Chuyện ở dòng sông 'giới tuyến' Bến Hải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Cách một con sông mà đó thương đây nhớ. Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”. Dòng Bến Hải rộng không quá 100 mét, cầu Hiền Lương dài 178 mét với 894 tấm ván bắc qua mà dân tộc Việt Nam phải đi suốt cuộc trường chinh 21 năm ròng để giành lấy độc lập, tự do bằng những cuộc đấu trí, đấu lý gay gắt quyết liệt giữa ta và địch bên lề giới tuyến 17.
 Hình tượng Bà mẹ vá cờ nữ anh hùng Nô Thị Diệm tại DTQGĐB Hiền Lương Bến Hải
Hình tượng Bà mẹ vá cờ nữ anh hùng Nô Thị Diệm tại DTQGĐB Hiền Lương Bến Hải
Người may cờ duy nhất cắm dọc sông giới tuyến
Tôi lần vô kiệt 150 Hàm Nghi ở khu phố 9, phường 5, TP Đông Hà (Quảng Trị) tìm người duy nhất cần mẫn may những lá cờ Tổ quốc để ngày đêm tung bay kiêu hãnh trên cột cờ Hiền Lương lịch sử. Chủ nhân mái nhà xinh xắn giữa vườn cây trái mát mắt đang ngồi đọc báo Biên phòng. Lúc đó, ở tuổi 78, xem báo mà ông chả lụy kính lão. Ông cười, ở thành phố ni mấy chục năm rồi mà nhà vẫn chưa có số. Rồi sau đó có ký sự Huyền thoại “cờ thiêng” Hiền Lương trên Tiền Phong dịp 30/4/2014. 5 năm sau, tháng Tư 2019 này, tôi quay lại ngõ cũ đường xưa. Nhà của người lính già đầu bạc 83 tuổi Nguyễn Đức Lãng vẫn chưa gắn số, để nghe ông kể tiếp chuyện “cờ thiêng” thắm đỏ sao vàng của nước Việt một thời đánh Mỹ bên dòng Bến Hải bi thương hùng tráng.
 Cột cờ Hiền Lương ngày nay
Cột cờ Hiền Lương ngày nay
Tuổi 20, chàng trai trẻ Nguyễn Đức Lãng ở làng Mộ Đức xã Cam Hiếu huyện Cam Lộ, Quảng Trị háo hức lên đường tòng quân. Sau thời gian huấn luyện, anh được điều về Phòng Hậu cần Công an vũ trang Đặc khu Vĩnh Linh. Rồi nhận nhiệm vụ ra Kho 101 Cục Tham mưu, Bộ Tư lệnh ở Hà Nội nhận cờ về treo trên cột cờ Hiền Lương. Đó là năm 1960. Thủa ấy, cờ Tổ quốc có rất nhiều cỡ. Anh nhận về 2 loại. Loại 4,8m x 3,2m dùng để treo trên cột cờ Hiền Lương, lúc đó tạm làm bằng thân cây dương. Loại 4m x 6m dùng treo trên cột cờ bằng sắt.
Một năm anh guồng xe đạp ra Hà Nội 2 lần để nhận cờ mang về treo trên cột cờ Hiền Lương. Những ngọn cờ đêm ngày tung bay trong niềm tự hào của nhân dân bờ Bắc và thỏa lòng mong ngóng của đồng bào ruột thịt ở bờ Nam sông tuyến, song chiến tranh mỗi lúc một ác liệt, Bộ Tư lệnh quyết định cấp tiền cho Công an vũ trang Vĩnh Linh tự mua vải về để may cờ nên anh được phân công đi mua vải mang về thuê may tại Hợp tác xã May Nam Hồng. Khi đã thạo việc, đơn vị cấp cho anh một chiếc máy may hiệu UNION của Liên Xô. Vậy là anh là quân nhân duy nhất ở Vĩnh Linh đảm trách nhiệm vụ cao cả này.
Ông Lãng kể, không chỉ may cờ phục vụ treo ở cầu Hiền Lương đâu, ông còn gánh trọng trách may cờ treo nhiều điểm chốt của ta kéo dài ngót 100 cây số dọc sông Bến Hải này nữa…
“Chọi cờ”
Ông Nguyễn Đức Lãng mô tả Cột cờ Hiền Lương thời đánh Mỹ
Ông Nguyễn Đức Lãng mô tả Cột cờ Hiền Lương thời đánh Mỹ
Công nhận ông Lãng có trí nhớ tuyệt. Chuyện của một thời ùng oằng bom rơi đạn nổ dễ chừng hơn nửa thế kỷ rồi mà ông cứ vanh vách như… radio. Ấy là lúc ông nói về món “chọi cờ” bên sông Bến Hải, là cuộc chiến một mất một còn ròng rã suốt 14 năm trời.
Đồn Công an vũ trang cầu giới tuyến Hiền Lương dựng cột cờ bằng cây phi lao cao 12 mét, với khổ cờ 3,2 m x 4,8 m=15,36 m2 vào ngày 10/8/1954, thì bọn Pháp liền cắm cờ tam tài cao 15 mét lên nóc lô cốt Xuân Hòa - Tung Hải ở phía Nam. Bà con hai bờ yêu cầu cờ đỏ sao vàng 5 cánh của ta nhất định phải cao hơn cờ địch! Thế là các chiến sĩ lại lặn lội lên rừng tìm được cây gỗ cao 18 mét về làm cột cờ. Trên đỉnh cột treo lá cờ 24 m2.
Thế là mấy tháng sau, Ngô Đình Diệm cho xây dựng cột cờ bằng xi măng cốt thép cao 30 mét với lá cờ 3 sọc lớn, có đèn nê-ông đủ màu nhấp nháy kèm loa phóng thanh rêu rao “Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cho dựng cột cờ cao 30 mét  ở Vĩ tuyến 17 để dân chúng Bắc Việt thấy rõ chánh nghĩa quốc gia”.
Tháng 7/1957, các chiến sĩ công an Hiền Lương đã dựng một cột cờ bằng thép ống cao 34,5 mét với lá cờ rộng 108 m2. Trên đỉnh cột cờ có gắn một ngôi sao bằng đồng có đường kính 1,2 mét. 5 đỉnh ngôi sao gắn một chùm 15 bóng điện loại 500 W.
“Lúc lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên cao vút, đồng bào đôi bờ Bắc-Nam ôm nhau reo mừng. Ngắm lá cờ Tổ quốc bay cao lồng lộng, ai cũng chảy nước mắt. Quân giặc quá bất ngờ, liền vội vàng tôn cột cờ của chúng lên 35 mét cùng giọng mỉa mai: “Bắc Việt muốn chọi cờ, nhưng chọi sao nổi quốc gia!”. Đáp lại lòng mong mỏi của đồng bào, năm 1962, Chính phủ đã điều một đơn vị xây dựng chở vật liệu từ Hà Nội vào xây cột cờ cao 38,6 mét, kéo lên lá cờ 134 m2, nặng 15 kg. Cách đỉnh cột cờ 10 mét có một ca-bin để chiến sĩ ta đứng thu và treo cờ. Đây là cột cờ cao nhất giới tuyến! Đồng bào bên bờ Nam tận vùng Cửa Việt, Chợ Cầu, Gio An... xa hàng chục km vẫn nhìn thấy rõ lá cờ Tổ quốc đang vẫy gọi.
“Hiểu tấm lòng bà con đôi bờ Bến Hải, các chiến sĩ Công an đồn Hiền Lương hàng ngày kéo cờ lên sớm hơn và hạ cờ muộn hơn (6h30 đến 18h30) để bà con thêm thời gian ngắm cờ. Dịp Tết, lễ cờ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bay trên đỉnh cột suốt đêm ngày. Từ năm 1954 đến 10/1967, Công an Đồn Hiền Lương đã dùng hết 267 lá cờ các cỡ. Năm 1967, cột cờ 38,6 mét bị bom Mỹ đánh gãy, các chiến sĩ công an đã thêm 11 lần dựng lại cột cờ bằng gỗ cao từ 12 đến 18 mét, 42 lần thay lá cờ.
Ngày 17/8/1965, một tốp “thần sấm” Mỹ lao xuống ném bom cột cờ. Bị các chiến sĩ bảo vệ cờ bắn trả quyết liệt, bọn giặc lái hốt hoảng vãi bom trúng đồn cảnh sát ngụy bờ Nam làm 87 người chết và bị thương. 13 chiến sĩ Công an và dân quân đã hy sinh, 8 người bị thương để lá cờ Tổ quốc luôn tồn tại trên bầu trời giới tuyến”, ông Lãng nói.
Ông Lãng tiếp chuyện. Lúc đã thành thợ may cờ, đổ đầu mỗi tháng ông may một lá. Một năm, ông may tầm 16 lá cờ, rộng hàng trăm mét vuông, nặng 15 kg. Mỗi lá cờ may hết 122 mét vải đỏ, 12 mét vải vàng. Mỗi đường may phải may 3-4 đường chỉ cờ mới chịu được sức gió.
Thời điểm máy bay địch đánh rát quá, cờ bị rách, mẹ Ngô Thị Diệm ở làng Hiền Lương xã Vĩnh Thành của “Đất Thép” Vĩnh Linh, nhà áp bắc cầu Hiền Lương, trong mấy năm trời, bằng cây kim, sợi chỉ đã bao lần giữa mưa bom bão đạn, sau mỗi trận đánh, mẹ đến ngay chân cột cờ để vá lành lá cờ  đỏ sao vàng của Tổ quốc. Lắm lúc bom dội ác quá, vá cờ không kịp, mẹ  Diệm lại chong đèn thức thâu đêm trong hầm để vá. Không đủ vải vá cờ, mẹ lại động viên các em học sinh quyên góp khăn quàng đỏ để làm vải vá cờ... Năm 1993, mẹ Ngô Thị Diệm về cõi tiên. Mẹ được truy tặng Anh hùng LLVTND năm 2007.

Nhà văn Xuân Đức lấy dòng sông giới tuyến Bến Hải, cầu Hiền Lương để làm nên 2 tiểu thuyết tày tặn “Cửa gió” và “Bến đò xưa lặng lẽ” được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, nói rằng, theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, sông Bến Hải lúc đầu có tên Minh Lương. Vào thời vua Minh Mạng do trùng với chữ “Minh” phạm phải kiêng húy tên của vua nên tên làng, tên sông đều đổi thành Hiền Lương. Sông Bến Hải cũng còn được gọi là sông “Bến Hói”, tiếng địa phương “hói” nghĩa là dòng sông nhỏ, từ Bến Hói đọc trại là Bến Hải. 

HỮU THÀNH (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.