Bắc Luân, nơi có tấm biển đề “Vành đai biên giới”, xa xa là cột mốc 1378.
Ông Phạm Đức Thuận (bên phải) là bộ đội đặc công được điều từ Lạng Sơn về công tác tại Trà Cổ từ năm 1979.

Ông Phạm Đức Thuận (bên phải) là bộ đội đặc công được điều từ Lạng Sơn về công tác tại Trà Cổ từ năm 1979.

Chỉ tay về phía biển trước mặt, Trung tá Đào Xuân Nguyên, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Trà Cổ cho biết: “Từ cột mốc 1378 đến hết giới điểm 62 hơn 3 km, nhìn hết tầm nhìn là điểm 1 của đường phân định trên Vịnh Bắc Bộ”.

“Từ Trà Cổ rừng dương…”

Trên khu vực cửa sông Bắc Luân có ba cột mốc là 1376, 1377 và 1378. Trong đó, 1378 là cột mốc cuối cùng trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Điểm cuối cùng nơi cửa sông Bắc Luân là giới điểm 62. Vì cột 1378 nằm ở cửa sông Bắc Luân, khi thủy triều dâng lên mốc cách bờ hàng trăm mét, nên việc tuần tra bảo vệ biên giới trên sông, biển “cũng có những khó khăn riêng”. Trung tá Đào Xuân Nguyên kể lại trong quá trình xây dựng mốc 1378 ta đều phải dựa vào con nước, dựa vào thủy triều, lực lượng thi công phải dài ngày hơn, vất vả hơn. Từ chân đế, thủy triều những lúc nước lên to ta không thể xây dựng được chân đế. Lực lượng thi công lại phải đợi lúc thủy triều rút. “Khi đó, bà con giáo xứ Trà Cổ chở xi-măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, từ viên đá nhỏ, từ hạt cát, nước ăn, bữa cơm, nước uống để cho các anh xây dựng cột mốc đúng tiến độ mà cấp trên giao cho,” ông Vũ Đình Phúc, một người dân Trà Cổ nhớ lại.

Cách tấm biển vành đai biên giới không xa, nơi khu vực có mốc giới ghi dòng chữ “Từ Trà Cổ đến mũi Cà Mau 3.260 km” có rất nhiều du khách chụp hình, người dân đạp xe hoặc đi bộ. Khung cảnh rất bình yên. Chỉ những người trong cuộc mới hiểu, để có được sự yên bình, là hành trình đấu tranh âm thầm nhưng quyết liệt của quân và dân trong hành trình giữ đất nơi đầu sóng ngọn gió.

Ông Phạm Đức Thuận là bộ đội đặc công được điều từ Lạng Sơn về công tác tại Trà Cổ từ năm 1979. Đầu những năm 90 thế kỷ trước, ông Thuận được tăng cường làm Bí thư Đảng ủy xã Trà Cổ. Lúc ấy Trà Cổ có vài trăm hộ dân, cả dải đất là những bãi hoang vu. Ông bàn với lãnh đạo huyện làm thế nào vận động thêm người dân về đây lập nghiệp. “Báo cáo xin dân về”, theo cách ông Thuận gọi, đã được ông tự tay thảo và gửi lên lãnh đạo huyện. Đi cùng với chủ trương khuyến khích người dân ở lại. Những năm 1990-1993, Trà Cổ bắt đầu sầm uất dần lên. Dân Trà Cổ làm nghề biển, “Ngày ấy mỗi chuyến bè ra khơi được 2-3 tấn cá là bình thường”, ông Thuận nhớ lại. Lúc Hiệp định phân định cắm mốc biên giới Việt - Trung chưa hoàn thành, dân đi biển căn cứ vào mỏm đá nơi cửa sông để đánh dấu chủ quyền. Quân và dân cùng nhau bảo vệ cửa sông Bắc Luân, bảo vệ ngư trường khai thác truyền thống. Ngày ấy người ở Trà Cổ nào cũng nằm lòng câu nói: “Giữ cho được đất cho mình”. “Một cái cây mới trồng, một hòn đá mang ra biển người dân cũng báo cho chính quyền, cho bộ đội biết”, ông Thuận nhớ lại. “Không phải tự nhiên mà có mốc đấy đâu. Cả một cuộc đấu tranh bền bỉ, kiên gan của quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió này đấy”, ông Thuận trầm ngâm.

Đoàn khảo sát cắm mốc biên giới Hà Giang. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Đoàn khảo sát cắm mốc biên giới Hà Giang. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Cột mốc sống

Câu nói “Giữ cho được đất cho mình” chúng tôi không chỉ được nghe từ người dân Trà Cổ. Suốt dọc dài chặng đường biên giới phía bắc, chúng tôi đã nghe, đã gặp, đã cảm nhận tinh thần ấy trong rất nhiều gương mặt, câu chuyện nơi bản làng biên giới xa xôi đã đi qua. Dù cách diễn đạt khác nhau, ngôn ngữ có thể khác nhau, nhưng vẫn là tinh thần giữ đất kiên cường ấy. Đó là câu nói quả quyết “mình vừa làm nương, vừa canh mốc cùng bộ đội” của “ông già canh mốc” Pờ Xuân Chừ (thôn Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, Điện Biên), người tình nguyện làm nương ra canh mốc cùng bộ đội. Nương của ông Chừ nằm ngay cạnh cột mốc 15, nhìn ra dòng suối Tả Ló, qua một dòng suối đó là sang nước bạn. Hay đến tinh thần đấu tranh kiên cường của ông Ly Chứ Sùng, ông già năm xưa dẫn cả 19 hộ cương quyết ở lại bản Séo Lủng (Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang), cạnh vị trí bây giờ là mốc 428 với lời đanh thép: “Đây là đất của chúng tôi”. Bây giờ, ông Sùng vẫn ngày ngày đưa bò đi cày nương trông mốc 428. Và mỗi khi được hỏi, ông vẫn trả lời bằng tiếng H’Mông giản dị: “Mình trồng ở đây vừa là bảo vệ an ninh, rồi mình bảo vệ đất của mình!”.

Ở Hà Giang, dưới chân cột mốc 220 (xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) có chôn một lọ thủy tinh, trong đó có mảnh giấy ghi tên 25 người – 25 thành viên đã tham gia khảo sát, xây dựng cột mốc. Mốc 220 là cột mốc đơn đầu tiên ở biên giới Hà Giang do Việt Nam phụ trách (mốc chẵn) hoàn thành năm 2002. Ông Triệu Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang là 1 trong 25 người đó kể lại rằng: “Riêng phần cột hoa cương phải cần tới 18 người khiêng lên độ cao 1.030m”. Mốc đáng nhớ nhất với ông Tiến là mốc 172, nằm trên đỉnh Khấu Xỉn (thôn Ma Lỳ Sán, xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần). Hai tháng trời ngày nào cũng phải leo đỉnh đó, ông Tiến kể đã đếm mỗi ngày leo lên đúng 900 bậc đất: “Đi mấy chỗ đó ban đầu cũng sợ, vì lúc ấy chưa dò mìn toàn tuyến, nhưng đi mãi thành quen”. Ngày đó, ông Tiến mới ra trường, chưa vợ, vừa về Sở Xây dựng (năm 2002) nhận công tác ba tháng là vác ba-lô đi nhận nhiệm vụ.

Bà Nguyễn Kim Tuyến, cán bộ Sở Xây dựng Hà Giang, thành viên Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc tỉnh cũng nói cả quá trình xây mốc là những ngày bám biên, ăn dầm nằm dề nhà người dân, để cột mốc được hoàn thành. “Chả có chỗ nào dễ, chả có mốc nào không đáng nhớ, không có mốc nào đi một lần là xong, đều phải đi lại nhiều lần”, bà Tuyến bảo. Một mình bà là thành viên nữ trong Ban Chỉ đạo, cứ thứ hai vác ba-lô đi, cuối tuần về thành phố. Mải miết như thế, quên cả thanh xuân. 20 năm trước, Hà Giang chẳng có mốc nào ô-tô vào được đến nơi. Năm 2024, Hà Giang thành điểm sáng du lịch trong nước và quốc tế, người ta tìm đến những cột mốc nhiều hơn, cũng nhiều người hiểu hơn những năm tháng gian nan để làm nên đường biên Tổ quốc. Nhưng ký ức với người trong cuộc, vẫn luôn luôn rõ nét.

“Chỗ ấy không phải nơi đi chơi đâu. Mình đến là cảm thấy tự hào”, bà Tuyến bảo. Bao đời nay, từng cột mốc, từng tấc đất biên cương tạo dựng, gìn giữ và bảo vệ bởi những người dân như thế.

Đường biên giới vật lý quan trọng, nhưng để vẽ đường biên giới đó, còn một đường biên giới trong tim, với những cột mốc là những con người, những mái nhà, những bờ tre, những con tàu ra khơi, những mảnh nương cheo leo. Cột mốc trong tim mình, Tổ quốc cũng trong tim mình đấy thôi!

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.