Cột mốc trong tim

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có một điều dễ nhận thấy, là đường đến những cột mốc biên giới đều nhọc nhằn. Cho dù đó là cột mốc ở đỉnh núi cao, hay cột mốc ven sông, ven biển. Nhọc nhằn cả bởi hành trình tìm đến, và hơn cả, bởi hành trình để cột mốc ấy được dựng lên.
Bộ đội Biên phòng tuần tra tại khu vực mốc 1378 cửa sông Bắc Luân. Ảnh: Đồn Biên phòng Trà Cổ cung cấp

Bộ đội Biên phòng tuần tra tại khu vực mốc 1378 cửa sông Bắc Luân. Ảnh: Đồn Biên phòng Trà Cổ cung cấp

Kỳ 1: “Nếu em lên biên giới”

Mốc ngã ba biên giới A Pa Chải (huyện Mường Nhé, Điện Biên) là nơi cô gái Hoàng Thu Trang (30 tuổi, quê ở Cần Thơ) đặt chân đến lần đầu tiên trong chuyến du lịch ra miền bắc. Chính Trang cũng không ngờ, chuyến đi đầy ngẫu hứng của tuổi trẻ lại để lại trong mình những ấn tượng sâu đậm và cảm xúc mãnh liệt như vậy.

Mốc địa đầu

Cột mốc 0 (hay còn gọi mốc A Pa Chải, mốc ngã ba biên giới) là cột mốc giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc tọa độ 22°24’02,295” vĩ độ bắc - 102°8’38,109” kinh độ đông, nằm trên đỉnh Khoang La San cao 1.866,23 m. Trước năm 2011, điểm cực tây thuộc địa giới hành chính của bản A Pa Chải. Khi bản Tá Miếu được lập mới, tách ra từ A Pa Chải, thì mốc 0 nằm hoàn toàn trong địa giới bản Tá Miếu. Nhưng cột mốc 0 vẫn được gọi với cái tên mốc ngã ba biên giới A Pa Chải, điểm cực tây của Việt Nam.

Cung đường chinh phục A Pa Chải giờ đây đã trở nên dễ dàng nhiều hơn so với trước. Vào đầu năm 2018, đường đi lên cột mốc ngã ba biên đã được tỉnh Điện Biên đầu tư xây dựng đường bê-tông kéo dài tới sát chân mốc. Chỉ mất hơn một giờ ngồi xe máy từ Đồn Biên phòng A Pa Chải là có thể tới sát chân mốc, sau đó leo hơn 500 bậc thang là có thể chạm vào cột mốc ngã ba biên giới. Người dân ở A Pa Chải cũng đã phát triển dịch vụ để đón khách du lịch có nhu cầu nghỉ lại bản.

Tất cả bắt đầu sau khi nghe một bài hát về biên giới bạn gửi trước giờ bay, Hoàng Thu Trang quyết định tìm lên A Pa Chải. Kế hoạch tham quan phố cổ Hà Nội và du lịch Tràng An (Ninh Bình) được thay bằng vé xe khách giường nằm lên TP Điện Biên, rồi vào Mường Nhé. Từ Mường Nhé cô cùng bạn thuê xe máy chạy thẳng đến Đồn Biên phòng A Pa Chải. Làm xong thủ tục với biên phòng, hai cô gái được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải dẫn lên cột mốc 0. Đoạn đường đất từ trạm biên phòng ngược lên núi đến nơi biển chỉ dẫn về mốc khá dễ dàng. Nhưng đoạn bốn cây số cuối cùng đường rất hẹp, dốc đứng, xe máy luôn phải cài số 1. Cậu chiến sĩ đi cùng liên tục nhắc có thể xuống xe đẩy nếu cảm thấy sợ. 576 bậc thang cuối cùng lên cột mốc có chỗ như dựng ngược. Nhưng những nỗi sợ hãi và mệt nhọc đều tan biến hết khi chạm tay vào cột đá hoa cương đánh dấu chủ quyền biên giới lãnh thổ Việt Nam. “Rất may là trời chiều có nắng. Từ đỉnh núi Khoang La San cao 1.846 m, trong tầm mắt mình là cả một dải biên cương hùng vĩ của đất nước”, Trang xúc động.

Trang tự hào khi đã đặt chân đến ngã ba biên giới huyền thoại, được tận mắt thấy, tay chạm vào cột mốc cực tây của Tổ quốc mình, được cầm lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió. Chạm tay vào biên giới luôn là một cảm giác đặc biệt. Cảm giác đứng ở “đất nhà mình”, như Trang nói, “thật thiêng liêng, xúc động, tự hào!”. Đây là nơi cha ông xác lập chủ quyền. Máu xương của biết bao thế hệ đã đổ xuống mảnh đất này để vẽ nên hình hài đất nước. Nghỉ tại homestay ông Pờ Dần Xinh, được nghe chính người Hà Nhì nơi ngã ba biên giới kể về câu chuyện người Hà Nhì giữ đất, cô gái quyết định sẽ dành thời gian còn lại của chuyến du lịch đến Trà Cổ - Nơi có mũi Sa Vĩ , điểm đầu tiên để chấm nét bút vẽ nên hình chữ S trên bản đồ Việt Nam.

Cột mốc 1378 thuộc quyền quản lý của Đồn Biên phòng Trà Cổ (Quảng Ninh). Là cột mốc cuối cùng trên tuyến biên giới Việt - Trung, mốc 1378 nằm trên cửa sông Bắc Luân, giữa bao la sóng nước. Muốn đi thăm mốc thì phải dùng cano, hoặc lội bộ khi mùa nước cạn. Hơn 900 km từ Mường Nhé về Móng Cái (Quảng Ninh), ba lần đổi xe khách, cuối cùng Trang cùng người bạn của mình không được chạm vào mốc 1378 trên biển. Vì lý do an ninh và do cạn nước, việc lội bộ ra mốc khá nguy hiểm, nên Đồn Biên phòng Trà Cổ không cho phép khách ra tham quan mốc. Trang và nhiều du khách khác phải đứng nhìn và chụp hình từ xa. Mặc cho bạn gọi giục lên xe, Trang vẫn đứng ở bờ đê khu vực vành đai biên giới, mặt hướng ra cửa sông Bắc Luân, nơi có mốc 1378, xa xa là bãi cát sẫm mầu của biển Trà Cổ và rừng phi lao xanh mướt. “Em đợi lúc thủy triều xuống, ở đây nổi lên một dải cát uốn lượn như đuôi rồng”, Trang nấn ná. Hành trình hơn 5 ngày, vượt gần 1.500 km của cô gái miền nam, gần bằng đoạn biên giới trên bộ Việt - Trung với nhiều cảm xúc. Với cô, từ nay biên giới không còn là nét vẽ cứng nhắc trên bản đồ địa lý, mà là dòng suối, con sông, nương ngô xanh biếc, là dải đất mềm mại phía xa, là những đồng bào sinh sống, là những gương mặt quen thuộc. Nơi địa đầu Tổ quốc hóa ra không xa xôi như cô từng tưởng tượng.

Chinh phục

Đã có thời, cung đường chinh phục mốc ngã ba biên giới A Pa Chải thật sự là một thử thách. Vượt qua đoạn đường đất hơn 50 km từ trung tâm huyện Mường Nhé vào xã Sín Thầu, với những cú đổ đèo, sa lầy trong bùn nhão vào mùa mưa, mất hơn nửa ngày đi bộ hơn 10 km đường đất, lội suối, vượt đèo, xuyên qua khu rừng nguyên sinh leo đỉnh Khoang La San. Rồi phải đi qua gần 4 km xuyên qua con đường lá mục dưới tán rừng, vượt qua một con dốc dựng đứng, ngước mắt lên thấy một cột mốc đá hoa cương sừng sững trên nền trời xanh thẳm. Từ một ngày, rồi nửa ngày, và bây giờ chỉ vài ba giờ đồng hồ là có thể tới nơi con gà gáy ba nước nghe thấy ở Điện Biên, là cả một quá trình dài. Nó phải tính từ những ngày người Hà Nhì bền bỉ giữ rừng giữ đất, giữ biên cương, tới những ngày con đường từ Mường Nhé vào A Pa Chải được trải bê-tông, và cây cầu Tà Kho Khử hoàn thành để bản xa không bị cách chia mỗi mùa lũ. Và cả tính từ những ngày biên giới cách biệt, không điện thoại, không biết ngày tháng nào đã trôi qua, chỉ biết nhìn cây hoa chó đẻ (một loài hoa dại tím mọc đầy triền núi) nở mới biết là năm sắp hết.

Dọc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc dài 1449,566 km, có rất nhiều điểm đến ghi dấu ấn đặc biệt. Nếu mốc 0 A Pa Chải và mốc 1378 Trà Cổ là điểm bắt đầu và cuối cùng của đường biên giới trên bộ Việt – Trung, thì mốc 79 nằm trên dãy Phàn Liên San - đỉnh núi cao thứ 5 trong số 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam – lại nổi tiếng với mệnh danh “nóc nhà biên giới”. Cột mốc nằm ở độ cao 2.880 m. Nếu khởi hành từ buổi trưa ở xã Pa Vây Sử (huyện Phong Thổ, Lai Châu), cũng phải trải qua hơn một ngày mới chạm tay được vào cột đá hoa cương. Cánh biên phòng nói mốc 79 là con đường của cả niềm vui và nỗi buồn. Vui, vì đoạn đầu là cảnh thiên nhiên kỳ ảo như trong phim “bom tấn” Avatar của đạo diễn James Cameron, với những cánh rừng nguyên sinh và đám rêu uốn lượn. Buồn, vì mệt. Ngay cả với bộ đội, tuần tra mốc là chuyện thường xuyên thì đặt chân lên tới đỉnh cũng tốn kha khá mồ hôi. Những đoạn cuối chặng, đường gần như dốc đứng, chỉ có bám đá và rễ cây mà leo. Tới khi đạp chân qua những thảm lá tre và tới cột mốc giữa rừng, mới thấy bao nhiêu công sức để hiểu thêm một phần Tổ quốc không hề bỏ phí.

Có nhiều cột mốc, chỉ cần nhắc tới, sẽ cảm giác như cả một dòng chảy quá khứ - hiện tại hiện ra. Như cột mốc 92 “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, nơi gợi nhớ tới bài hát nổi tiếng “Gửi em ở cuối sông Hồng”, nằm trên địa phận thôn Lũng Pô (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Lào Cai). Đó là nơi mà một trong những liệt sĩ đầu tiên của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc Lý A Tờ đã ngã xuống đêm 17/2/1979. Như cột mốc 428, cột mốc cực bắc tại thôn Séo Lủng (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang). Bà Nguyễn Kim Tuyến, cán bộ Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang, thành viên Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc tỉnh thời kỳ 2002, nhớ lại thời mới bắt đầu phân định cắm mốc: “Mốc 428 xây dựng rất vất vả. Lúc đó nhân công thiếu, ai cũng phải tham gia vác xi-măng, vác cát. Mình còn phải mua hẳn mấy con ngựa để thồ hàng”. Những ngày này, dọc hai bên đường đi xuống mỏm Séo Lủng, nơi có mốc 428 giăng đầy quả mâm xôi vàng. Đám trẻ con đi đưa cơm cho bố mẹ lên nương chỉ cần chạy loanh quanh một lúc là bụng đầy thứ quả rừng ngọt lịm. Người H’Mông bản Séo Lủng lại tất bật gieo ngô cho vụ mùa mới. Đường vào 428 bây giờ đã dễ đi hơn nhiều, Ly Mý Hà, nhân viên Văn phòng Đảng ủy xã Lũng Cú, nói đó là do bà con đã ủi một con đường để vào nương thu ngô. Thay vì phải đi bộ nửa ngày, giờ Hà tự tin chở xe máy chúng tôi vào tận nương nhà anh.

Cột mốc đâu chỉ là tấm bia hoa cương đánh số vô tri. Ở trong tim mỗi người, cột mốc còn là một điểm đến mà ở đó, mỗi bước đi lại thấy thêm yêu Tổ quốc.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.