Chuyến xuyên rừng ngày ấy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Năm 1980, sau khi ra trường vài tháng, tôi được Phòng Nông nghiệp huyện An Khê (cũ) phân công vào xác định lại vị trí thực địa công trình đập tràn Đak Sơ Rổ (nay thuộc xã Chư Krêy, huyện Kông Chro). Cán bộ đi công tác thời ấy chủ yếu là đi bộ xuyên rừng, vì vậy gặp phải những chuyện thót tim là không thể tránh khỏi.
Theo chỉ bảo của đồng nghiệp, muốn đi nhanh vào vị trí công trình chỉ có cách duy nhất là theo đường giao liên cũ, từ khu 2 đến khu 7 sát chân đèo Mang Yang. 13 giờ hôm ấy, tôi đón được chiếc xe lam 4 bánh, cọc cạch mất gần 1 giờ mới đến chân đèo. Xuống xe, tôi lần tìm con đường giao liên nay chỉ còn vết mờ phủ cỏ lá. Men theo con đường không bóng người, lòng tôi bỗng gợn chút hoang mang, lo lắng.
Đi được nửa giờ là đến một eo núi, đường dốc quanh co, len lỏi gập ghềnh giữa hốc, hầm và khe đá. Càng đi, con đường càng hiện ra rõ hơn, tiếng vượn hú đâu đó vang lên từ một cánh rừng. Khi qua hết những con dốc đứng, tôi tựa lưng vào một hòn đá đứng nghỉ. Bỗng có tiếng động ầm ầm dậy lên làm xao động cả một khoảnh rừng. Tôi hoảng hốt không biết chuyện gì xảy ra, vội vàng cởi dây súng ra khỏi vai, hướng mắt vào đám cành lá lao xao. Có gì đó đang lao về phía tôi, rồi khi chỉ cách vài chục mét thì bỗng nhiên lặng phắt. Trống ngực tôi dồn dập, 2 mắt cứ chằm chằm một hướng, chờ đợi. Giữa bãi tranh, một chiếc lưng vằn vện lướt qua, rồi đột nhiên con vật chuyển hướng nhìn về phía tôi. Một con hổ! Có lẽ nó đang đuổi bắt một con mồi nào đó nhưng để vuột mất. Há miệng, nhe nanh nhọn hoắt, nó bắt đầu tiến lại gần tôi hơn. Tim đập loạn xạ, tôi đưa súng lên trời bắn chỉ thiên 2 phát. Tiếng nổ làm con hổ sợ hãi, cong đuôi phóng thật nhanh vào rừng. Hú vía, trên đường đi tôi cứ thầm mong đừng bao giờ gặp lại cảnh loạn hồn như vậy nữa.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Mới khoảng 5 giờ chiều mà trời như chạng vạng. Tôi lủi thủi một mình len lỏi trong lau lách phủ qua đường, lòng chưa hết bàng hoàng. Vừa bước qua một ngã ba, tôi đang phân vân nên đi đường nào thì bỗng một tiếng hô lớn, giọng lơ lớ vang lên: “Đứng lại, bỏ súng xuống!”. Cùng với đó là tiếng lên cò súng lạnh tanh khiến tôi hoảng hốt. 3 người đầu tóc bù xù, râu quai nón, mặt mày dữ tợn xuất hiện, tay lăm lăm mũi súng chĩa về phía tôi. Tôi khựng lại như trời trồng, nghĩ bụng: Đã từ lâu nghe đến bọn FULRO, nay mới gặp. Đang lúc hoang mang thì tiếng hét lại vang lên: “Mày đi đâu, tìm gì?”. Nếu tôi trả lời là cán bộ đi công tác lại sợ bị FULRO “khử” hoặc bắt đi. Còn nếu trả lời là dân thường thì sẽ bị căn vặn sao lại có súng? “Tiến thoái lưỡng nan”, tôi đành phải ngậm miệng. 3 người liền bàn bạc gì đó với nhau về việc bắt trói tôi lại, dẫn về trụ sở UBND xã. Tôi nghe tiếng được tiếng mất, trong đó có mấy từ như “ủy ban xã” liền thở phào nhẹ nhõm. Vậy 3 người này không phải FULRO, tôi được sống rồi. Họ áp sát lại hỏi: “Có giấy tờ không?”. Tôi móc trong ví đưa ra giấy giới thiệu. Một người giật lấy săm soi rồi chỉ tay vào con dấu nói: “Mày là cán bộ à, theo chúng tao về ủy ban”. Tôi bèn hỏi: “Đến ủy ban có xa không?”. “Xa, mày gặp ai?”. “Gặp chú Huấn Chủ tịch xã”. “Mày quen Huấn à?”. “Ừ, quen”. Trên đường đi, 1 người cứ dí dí mũi súng vào người tôi. Lo súng cướp cò, tôi bảo: “Xê đầu súng ra, sợ lắm” thì anh ta cười lớn: “Sợ gì, súng có đạn đâu mà sợ!”.
Đi gần 1 giờ đồng hồ là đến trụ sở UBND xã Yang Trung. Trời đã tối, còn tôi thì mệt lử. Sau khi nhóm người nói trên vào báo cáo, chú Đinh Huấn-Chủ tịch UBND xã bước ra vồn vã: “Sao cháu xuống muộn thế, vào đây nghỉ rồi ăn cơm”. Tôi được mời vào căn phòng thưng 4 vách bằng tre, bên trong có chiếc giường ngủ, bàn làm việc cũng bằng tre. Một ăng-gô cơm cho “thượng khách” được đưa ra với 2 miếng thịt bò khô bằng ngón chân cái và bát canh rau lá mì, chén muối ớt. 2 anh dân quân khi nãy gùi vô 2 ghè rượu cột vào chân vách.
Đêm đó, 2 chú cháu ngồi bên bếp lửa nói chuyện về việc sáng mai đi khảo sát công trình. Trong câu chuyện, chú Huấn có nhắc đến tình hình an ninh của địa phương. “Đồng bào ở đây rất cảnh giác. Khi hỏi tên hoặc nhà của cán bộ xã, thôn, người dân không bao giờ nói thật, chỉ trả lời là: Không biết, không nghe, không thấy. Cháu cũng không ngoại lệ, không chấp hành có thể dân quân sẽ bắn đấy! Vì biết cháu là cán bộ công tác nên họ dẫn về đây. Cháu thông cảm nhé!”.
Đêm càng về khuya, ghè rượu vơi dần, những câu chuyện mới mở ra, thêm phần hiểu biết cho những cán bộ vào hàng “tân binh” như tôi. Sau này, khi đi công tác, tôi càng cố gắng hơn, mỗi lần xuống làng ngoài công tác chuyên môn còn cần phải tìm hiểu phong tục, tập quán, học tiếng để giao tiếp. Vì vậy mà cuối năm tôi thường được nhận tiền công tác phí cao nhất cơ quan. Đồng nghiệp thì đặt luôn cho tôi biệt danh “Kiện tướng đi bộ”. Đến bây giờ, dù đã trải qua gần nửa thế kỷ nhưng những kỷ niệm một thời đi bộ công tác xuyên rừng vẫn mãi sống động trong ký ức tôi.
AN SINH

Có thể bạn quan tâm

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

(GLO)- Là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ thơ chống Mỹ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Hoàng Nhuận Cầm, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn... nhưng Thanh Thảo có một giọng thơ riêng, thiên về trí tuệ và một lối tư duy trực cảm.

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.