Cô thủ thư và nồi cháo tình thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 1 năm nay, đều đặn vào sáng thứ hai hàng tuần, cô Hà Thị Thanh Việt-thủ thư Trường Tiểu học Hà Ra số 1 (xã Hà Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại mang “nồi cháo yêu thương” đến với các em học sinh tiểu học trên địa bàn xã. Những bát cháo không chỉ giúp làm ấm bụng mà còn “níu chân” các em đến trường.
Đưa cháo lên đỉnh Đê Kôn
Lúc đầu, chị Việt từ chối hẹn gặp, vì cho rằng việc mình làm rất nhỏ, chỉ là cầu nối gắn kết các Mạnh Thường Quân với học trò nghèo. Sau chị mới đồng ý với mong muốn lan tỏa việc làm tử tế đến với nhiều người.
“Nồi cháo yêu thương” gần đây nhất được chị Việt thực hiện vào ngày 27-9, đem cháo đến cho học sinh Trường Tiểu học Hà Ra số 2 điểm trường làng Đê Kôn. Đây là lần thứ 2, “nồi cháo yêu thương” của cô thủ thư đến với điểm trường này. Gặp nhau dưới chân đèo Đê Kôn vào lúc 5 giờ 30 phút, trên chiếc xe Wave cà tàng, thùng cháo được chị Việt chằng buộc kỹ càng phía sau yên xe, phía trước treo chén, muỗng. “Mấy ngày trước, trời mưa tầm tã nên đường đi bị sụt lún, lở lói, trơn trượt. Mình đã hẹn với cô giáo và các em hôm nay sẽ mang cháo lên. Đường có xấu mấy cũng phải cố gắng đi, chứ các em chờ đợi, thương lắm”-chị Việt bộc bạch.
Chặng đường dài khoảng 2 km, nhưng hàng loạt con dốc dựng đứng, trơn trượt, gập ghềnh. Có những đoạn sụt lún, rất khó đi, người cầm lái lúc phải vặn ga hết cỡ, lúc lại phanh gấp dúi dụi. Sợ nồi cháo bị đổ, tôi và chị Việt phải đẩy xe qua một số đoạn đường xấu, sau đó mới tiếp tục hành trình.  
Để đem cháo lên cho học sinh Trường Tiểu học Hà Ra số 2 điểm trường làng Đê Kôn (xã Hà Ra, huyện Mang Yang), chị Hà Thị Thanh Việt phải vượt qua chặng đường đèo đầy hiểm trở. Ảnh: Phan Lài
Để đem cháo lên cho học sinh Trường Tiểu học Hà Ra số 2 điểm trường làng Đê Kôn (xã Hà Ra, huyện Mang Yang), chị Hà Thị Thanh Việt phải vượt qua chặng đường đèo đầy hiểm trở. Ảnh: Phan Lài
Mất khoảng 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới lên đến điểm trường làng Đê Kôn. 28 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 được cô giáo chủ nhiệm dẫn ra xếp hàng ở sân. Dậy từ sáng sớm, vượt đèo vất vả nhưng chị Việt không tỏ ra mệt mỏi mà luôn vui vẻ. Rửa tay sạch sẽ, chị Việt cẩn thận nhấc thùng cháo xuống chiếc bàn đã kê sẵn rồi múc từng chén cháo còn ấm nóng cho các em, kèm theo lời dặn “Ăn xong chén này, nếu còn đói, các con nói cô múc cháo thêm nhé”.
Một vài em lúc đầu còn e dè khi thấy người lạ. Nhưng vì đói bụng, sau khi nhận cháo, các em vội tìm chỗ ngồi và cắm cúi ăn ngon lành. Ăn xong, các em trật tự đem chén ra phía sau để nhờ cô rửa giúp. Em Men (lớp 4) cho biết: “Cháo của cô Việt nấu ngon lắm ạ. Em ước ngày nào cũng được ăn cháo ngon như thế này”.
Thấy nhà trường phát cháo cho học sinh, anh Yem bế đứa con gái 2 tuổi đến xin cô giáo chén cháo dinh dưỡng. Anh chia sẻ: “Bà con mình đều nghèo, cũng không biết cách nấu cháo dinh dưỡng. Mong cô giáo thường xuyên phát cháo cho các em và hướng dẫn thêm để bà con biết mà thực hiện”.
Thấy trường phát cháo cho học sinh, anh Yem đem con gái 2 tuổi đến trường ăn cháo cùng anh chị. Ảnh: Phan Lài
Thấy nhà trường phát cháo cho học sinh, anh Yem đem con gái 2 tuổi đến ăn cháo cùng anh chị. Ảnh: Phan Lài
Nhìn các em học sinh ăn cháo ngon lành, cô Nguyễn Thị Cầu chia sẻ: “Bữa ăn sáng rất quan trọng với mỗi người, nhất là con trẻ. Nhờ cô Việt mà các em có thêm bữa ăn dinh dưỡng. Việt là học trò cũ của tôi, thấy em làm nhiều việc ý nghĩa, tôi rất vui và biết ơn nhiều lắm”.
Hết lòng vì học sinh
Để nấu một nồi cháo đủ chất dinh dưỡng, chiều hôm trước, chị Việt đi chợ mua thực phẩm. Buổi tối, chị ngâm gạo sẵn để khoảng 4 giờ sáng hôm sau nhóm bếp ninh cháo. Chị thường xuyên đổi món, khi thì cháo thịt gà, thịt bò hoặc cháo lươn và bao giờ cũng có thêm hạt sen, cà rốt, bí đỏ, nấm... Từng công đoạn được chị thực hiện tỉ mỉ, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đầy đủ chất dinh dưỡng cho các em.
Xong đâu đó, chị Việt trút cháo vào thùng giữ ấm, buộc lên xe để chở đến các điểm trường. Tùy khoảng cách mà chị phát cháo vào đầu buổi học hay vào giờ ra chơi. Để các em đều có phần, chị đã chủ động liên hệ với thầy-cô giáo ở từng điểm trường nắm số lượng học sinh. Trung bình mỗi đợt, chị nấu từ 70 đến 100 suất cháo. Mỗi nồi cháo trị giá khoảng 200.000 đồng, xoay vòng, luân phiên ở các điểm trường. Ngoài phát cháo, thỉnh thoảng chị Việt còn có bánh kẹo, trái cây trong vườn nhà dành tặng học sinh.
Năm học 2020-2021, “nồi cháo yêu thương” của chị Việt được thực hiện luân phiên tại các điểm trường thuộc Trường Tiểu học Hà Ra số 1 gồm: Kon Tu Dơng, Kret Krot, Kon Hoa, Kon Chrah. Bắt đầu từ năm học 2021-2022, chị Việt phát thêm cho các em học sinh Trường Tiểu học Hà Ra số 2. Đến nay, chị đã phát gần 4.000 suất cháo tình thương đến các em học sinh. Cô Đinh Thị Thu Thảo-giáo viên Trường Tiểu học Hà Ra số 1 điểm trường làng Kon Chrah-bày tỏ: “Học sinh ở điểm trường này đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn. Vào giờ ra chơi, các em thường về nhà ăn cơm rồi mới trở lại lớp học. Các em đang tuổi phát triển nên nhu cầu dinh dưỡng cao. Mỗi lần cô Việt đến phát cháo, các em đều rất phấn khởi. Không chỉ các em mà giáo viên ở điểm trường cũng mừng và cảm thấy vui lây”.
Học sinh Trường Tiểu học Hà Ra số 2 điểm trường làng Đê Kôn nhận bát cháo đầy đủ chất dinh dưỡng từ tay chị Việt. Ảnh: Phan Lài
Học sinh Trường Tiểu học Hà Ra số 2 điểm trường làng Đê Kôn nhận bát cháo đầy đủ chất dinh dưỡng từ tay chị Hà Thị Thanh Việt. Ảnh: Phan Lài
Vì đường đi khó khăn, nhiều lần chị Việt bị ngã xe, thùng cháo bị đổ, chén bị vỡ hết. Tay chân trầy xước, chị bật khóc không phải vì đau mà vì lỡ hẹn với học sinh. Ngày hôm sau, chị lại nấu một nồi cháo khác mang đến cho các em kèm lời xin lỗi. Nhìn các em học sinh đón nhận những bát cháo yêu thương, chị hạnh phúc với việc mình làm. “Các em học sinh dân tộc thiểu số thiếu thốn nhiều mặt, rụt rè khi giao tiếp, chỉ biết khen cháo ngon, nhắc cô lần sau tiếp tục mang cháo đến. Mình cố gắng duy trì mỗi tuần nấu nồi cháo thật ngon cho các em”-chị Việt tâm tình.
Lan tỏa điều tử tế
Chia sẻ về việc làm của mình, chị Việt bộc bạch: “Mình sinh ra và lớn lên tại xã Hà Ra nên biết khó khăn của bà con nơi đây. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Thư viện Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh Bình Định năm 2012, mình đến nhận công tác tại Trường Tiểu học Hà Ra số 1. Những lần vào làng, thấy học sinh ăn cơm với lá mì, cà đắng, thậm chí có em bữa đói bữa no, mình xót quá mới quyết định nấu cháo thêm phần dinh dưỡng cho các em. Ý tưởng ấp ủ từ lâu, nhưng đến năm học 2020-2021 mình mới thực hiện được”.
Nhận được sự ủng hộ của chồng, chị Việt tự bỏ tiền túi ra để mua nguyên liệu, sớm hôm nấu cháo cho học trò. Biết được hành động đầy nhân văn của cô thủ thư, nhiều Mạnh Thường Quân liên hệ để hỗ trợ gạo, tiền giúp cô duy trì nồi cháo. “Có người góp vài chục ngàn đồng, có người góp vài ký gạo hoặc rau củ. Của ít lòng nhiều, mình thấy vui và có thêm động lực để tiếp tục duy trì “nồi cháo yêu thương”-chị Việt bày tỏ sự cảm kích.
Ngoài phát cháo, cô Hà Thị Thanh Việt (bìa trái) còn tặng bánh kẹo cho các em học sinh. Ảnh: Phan Lài
Ngoài phát cháo, chị Hà Thị Thanh Việt còn tặng bánh kẹo cho các em học sinh. Ảnh: Phan Lài
Ngoài nấu cháo, các Mạnh Thường Quân còn góp kinh phí để chị Việt tổ chức Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi cho các em học sinh; tặng quà người già neo đơn, gia đình chính sách… Niềm vui cứ thế nhân lên đã tạo động lực để chị Việt gắn bó với hoạt động ý nghĩa này. Luôn ủng hộ và tạo điều kiện để cô Việt mang cháo đến cho các em học sinh ở các điểm trường trên địa bàn xã, cô Lê Thị Kim Quy-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Ra số 1-cho biết: “Về chuyên môn, cô Việt luôn có nhiều cách làm hay để khơi dậy niềm đam mê đọc sách của học sinh. Hàng tuần, cô đều chở sách lưu động đến từng điểm trường giúp các em có thêm sách mới để đọc. Nhà trường luôn tạo điều kiện để cô Việt duy trì “nồi cháo yêu thương”, việc làm này giúp các giáo viên chủ nhiệm “giữ chân” học sinh”.
Nỗ lực duy trì nồi cháo hơn 1 năm nay, chị Việt luôn có “tham vọng” mở rộng quy mô, phát cháo cho các em vào tất cả các ngày trong tuần. Song tài chính của chị cũng như đóng góp của các Mạnh Thường Quân mới chỉ đủ duy trì nồi cháo 1 lần/tuần. “Gia đình mình chưa gọi là khá giả nhưng may mắn có việc làm và có sức khỏe để làm việc tốt. Có thể bữa cháo đơn giản này chưa giúp các em ấm bụng nhưng mình cứ cố gắng trong khả năng có thể. Mình mong nhận được sự ủng hộ của nhiều tấm lòng thơm thảo để nồi cháo yêu thương được duy trì thường xuyên hơn”-chị Việt trải lòng.
Nhìn các em học sinh cười thật tươi bên những chén cháo nóng hổi, thơm phức... tôi tin rằng hình ảnh đẹp, hoạt động ý nghĩa của chị Việt sẽ ngày càng được lan tỏa. Để rồi, nồi cháo yêu thương của chị Việt sẽ được đỏ lửa thường xuyên hơn, các em học sinh sẽ thêm ấm lòng và đến trường đầy đủ hơn.
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.