"Cơ hội và hành động cho doanh nhân trẻ"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đó là chủ đề buổi tọa đàm do Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai phối hợp với Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức ngày 28-4 nhằm chia sẻ, giới thiệu thông tin về lĩnh vực doanh nghiệp hoạt động, đồng thời sẵn sàng kết nối hợp tác triển khai các dự án đầu tư để cùng phát triển.
Nhiều lợi thế phát triển
Trước khi bước vào buổi tọa đàm, gần 100 thành viên Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai và Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã cùng trao đổi, thảo luận, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp nhằm tìm kiếm đối tác, liên kết đầu tư để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong không khí cởi mở, các doanh nghiệp chia thành từng nhóm cùng lĩnh vực hoạt động như: thương mại, dịch vụ du lịch; chế biến nông sản, thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao; bất động sản, xây dựng để trao đổi thông tin, giới thiệu, trao đổi về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mình; đồng thời tìm hiểu nhu cầu liên kết để tiến tới việc thỏa thuận, ký kết biên bản hợp tác xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp với nhau.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp; chăn nuôi, năng lượng tái tạo, du lịch và dịch vụ. Đây là những lĩnh vực mà tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư vào nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh hiện có của địa phương. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành, Gia Lai có diện tích lớn các cây công nghiệp như: hồ tiêu, cao su, cà phê, điều và các loại cây ăn quả… Tuy nhiên, thời gian qua, giá cả bấp bênh nên hiệu quả mang lại không cao. Do vậy, tỉnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm từ nông nghiệp để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn.
Quang cảnh buổi tọa đàm giữa Hội Doanh nhân trẻ Gia Lại và Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội nhằm tìm kiếm cơ hội liên kết đầu tư giữa các doanh nghiệp 2 địa phương. Ảnh: Minh Nguyễn
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Minh Nguyễn
Bên cạnh đó, Gia Lai có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng với nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ, nhiều di tích văn hóa-lịch sử tiêu biểu, đặc biệt là Cao nguyên Kon Hà Nừng được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Giao thông cũng thuận lợi cho việc phát triển giao thương khi đường cao tốc quốc lộ 19 từ Cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ), Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum) đã được đưa vào quy hoạch. Quan trọng hơn là các chính sách thu hút đầu tư luôn hướng về doanh nghiệp, luôn cầu thị cùng các nhà đầu tư tháo gỡ những vướng mắc đối với các dự án đầu tư tại tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp là thành viên Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ tại địa phương.
Ông Phan Thanh Thiên-Phó Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai-cho rằng: Sự có mặt của lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban ngành tại buổi tọa đàm đã khẳng định tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Theo ông Thiên, Gia Lai là một trong những địa phương có tài nguyên du lịch rất phong phú; khí hậu ôn hòa, mát mẻ cộng với nhiều thắng cảnh thiên nhiên, thác nước đẹp; là miền đất của nhiều lễ hội văn hóa. “Tỉnh cũng như các doanh nghiệp địa phương sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ tích cực để dự án có thể triển khai một cách nhanh nhất. Tôi mong rằng, qua buổi gặp gỡ này, các doanh nghiệp Hà Nội và Gia Lai sẽ gắn kết và hợp tác phát triển nhiều hơn nữa các sản phẩm du lịch, thương mại; đồng thời tiếp tục nghiên cứu đầu tư, kết nối đầu tư với các doanh nghiệp của tỉnh tạo cơ hội giúp các sản phẩm của Gia Lai vươn cao, vươn xa hơn”-Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai nói.
Các doanh nghiệp ký kết ghi nhớ hợp tác tại buổi tọa đàm. Ảnh: Minh Nguyễn
Các doanh nghiệp ký kết ghi nhớ hợp tác tại buổi tọa đàm. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế: Thời gian qua, tỉnh thu hút đầu tư bằng cách đẩy cải cách thủ tục hành chính, tích cực tháo gỡ khó khăn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án. Chính vì vậy, năm 2021, chỉ số PCI của tỉnh đã có sự bứt phá, đứng thứ 26/63 tỉnh, thành, tăng 12 bậc so với năm 2020 và xếp thứ 2 ở khu vực Tây Nguyên. So với nghị quyết Đảng bộ tỉnh đến năm 2025 chỉ số PCI lọt vào tốp 20 của cả nước thì hiện nay đã tiệm cận với chỉ tiêu này. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục kiểm tra, rà soát những chỉ số thành phần PCI còn thấp để tìm cách khắc phục, làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư vào tỉnh. Trong quá trình đầu tư, nếu các doanh nghiệp có vướng mắc thì có thể gọi điện cho tôi bất cứ lúc nào. Tôi sẵn sàng tiếp nhận ý kiến của các doanh nghiệp, vui mừng trả lời những câu hỏi, thắc mắc liên quan đến thủ tục, dự án đầu tư”-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Liên kết, hợp tác, phát triển
Trao đổi tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Phúc Long-Chủ tịch tập đoàn Thăng Long Invest-cho biết: Cũng như nhiều nhà đầu tư khác, doanh nghiệp cũng có nhu cầu đầu tư ở lĩnh vực bất động sản, nhà ở, khu dịch vụ thương mại, khu du lịch, đặc biệt là bất động sản du lịch. Tuy nhiên, việc đầu tư các dự án có sử dụng đất buộc phải tuân thủ đầy đủ quy trình thủ tục, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh. “Doanh nghiệp Hà Nội có công nghệ, ý tưởng kinh doanh, kinh nghiệm và tiềm lực kinh doanh, doanh nghiệp tỉnh có lợi thế trong việc cung cấp dịch vụ về xây dựng, hỗ trợ nhân sự vận hành, lao động địa phương nên buộc phải liên doanh, liên kết để tương trợ phát triển, tạo ra cơ hội thành công lớn hơn. Muốn phát triển phát triển lớn mạnh, huy động vốn nhanh thì phải kết nối. Muốn đi nhanh thì đi một mình, đi xa thì đi cùng nhau, nhưng khi tham gia liên kết chúng ta đạt 2 mục đích vừa nhanh, vừa xa”-ông Long khẳng định.
Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai:Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp Gia Lai và Hà Nội đã tích cực trao đổi thông tin, giới thiệu cơ hội giao thương. Kết quả, đã có 12 doanh nghiệp đạt được kết nối, thống nhất tiến tới việc ký biên bản ghi nhớ hợp tác trên các lĩnh vực: bất động sản-xây dựng; nông sản-thực phẩm-nông nghiệp công nghệ cao; thương mại-dịch vụ.
Đồng quan điểm này, ông Thân Văn Hùng-Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Visimex-nhận định: Gia Lai thật sự là miền đất hứa đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực nông sản. Chính sách về đất đai và cơ chế hỗ trợ của địa phương đã tạo động lực cho doanh nghiệp quyết định đầu tư, triển khai thực hiện Dự án Tổ hợp nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mang Yang với quy mô 350 ha. Ngoài việc, đầu tư mô hình trang trại trồng trọt kiểu mẫu trên cơ sở đó xây dựng vùng nguyên hữu cơ, nông nghiệp sạch để xây dựng mô hình điểm, nhân rộng để hình thành chuỗi liên kết cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm của doanh nghiệp trong khuôn khổ buổi tọa đàm. Ảnh: Minh Nguyễn
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm của doanh nghiệp trong khuôn khổ buổi tọa đàm. Ảnh: Minh Nguyễn
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẵn sàng giao thương, hợp tác với các doanh nghiệp tại tỉnh trong việc huy động nguồn lực, chia sẻ cách thức đầu tư với doanh nghiệp tại tỉnh để cùng liên kết thực hiện dự án. “Ngoài việc bao tiêu sản phẩm đầu ra, chúng tôi có kinh nghiệm triển khai chuỗi nông nghiệp sạch và có hệ thống cửa hàng tại các tỉnh. Đây là dự án tổng thể nên doanh nghiệp tại tỉnh có thể tham gia bất kỳ khâu nào trong chuỗi, từ trồng trọt, sản xuất, chế biến, chăn nuôi, xuất khẩu… nhằm hướng đến việc xây dựng các doanh nghiệp vệ tinh tạo chuỗi liên kết bền vững”-ông Hùng cho hay.
Còn ông Nguyễn Tiến Định-Giám đốc Công ty cổ phần Pniexpo (huyện Chư Prông) thì cho biết: “Thông tin của lãnh đạo tỉnh tại buổi tọa đàm này giúp chúng tôi xác định mình đang đi đúng hướng. Đó là tập trung thị trường cà phê xuất khẩu, bổ sung đầy đủ chứng chỉ, xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn đáp ứng thị trường tiêu thụ tại Mỹ và châu Âu; đồng thời cũng đúng với định hướng tỉnh đang ưu tiên đầu tư”.
Theo ông Định, tại buổi tọa đàm, một doanh nghiệp đã chia sẻ tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng tạo cơ hội giúp Công ty tìm hiểu, chủ động kết nối hợp tác trong thời gian tới. “Một cơ hội nữa tìm đến khi nhiều sản phẩm của Công ty chúng tôi tiếp tục phù hợp với kênh phân phối của một doanh nghiệp khác, họ cũng sẵn sàng kết nối, chia sẻ thị trường. Điều này khiến doanh nghiệp rất vui khi tìm thấy đối tác trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm”-ông Định nhấn mạnh.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.