Có một đêm văn công như thế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hôm ấy, bà con các làng ai ai cũng háo hức chờ đợi. Mới 17 giờ, bà con đã tập trung trước sân trụ sở xã Al Bá chờ đợi đêm diễn. Khi đó, tôi nhớ mình đã viết một bài báo có nhan đề “Đêm văn công ở vùng trắng văn công”...

1. Tháng 12-1999, để chuẩn bị cho lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được Nhà nước phong tặng cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ xã Al Bá, lãnh đạo huyện Chư Sê đã xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy và làm việc với lãnh đạo Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch), cử Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (nay là Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) về phục vụ cho nhân dân trong xã một đêm văn công.

Hôm ấy, bà con các làng ai ai cũng háo hức chờ đợi. Mới 17 giờ, bà con đã tập trung trước sân trụ sở xã chờ đợi đêm diễn. Khi đó, tôi nhớ mình đã viết một bài báo có nhan đề “Đêm văn công ở vùng trắng văn công”.

z6269070789872-42b862a8c8a1a37c2ea6ee2c01275cd8.jpg
Trụ sở Đảng ủy-HĐND-UBND xã Al Bá (huyện Chư Sê) khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Đ.M.P

Xã Al Bá vốn trước đây thuộc K.6 (huyện Mang Yang, nay là Đak Đoa). Bà con người Jrai sinh sống lâu đời tại địa phương. Khi cách mạng về, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, họ đã đóng góp sức người sức của cho sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước.

Nơi đây cũng là vùng giáp ranh với các xã Bờ Ngoong, A Yun-những nơi từng là vùng giải phóng trong thời kỳ chống Mỹ. Bởi vậy, bà con thường xuyên được xem văn công giải phóng. Nhưng sau ngày thống nhất, một thời gian khá lâu trong thời kỳ bao cấp, chuyện tập trung giải quyết cái ăn cái mặc, chuyện học hành và chữa bệnh, được chính quyền đặc biệt quan tâm, cho nên việc chăm lo đời sống tinh thần cho bà con có chút lãng quên.

Hay tin có văn công về biểu diễn phục vụ bà con mừng lễ đón nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của xã, bà con các làng háo hức chờ đợi. Tôi có mặt ở xã đã mấy ngày để chỉ đạo công việc chuẩn bị cho buổi lễ diễn ra an toàn, trang nghiêm, chứng kiến niềm vui phấn khởi của người dân cũng là niềm vui của người đứng đầu địa phương.

Trời đổ mưa, nặng hạt dần, tuy thế, sân của UBND xã đã chật người. Bà con ở các làng, nhiều người dắt díu cả nhà tề tựu đợi xem văn công. Bấy giờ, đường về xã Al Bá còn là đường cấp phối, mưa thì lầy lội, ổ gà dày đặc; nắng lên thì bụi mù, đi lại rất khó khăn. Thế mà anh chị em Đoàn Đam San đã có mặt đúng hẹn.

Sân diễn lởm chởm đá dăm, đá cuội, anh chị em của Đoàn cùng với bà con dân làng gom đá, dọn rác. Những tấm bạt sau đó được trải ra, “sân khấu” hình thành, đèn pha từ máy phát điện bừng sáng lên, bà con reo hò mừng vui khôn tả.

Trò chuyện với tôi, Chủ tịch UBND xã Đinh Đấp bảo, từ ngày giải phóng đến nay, bà con mới được xem văn công cách mạng. Nhớ những đêm văn công thời kháng chiến, chỉ với vài chục khán giả, vài ba anh chị văn công thôi, dưới ánh lửa rừng không rõ mặt người, còn sợ máy bay, pháo cối của địch nữa, thế mà lâu lâu bà con còn được xem văn công.

Văn công giải phóng giúp bà con thêm phần phấn khởi, tin tưởng vào cách mạng, ủng hộ hết lòng từ gùi lúa, cân ngô. Thanh niên nam-nữ tham gia bộ đội, du kích, đào hầm chông chống giặc càn quét; đi dân công gùi cõng đạn dược, lương thảo cho bộ đội. Vì vậy mới có ngày vui đón nhận danh hiệu anh hùng.

z6269070799366-d861001563340e7893c7af1a4d728891.jpg
Đường về xã Al Bá hôm nay. Ảnh: Đ.M.P

Buổi biểu diễn bắt đầu sớm hơn dự định, mưa vẫn không dứt. Tôi trao đổi với chị Đinh Xuân La (nay là Nghệ sỹ Nhân dân), khi đó là Phó trưởng Đoàn, có thể dừng buổi diễn để đảm bảo sức khỏe cho anh em diễn viên và đồng bào. Chị nói: Anh chị em diễn viên “đã quen” với cảnh này, dù biểu diễn ở đâu, vùng căn cứ cách mạng, trong chiến tranh, trên biên giới, Đoàn quán triệt cho mọi người “cứ còn có người xem là còn biểu diễn”.

Vậy nên, tôi có phần yên tâm, ra tận “sân khấu” nói lời động viên diễn viên và bà con-khán giả. Nghe tôi dẫn lời của nghệ sỹ Đinh Xuân La như trên, bà con hò reo phấn khởi và vẫn đội mưa xem Đoàn biểu diễn.

Ca sĩ Chu Thị Thúy Hà (nay là Nghệ sỹ Ưu tú, nguyên phó giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) là một trong những ca sĩ đầu đàn của Đoàn. Với những ca khúc cách mạng hào hùng và sâu lắng, chị đã làm cho cả sân UBND xã như vỡ òa trong tiếng vỗ tay tán thưởng không dứt.

Thúy Hà khi ấy vừa kết thúc cuộc thi và đạt giải nhì “Tiếng hát truyền hình” (sau này cuộc thi ấy được nâng tầm lên thành “Sao mai điểm hẹn”), kết thúc 2 bài “Em nhớ thương ai” của nhạc sĩ Nguyễn Cường và “Một mình” của nhạc sĩ Thanh Tùng vừa kết thúc, tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả lại vang lên.

Tôi bước ra “sân khấu” nói lời cảm ơn và chúc mừng: “Nếu tôi là giám khảo cuộc thi, với các bài hát này và chứng kiến cảnh ca sĩ biểu diễn phục đồng bào vùng sâu, xa như thế này, tôi sẽ chấm cho Thúy Hà giải đặc biệt”. Tôi vừa ngừng lời, cả một “rừng người” phía dưới vỗ tay vang dội.

Rồi đến một tiết mục múa đang “cao trào”, bỗng có người ngã uỵch vì dẫm phải đá dăm. Thế nhưng ngay sau đó, em ấy đã nén cơn đau, đứng lên tiếp tục với tiết mục của mình. Tôi cảm thấy thương lắm những chàng trai, cô gái diễn viên đã vì bà con ở nơi xa xôi này mà “cháy hết mình”, biểu diễn dưới mưa phùn đêm đông giá lạnh. Kỷ niệm xa xưa ấy, cho tới giờ sau hơn 25 năm tôi vẫn không hề quên!

2. Tôi cùng Nhóm thiện nguyện 50K TP. Pleiku, được sự giúp đỡ của anh Dương Chí Nghĩa-nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư thị trấn Chư Sê (nay nghỉ hưu làm Chủ tịch Hội Khuyến học huyện) đã về lại với bà con xã Al Bá vào một ngày trung tuần tháng 12-2024, mang theo ít quà tặng bà con làng Ia Doa.

Đây là ngôi làng còn nhiều hộ nghèo so với các làng khác trong xã, dù xã đã được công nhận xã nông thôn mới. Nắng đẹp, cái lạnh cuối đông se sắt đủ làm cho má những thiếu nữ Jrai ửng hồng. Trên suốt hành trình, chỉ có một đoạn đường đang thi công chừng vài trăm mét hơi khó đi, còn lại là đều đã được trải thảm nhựa phẳng phiu, ngược xuôi những chuyến xe tải nặng trĩu chở nông sản ngược về phố.

Lòng tôi khấp khởi vui khi chứng kiến cảnh 2 bên đường vườn tược, cây trái tốt tươi. Năm nay, cà phê, hồ tiêu, cao su, sầu riêng... được mùa, được giá, tạo điều kiện cho bà con nông dân đón một cái Tết Ất Tỵ trong ngập tràn niềm vui, phấn khởi.

Al Bá giờ đã trở thành xã nông thôn mới. Đất bazan trù phú, rất phù hợp cho các loại cây công nghiệp dài ngày. Tôi còn nhớ gần 30 năm trước khi khảo sát, quy hoạch, tiềm năng này lãnh đạo huyện Chư Sê đã thấy được, đã đưa vào quy hoạch phát triển dài hạn. Tuy nhiên, khi đó còn khó khăn đủ bề cho nên tiềm năng ấy chưa được khai thác có hiệu quả.

Còn ngày nay, với đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, có trình độ cùng nhận thức vươn lên làm giàu của bà con, 2 thôn Tứ Kỳ và Tứ Kỳ Nam (tỉnh Hải Dương) vào Al Bá theo diện đi kinh tế mới thời trước, đã là những thôn đi đầu làm giàu, nêu gương cho bà con Jrai tại chỗ noi theo. Tất cả cùng đoàn kết, cần cù lao động sản xuất; kinh tế gia đình từng bước phát triển, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ở đây.

z6269070787657-46b6ff0cf718df7620d444e75da26895.jpg
Nhóm thiện nguyện 50K TP. Pleiku tặng quà bà con làng Ia Doa, xã Al Bá, huyện Chư Sê. Ảnh: Đ.M.P

Chia tay với cán bộ và bà con làng Ia Doa, trong lòng tôi-nguyên là người đứng đầu của huyện một thời-dấy lên một niềm vui khó tả khi nhìn thấy thế hệ nối tiếp đã xuất sắc lãnh đạo địa phương thành công trên hành trình xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

“Tổ quốc bên bờ sóng”

“Tổ quốc bên bờ sóng”

(GLO)- Đó là chủ đề cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo năm 2025.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

(GLO)- Nhà giáo Tạ Chí Tào (trú tại huyện Chư Sê) mang trọng bệnh đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ chịu ngừng nghỉ. Anh vẫn đều đặn sáng tác văn học, nghiên cứu lịch sử. Đến nay, anh đã có gần 10 đầu sách, chính xác là 9 tập đã phát hành, còn 1 cuốn nghiên cứu lịch sử đang có kế hoạch xuất bản.

Báo Gia Lai: Phụng sự và kiến tạo

Báo Gia Lai phụng sự và kiến tạo

(GLO)- Qua 78 năm xây dựng và trưởng thành (16/3/1947-16/3/2025), Báo Gia Lai xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong xu thế hiện nay, Báo Gia Lai chú trọng phát huy vai trò kiến tạo nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời lúc 10h45 sáng 13/3 tại Hà Nội. Năm cuối đời, ông chống chọi với bệnh ung thư. Vài tháng gần đây, nhiều đồng nghiệp chia sẻ hình ảnh thăm nhạc sĩ Thụy Kha trong bệnh viện. 

Giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh tại xã Gào

Giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh tại xã Gào

(GLO)- Tối 10-3, tại làng C (xã Gào), Đội Thông tin lưu động-Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh (17/3/1975-17/3/2025), chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Hội viên Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh tại chương trình chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam năm 2024. Ảnh: H.N

Nhạc sĩ Gia Lai kiếm tìm tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn

(GLO)- Bám sát hơi thở cuộc sống và đưa bản sắc dân tộc vào tác phẩm, các nhạc sĩ Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã thực sự cố gắng trong hoạt động sáng tác nhằm ghi dấu ấn. Song, làm gì để tác phẩm lan tỏa rộng rãi, ghi đậm trong tâm trí người nghe đang là trăn trở của những người tâm huyết.

Lá cỏ hát thơ

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Lá cỏ hát thơ

(GLO)- Bài thơ "Lá cỏ hát thơ" của Nguyễn Ngọc Hưng đã khắc họa hình ảnh cỏ như một biểu tượng của sự kiên cường dù phải trải qua nhiều gian khó, đớn đau. Qua đây, tác giả muốn truyền tải thông điệp về sự bền bỉ, lòng yêu thương và tinh thần vượt qua khó khăn của con người trong mọi hoàn cảnh.