Chuyện xây hồ Kẻ Gỗ - Kỳ cuối: Bài hát một thời của Nguyễn Văn Tý

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ của nhạc sĩ được cả nước biết đến. Còn những người con của Hà Tĩnh bảo rằng ở đất này không ai là không lẩm nhẩm bài hát ấy.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý xem lại ca từ bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ do ông sáng tác cách đây 41 năm - Ảnh: Y.Trinh
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý xem lại ca từ bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ do ông sáng tác cách đây 41 năm - Ảnh: Y.Trinh
"Họ đi thành từng đoàn, từng tốp, cùng nhau làm việc, nói cười. Nhiều cảnh tượng làm tôi xúc động, nhất là trên công trường nắng chang chang họ luôn tranh thủ làm việc để việc xây hồ hoàn thành đúng hạn"-Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý


Khi hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xây dựng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được mời đến nơi này một chuyến. Sống trong không khí người người sôi nổi bạt đá xây hồ, người nhạc sĩ của quê hương xứ Nghệ đã viết bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ.

Viết cho quê hương

Chiều Sài Gòn nắng nhạt, căn nhà nhỏ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý khuất trong con hẻm đường Trần Khắc Chân, quận 1. Điều làm chúng tôi xúc động là dù đã 92 tuổi và trải qua cơn tai biến cách đây vài năm, nhưng khi nhắc đến bài hát, nhạc sĩ vẫn gật đầu: “Nhớ chứ!”.

Trên chiếc giường sắt, khó nhọc với đôi chân đã liệt hẳn, người nhạc sĩ già kể cho chúng tôi nghe những ký ức tươi vui gắn liền với bài hát.

“Tôi nhớ lúc đó ông Trần Quang Đạt, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, mời tôi đến thăm công trình hồ Kẻ Gỗ. Dù lúc đó cũng bận rộn công việc nhưng tôi sắp xếp đi ngay” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nhớ lại và cho biết lúc đó ông 51 tuổi, cùng gắn bó với hàng vạn con người làm hồ Kẻ Gỗ trong một tháng trời.

Chính từ sự thấu hiểu, cảm phục sức người phá đá đào sỏi, nhạc sĩ đã viết Người đi xây hồ Kẻ Gỗ với những ca từ vừa đẹp đẽ vừa mạnh mẽ.

Để có cảm hứng sáng tác, ban ngày nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý quan sát công trình, tối đến cùng anh em trong đoàn văn công trải chiếu ngủ ngay dưới thềm một ngôi chùa.

Chủ tịch tỉnh đến thăm, thấy chỗ ngủ không được tốt thì bảo ông ra nghỉ khách sạn nhưng ông từ chối vì ông thấy thích ở đây hơn bởi được gần gũi mọi người, được hiểu hơn về việc xây hồ Kẻ Gỗ, về cuộc sống sinh hoạt của bà con nông dân...

Theo như bộc bạch của ông, ca từ bài hát phải sát với thực tế của mảnh đất, con người nơi đây mới dễ đi vào lòng người.

Đến giờ, dù tuổi tác sắp phản bội trí nhớ nhưng ông vẫn nhớ như in cảnh vật ngày ấy: “Họ đi thành từng đoàn, từng tốp, cùng nhau làm việc, nói cười.

Nhiều cảnh tượng làm tôi xúc động, nhất là trên công trường nắng chang chang họ luôn tranh thủ làm việc để việc xây hồ hoàn thành đúng hạn”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cho biết trong đời ông, đó là lần đầu tiên chứng kiến sức người được huy động tối đa cho một công trình xây dựng có ý nghĩa to lớn như thế.

Sau một tháng sống nơi công trường xây dựng hồ Kẻ Gỗ, nhạc sĩ viết liền một mạch bài Người đi xây hồ Kẻ Gỗ và hầu như không chỉnh sửa gì sau khi hát lại.

Ông nói với vẻ khiêm tốn: “Có lẽ năng khiếu sáng tác của tôi thể hiện ở chỗ khi cảm xúc vụt đến là viết ngay, giống như những bài Dư âm, Mẹ yêu con vậy. Nhờ đó ý tứ liên tục, tự nhiên. Tôi chọn làn điệu dân ca để thể hiện bài hát vì tôi sinh ra nơi vùng đất truyền thống dân ca, thở ra là nghe hơi dân ca rồi”.

Bản nhạc hoàn thành, ông đưa cho ông Lê Hàm (lúc đó là trưởng đoàn văn công) và những thành viên khác trong đoàn góp ý. Mọi người đều vui mừng vì sắp được nghe một bài hát có tính cổ vũ tinh thần xây dựng công trình hồ Kẻ Gỗ.

Sau đó, bản nhạc được đưa cho lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và những người phụ trách công trình hồ Kẻ Gỗ. Rồi một cô gái trong đoàn văn công có tên là Thanh Huyền nhận lời trình diễn bài hát.

“Tôi chỉ cho cô ấy cách hát, lên xuống giọng từng câu một. Chỗ nào cô ấy hát không đúng tôi sửa ngay, cô ấy có chất giọng hay và hát rất tốt” - ông nhớ lại.

Bài hát được duyệt rồi phát trên đài phát thanh liền sau đó. Ngày nào bài hát cũng vang trên loa ở công trường hồ Kẻ Gỗ. Người nghe cũng lẩm nhẩm hát theo rồi thuộc lòng, bởi thật sự từng ca từ thân quen như làn gió mát động viên hàng vạn người đang đổ mồ hôi xây hồ.

 

Trụ lấy nước trên lòng hồ Kẻ Gỗ
Trụ lấy nước trên lòng hồ Kẻ Gỗ



Gửi tấm lòng trong từng câu hát

Khi lắng nghe thật kỹ ca từ của bài Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, người nghe sẽ thấy trong đó rất nhiều ý tứ và cả tấm lòng của người nhạc sĩ gửi gắm.

Ngay từ câu mở đầu “Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn, mà đời không ngại đào mấy con kênh”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bảo rằng “chúng mình” là chính bản thân tác giả và những người nông dân, nhân công trên công trường - những người đang chứng kiến công trình được xây dựng và sắp hoàn thành.

Sự đóng góp của những nam nữ nhân công ngày ngày được ông thể hiện nhịp nhàng qua ca từ “tay anh phá đá, tay em đào sỏi”.

Nghe bài hát, người ta có thể tưởng tượng một vùng đất từ trong gian khó, đất đai cằn cỗi, rồi đến giai đoạn xây hồ chứa nước, rồi viễn cảnh “từng đàn cá lượn cây lúa thêm nặng bông”, “cho điện giăng dây, cho máy về thôn xóm”...

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nói rằng ông thích nhất đoạn thứ ba trong toàn bài hát, vì nó kết tinh nỗi lòng những ngày ông gắn bó với các nhân công nơi hồ Kẻ Gỗ.

“Hầu hết nam nữ độ tuổi thanh niên tham gia công trình này vừa trải qua thời học sinh hoặc vừa từ chiến trường trở về. Với một số đôi tay thì những việc như phá đá đào sỏi là chưa từng làm” - ông nói.

Lắng nghe tâm tình sâu kín của họ, ông cảm nhận được tinh thần cống hiến và còn vấn vương những kỷ niệm tuổi học trò: “Ngày ta đi học em nói thích nghề gì. Nay da em nâu tươi màu suy nghĩ. Thấy mùa phượng vĩ ta ngỡ gặp mùa thi. Cũng ngày phượng nở hai đứa mình ra đi”.

Những câu hát thấp thoáng tình yêu con người, tình cảm đôi lứa và sự trưởng thành của tuổi trẻ mới đẹp làm sao!

Sau này, khi ông ra lại Hà Tĩnh công tác, ông rất bất ngờ khi một cán bộ phụ trách mảng thủy lợi của khu vực hồ Kẻ Gỗ tìm đến và nói với ông lời cảm ơn.

“Tôi nhớ chú ấy bảo đã thầm lặng làm công tác thủy lợi bao nhiêu năm trời, khi nghe bài hát của tôi chú ấy cảm thấy như được khen ngợi vậy” - ông kể.

Người nhạc sĩ ở tuổi gần đất xa trời này bộc bạch với chúng tôi rằng ông muốn được trở lại thăm hồ Kẻ Gỗ một lần nữa.

Và dù bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ không phải là bài ông tâm đắc nhất trong cuộc đời sáng tác của mình, nhưng ông vẫn dành nhiều tình cảm cho nó bởi nó gắn với con người và quê hương xứ sở của ông.

Theo Tuoitre

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ở Nghệ An, từng tham gia phong trào Việt Minh, rồi làm trưởng đoàn văn công của sư đoàn 304 và một số chức vụ trong hoạt động văn nghệ cách mạng.

Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những sáng tác đi cùng năm tháng của mình. Giờ đây, ông quanh quẩn trong căn phòng rộng chừng hai chiếc chiếu và trải qua tuổi già cô độc (người vợ đầu của ông đã mất sau khi sinh con được một năm, người vợ sau này cũng qua đời, con ở xa).

Khi nhìn sâu vào đôi mắt mờ đục của ông, chúng tôi cảm giác những năm tháng sáng tác rực rỡ chỉ còn là những tiếng vọng và cuộc đời dường như đã lãng quên ông.

Những kỷ niệm về hồ Kẻ Gỗ của người nhạc sĩ già rồi cũng sẽ cuốn theo gió, chỉ còn giai điệu của nó ở lại với đời.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.