Côn Đảo-Từ địa ngục tới thiên đường, kỳ cuối: Một ngày mai tươi sáng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trò chuyện với chúng tôi, những cán bộ lão thành, những cán bộ đương nhiệm đều bày tỏ niềm vui bởi mảnh đất Côn Đảo đang ngày một phát triển. Nhưng bên cạnh đó cũng có những nỗi lo làm cách nào để hài hoà giữa sự phát triển kinh tế song hành với việc bảo tồn và giữ gìn đảo ngọc?
Phép màu của “Cây đũa thần” với Côn Đảo
Với những ai đã từng tới Côn Đảo cách đây hơn 20 năm giờ mới trở lại sẽ hoàn toàn bất ngờ bởi như có phép màu của “Cây đũa thần” trong chuyện cổ tích. Côn Đảo, từ một thị trấn tối tăm, buồn hiu, vắng vẻ vụt bừng sáng, sôi động và sầm uất không kém gì những đô thị trong đất liền. Nhờ những chính sách thể hiện sự quan tâm đúng đắn của Chính phủ và huyện đảo, Côn Đảo giờ đây trở thành một đô thị phát triển mạnh mẽ với nhịp độ tăng trưởng bình quân trên 33%.
Nhiều công trình hạ tầng quan trọng được nhà nước đầu tư nâng cấp và xây mới, chính sách khuyến khích đầu tư cũng khiến người dân hay doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn vào các dự án lớn trên trên đảo. Đặc biệt, do sức hút về du lịch nên các hoạt động đầu tư kinh doanh nhỏ cũng phát triển mạnh tại Côn Đảo như xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, homestay, nhà hàng, mua sắm phương tiện vận chuyển khách tham quan trên đảo và tham quan du lịch sinh thái… Tính tới nay, Côn Đảo đã có hệ thống khách sạn nhà nghỉ từ 2 sao tới 6 sao với trên 7.000 phòng nghỉ, hàng trăm nhà hàng quán ăn và cơ sở kinh doanh hàng tiêu dùng. Côn Đảo cũng đã có siêu thị, hệ thống dịch vụ vận tải cùng đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu cho cả ngàn khách tham quan.
Buổi tối ra trung tâm thị trấn Côn Đảo, ít ai có thể hình dung đây là một thị trấn giữa biển khơi bởi sự sôi động náo nhiệt của du khách. Tiếng cười nói mời chào từ các cửa hàng, xe cộ đi lại nườm nượp. Bà Tư Ni- Cựu tù Côn Đảo, người đã từng mở cửa hàng từ cách đây hơn 30 năm cho biết giờ cuộc sống ở Côn Đảo không kém gì đất liền bởi muốn mua gì cũng có, hàng quán mở cửa từ sáng tới khuya. “Ngày xưa khi tôi mới buôn bán, có khi phải 3 tháng mới cất được một chuyến hàng ra đây. Nhưng bây giờ thì tàu tới đảo hàng ngày, hàng gì cần cung ứng thì chỉ a-lô vào trong đất là hôm sau đã có tại đảo. Chi phí vận chuyển cũng rẻ hơn trước nhiều nên giá cả ở đây cũng không cao hơn trong đất liền bao nhiêu”- Bà Tư Ni nói.

Những đoàn xe tấp nập đưa khách ghé nghĩa trang Hàng Dương
Những đoàn xe tấp nập đưa khách ghé nghĩa trang Hàng Dương
Nhưng Côn Đảo vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển thành một đô thị lớn giữa biển Đông khi vào giữa năm 2022, sân bay Cỏ Ống sẽ được đầu tư nâng cấp để có thể đạt công suất khai thác 2 triệu khách và 4.400 tấn hàng hoá mỗi năm. Cầu cảng tàu khách Côn Đảo cũng đang được tiếp tục xây dựng để có thể cùng lúc đón nhiều tàu chở khách công suất lớn. Các dự án khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái đang được các nhà đầu tư triển khai không chỉ ở đảo chính mà còn ở các hòn đảo lân cận…
Và còn đó nỗi lo
Sự phát triển mạnh mẽ của Côn Đảo trong những năm gần đây tuy là niềm vui nhưng cũng khiến cho những người có tâm huyết với hòn đảo này lo lắng. Ông Nguyễn Hữu Quốc- Một cán bộ hưu trí sống ở khu dân số 2- thị trấn Côn Đảo tâm sự, suốt nhiều năm sống ở đây ông thích nhất là không khí bình yên, hiền hoà của miền đất này. “Cửa nhà mở cả ngày, xe cộ để ngoài đường thoải mái mà không sợ bị trộm. Người Côn Đảo ngày đó hiền lắm, chất phác lắm. Nhưng mấy năm gần đây tệ nạn trộm cắp, móc túi lừa đảo bắt đầu xuất hiện. Tôi đi nhiều khu du lịch như Sa Pa, Phú Quốc, Đà Lạt và thấy nhưng vẻ đẹp của nơi đó đã bị mất đi nhiều lắm. Sợ rằng cứ đà phát triển như vầy, vài năm nữa Côn Đảo cũng không còn giữ được vẻ đẹp như ngày nào”- Ông Quốc lo ngại.
Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Phan Thanh Biên cho biết, lãnh đạo huyện cũng rất băn khoăn, lo lắng về vấn đề này. Theo ông Biên, phát triển du lịch tâm linh, hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và mọi người là hoạt động cần được khuyến khích. Nhưng nếu không quản lý chặt sẽ dễ dẫn tới những biến tướng của mê tín dị đoan. Việc người dân từ đất liền tới định cư tại đảo cũng góp phần cho sự phát triển kinh tế, nhưng kéo theo đó cũng là những tệ nạn xã hội. “Mới hôm qua tôi phải tham gia phiên toà xét xử cho vay nặng lãi. Ngồi dự toà tôi cảm thấy buồn vì tệ nạn cũng đang tăng. Theo tôi, nếu cứ để du lịch phát triển theo hướng tăng mạnh về số lượng thì điều đó sẽ không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là chính mỗi người dân Côn Đảo phải tự ý thức cũng như cùng nhau góp sức để giữ gìn Côn Đảo”- Ông Biên nói.
Về việc hướng tới sự phát triển trong những năm tới, huyện Côn Đảo đã đưa ra một số giải pháp nhằm hướng tới ngành dịch vụ du lịch chất lượng cao, xanh, sạch và bền vững như: Tập trung khai thác, phát triển các tiềm năng du lịch sinh thái đặc trưng, hấp dẫn trong Vườn quốc gia Côn Đảo, như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch thể thao đi bộ, leo núi, bơi lặn biển xem san hô và sinh vật biển. Du lịch kết hợp nghiên cứu khoa học, hội thảo khoa học và du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa. Các chính sách của địa phương sẽ ưu tiên khuyến khích phát triển loại hình du lịch sinh thái biển không hoặc ít tác động đến môi trường… Tuy nhiên để thực hiện được những giải pháp trên, Côn Đảo cũng đang gặp khó khăn như nguồn nhân lực cho du lịch chất lượng cao chưa đáp ứng được, cơ sở hạ tầng cao cấp dành cho du lịch còn thiếu…
Ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện nói Côn Đảo đang cụ thể hóa mục tiêu trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế bằng việc đầu tư nhiều hơn cho hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật. Song song với đó sẽ là các hoạt động khai thác các sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao, mang đặc trưng văn hóa truyền thống gắn với phát huy giá trị của Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo. Từ năm 2021- 2025 sẽ là giai đoạn có tính bước đệm để Côn Đảo có thể trở thành đô thị du lịch trong tương lai…
Theo T.T (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.