Cơ hội liên kết, quảng bá du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ ngày 8 đến 10-9, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn (quận 7, TP. Hồ Chí Minh) đã diễn ra Hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 12-năm 2016 do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Tham gia hội chợ, ngành Du lịch Gia Lai cũng xem đây là cơ hội quảng bá hình ảnh, điểm đến và bán sản phẩm dịch vụ.

Gia Lai-điểm đến đầy màu sắc
 

Du khách tìm hiểu về các tour du lịch tại Gia Lai. Ảnh: P.L
Du khách tìm hiểu về các tour du lịch tại Gia Lai. Ảnh: P.L

Tham gia Hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh năm 2016, du lịch Gia Lai đã mang đến một gian hàng đầy màu sắc, nổi bật với hình ảnh các điểm đến hấp dẫn của Gia Lai như: núi Hàm Rồng, Công viên Đồng Xanh, chùa Minh Thành, Biển Hồ… Những người quan tâm đến du lịch Gia Lai còn được giới thiệu các tour du lịch như: Pleiku-Kon Tum, Pleiku-Kon Tum-Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng-Pleiku-Kon Tum-Buôn Ma Thuột-TP. Hồ Chí Minh. Để du khách có thể nắm bắt thông tin cụ thể, gian hàng của Gia Lai cũng trưng bày nhiều tài liệu, ấn phẩm du lịch được trang trí đẹp mắt với đầy đủ những thông tin, hình ảnh các điểm đến, các chương trình tham quan tại Gia Lai. Đặc biệt, những sản phẩm đặc trưng của Gia Lai như: cà phê bột đặc biệt Ngọc Linh, mật ong, phấn hoa Sáu Mân… cũng đã thu hút hàng ngàn lượt du khách tới tham quan, mua sắm. Tại gian hàng, Công ty TNHH Thương mại Du lịch Sinh thái Gia Lai (GiaLaieco-Tourist) đã giới thiệu, tư vấn, chào bán trực tiếp các sản phẩm và dịch vụ du lịch đặc trưng, hấp dẫn; tiến hành các hoạt động gặp gỡ, cung cấp thông tin, trao đổi cơ hội hợp tác kinh doanh với du khách, các hãng lữ hành, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh năm 2016 được xem là sự kiện du lịch quốc gia, chính vì thế đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước tham gia. Chị Phương Nga-Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại Du lịch Sinh thái Gia Lai chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự khi được tham gia hội chợ lần này. Đây là cơ hội để quảng bá về các tour du lịch của Công ty một cách rộng rãi, đồng thời giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh nhà. Dịp này, đã có nhiều khách hàng quan tâm, lấy thông tin về các tour du lịch. Chúng tôi cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều hội chợ để quảng bá rộng rãi hơn về du lịch Gia Lai với bạn bè quốc tế”.

Tại hội chợ lần này, du lịch Gia Lai cũng mang đến một gian hàng được thiết kế độc đáo với các nhạc cụ dân tộc gồm đàn trưng, đàn goong, mô hình đàn trưng thu nhỏ, trang phục truyền thống của người Jrai... Ngoài ra, các nghệ nhân còn biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại chỗ, để lại trong lòng du khách nhiều cảm xúc, ấn tượng về mảnh đất và con người Gia Lai. Anh Nguyễn Hoàng Long-du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh-chia sẻ: “Mỗi gian hàng tại hội chợ đều có cách sắp xếp rất đặc trưng, tạo được những ấn tượng riêng đối với người xem. Với gian hàng của Gia Lai, phần biểu diễn nhạc cụ của các nghệ nhân đã tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn du khách. Nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ đến tận nơi để tìm hiểu, khám phá vùng đất này”.

Liên kết vùng để phát triển

 

Du khách hào hứng với các nhạc cụ đặc trưng của Gia Lai. Ảnh: P.L
Du khách hào hứng với các nhạc cụ đặc trưng của Gia Lai. Ảnh: P.L

Trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh năm 2016, các hoạt động quan trọng, nổi bật cũng được tập trung tổ chức, góp phần thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia trong khu vực, cụ thể như: diễn đàn du lịch trách nhiệm ACMECS; hội thảo giới thiệu du lịch MICE TP. Hồ Chí Minh; hội thảo giới thiệu thị trường khách du lịch Mỹ, Canada, Úc và New Zealand; tọa đàm hợp tác phát triển du lịch các nước thuộc liên minh kinh tế Á-Âu; Hội thảo giới thiệu kinh nghiệm ứng dụng các công cụ truyền thông trực tuyến trong du lịch như mạng xã hội, newletter, blog… Đặc biệt là sự kiện trao giải thưởng du lịch Mekông (MTAA) nhằm ghi nhận và tôn vinh những thành tựu nổi bật, những cống hiến tích cực của các doanh nghiệp trong ngành du lịch đến từ 5 quốc gia thuộc khu vực tiểu vùng sông Mekông: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
 

Theo Ban tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 12, hội chợ năm nay được mở rộng cả về quy mô lẫn chất lượng, thu hút 280 gian hàng với sự tham gia của các hãng hàng không, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các công ty lữ hành và đại diện du lịch từ các quốc gia như: Campuchia, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Myanmar, Hà Lan, Philippines, Nga, Indonesia, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ 32 tỉnh thành của Việt Nam. Với công tác truyền thông rộng khắp, hội chợ dự kiến sẽ thu hút trên 30.000 lượt khách tham quan, tăng trưởng quy mô từ 20% đến 30% so với năm 2015.

Với Gia Lai, đây là dịp tốt để tăng cường giao lưu, kết nối thông tin với ngành du lịch các tỉnh, thành trong cả nước. Tại hội chợ, Công ty TNHH một thành viên Du lịch Quốc tế Hải Vân (tỉnh Kon Tum) đã giới thiệu đến du khách tour du lịch Gia Lai-Kon Tum-Ngọc Hồi, trong đó tại Gia Lai tập trung khai thác các địa điểm du lịch như: Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG, chùa Minh Thành, Thủy điện Ia Ly, Biển Hồ. Công ty Vietnam Highland Travel (tỉnh Đak Lak) cũng giới thiệu tour du lịch Hội An-Kon Tum-Pleiku-Buôn Ma Thuột, qua đó giới thiệu các điểm đến ở Gia Lai gồm làng Kép, Biển Hồ. Nhiều địa phương, đơn vị du lịch trong nước cũng đã đề nghị được hợp tác với ngành du lịch Gia Lai để mở các tour, tuyến du lịch vùng.

Trao đổi với P.V về kế hoạch liên kết du lịch giữa tỉnh Gia Lai và các tỉnh lân cận trong thời gian tới, ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết: Vừa qua, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Gia Lai cùng 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Đak Lak đã hợp tác, ký kết việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, giúp du khách có nhiều lựa chọn; tạo điều kiện cho các hãng du lịch tìm hiểu và thiết kế thêm các tour du lịch. Mỗi địa phương có một thế mạnh du lịch, sản phẩm vùng miền đặc trưng, do đó sự hợp tác, liên kết sẽ tạo động lực lớn để thúc đẩy du lịch phát triển. Tuy nhiên, tại hội chợ lần này, 4 tỉnh chưa có cơ hội để xây dựng gian hàng du lịch chung, đây là một điều đáng tiếc. “Trong thời gian tới, ngành du lịch Gia Lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh, nỗ lực xây dựng liên kết vùng để các địa điểm du lịch hấp dẫn, các sản phẩm thế mạnh của Gia Lai như: hồ tiêu Chư Sê, phở khô Gia Lai, măng khô, rượu cần… và những nét đẹp truyền thống như múa xoang, tạc tượng, biểu diễn cồng chiêng… được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến”-ông Phan Xuân Vũ cho biết thêm.

 Phan Lài

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Ngày 3/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị tổng kết Dự án thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Mô hình “Cà phê cảnh quan” ở xã Đak Krong, huyện Đak Đoa. Ảnh: H.T

“Cà phê cảnh quan”: Đa lợi ích

(GLO)- Cà phê cảnh quan là mô hình trồng cà phê xen canh với các cây trồng khác để tạo cảnh quan sinh thái, giúp mang lại giá trị cao cho cây cà phê, có thể phát triển du lịch.