Chuyện về mùa chim yến sinh sôi-Kỳ 1: Sinh mệnh đàn yến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một  ngày  tháng  7, chúng tôi  theo đoàn công tác ra những hang yến ở đảo Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam). Đây đang là thời điểm chim yến nhân đàn chim non. Nếu không có những người trông coi hang yến đồng thời cũng là  người cứu hộ chim yến non rớt tổ, chim non sẽ chết, đàn yến mỗi ngày một lụi tàn... 
Trong ký sự dài kỳ này, chúng tôi muốn kể câu chuyện về tập tính học của loài chim yến - một loài chim hót không hay, bay không đẹp nhưng được quan tâm hết sức, nâng niu hết mình, nó được ví là “vàng trắng”.

Những “bố nuôi” mát tay của chim yến.
Những “bố nuôi” mát tay của chim yến.
Cù Lao Chàm (CLC) đang trong mùa biển lặng. Năm nay, hòn đảo trở về với sự yên tĩnh như vốn xưa đã từng đảo vắng, xóm buồn. Chỉ có đàn chim yến không màng đến ai, chuyện gì đang xảy ra trong thế giới con người. Chúng cứ bay lượn, tiếng hót chéo véo trên không, nhức tai, gai óc.
Người đàn ông của yến “thơ”
Hòn Khô - một mảnh “văng” ra của đảo CLC và cũng là một trong những nơi có chim yến làm tổ của đảo. Giờ, đang mùa chim yến ấp trứng, nở con. Những con chim yến hon hỏn, ướt át, cựa quậy trong cái tổ bé tí tẹo cheo leo trên vách đá dựng đứng. Bất cứ lúc nào, chỉ một sự bất cẩn của một trong hai con chim nằm trên cái tổ ấy, sẽ có một con rơi hoặc cả hai cùng rơi khỏi tổ. Và một điều báo trước, tương lai của chúng sẽ là mồi cho những động vật khác. Trước nguy cơ này, để cứu những con chim yến non thoát khỏi tử thần, trở về với đàn, trưởng thành, vươn cánh bay xa, kỹ sư Huỳnh Ty, Phó Giám đốc Ban Quản lý khai thác yến CLC đã lên phương án cứu hộ chim yến non.
Ông Huỳnh Ty cho hay: “Trừ trường hợp trứng rơi khỏi tổ, hoặc rơi từ tổ này sang tổ khác hoặc bị hư do những nguyên nhân nhất định thì hầu như các tổ đều nở hai chim non”. 
Trực giác của loài chim yến cũng khá khẩm hơn nhiều loài chim, chúng sẽ nhận ra trứng lạ, cho dù cùng loài, nhất định không ấp hộ mà dùng mỏ gạt bỏ trứng đó ra khỏi tổ của mình. Ở chim yến, mỗi một lần đẻ thường hai quả trứng cách nhau từ một đến hai ngày, mỗi năm đẻ hai lần. Nhưng khi trứng nở thành chim non lại không cách nhau là mấy. 
Ông Huỳnh Ty nói: “Chim non trong một tổ xảy ra hiện tượng cạnh tranh thức ăn rất mạnh. Quan sát camera thấy chim bố mẹ thường không chọn lựa chim non mớm mồi. Chim non nào há mỏ, kêu to hơn, chim bố mẹ cung cấp thức ăn cho nó. Kết quả chim yếu hơn không nhận được nhiều thức ăn, đồng thời dễ bị chim mạnh hơn hất rơi khỏi tổ”.
Nghe vậy, chúng tôi cũng giật mình, cũng loài “hai chân” nhưng con người đã có quan điểm rất rõ, thương yêu rất rõ ràng, yếu hơn sẽ được mớm chiều nhiều đồ ăn ngon hơn. Đáng trách loài chim, làm bố, làm mẹ không tròn vai. “Khi quan sát camera, chim non từ 2 - 10 ngày tuổi thường có tập tính há mỏ khi cảm nhận các tác nhân cơ học, có vật chạm vào tổ, hoặc nghe thấy tiếng kêu từ chim tổ bên cạnh. Vì vậy, nhiều khi do rướn mình hướng mỏ sang tổ bên cạnh liền kề để lấy thức ăn nên nhiều chim non bị rơi khỏi tổ”, ông Huỳnh Ty cho biết.
Những năm gần đây cùng với sự báo động giảm đàn yến trong những vùng biển ở nước ta cũng như trên thế giới, đàn yến ở đảo CLC không nằm ngoại lệ. Người khởi xướng dự án cứu hộ chim yến non bị rớt khỏi tổ là kỹ sư Huỳnh Ty. Phương thức cứu hộ là giăng lưới phía dưới để hứng chim rơi, sau đó đưa chim về trạm nuôi nấng.
Khi yến non về bên người nuôi yến
Loài chim yến đem đến những cảm xúc rất khác nhau đối với con người. Nhiều nhà nuôi yến gần khu dân cư khiến người chung quanh bực mình vì tiếng chim chói tai, nhức óc. Những hang yến trên đảo CLC, được quản lý nghiêm ngặt lại trở thành một lãnh địa riêng - “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nếu không được sự cho phép của Đội Khai thác yến sào Hội An và các ngành chức năng. 
Đàn yến làm tổ trên các đảo hoang hang động cũng có những hoán đổi, di cư, lìa đàn cũ nhập đàn mới. Điểm đến là những căn nhà trong đất liền do con người xây dựng, chiêu dụ chúng. Những ngôi “nhà yến” được trang bị nhiều thiết bị âm thanh, độ ẩm phù hợp đã có sức hấp dẫn đặc biệt nên nhiều chim yến đã ở lại trong đất liền. Tính từ năm 2012, sản lượng đàn yến ở đảo CLC mỗi năm giảm sút 10%. 
Trở lại với hang yến trên đảo CLC, nó giống như một chung cư cao tầng với rất nhiều “gia đình” yến. Những con chim yến non giống như những đứa trẻ thơ, thể chất chưa đủ cứng cáp nhưng cái dạ dày lại muốn ăn mỗi ngày nhiều bữa để lớn lên. Và như vậy, một cảm giác đói, một bản năng đòi ăn khiến nó nhoai ra mép tổ đầy bất cẩn.
Để có một con chim yến được cứu hộ, nuôi 45 ngày, khỏe mạnh cất cánh theo đàn, kỹ sư Huỳnh Ty cũng đã mất hai năm cứu hộ không thành công. Đó là giai đoạn ban đầu mày mò trong việc nuôi chim khi chưa đủ kinh nghiệm chế biến thức ăn cho yến. Khi con chim yến trưởng thành, đủ lông cánh, lại rơi vào những trường hợp khác, như lệch cánh, vẹo cổ, không bay lên được. Và chúng tôi nghĩ đùa rằng, những con chim yến không thể bay, sẽ thành chim... quay (xoay tròn)!
Năm 2018, nhờ tiếp cận kỹ thuật từ Công ty Yến sào Khánh Hòa, ông Ty đã đề xuất giải pháp cứu hộ chim yến non tại hang Mũi Dứa. Một trung tâm cứu hộ được xây tại đây, tổ chim yến nhân tạo được làm bằng nhựa, lót vải mềm bên trong. Mỗi ngày, nhân viên tìm kiếm yến non rơi tổ đưa về trung tâm cứu hộ. Chim yến non được cho ăn ngày ba bữa, thức ăn là trứng kiến vàng, dế xay nhỏ, bột ngũ cốc, trứng gà, vitamin, kháng sinh trộn đều. Lượng và chất được nhân viên điều chỉnh theo từng bữa, từng thời điểm phát triển của chúng.
Năm 2018, kỹ sư Huỳnh Ty và các cộng sự đã cứu hộ được 500 chim non, kết quả, hơn 400 con sống và thả về tự nhiên. Người “bố nuôi” mát tay cho đàn yến non ở đảo là ông Huỳnh Hốt. Mỗi sáng, mùa chim yến nhân đàn, ông Hốt đi dưới đáy hang tìm chim non rớt tổ, lượm về phòng cứu hộ của trung tâm. Dưới bàn tay “bố nuôi, mẹ khéo”, ông Hốt xay nhuyễn thức ăn cho chim rồi cho vào túi nylon nhỏ, đục góc túi nylon sao cho nó ngang bằng với miệng của chim bố, chim mẹ. Tự tay ông khéo léo bóp nặn thức ăn vừa đủ như một miếng mồi vừa khẳm mồm cho chim non.
Ông Hốt kể, khi chim còn nhỏ, chưa ý thức được có con người chăm sóc, chỉ nghe động là há mồm đòi ăn. Khi chim đã có tuổi đời trên 15 ngày, đã mở mắt, ý thức được “đối tượng” nuôi mình không phải cha mẹ của nó, nên không há mồm đón nhận thức ăn. 
Nghe vậy, khiến chúng tôi liên tưởng đứa con lười ăn trong các gia đình. Và đã là cha mẹ cần kiên nhẫn, phải có biện pháp đưa thức ăn vào dạ dày của nó. Nhưng với số lượng chim non nhiều lại cho ăn trong bối cảnh không nhạc nền, chẳng âm thanh kích động. Như vậy, cũng phải công nhận rằng, đây là công lênh khó kể thành lời. Nuôi 40 ngày chim đủ lông, đủ cánh. Thêm năm ngày tập bay, chim được thả theo đàn, tự kiếm ăn ngoài thiên nhiên.
Ngoài chuyện chăm bẵm thức ăn, ở đây, nhân viên cứu hộ còn phải để ý đến nhiệt độ, không khí để chim không bị “cảm cúm” hoặc thiếu dưỡng khí.
Đó là câu chuyện trong cứu hộ, nó còn nhiều chi tiết tỉ mỉ hơn như khi chim rụng lông tơ, mọc lông vũ. Và khoảng thời gian tập bay trong không gian nhân tạo hoàn toàn khác tự nhiên, chim non có chim mẹ, chim bố “dìu dắt” chim con vào đời. Chúng sẽ huấn luyện con của mình những cú thả cánh lao xuống hoặc đập cánh vút lên. Chim yến non xa “vòng tay” bố mẹ nó, hẳn có nhiều điểm yếu về thể lực và tinh thần hòa nhập bầy đàn khó mà cân đong.
(Còn nữa)
Trong thiên nhiên có gió và mưa nắng, có sương ẩm ban mai và cũng có “táp mặt” vì bão giông. Và một điều nữa, thức ăn của chim bố mẹ, ngoài dinh dưỡng còn có một phần kháng thể, vi lượng qua tuyến nước bọt. Nó là ẩn số của giống loài mà con người có giải mã, có bù đắp cho chim non trong nhân tạo thế nào đi chăng nữa, vẫn là điều chưa thuận tự nhiên. 
Theo Ninh Nguyễn-Uyên Nguyễn (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.