Chuyện về cây cầu dài nhất Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều năm qua, cầu Lệ Bắc (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của người dân trên tuyến giao thông huyết mạch nối Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung Bộ. Với chiều dài 433,2 m, đến nay, Lệ Bắc vẫn là cây cầu dài nhất Tây Nguyên. 
Ký ức cây cầu trên đường 7
Bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mỹ, tuyến đường 7 (nay là quốc lộ 25) cùng hệ thống cầu cống gần như bị tàn phá hoàn toàn, trong đó có cầu Lệ Bắc cũ. Cầu nằm cách vị trí hiện nay tầm 200 m xuôi về hạ lưu, được xây nhằm phục vụ chiến tranh. Sự cố cầu Lệ Bắc bị hư hỏng khiến việc đi lại, giao thương trở nên rất khó khăn. Trước tình hình đó, không lâu sau ngày giải phóng, UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum quyết định nâng cấp, sửa chữa cây cầu này.
Cần nói thêm đôi chút về con sông Ba để thấy mức độ khó khăn, thử thách đối với việc sửa chữa, xây cầu. Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) cho biết: “Dân cầu đường chúng tôi gọi đây là con sông... nổi loạn”.
Sông Ba có tổng chiều dài hơn 388 km, bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô (tỉnh Kon Tum) có độ cao 1.549 m, chảy qua địa phận 3 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên rồi đổ ra Biển Đông (tại cửa biển Đà Diễn, phía Nam TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Đây là con sông lớn nhất vùng ven biển miền Trung với diện tích lưu vực lên đến 13.900 km2. Và, đoạn qua địa bàn huyện Krông Pa chính là nơi con sông Ba nổi loạn nhất!
“Cầu Lệ Bắc cũ được đầu tư xây dựng khá sơ sài, khẩu độ cầu không đủ khả năng thoát nước nên vào mỗi mùa mưa lũ, cầu liên tục hư hỏng. Sở GT-VT năm nào cũng phải sửa chữa cây cầu này”-ông Hạnh nhớ lại. 
Cầu Lệ Bắc (huyện Krông Pa). Ảnh: LÊ HÒA
Cầu Lệ Bắc (huyện Krông Pa). Ảnh: Lê Hòa
Địa danh “cầu Lệ Bắc” cũng là nơi từng gắn với không ít kỷ niệm của cá nhân ông Hạnh. Khi ấy, ông mới chỉ là chàng kỹ sư trẻ vừa tốt nghiệp Trường Đại học GT-VT Hà Nội và bắt đầu dấn thân trong nghề xây dựng cầu đường.
Ông Hạnh nhớ lại: Năm 1989, một trận lũ lớn đổ về cuốn phăng 1 nhịp cầu Lệ Bắc cũ. Trong điều kiện trang-thiết bị, máy móc, công nghệ còn hạn chế thời bấy giờ, đội ngũ thi công ước tính phải mất tầm 1 tháng mới có thể khôi phục nhịp cầu bị đứt. Sau đó, chính ông Hạnh (lúc đó là nhân viên Đội Khảo sát Thiết kế thuộc Sở GT-VT tỉnh Gia Lai-Kon Tum) đã nảy ra sáng kiến huy động tất cả các bộ kích thủy lực của người dân khu vực lân cận để nâng và di chuyển, lắp ráp trở lại nhịp đứt gãy thay vì phải mất rất nhiều thời gian tháo lắp, di chuyển. Nhờ ý tưởng này, nhịp cầu nói trên đã được nối liền chỉ sau… 1 buổi.
“Lúc đó, cả đội vui mừng khôn tả. Chúng tôi không tin mọi việc lại được giải quyết nhanh gọn đến thế! Anh em tung tôi lên như quả bóng và reo hò”-ông Hạnh kể. Khoảnh khắc ấy đã trở thành một trong những kỷ niệm đẹp thời thanh xuân của chàng kỹ sư cầu đường trẻ tuổi.
Tầm nhìn chiến lược 
Không chỉ đứt nhịp, cầu Lệ Bắc cũ còn gặp những sự cố nghiêm trọng khác như nghiêng mố trụ bởi cầu yếu, lại nằm trên đoạn sông có địa hình, thủy lực quá phức tạp. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, ngân sách eo hẹp, việc đầu tư xây cầu mới được “nâng lên đặt xuống” rất nhiều lần.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, để phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, Chính phủ và Bộ GT-VT đã tính toán đến việc cần thiết phải xây dựng và nâng cấp quốc lộ 25. Vào năm 1995, thêm một sự cố nghiêm trọng khác xảy ra khi một xe chở mì vượt tải trọng cho phép làm sập mất nhịp giữa cầu Lệ Bắc cũ. Một lần nữa, tuyến vận tải huyết mạch nối Krông Pa và các vùng lân cận lại bị đứt gãy. Trong tình thế đó, Bộ GT-VT quyết định đầu tư xây dựng cây cầu mới.
Khu dân cư sầm uất bên quốc lộ 25, đoạn sát chân cầu Lệ Bắc. Ảnh: LÊ HÒA
Khu dân cư sầm uất bên quốc lộ 25, đoạn sát chân cầu Lệ Bắc. Ảnh: Lê Hòa
Ông Nguyễn Văn Minh-kỹ sư chính thuộc Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 510 (trụ sở tại TP. Nha Trang), bấy giờ là Giám đốc điều hành thi công cầu Lệ Bắc (Km 99+161 quốc lộ 25) kể: Với tính phức tạp của công trình, Bộ GT-VT đã giao Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế đảm nhiệm việc thiết kế. Ban đầu, cầu chỉ được thiết kế với tải trọng H30-XB80, cầu vĩnh cửu, mố trụ đáp ứng cho khổ cầu tương lai 2 làn xe với phần mặt cầu khổ 4m+2x1m, lề người đi bộ 300 kg/m2. Sau đó, giai đoạn 2 phát triển thành cầu khổ 7m+2x1m với 21 nhịp, kết cấu mố trụ cầu móng cọc bê tông cốt thép, thân mố trụ bê tông cốt thép vĩnh cửu.
“Tuy nhiên, sau khi kiểm tra tại hiện trường, GS-TS. Bùi Danh Lưu-Bộ trưởng Bộ GT-VT khi ấy đã yêu cầu thi công ngay phương án cầu khổ 7M+2x1,5m, tức hiện trạng và sức vóc như cầu Lệ Bắc hiện nay”-ông Minh khẳng định.
Giai đoạn đầu, Sở GT-VT giao Công ty 508 Bình Định (Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5) thực hiện. Ông Minh nhớ lại: “Địa chất dòng sông có tình trạng cát kết chặt, không thể tiến hành đóng cọc bê tông cốt thép ngay mà phải xử lý bằng cách khoan mồi địa chất. Do vậy, Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 quyết định điều động thêm Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 510 lên hỗ trợ. Theo đó, Công ty 510 thi công phần phía bờ về hướng Pleiku và Công ty 508 phụ trách thực hiện phần còn lại. Vượt qua rất nhiều khó khăn, đến năm 1998, cầu Lệ Bắc chính thức được thông xe. Sau đó 1 năm, cây cầu được bàn giao cho Sở GT-VT tỉnh Gia Lai quản lý, khai thác”.
Phó Giám đốc phụ trách Sở GT-VT Lê Văn Hạnh đánh giá: “Đây là quyết định mang tính chiến lược, được chính quyền địa phương và nhân dân ủng hộ mạnh mẽ. Thực tế, sau hơn 20 năm khai thác, cầu Lệ Bắc vẫn đáp ứng rất tốt năng lực vận tải. Trên sông Ba, Lệ Bắc hiện vẫn là cây cầu có chiều dài xếp thứ 2, sau cầu Đà Rằng (tỉnh Phú Yên, dài 1.050 m)”.
Nhị cận giang...
Có một điều đặc biệt mà ít ai biết, đó là một phần thân cầu Lệ Bắc cũ hiện đang “góp mặt” trong công trình Di tích lịch sử cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Theo đó, năm 2001, nhằm khôi phục lại Di tích lịch sử cầu Hiền Lương-chứng nhân lịch sử về thời kỳ đất nước bị chia cắt, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức phục chế nguyên bản cầu Hiền Lương theo mẫu thiết kế cầu sắt xây dựng năm 1952, bị bom Mỹ đánh sập vào năm 1967.
Để làm được điều này, tỉnh Quảng Trị đã phải huy động một số chi tiết từ các công trình cầu có kết cấu tương tự tại các địa phương khác, trong đó có cầu Lệ Bắc. Phần còn lại của cây cầu này sau đó được di dời về lắp đặt tại cầu Bung (nối 2 xã Ia Rmok và Phú Cần, huyện Krông Pa, hiện đã được đầu tư xây dựng cầu bê tông vĩnh cửu mang tên cầu Phú Cần).
Những bờ bãi cây cối xanh ngắt bên bờ sông Ba (thuộc xã Chư Rcăm-huyện Krông Pa). Ảnh: Lê Hòa
Những bờ bãi cây cối xanh ngắt bên bờ sông Ba (thuộc xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa). Ảnh: Lê Hòa
Ngày nay, đi trên cầu Lệ Bắc, nhìn về phía hạ lưu, dấu tích của cây cầu cũ vẫn còn hiển hiện khá rõ với một vài mố trụ cầu đứng trơ trọi giữa dòng sông. Ông Hà Văn Đường-Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm-chia sẻ: Thời điểm cầu Lệ Bắc mới được xây dựng, phía hai bên đầu cầu vẫn chỉ lác đác vài hộ dân. Vậy mà chỉ vài năm sau, dân cư đến làm ăn, sinh sống đông đúc. Riêng bên đầu cầu Lệ Bắc về phía xã Chư Rcăm còn hình thành một khu chợ nhỏ giao thương, buôn bán khá tấp nập. Năm 2006, từ nguồn vốn Chương trình 135, Nhà nước đã đầu tư xây dựng chợ xã Chư Rcăm quy mô, bài bản như hiện nay.
“Xã Chư Rcăm có 6.500 khẩu, trong đó có 63% dân số là người Jrai. Riêng tại thôn Mới nằm sát chân cầu, người dân phần lớn kinh doanh thương mại-dịch vụ. Nhờ vị trí đặc biệt, gần với điểm giao nhau giữa quốc lộ 25 và đường Trường Sơn Đông, tại khu vực này dần hình thành các điểm giao thương, buôn bán nông sản và nhiều mặt hàng khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội”-ông Đường cho hay.
Hơn 20 năm trôi qua, cầu Lệ Bắc vẫn nhẫn nại làm gạch nối đưa dòng người xe qua lại trên tuyến đường huyết mạch quan trọng bậc nhất của huyện vùng xa này. Không ai đếm xuể qua ngần ấy năm, Lệ Bắc đã nối liền biết bao chuyến đi. Chỉ biết rằng, trong mạch chảy ngược xuôi ấy, Lệ Bắc đã ân cần, vững chãi biết nhường nào để cùng hòa nhịp, tạo nên sức sống mạnh mẽ cho một Krông Pa khát cháy.
Hôm nay, từng thôn, buôn ở Krông Pa mỗi năm một thay áo mới, tươi đẹp hơn, rực rỡ hơn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt không dưới 10%, tổng giá trị sản xuất năm 2020 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 4.537 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 35 triệu đồng/năm. Đời sống văn hóa tinh thần cũng ngày một phát triển nhanh chóng... Tất cả đã phủ định dần suy nghĩ từng “đóng đinh” trong lòng bao người, rằng “Krông Pa vừa xa, vừa xóc”. 
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.