Cơ hội cho người sản xuất và tiêu dùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để giúp người tiêu dùng có thêm địa chỉ lựa chọn những sản phẩm nông-lâm sản và thủy sản an toàn, chất lượng, ngày 23-12, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND TP. Pleiku tổ chức chợ phiên nông sản an toàn. Thành công của lần đầu tổ chức đã mở ra nhiều cơ hội cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Nông sản an toàn hấp dẫn người tiêu dùng

Sáng 23-12, lần đầu tiên chợ phiên nông sản an toàn được tổ chức tại khu vực đường Nguyễn Thiện Thuật (TP. Pleiku) với sự góp mặt của gần 30 gian hàng nông-lâm-thủy sản chủ lực được các tổ chức, cá nhân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Trong đó, chủ yếu là rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm cùng những sản phẩm đã qua sơ chế, chế biến như: cà phê, hạt điều, chè, gạo... Đây là những sản phẩm đã được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn phù hợp với Quy chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm.

 

Đông đảo người dân tham gia mua sắm thực phẩm tại phiên chợ. Ảnh: N.D
Đông đảo người dân tham gia mua sắm thực phẩm tại phiên chợ. Ảnh: N.D

Từ Kon Tum về thăm cha mẹ ở Pleiku, chị Phan Thị Minh Sâm vui vẻ cho hay: “Lần đầu tiên tôi thấy có phiên chợ nông sản an toàn nên vào tìm hiểu và mua sản phẩm có giấy chứng nhận an toàn của cơ quan chức năng. Hiện nay, mỗi khi ra chợ, tôi không biết thực phẩm nào là an toàn. Tôi sợ nhất là việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các loại rau, quả. Biết được địa chỉ các cơ sở sản xuất theo chuỗi cung ứng an toàn này, tôi yên tâm hơn khi mua sản phẩm về nấu ăn cho gia đình”. Cùng tâm trạng, chị Phạm Thị Hoa (TP. Pleiku) cho biết thêm: “Các mặt hàng nông sản, thực phẩm tại chợ phiên này dù đắt hơn bên ngoài một chút nhưng người tiêu dùng vẫn thích mua hơn vì đảm bảo an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng”.

Người sản xuất vững tin

Lần đầu tiên Chợ phiên nông sản an toàn được tổ chức và chỉ diễn ra trong 1 ngày-từ 7 giờ đến 16 giờ. Tuy nhiên, mới đến 9 giờ, nhiều mặt hàng nông sản như cam sành, quýt đường của xã Sơn Lang (huyện Kbang), gạo sạch Phú Thiện của Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng, rau an toàn của Hợp tác xã An Bình (thị xã An Khê)… đã không còn để bán. Nhiều người tiêu dùng đành xin địa chỉ để liên lạc mua về sử dụng trong thời gian tới.

Anh Phạm Tố Hữu (thôn 1, xã Sơn Lang, huyện Kbang) vui vẻ cho biết, gia đình anh trồng 5 sào cam sành và quýt đường theo phương pháp hữu cơ. Đến nay, vườn cây bắt đầu cho thu hoạch. Nghe có chợ phiên nông sản an toàn nên anh mạnh dạn tham gia giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng. Không ngờ chỉ sau 1 giờ, hơn 1 tạ quýt đường (35.000 đồng/kg) và cam sành  (45.000 đồng/kg) đã bán hết, nhiều người còn hỏi địa chỉ để đặt mua. Đây thực sự là điều đáng mừng khi người tiêu dùng rất quan tâm đến những sản phẩm nông nghiệp sạch. Người sản xuất yên tâm không lo đầu ra của sản phẩm sạch.

Còn chị Trần Thị Thu (phường An Bình, thị xã An Khê) cho hay: “Tổ sản xuất rau an toàn của chúng tôi có 21 thành viên chuyên trồng 26 chủng loại rau, củ quả đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Chưa hết buổi sáng, người tiêu dùng đã mua gần hết sản phẩm chúng tôi mang đến. Đây là tín hiệu rất đáng mừng để chúng tôi tiếp tục sản xuất các mặt hàng  theo hướng an toàn  phục vụ người tiêu dùng một cách tốt nhất”.

Theo ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Chợ phiên nông sản an toàn là dịp tốt để kích thích người sản xuất và người tiêu dùng yên tâm sản xuất, sử dụng những sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng được các cơ quan chuyên môn giám sát bước đầu. Trong tương lai, chợ phiên nông sản an toàn có thể giao lại cho TP. Pleiku tổ chức với mục tiêu giúp người tiêu dùng lựa chọn, sử dụng những sản phẩm nông-lâm-thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nguyễn Hồng

Có thể bạn quan tâm

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.