Cốm gạo, ký ức miền tuổi thơ của người xa xứ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Đùng!". Sau tiếng nổ, gạo đã có một hình hài khác - những hạt cốm nóng hổi, trắng tinh tuôn vào túi mành.


Cốm gạo tuổi thơ

Tuổi thơ tôi đã trôi gần ngót 30 năm, ở một vùng nông thôn chuyên lúa. Thời ấy, trẻ con dù nhà giàu hay nghèo, đều cùng ăn những món ăn vặt nhà làm, tuy đơn giản nhưng đậm đà hương vị miền quê. Cốm gạo là món ăn mà hầu như bao lứa trẻ con thời ấy đều khoái khẩu. Mỗi khi có ghe nổ cốm về đến xóm nào, y như rằng trẻ con xóm ấy lũ lượt kéo nhau chạy thành hàng trên bờ kênh, í ới réo gọi mẹ để xin gạo nổ cốm. Nghe tiếng, bọn trẻ khác đang chơi đùa trên các đống rơm rạ cũng nhảy ào xuống, hòa đoàn. Trẻ con càng đông, không khí buổi nổ cốm càng thêm rộn ràng.

Với những người sống ở thôn quê miền Tây, chắc hẳn đã từng nhìn nổ cốm. "Đồ nghề" của người thợ khá đơn giản, chỉ cần một bếp lửa hồng, một quả nổ và một túi mành chứa cốm là đủ. Tuy bọn trẻ con ai cũng muốn tranh để được nổ trước, nhưng rồi ngoan ngoãn chịu xếp theo thứ tự trước sau, ngồi bẹp trên những đám cỏ dại ven đường để chờ cốm. Sau khi cho gạo vào bên trong ống, đặt lên bếp lửa, người thợ nổ phải liên tục quay quả nổ đều tay trên lửa. Công đoạn này đòi hỏi sự nhẫn nại và khéo léo của người thợ, sao cho tay quay vừa đều, vừa nhanh. Vô số hạt gạo con con được tiếp lửa đều qua những vòng quay rồi cũng đến lúc chín căng, mẻ cốm đầu tiên chuẩn bị ra lò.

Lúc này, người thợ mang quả nổ rời khỏi bếp lửa, đặt một phần quả nổ vào túi mành, trong khi chân cẩn thận đạp quả nổ thì tay thợ cầm cây đập lẫy cò trên nắp. Ngay lập tức: "Đùng!". Sau tiếng nổ, gạo đã có một hình hài khác - những hạt cốm nóng hổi, trắng tinh tuôn vào túi mành. Trong khi người lớn vẫn đang mải mê chuyện trò rôm rả thì bọn trẻ con, chỉ chờ một tiếng "đùng" là nhảy vào xem cốm bốc khói nghi ngút. Ai nấy háo hức và kích thích nhìn đuôi chiếc túi mành đã căng tròn lên với bao nhiêu là cốm.


 

Cốm gạo không biết có tự bao giờ nhưng là món ăn vặt da diết nhớ của hương đồng gió nội.
Cốm gạo không biết có tự bao giờ nhưng là món ăn vặt da diết nhớ của hương đồng gió nội.


Thời ấy, đi nổ cốm, người ta thường mang theo những chiếc thúng đan bằng tre để đựng cốm nóng, cốm có thể ăn ngay để cảm nhận chút hương thoang thoảng của gạo chín hoặc chế biến thành cốm ngào đường - món ăn đậm đà, ngọt thơm đầy ma lực với trẻ con nông thôn.

Tùy ý của mỗi nhà mà cốm nổ xong có thể nhờ thợ nổ ngào đường ngay tại chỗ, hoặc sẽ mang về, ăn bao nhiêu ngào bấy nhiêu. Công đoạn ngào cốm cũng khá đơn giản. Chọn một cái chảo to, bỏ đường, một ít gừng chỉ thái thật mỏng vào rồi bắc lên bếp đảo đều cho đường tan thành chất lỏng màu cánh gián đẹp mắt. Sau đó, đổ cốm gạo vào, dùng hai chiếc đũa tre loại to để đảo nhanh lòng chảo, giúp cho các hạt cốm dính đường thật mịn đều, kết dính vào nhau bằng lớp đường thơm ngọt. Không để lâu, người ta đổ chảo cốm đã ngào đường ra một cái khuôn bằng gỗ (hoặc chiếc mâm trong nhà) với độ dày chừng 3cm, nhà nào thích thì rắc thêm một lớp đậu phộng rang vàng, rồi cán cốm đều tăm tắp. Đợi chừng vài phút, khi khối cốm đã cứng lại và nguội bớt, người ta lấy dao yếm chia nhỏ khối cốm bằng những đường cắt ngang, dọc, sao cho miếng cốm cầm vừa tay người ăn.

Thường thì bọn trẻ con chúng tôi chỉ đợi được tới công đoạn ấy thôi đã hết kiên nhẫn, lao vào ngấu nghiến từng miếng cốm. Vừa ăn, vừa nói cười mà trong ánh mắt đứa nào cũng như thể mình đang hạnh phúc lắm. Thứ hạnh phúc đơn sơ nhưng vô cùng bền chặt khi cảm nhận vị ngọt thơm của đường, chút nồng nàn của gừng hòa quyện vào cái giòn rụm của hạt cốm - hạt gạo hiền hòa đã nuôi lớn bao thế hệ trẻ con quê hương.

Thương hoài ký ức

Được tận mắt nhìn thấy quy trình làm ra cốm gạo và cảm nhận hương vị ngọt lành của cốm là một trong những trải nghiệm khó quên của trẻ con nông thôn xưa. Ký ức miền tuổi thơ ấy ngỡ như thường tình, nhưng lại da diết hoài trong trái tim của những người con xa xứ. Bao đứa trẻ thời ấy đã lớn lên, bôn ba khắp nơi, rồi mải miết với cuộc mưu sinh ở chốn thị thành. Nhưng dù nếm qua bao nhiêu món ngon vật lạ, hàng nội, hàng ngoại thì cũng chẳng thể quên món cốm gạo giòn rụm, thơm thơm của ngày xưa. Để rồi, hương cốm cứ da diết trong ký ức, trong những giấc mơ về tắm mình trong dòng sông quê thanh mát, cùng lũ bạn cười âm vang cả một góc trời.

Nhớ cốm, nhớ những kỷ niệm tuổi thơ không chỉ là tâm trạng của riêng tôi. Mới hôm rồi, khi trên Facebook xuất hiện một đoạn video ngắn chỉ vài mươi giây quay cảnh nổ cốm gạo, một anh đồng nghiệp của tôi đã chia sẻ ngay về trang cá nhân của mình với niềm khắc khoải. Ngay lập tức, tường Facebook của anh liên tục có các bình luận về cốm, về mùa nổ cốm gạo ngày xưa, về quê hương ngày ấy, về ký ức tuổi thơ… Rất nhiều người đã mông lung về khung trời thơ bé, vẫn nhớ như in những cảm xúc non nớt cách đây đã mấy chục năm… để rồi lại thèm cốm, nhớ cốm, nhớ chái bếp xưa thơm lừng mùi cốm ngào đường.

 

Thơm lừng mùi cốm ngào đường.
Thơm lừng mùi cốm ngào đường.



Cũng có một số bạn bè sống ở chợ vào bình luận, ngạc nhiên hỏi "video đó người ta đang làm gì?", rồi tỏ ra nuối tiếc khi đã trải qua tuổi thơ mà không có hình ảnh những ngày đi nổ cốm gạo. Bấy nhiêu thôi, đã đủ làm hương cốm dậy lên nồng nàn trong tâm khảm những người đã sống gần nửa cuộc đời.

Nhớ cốm da diết, chiều vừa tan sở, tôi đã rong ruổi qua các tiệm tạp hóa để tìm cốm gạo. Thời bây giờ, cốm được sản xuất chuyên nghiệp hóa theo kiểu dây chuyền hiện đại, với những biến tấu, nhãn hiệu bắt mắt hơn. Có cả những cây cốm ống to đùng bằng cây thước gỗ của giáo viên, được tạo hình từ 7 sợi cốm với đủ các sắc màu tươi tắn quấn vào nhau. Mấy nhóc tì của tôi tròn mắt nhìn, xoay quanh mẹ để được chia cốm, rồi thỏa thích chơi đùa cùng nhau với những ống cốm dài. Chúng ăn cốm với một tâm thế hết sức hồn nhiên, trong khi mẹ chúng cứ rưng rưng với hương vị miếng cốm tan nơi đầu lưỡi.

Cô bạn thân từ ngày nghe nhắc về cốm gạo cũng thường hay mua cốm về cho cả gia đình nhâm nhi mỗi tối, bên ly trà nóng, rồi phán: "Cốm xưa ngon hơn bây giờ!". Ngon hơn bởi đó là những ký ức đáng để ta mơ được quay về, để nhìn ngắm, yêu thương. Cái ký ức xưa ấy, còn có cả hình ảnh mẹ ta bên chái bếp đầy khói lam chiều, tay thoăn thoắt từng mẻ cốm ngào đường. Đứa trẻ tinh nghịch là ta có lần đã ghé mũi ngửi, rồi trộm vội miếng cốm nóng hổi, cắn nhai ngọt lịm.

 

Theo Báo Bạc Liêu/nld

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.