(GLO)- Khi mọi công việc liên quan đến khai thác mủ cao su được tạm gác lại, các đơn vị kinh tế quốc phòng trực thuộc Binh đoàn 15, trong đó có Công ty 715, tập trung hướng về các khu dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), biên giới để làm công tác dân vận. Những giờ “lên lớp” hướng dẫn kỹ thuật, nâng cao tay nghề, những buổi lao động giúp dân làm nhà, rào vườn, tu sửa đường làng, hỗ trợ y tế, lương thực thực phẩm... đã góp phần tạo nên cuộc sống mới tràn đầy niềm tin.
Trung tá Nguyễn Thanh Ngọc-Chủ nhiệm Chính trị Công ty 715, chia sẻ với chúng tôi rằng, hơn 5 năm qua, giá mủ cao su “rớt” thê thảm khiến các doanh nghiệp trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là trận hạn hán lịch sử năm 2015 đã tác động rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của những đơn vị có diện tích cao su, cà phê lớn như Công ty 715. Thu nhập của lực lượng lao động gián tiếp (khối cơ quan) theo đó có thời điểm phải cắt giảm để dành sự quan tâm tối đa cho số công nhân trực tiếp bám lô, bám vườn.
Lãnh đạo Công ty 715 tặng quà cho bà con nhân dân. Ảnh: T.K.N |
Khó khăn thử thách là thế nhưng công tác dân vận, xây dựng khu dân cư, tham gia xóa đói giảm nghèo trên địa bàn đứng chân của Công ty 715 chưa bao giờ “chững lại” nếu không muốn nói là càng tập trung hơn, mạnh mẽ hơn. Bởi lẽ, người dân cũng canh tác loại cây như Công ty nên khi thời tiết, giá cả thị trường biến động thì họ cũng phải chịu những thiệt hại rất lớn và càng cần nhiều hơn sự trợ giúp.
Theo Chủ nhiệm Chính trị Nguyễn Thanh Ngọc, công tác dân vận, xây dựng địa bàn được Công ty 715 triển khai thường xuyên, liên tục nhưng tập trung vào thời điểm 6 tháng mùa khô, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán cho đến khi có “giọt nước trời” đổ xuống. Lúc này, việc khai thác mủ cao su, thu hoạch cà phê đã xong xuôi, Công ty cùng với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức rà soát, đánh giá các khu dân cư và những đối tượng cần trợ giúp để triển khai kế hoạch dân vận sâu sát từng địa bàn. Làng nào cần mở lớp đào tạo, nâng cao tay nghề khai thác mủ cao su? Khu dân cư nào cần đầu tư xây dựng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, khơi thông giọt nước sinh hoạt? Hộ gia đình nào cần sửa chữa nhà, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, y tế? Tất cả đều được “khoanh vùng” để mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên trong Công ty “xắn tay áo” vào cuộc.
Ngay sau chuỗi hoạt động lễ hội “Bánh chưng xanh”, “Xuân biên giới thắm tình quân dân” là những buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, những giờ lên lớp tập huấn tay nghề, chuyển giao kỹ thuật, những buổi lao động giúp dân làm nhà, rào vườn, thăm hỏi, tặng quà cho các hộ khó khăn, neo đơn không nơi nương tựa... Một vòng quay công việc không bao giờ ngừng chuyển động. Đứng chân trên địa bàn 4 xã vùng đồng bào DTTS, biên giới với 24 thôn, làng, hàng chục ngàn hộ dân (chủ yếu đồng bào DTTS) nên có thể nói, “vòng quay” này càng hối hả, thúc giục người lính Công ty 715 nhiều hơn.
Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, tổng kinh phí dành cho công tác dân vận của Công ty đã đạt 2,2 tỷ đồng, chủ yếu phục vụ các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, giao lưu kết nghĩa và chương trình an sinh xã hội. Nếu tính bình quân, mỗi thôn, làng ở đây tiếp nhận từ nguồn hỗ trợ của Công ty số tiền gần 100 triệu đồng. Cùng với đó là sự đồng hành của bộ đội với bà con nhân dân để mang lại cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Rõ ràng, đây là sự đầu tư mang đến nguồn lợi nhuận vô hình nhưng rất hữu ích, chứng minh sự đúng đắn trong chủ trương phát triển kinh tế gắn với quốc phòng ở vùng đồng bào DTTS, biên giới của Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Mới đây, chúng tôi có dịp theo chân những “thầy thuốc mặc áo lính” của Công ty 715 xuống các buôn làng biên giới thăm khám, cấp thuốc, điều trị bệnh cho người dân. Tại làng Mít Kom (xã Ia O, huyện Ia Grai), chỉ trong 1 ngày đã có hơn 350 lượt người đến khám-chữa bệnh, với số thuốc cấp phát miễn phí trị giá 50 triệu đồng. Điều này cho thấy, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của các chủ nhân vùng biên giới là rất lớn và việc bảo đảm hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở vẫn còn là vấn đề rất đáng lưu tâm. Theo các cán bộ y tế của Bệnh xá Công ty 715 thì hàng năm có trên 30 ngàn lượt người đến “gõ cửa” cơ sở y tế quân dân y kết hợp này. Cùng với lực lượng quân y ở các Đồn Biên phòng và Trạm Y tế xã, có thể nói, “khoảng trống” trong công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân ở 4 xã phía Tây của huyện Ia Grai đã được “lấp đầy”.
Trung tá Nguyễn Thanh Ngọc chia sẻ với chúng tôi: “Công tác dân vận của một đơn vị kinh tế quốc phòng như Công ty 715 rất phong phú và đa dạng. Nói một cách nôm na là dân cần gì thì mình làm việc đấy. Hơn 30 năm đứng chân trên địa bàn, trong bất kỳ giai đoạn khó khăn nào, Công ty cũng luôn đồng hành với nhân dân bằng những việc làm hiệu quả, thiết thực. Nhiều mô hình giúp dân đã được triển khai có sức lan tỏa như mô hình gắn kết hộ giữa gia đình công nhân người Kinh với gia đình đồng bào DTTS, vừa hỗ trợ công tác xóa đói giảm nghèo, vừa củng cố sức mạnh đoàn kết dân tộc trong xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới nơi vùng sâu, vùng xa biên giới...”.
Có thể khẳng định, mô hình “Gắn kết hộ” mà Công ty 715 nói riêng, các đơn vị trực thuộc Binh đoàn 15 nói chung triển khai thực hiện trong những năm qua là cách làm hay trong công tác dân vận. Bên cạnh việc thắt chặt tình làng nghĩa xóm, đó còn là “chiếc cầu nối” để chuyển tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa sự quan tâm chăm lo của Công ty dành cho người dân trên địa bàn. Đây cũng là cách xã hội hóa công tác dân vận, để mỗi người dân là một cán bộ dân vận, cùng tuyên truyền, vận động nhắc nhở, giáo dục lẫn nhau hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thái Kim Nga