Ra đường, tôi nhận ra những ánh nhìn xa lạ ở đôi ba cột đèn đỏ mình đi qua mỗi sáng. Thực ra, cột đèn tín hiệu giao thông nào cũng có đủ 3 màu, ấy vậy mà người ta chỉ gọi tên màu đỏ-màu ám ảnh nhất, thách thức nhất, như tảng đá lớn phải vượt qua mỗi sáng trong nỗi ngái ngủ. Lúc này, chắc ai cũng đang ước giá như sáng nay là sáng thứ bảy để được “ngủ nướng” thật đã. Nhưng, nếu cuộc đời này chỉ toàn những ngày cuối tuần thì sao ta gặp được bình minh mỗi sáng.
Ở quê, mẹ tôi gọi điện dặn dò đi làm về thì qua nhà xe để lấy chút thực phẩm mẹ gửi ra. Mẹ bao giờ cũng thương con bằng sự thêm nếm như thế trong khi bố tôi thì lạnh lùng hơn, ông chỉ dặn: “Sao không ngủ dậy sớm mà làm việc?”. Bố với tôi là hai thế hệ, một thế hệ xe đạp, bi đông nước, quạt con cóc, radio đeo chéo bên hông và ti vi vặn núm… nên nhiều khi không hiểu hết được lớp trẻ như chúng tôi.
Nhưng đến một ngày cả khu phố bị cúp điện, tôi đành phải đi nằm sớm nghe tiếng muỗi vo ve. Khi nằm rồi tôi mới nhớ ra mình quên kéo rèm, ngoài kia là một khoảng sáng xa xăm của trăng phố nhạt nhòa ngoài cửa kính. Ánh trăng làm tôi lại nhớ ra những ngày ở quê. Chắc giờ này, anh trai tôi đã ngủ được một giấc. Người nông dân có một đồng hồ sinh học riêng, một cách nghĩ riêng. Khi đã là 2 người đàn ông trung niên, anh luôn nhìn tôi bằng một sự cảm thông: “Sinh hoạt thế nó bất thường lắm”. Hai chữ “bất thường” nghe ra cũng có lý. Tôi kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, tồn tại dựa trên sự thất thường của giá nhà đất, mỗi khi dẫn khách xem căn hộ thường không quên review và chốt lại một câu: “Anh/chị sống ở đây thì sẽ được ngắm bình minh lên trước cả thành phố”.
Minh họa: Nguyễn Văn Chung |
Tôi nhớ ngày bé, 2 anh em thường thức dậy sớm vào những ngày không mưa. Chúng tôi chạy lên đồi, đi ngắm mặt trời hiện lên sau mỏm đá rồi mới chạy ù về đánh răng, rửa mặt, điều đó đã thành thói quen cho đến khi tôi đi học và xa quê. Nhớ lần đầu tiên khi tôi mới 4-5 tuổi, tôi hỏi anh sao cứ phải lên đồi nhìn về mỏm đá ấy, anh cười bảo: “Anh đã hẹn rồi!”. “Anh hẹn ai cơ?”. “Anh có hẹn với bình minh”.
Một đứa trẻ sẽ lớn lên bằng những điều mà chúng tin là thật. Nhưng rồi, khi đứa trẻ ấy lớn lên sẽ đủ hiểu ra chân lý cuộc đời chúng sẽ lãng quên những chuyện đó. Thế nhưng, khi đã trung niên, người ta lại muốn tin vào những câu chuyện của con trẻ. Tôi đã thức dậy trong một buổi sáng kéo rèm cửa, giấc mơ của tôi không bị nhàu nát bởi những thắc thỏm, âu lo, tôi thấy trong người nhẹ nhàng và khoan khoái.
Bây giờ là gần năm giờ sáng, tôi liếc đồng hồ rồi như nhớ ra điều gì, tôi chỉ kịp khoác áo, cầm chìa khóa và chạy ra xe. Và, tôi về đến nhà khi mặt trời chưa lên. Quê tôi cách thành phố không xa nhưng nằm giữa những quả núi, tôi chạy lên đồi đã thấy anh tôi đứng đó từ bao giờ. Xung quanh anh là những đứa cháu tôi với cái dáng loi choi, loắt choắt như anh em tôi hôm nào. Cùng đón bình minh nhé, sớm nay tôi đã kịp trở về miền đồi dấu yêu này để đón bình minh như đã hẹn từ bao năm trước.