Rơ Châm Sơ Ne là người con thứ 4 trong gia đình nông dân có 7 anh chị em tại làng Mook Đen 1, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ. Từ nhỏ, Sơ Ne đã bộc lộ năng khiếu với phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao tại địa phương. Bất kể hoạt động nào, Sơ Ne đều tích cực tham gia góp mặt.
Chị Rơ Châm Sơ Ne trong một tư thế bắn nỏ. Ảnh: Đồng Lai |
Đặc biệt, cô gái Jrai này có niềm đam mê bất tận với bắn nỏ-môn thể thao truyền thống vốn không dễ chinh phục đối với nữ giới. Ngay từ lần đầu tham gia Đại hội thể dục thể thao huyện Đức Cơ lần thứ VII năm 2022 khi đang học lớp 11, Sơ Ne đã để lại nhiều ấn tượng khi "rinh" về chiếc huy chương bạc-thành tích đầu tiên của mình với môn bắn nỏ-chỉ sau vỏn vẹn 5 ngày tập luyện. Sau đó, cô nàng liên tục đạt được nhiều giải thưởng khác trong các giải thể thao trong năm 2022 và 2023.
Những thành tích mà cô gái Jrai Rơ Châm Sơ Ne đạt được ở bộ môn bắn nỏ. Ảnh: Đồng Lai |
Sơ Ne cho hay, bắn nỏ là bộ môn yêu cầu người chơi phải có sức khỏe, khả năng ngắm mục tiêu tốt. Vì vậy, là nữ giới, cô nàng cũng gặp không ít khó khăn. “Lúc đầu làm quen với môn thể thao này, em còn lóng ngóng lắm! Lần nào tập luyện xong, toàn thân cũng đau nhức. Đôi lúc, em còn bị dây nỏ giật ngược lại đập vào tay, phải dưỡng thương mất mấy ngày. Vậy mà em mê lắm, cứ kiên trì tập bắn, riết rồi cũng thành thạo"-Sơ Ne nhớ lại.
Bên cạnh tự rèn luyện nâng cao kỹ năng của bản thân, Sơ Ne còn tìm đến những người bắn nỏ giỏi ở địa phương để học hỏi, tìm hiểu về các kỹ thuật của môn thể thao này cũng như tích lũy kinh nghiệm thi đấu.
Cũng theo nữ "nỏ thủ", khi tập luyện và tham gia thi đấu đòi hỏi vận động viên phải chuẩn bị một tâm lý vững vàng, tập trung cao độ để ngắm bắn chính xác vào bia. Ngoài ra, phải chú ý đến tư thế bắn sao cho thật cân bằng, song cơ thể vẫn cảm thấy thoải mái; đồng thời, điều chỉnh hơi thở đều khi chuẩn bị bắn. "Khi bắt đầu bắn, em thường chọn cách nín thở một lát, tập trung cao độ, giữ vững đường ngắm và bắn thật dứt khoát”-Sơ Ne bật mí.
Người trao cơ hội để Sơ Ne thể hiện tài năng bắn nỏ của mình tại các giải đấu thể thao lớn nhỏ là anh Võ Phi Hùng-công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Dom. Anh Hùng cũng là người thầy dẫn dắt, đào tạo Sơ Ne đến hiện tại.
"Hoàn cảnh gia đình Sơ Ne đặc biệt khó khăn nhưng em lại luôn có tinh thần cầu tiến và học hỏi cao. Đặc biệt, Sơ Ne rất có tố chất và kỹ thuật bắn nỏ của em cũng khá tốt ở nhiều tư thế. Trên địa bàn xã có nhiều người bắn nỏ giỏi, từng tham gia các giải đấu lớn và đạt nhiều giải quốc gia. Riêng nữ giới, nói không ngoa, có thể ví Sơ Ne là “cô gái vàng” trong làng bắn nỏ của địa phương"-anh Hùng tự hào nói.
Audio:Anh Võ Phi Hùng-công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Dom, huyện Đức Cơ chia sẻ về việc tham gia bộ môn bắn nỏ của các bạn trẻ. Thực hiện: Trân Trân |
Đam mê với chiếc nỏ là thế, song khó khăn mà Sơ Ne gặp phải là không có nhiều thời gian để luyện tập. Hàng ngày, như bao cô gái Jrai khác ở làng, Sơ Ne vẫn phải lên rẫy, làm ruộng hay đi cạo mũ cao su... Để có thể tham gia thi đấu, cô nàng thường tranh thủ 1-2 giờ vào buổi chiều tối lên Trụ sở UBND xã Ia Dom tập bắn nỏ cùng thầy Hùng.
“Thời gian đến, em sẽ cố gắng khắc phục khó khăn để tiếp tục gắn bó với môn bắn nỏ. Em cũng mong các cấp tổ chức nhiều sân chơi thể thao cho đồng bào dân tộc thiểu số hơn nữa để chúng em có cơ hội được giao lưu, tranh tài. Mục tiêu của em là trở thành một vận động viên bắn nỏ chuyên nghiệp để có thể thi đấu tốt và truyền dạy lại cho các thế hệ kế cận, góp phần giữ gìn bộ môn thể thao truyền thống của dân tộc mình"-Sơ Ne chia sẻ dự định.
Clip:Cô gái Rơ Châm Sơ Ne chia sẻ về bộ môn bắn nỏ truyền thống mà mình chọn gắn bó. Thực hiện: Trân Trân - Đồng Lai |