'Cởi trói' chồng chéo chính sách, tạo động lực đầu tư vào bất động sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thị trường bất động sản đang phát triển bất ổn do tác động của COVID-19. Các dự án dừng hoãn, những chồng chéo về pháp luật trong thủ tục đang là trở ngại cho sự gia tăng nguồn cung của thị trường...
Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+
Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+
Tại Diễn đàn Bất động sản 2020 với chủ đề “Cơ hội mới từ chính sách và thị trường” diễn ra ngày 9/7, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng “chúng ta đang sống trong lòng của cuộc khủng hoảng đầy thách thức, đó là trạng thái không bình thường mới.”
Hiện thị trường bất động sản đang phát triển bất ổn do tác động của COVID-19, các dự án dừng hoãn và những chồng chéo về pháp luật trong thủ tục đang là trở ngại cho sự gia tăng nguồn cung của thị trường bất động sản trong khi nhu cầu vẫn cao.
Do đó, các chuyên gia cho rằng việc "cởi trói" cho các chồng chéo trong chính sách đất đai, xây dựng là cấp bách.
Tràn lan vướng mắc chính sách
Thông tin thêm tại diễn đàn, ông Lộc cho hay diễn biến của thị trường bất động sản là một trong những chỉ báo quan trọng của sự phát triển, sự đô thị hoá của một nền kinh tế. Thế nhưng, cùng với vai trò là động lực phát triển, lĩnh vực này đồng thời có nguy cơ gây bất ổn định nền kinh tế nếu không được kiểm soát.
Thông kê cho thấy vốn đầu tư FDI cho bất động sản giảm mạnh trong những tháng qua. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 12% so với cùng kỳ; các doanh nghiệp xây dựng tạm ngừng kinh doanh 94% trong quý 1/2020, tồn kho bất động sản tăng. Điều này cho thấy thị trường bất động sản đang đứng trước giai đoạn khó khăn.
“Do đó, cần bàn các giải pháp để phát triển thị trường bất động sản do đây là một trong những thị trường góp phần kích hoạt quan trọng cho quá trình phục hồi nền kinh tế,” ông Lộc nhấn mạnh.
Có cùng nhận định, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng Việt Nam đang đến chu kì 10 năm của thị trường và tác động của COVID-19 khiến doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Hà, thị trường bất động sản có liên quan rất nhiều đến cơ chế chính sách, khi có liên quan hơn 10 luật khác nhau từ Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật nhà ở, các luật liên quan tới thuế, phí… Trong khi, kinh doanh bất động sản đặc biệt nhạy cảm với thay đổi chính sách. Các doanh nghiệp mong chờ chính sách tháo gỡ nhưng các văn bản mới được ban hành nhiều khi lại vấp phải quy định mới.
Ví dụ như về vấn đề đấu thầu quyền sử dụng đất trong các dự án phân biệt đất đã giao và đất công, văn bản trước không có nhưng văn bản sau lại có những điểm khác...
Ngoài ra, khi chuẩn bị dự án, chủ đầu tư tính toán những chi phí để huy động, nhưng khi văn bản mới có tăng chi phí lên khiến nhà đầu tư vỡ trận, nhiều dự án đổ bể trong khi dự án có thể đã có cam kết với doanh nghiệp khác hay người mua nhà từ trước đó…
“Chính vì vậy có dự án 10 năm không thực hiện được bởi vướng mắc ở những cơ chế chính sách,” ông Hà nhấn mạnh.
Từ thực tế nêu trên, ông Hà kiến nghị tiếp tục giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn COVID-19 hiện nay như giảm lãi suất, chậm nộp kéo dài khoảng 12 tháng; hoặc tạm hoãn việc ký quỹ để cho phép dự án đầu tư, hướng dẫn lựa chọn chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, dự án đất thì phải đấu thầu, đấu giá.
“Cởi trói” chồng chéo, thu hút đầu tư
Cho rằng thị trường bất động sản đang bắt đầu quay trở lại gian đoạn “bình thường mới” song Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng khẳng định chưa thể phục hồi được như trước thời điểm dịch, do nhiều vướng mắc khác nhau.
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế nói chung, ông Sinh cho biết Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kịp thời để thực hiện “mục tiêu kép” vừa đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa chống dịch.
 
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Theo đó, với thị trường bất động sản, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội như: Cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định, từ đó có thể huy động được hơn 60.000 tỷ để thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp vay xây nhà ở xã hội...
Ngoài ra, Dự thảo Nghị quyết về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp cũng đang được Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ thông qua trong quý III/2020. Theo đó, nhà ở thương mại giá thấp để bán có tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, diện tích sử dụng dưới 70 m2, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2; tối đa một căn hộ được bán với giá không vượt quá 1,5 tỷ đồng. Nghị quyết này sẽ đưa ra nhiều nhóm cơ chế chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, về thuế, về thủ tục đầu tư xây dựng, về cơ chế huy động vốn.
Chính phủ cũng tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, trong đó dự kiến sẽ có nhiều điểm mới tháo gỡ rào cản, vướng mắc nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư cải tạo lại các chung cư cũ tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để vừa chỉnh trang bộ mặt đô thị, vừa đảm bảo chỗ ở an toàn cho người dân.
Còn theo tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, để thúc đẩy thị trường bất động sản, điều đầu tiên cần là thúc đẩy thực hiện các gói hỗ trợ hiện có. Bởi đây là thời điểm có thể mở rộng quy mô, nguồn lực các gói hỗ trợ, đồng thời, mở các gói hỗ trợ mới, đặc biệt là các gói tín dụng trung và dài hạn cho các dự án quan trọng, cốt lõi.
Chủ tịch VCCI cho rằng các chính sách tiền tệ cần linh hoạt nhưng phải ổn định kinh tế vĩ mô. Với chính sách tài khoá, phải nới mở tạo thuận lợi hơn nữa để giải quyết vấn đề thanh khoản, đầu tư của các doanh nghiệp. Trong thời gian khó khăn, cần tăng nợ công và thâm hụt ngân sách, đây là chủ trương quan trọng và xuyên suốt trong quá trình yểm trợ cho nền kinh tế. Nhưng quan trọng vẫn là ổn định cải cách các chính sách, cơ chế về đầu tư xây dựng.
Với 20 điểm chồng chéo trong chính sách đất đai, xây dựng mà VCCI đã nêu ra, ông Lộc cho biết VCCI cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà xét để xoá bỏ những chồng chéo, bất hợp lý đó. Theo ông Lộc, “cởi trói” các chồng chéo bật cập này chính là động lực quan trọng cho sự phát triển của lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Về phía nhà đầu tư nước ngoài, ông Dennis Ng Teck Yow, Tổng Giám đốc Gamuda Land Hồ Chí Minh, cho biết đơn vị ông không khác các chủ đầu tư trong nước khi chia sẻ chung các quy định về pháp luật tại Việt Nam. Những chính sách đầu tư nước ngoài và các hoạt động M&A sôi động đang mở ra nhiều cơ hội. So với các nước khác, hoạt động tại Việt Nam có nhiều tiềm năng hơn sau đại dịch.
Tuy nhiên, bên cạnh đơn giản thủ tục hành chính, phía doanh nghiệp mong muốn hơn việc minh bạch các chính sách pháp luật. Các quy định về phê duyệt đầu tư nhanh chóng hơn sẽ là tín hiệu tốt để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng như cam kết đầu tư lâu dài tại thị trường này.
Hùng Võ (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.