Cồng chiêng là nét văn hóa độc đáo của người Tây Nguyên. Nó gắn với mọi mặt sinh hoạt của cộng đồng và từng cá nhân ở đây. Trong các sử thi Tây Nguyên, cồng chiêng được nhắc đến rất nhiều. Trong sử thi Đam San của người Ê Đê, cồng chiêng thể hiện rất rõ vai trò của mình trong đời sống người Tây Nguyên.
![]() |
Ảnh: Đức Thanh |
Trong sử thi Đam San, cồng chiêng gắn với mọi sinh hoạt của cộng đồng buôn làng Tây Nguyên như: Mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu, pơthi, cưới hỏi, ca ngợi chiến công của người anh hùng… Tiếng chiêng rộn ràng được tấu lên khi Hơnhí chuẩn bị đi hỏi cưới Đam San làm chồng: “Đánh những cái chiêng kêu nhất, những chiêng ấm tiếng nhất! Đánh cho tiếng chiêng lan ra khắp xứ! Đánh cho tiếng chiêng luồn qua nhà sàn, lan xuống dưới đất! Đánh cho tiếng chiêng vượt qua mái nhà vọng lên trời. Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến phải ngã xuống đất! Đánh cho các âm hồn nghe tiếng cũng thôi làm hại người ta. Đánh cho chuột, sóc cũng quên đào hang. Cho rắn bò ra khỏi lỗ. Cho hươu nai phải đứng thinh mà nghe. Cho thỏ lắng tai không kịp ăn cỏ. Cho tất cả muôn vật chỉ còn có thể lắng tai mà nghe tiếng chiêng của Hơnhí và Hơbhí”. Đây là đoạn tả tiếng chiêng hay nhất, được nhắc đến nhiều lần trong sử thi Đam San. Nó còn được thể hiện khi Hơâng (chị của Đam San) đón người nhà Hơnhí, khi Đam San chiến thắng Mơtao Mơxây và khi mọi người chúc mừng Đam San cháu kế tục sự nghiệp của cậu. Chiêng được đánh lên khi tin vui, có khách đến chơi: Đoạn Mơtao Mơxây giả vờ làm khách đến cướp Hơnhí, đoạn Đam Pác Quây mừng Đam San tới nhà. Tiếng chiêng mừng vui được đánh lên khi người anh hùng tiêu diệt kẻ thù, đoạn Đam San giết chết Mơtao Mơxây.
Cồng chiêng thể hiện sự giàu có, niềm kiêu hãnh về sức mạnh vật chất, uy tín của cá nhân và buôn làng… Đam San nói: “Nếu tôi lấy Hơnhí thì tôi sẽ thành tù trưởng giàu mạnh có nhiều chiêng núp chiêng bằng”. Sự giàu có của Đam San được miêu tả là nhà có rất nhiều chiêng: “Trong nhà các dây chiêng nhiều đến nỗi chằng chịt lấy nhau như màng nhện”. Mơtao Mơxây cũng là tù trưởng hùng mạnh và giàu có vì: “Chiêng núp và chiêng bằng treo đầy nhà”. Giá trị vật chất của cồng chiêng từ xưa nay đã được khẳng định. Có những cái chiêng đổi hàng 20-30 con trâu. Và để khẳng định quyền lực của mình, Đam San chứng tỏ có thể sở hữu nhiều hơn nữa cồng chiêng, tôi tớ: “Nó không biết Đam San đây không có ai bì kịp. Đam San muốn bao nhiêu chiêng, bao nhiêu tôi tớ cũng được”. Càng nhiều cồng chiêng tức là càng giàu có và càng nhiều quyền lực. Có cồng chiêng là có tất cả. Nên khi Đam San đòi bắt Nữ Thần Mặt Trời về làm vợ, Hơnhí bảo: “Nếu anh muốn chiêng núp thì đã có ở nhà. Nếu anh muốn chiêng bằng thì ở nhà chưa đủ hay sao?”.
Cồng chiêng vừa thiêng liêng nhưng cũng vừa gần gũi với người Tây Nguyên. Nó gắn với cuộc đời của một con người từ lúc lọt lòng đến khi trưởng thành, có vợ có chồng, khi có chuyện buồn vui, khi về thế giới bên kia và cuối cùng là trong lễ bỏ mả. Lúc ở nhà, Đam San “nằm trên võng, tóc thả xuống một chiếc chiêng đồng”. Khi Mơtao Mơxây bắt Hơnhí, tiếng chiêng bất thường báo cho Đam San biết. Lúc Hơnhí và Hơbhí chết do Đam San chặt cây thần Smuk, chiêng được đánh lên để dân làng chia buồn. Hơâng bảo tôi tới nổi chiêng lên khi biết Đam San chết ngập trong đầm lầy bà Sun Y Rít. Khi ở cõi Atâu, Đam San cũng được Hơnhí chia cho “100 chiêng núp, 100 chiêng bằng, và nàng chôn vào trong đất lỏng, trong đất mềm, trong rừng hoang bà Sun Y Rít”. Sau này, khi Đam San cháu mới ra đời, người ta làm lễ với nhiều trâu, bò, rượu “cúng thần linh để đặt tên Đam San cho đứa bé, để nó có nhiều chiêng núp và chiêng bằng, để nó lại trở thành một tù trưởng giàu mạnh như cậu nó”. Sự thông minh nhanh nhẹn của Đam San cháu ở chỗ mới bằng quả dưa chuột đã biết chọn chiêng. Lời ăn tiếng nói của mọi người trong sử thi cũng gắn liền với cồng chiêng. Sử thi Đam San đã hơn một lần lấy tiếng chiêng để đo độ dài: “Nhà dài như một tiếng chiêng”. Trong sử thi Đam San, cồng chiêng đã đi hết một vòng đời người.
Cồng chiêng xuất hiện trong sử thi Đam San với tần suất cao, phản ánh sâu sắc mọi mặt đời sống, sinh hoạt của người Tây Nguyên mà ít sử thi nào có được. Có thể nói, chỉ trong sử thi Đam San cồng chiêng mới trở thành hình tượng của văn hóa Tây Nguyên, mang tính dân gian sâu rộng và có nhiều ảnh hưởng đến văn hóa diễn xướng của sử thi. Các trích dẫn trên là những minh họa sinh động về vai trò của cồng chiêng trong tâm thức các dân tộc Tây Nguyên. Với sự ảnh hưởng to lớn như vậy, cồng chiêng xứng đáng chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa của vùng đất này.
Nguyễn Tiến Dũng