Chuyện về hai bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hai bộ xương cá voi có niên đại khoảng 300 năm được phục dựng, trưng bày tại lăng Tân, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

TRUYỀN THUYẾT VỀ LĂNG THỜ CÁ VOI

Lăng Tân nằm ở thôn Đông An Vĩnh, H.Lý Sơn (Quảng Ngãi), được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 13 (năm 1832), đến năm 1901 thì được xây dựng lại. Sau đó, do nước biển xâm thực vào sâu trong đất liền, nên người dân đã di dời và xây dựng lại lăng mới vào năm 2002.

Kiến trúc lăng hiện nay được xây dựng theo hình chữ "Tam", gồm 3 tòa nhà: tiền đường, chánh điện và hậu cung. Ngoài là bình phong, trụ biểu. Trên đỉnh các tòa nhà đều có đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt và trang trí rồng, chim phụng tại các bờ mái, góc mái rất sinh động. Bên trong hậu cung có cốt cá voi (dân địa phương gọi là cá ông) và bệ thờ. Nhà chánh điện ở giữa đặt án thờ, hai bên thờ tả ban, hữu ban.

Cận cảnh bộ xương sườn của cá voi

Cận cảnh bộ xương sườn của cá voi

Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật tín ngưỡng thờ cá voi, nên lăng Tân được UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh vào ngày 20.5.2015. Theo truyền thuyết, khi cá voi lụy vào bờ, thân hình còn nguyên vẹn, nặng hơn 55 tấn. Sau đó, người dân ở đây làm lễ, đào huyệt chờ cá voi vào. Nửa đêm, tự nhiên có một luồng gió mạnh và một con sóng to ập vào, cùng lúc đó cá voi vẫy đuôi, người dân cầm dây thừng kéo nhẹ, thế là cá voi bật ngay vào huyệt. Dân làng xem đó là sự hiển linh, nên rất vui mừng. Đồng thời, góp công, góp tiền chôn cất lập lăng thờ cá voi cẩn thận.

10 năm sau, dân làng mới tổ chức lễ thượng ngọc cốt, nghinh ngọc cốt của cá voi vào lăng Tân để thờ. Trong tâm thức của ngư dân làng chài lưới ven biển miền Trung nói chung, ở đảo Lý Sơn nói riêng, những người thường lênh đênh giữa biển khơi, khi sóng to gió lớn gặp nạn trên biển, mạng sống bị đe dọa, hình ảnh cá voi độ mạng cứu người trở thành chỗ dựa tinh thần quý giá, là nơi gửi gắm niềm tin. Dần dần dấu vết của niềm tin này hằn sâu vào tiềm thức, trở thành tín ngưỡng dân gian.

Hai bộ xương cá voi được phục dựng hoàn chỉnh

Hai bộ xương cá voi được phục dựng hoàn chỉnh

Theo Phòng VH-TT H.Lý Sơn, tục thờ cúng cá voi ở đảo Lý Sơn được biết đến từ thời Nguyễn, vì nơi đây có rất nhiều lăng thờ cá voi. Ngoài lăng Tân, trên đảo còn lưu giữ, thờ cúng hàng chục bộ xương cá voi khác trong các lăng.

ĐẦU TƯ 14 TỈ ĐỒNG PHỤC DỰNG HAI BỘ XƯƠNG CÁ VOI "KHỦNG"

Sau hàng trăm năm được lưu giữ cẩn mật tại "hậu cung" ở lăng Tân, UBND H.Lý Sơn đã quyết định đầu tư phục dựng hai bộ xương cá voi. Do lưu giữ đã lâu, nên hai bộ xương đã bị hư hại khoảng 40%, các chuyên gia phải dùng nhựa lắp ghép, tôn tạo những đoạn xương đã mục và cả ở phần đầu. Bộ xương cá voi dài 22 m được phong là "Đồng Đình Đại Vương", bộ xương cá voi dài 18 m được phong là "Đức Ngư nhị vị tôn thần".

Đầu năm 2022, hai bộ xương cá voi ở lăng Tân đã được các chuyên gia tạo mẫu phục dựng hoàn chỉnh với hình dáng cá voi đang bơi, uốn lượn, đẩy mình ra phía trước. Đây là sự kiện quan trọng với người dân Lý Sơn bởi lần đầu họ được nhìn thấy xương cốt của "Đồng Đình Đại Vương". Dù đã nghe cha ông kể lại, nhưng nhiều người không khỏi kinh ngạc bởi kích thước khổng lồ của hai bộ xương cá voi này.

Do bị hư nặng nên sau quá trình phục dựng, bộ xương thứ nhất dài khoảng 30 m chỉ còn lại 22 m; bộ xương thứ hai dài 25 m chỉ còn 18 m. Hai bộ xương có chiều cao gần 4 m. Mỗi bộ xương có 50 đốt sống, đường kính đốt sống hơn 40 cm, 28 xương sườn, mỗi xương sườn dài gần 10 m, xương đầu dài 4 m và xương ngà dài 4,7 m.

Lăng Tân thờ cá voi nằm ở thôn Đông An Vĩnh, H.Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Lăng Tân thờ cá voi nằm ở thôn Đông An Vĩnh, H.Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Mỗi buổi sáng, khi mặt trời vừa lên cũng là lúc những người nông dân ra cánh đồng hành tỏi để bắt đầu công việc hằng ngày. Lúc này, ông Phạm Trai (59 tuổi, ở thôn Đông An Vĩnh) đến lăng Tân để dọn dẹp vệ sinh như thường lệ.

Chúng tôi gặp ông Phạm Trai khi ông đang quét dọn lăng. Ông cho hay, kế thừa truyền thống của gia đình, ông tiếp tục trông coi, gìn giữ lăng Tân. Mỗi khi ngư dân chuẩn bị ra khơi đánh bắt hải sản đều đến lăng Tân làm lễ cầu nguyện cho trời yên, biển lặng, cá tôm đầy khoang. Ngày 19 - 20 tháng chạp hằng năm, chủ vạn làm lễ cúng, mở cửa "hậu cung" vào kiểm tra, vệ sinh xương cốt. Theo đó, chủ vạn lấy phần mỡ của cá voi đựng trong hũ sành lau chùi nhằm bảo quản xương cốt cho cá voi.

"Khi nhà trưng bày và hai bộ xương cá voi được xây, phục dựng hoàn chỉnh, có rất nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu. Những ngày đông khách, gần 1.000 người đến lăng Tân tham quan", ông Trai nói.

Hai bộ xương cá voi được trưng bày ở lăng Tân là một di tích lịch sử văn hóa quý báu trên đảo Lý Sơn. Đây cũng là một phong tục đẹp, mang tính nhân văn của cộng đồng cư dân vùng biển trên đảo Lý Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Ninh, Phó chủ tịch UBND H.Lý Sơn, cho biết việc khôi phục bộ xương cá voi có ý nghĩa rất quan trọng với ngư dân vùng biển, đặc biệt là ngư dân huyện đảo Lý Sơn. Ngư dân quan niệm cá voi như vị thần thường xuyên giúp đỡ họ khi gặp khó khăn trên biển.

"Dự án khôi phục bộ xương cá voi tại di tích lăng Tân có tổng mức đầu tư hơn 14 tỉ đồng gồm cả xây dựng nhà trưng bày. Hai bộ xương cá voi này được xác định là lớn nhất Việt Nam. Đây là điểm du lịch mới tại Lý Sơn và nhà trưng bày bộ xương cá voi là nơi gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa tâm linh để phục vụ nghiên cứu và phát triển du lịch trên huyện đảo", ông Ninh nói.

Đảo Lý Sơn rộng khoảng 10 km², là huyện đảo tiền tiêu, cách đất liền khoảng 15 hải lý. Nơi đây gắn với lịch sử của đội hùng binh Hoàng Sa giữ chủ quyền biển đảo và vang danh với nghề trồng hành, tỏi. Những năm gần đây, Lý Sơn trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.