Con nuôi của đồn biên phòng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn một tháng qua, mỗi khi nghe tiếng kẻng báo thức của đồn biên phòng, A Bặc và A Ben lại bật dậy chạy ra sân tập thể dục với các chú bộ đội biên phòng.
 
A Bặc và bà ngoại tại lễ nhận con nuôi của Đồn biên phòng Đăk Blô. Ảnh: Gia Hương
A Bặc, A Ben là hai trong số 13 đứa con nuôi của bộ đội biên phòng (BĐBP) ở các xã trên biên giới Kon Tum.
Hơn một tháng, cũng là thời gian A Bặc, A Ben thay đổi hoàn toàn môi trường sống. Sáng dậy, sau khi thể dục là vệ sinh cá nhân, ăn sáng và chuẩn bị sách vở đến trường. Chiều về, lại cùng các chú BĐBP ra sân chơi bóng đá, bóng chuyền. Đêm đến, A Bặc, A Ben ngồi vào góc học tập để chuẩn bị bài cho ngày mai đến lớp; những bài toán khó, câu văn chưa hiểu lại cùng trao đổi với các chú. Mọi sinh hoạt, học tập trong ngày A Bặc, A Ben đều được các chú giúp đỡ.
Đổi thay những cảnh đời
Trước khi trở thành con nuôi của Đồn BP Đăk Plô, A Bặc (13 tuổi, dân tộc Giẻ Triêng) ở làng Bung Tôn, xã Đăk Plô (H.Đăk Glei, Kon Tum) là một đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Kể từ khi sinh ra, A Bặc không may mắn như những đứa trẻ khác, bởi không biết mặt bố mình là ai.
 
BĐBP Mo Rai hướng dẫn A Ben học bài. Ảnh: Gia Hương
Còn mẹ, chị Y Bóa (49 tuổi) vừa câm vừa điếc. Hai mẹ con A Bặc sống chung với bà ngoại Y Ngói (79 tuổi). Tài sản duy nhất của ba mẹ con, bà cháu là ngôi nhà cấp 4 với diện tích chưa đầy 30 m2 và hơn 100 m2 ruộng nước trồng lúa một vụ. Hằng ngày, cuộc sống của ba con người trong gia đình này chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp hơn 400.000 đồng/tháng của nhà nước.
 
Hằng ngày A Ben được các chú BĐBP chở đến trường. Ảnh: Gia Hương
A Ben (13 tuổi, dân tộc Rơ Măm) ở làng Le, xã Mô Rai (H.Sa Thầy, Kon Tum), cũng có hoàn cảnh khó khăn không kém. Bố, mẹ mất khi A Ben đang còn nhỏ. Trước khi trở thành con nuôi của Đồn BP Mo Rai, A Ben sống với ông ngoại A Ren (69 tuổi) và bà ngoại Y Mới (68 tuổi), không còn khả năng lao động.
Cuộc sống của hai ông bà già và A Ben hằng ngày thui thủi trong ngôi nhà xập xệ rộng chừng 10 m2; lương thực, thuốc men chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Bữa cơm hằng ngày của A Ben cùng các chú bộ đội
Bởi vậy, ngoài thời gian đến trường A Ben phải cùng với ông bà lên nương rẫy trồng cây ngô, củ sắn, hoặc nhổ cỏ thuê, mót mủ cao su để có cái sống qua ngày... Hằng ngày, để đến trường với thầy cô và các bạn, A Ben phải lội bộ qua quãng đường hơn 5 km. Nhiều hôm trời đổ mưa, cơn lũ kéo về không thể vượt suối, A Ben phải nghỉ học.
Thực hiện mô hình “Con nuôi đồn BP” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, Đồn BP Đăk Blô và Đồn BP Mo Rai (BĐBP Kon Tum) đã nhận A Bặc và A Ben làm con nuôi của các đơn vị từ đầu tháng 9.2019. Kể từ đó, cuộc sống của các em đã bước sang trang mới.
Hằng ngày, ngoài giờ đến trường các em được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe với các chú bộ đội. Không còn phải lo kiếm miếng cơm, manh áo mặc qua ngày; dụng cụ học tập thiếu có các chú giúp đỡ. Kiến thức văn hóa chưa hiểu thì được các chú chỉ bảo. Khi đi học, các em được các chú dùng xe máy chở đến tận cổng trường và đón về tận đơn vị... Có thể nói, các em bây giờ đã có thêm những người chú, người anh trong cuộc sống hằng ngày.
A Bặc cho biết: “Được làm con nuôi của đồn BP, cháu rất vui mừng và cảm ơn các chú. Hiện tại, cháu sẽ cố gắng học tập chăm chỉ, sau này lớn lên cháu sẽ cố gắng phấn đấu trở thành người cán bộ phục vụ bản làng mình”.
Hiệu quả của mô hình
Trung tá Đặng Nguyên Hương, Chính trị viên Đồn BP Đăk Blô, cho biết: Trước khi triển khai mô hình “Con nuôi đồn BP”, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xã Đăk Plô, tổ chức khảo sát từng hộ gia đình khó khăn trên địa bàn. Qua khảo sát đã xác định gia đình cháu A Bặc là đối tượng đủ điều kiện để đơn vị nhận làm con nuôi. Kể từ ngày nhận cháu về, cán bộ chiến sĩ của đồn xem cháu như con em của mình. Hằng ngày, anh em trong đơn vị trực tiếp chăm lo việc ăn mặc, sinh hoạt, học tập của cháu; bố trí góc học tập, sinh hoạt cho A Bặc gọn gàng. Về kinh phí thực hiện, đơn vị vận động cán bộ, chiến sĩ trích một phần lương để hỗ trợ”.
Bà Y Nghệ, Phó bí thư Đảng ủy xã Đăk Plô, chia sẻ: “Thằng A Bặc tội lắm, mẹ nó thì vừa câm vừa điếc; bà ngoại thì già yếu nên cuộc sống thiếu thốn quanh năm. Nếu không được Đồn BP Đăk Blô giúp đỡ, thằng A Bặc sẽ phải bỏ học. Bây giờ được nhận làm con nuôi, được giúp đỡ, nó sẽ có điều kiện hơn để tiếp tục đến trường”.
Theo bà Y Nghệ, cùng với việc nhận A Bặc làm con nuôi, hiện nay Đồn BP Đăk Blô cũng đang giúp đỡ 9 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã, với mức hỗ trợ mỗi cháu 500.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, đơn vị luôn đoàn kết gắn bó với nhân dân, giúp đỡ nhân dân... Những việc làm này đã khiến bà con nhân dân ở đây rất quý trọng; chính quyền địa phương xã Đăk Plô ghi nhận công lao to lớn của đồn.
Ông H Rách Láo, Chủ tịch UBND xã Mô Rai, đánh giá: “Con nuôi đồn BP là mô hình có hiệu quả thiết thực và mang ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc của BĐBP. Bên cạnh việc cùng với chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo đời sống của bà con dân tộc thiểu số khu vực biên giới, mô hình còn góp phần giúp đỡ các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cuộc sống tốt hơn và được đến trường như các bạn”.
Còn ông A Ren (ông ngoại của A Ben) xúc động: “Mình rất biết ơn các chú BĐBP đã giúp đỡ gia đình trong lúc khó khăn. Đặc biệt là thằng A Ben, giờ đây đã có cơ hội tiếp tục đến trường như những đứa trẻ khác. Mình rất buồn vì không muốn xa nó. Nhưng mình biết hoàn cảnh gia đình không thể nuôi nó ăn học đầy đủ, mong sau này nó có thể trở thành một BĐBP như các chú thì mình mừng lắm...”.
Đến thời điểm này (tháng 10.2019), các đồn BP trên tuyến biên giới tỉnh Kon Tum đã nhận 13 cháu làm con nuôi của đơn vị. Đối tượng nhận làm con nuôi là người dân tộc thiểu số, trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (độ tuổi từ 6 - 15) hiện đang theo học từ lớp 1 đến lớp 9. Khi các cháu từ 16 - 18 tuổi (lớp 10 đến lớp 12) sẽ chuyển sang thực hiện theo chương trình Nâng bước em đến trường. “Hiện nay, chương trình Nâng bước em đến trường của BĐBP Kon Tum đang nhận đỡ đầu, giúp đỡ 75 học sinh nghèo trên khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi để các em tiếp tục đến trường”, đại tá Phạm Cảnh Toàn, Chủ nhiệm chính trị BĐBP Kon Tum, chia sẻ.

Đại tá Phạm Cảnh Toàn, Chủ nhiệm chính trị BĐBP Kon Tum: “Con nuôi đồn BP là một mô hình hiệu quả và mang tính nhân văn sâu sắc. Bên cạnh việc tích cực, tự giác chung tay giúp đỡ các cháu người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mô hình còn phát huy truyền thống đạo lý “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, quân đội và BĐBP. Qua đó góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ các đồn BP với đồng bào các dân tộc trên biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới”.

Gia Hương (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.