Chuyện người Jrai khai hoang trồng lúa nước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đến thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), ta dễ dàng nhìn ngắm những cánh đồng lúa nước bạt ngàn xanh tốt nằm cạnh các làng đồng bào dân tộc Jrai. Để có được những cánh đồng này, người dân nơi đây đã phải trải qua những ngày tháng khai hoang đầy gian nan, khó nhọc. Đến nỗi, cộng đồng người Jrai ở đây coi mỗi cánh đồng lúa nước như một “kỳ tích”.
Mặt trời đã lên cao nhưng con đường dẫn xuống cánh đồng Bêu vẫn đặc quánh đất đỏ bazan bởi những cơn mưa nặng hạt đêm qua. Ông Rơ Lan Khet (72 tuổi, trú tại làng Dun Bêu) vừa dẫn chúng tôi đi thăm đồng lúa đang trổ bông vừa say sưa kể về những ngày đầu khai hoang, vạt đất quanh sườn đồi để tạo thành những thửa ruộng bậc thang trồng lúa nước.
“Kỳ tích” của người Jrai
Ông Rơ Lan Khet là một trong những người tiên phong khai hoang đất đồi để trồng lúa nước. Vuốt lại mái tóc lòa xòa đã bạc hơn phân nửa, ông trầm ngâm hồi tưởng: Trước đây, người Jrai ở vùng này chưa biết trồng lúa nước. Dân làng chỉ quen với cây lúa rẫy. Sau khi đốt nương, dọn rẫy, bà con chọc lỗ và gieo hạt lúa. Cây lúa cứ thế mọc lên hoang dại, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Đầu mùa mưa gieo hạt thì cuối mùa mưa mới thu hoạch. Nhưng lúa bị chim, chuột cắn phá nên chẳng được bao nhiêu. 
Ông Khet trở nên hào hứng hơn khi kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên để cây lúa nước bén rễ trên vùng đất đỏ bazan này. Đó là vào năm 1970, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Ông Khet vừa tham gia đội du kích vừa phụ trách việc chăm lo đời sống cho dân làng.
“Sau khi được bộ đội chỉ cho cách trồng lúa nước ở những diện tích đất có thể dẫn nước từ suối Ia Ring về, tôi cùng một số đảng viên trong làng bắt tay khai hoang ngay. Do địa hình dốc đứng nên chúng tôi quyết định tạo ra những chân ruộng bậc thang để dễ dàng đưa nước vào. Không kể ngày đêm, chúng tôi vừa đào mương dẫn nước vừa vạt đất đồi thành ruộng. Sau đó, tôi vận động dân làng cùng tham gia khai khẩn. Chúng tôi cần mẫn lao động với hy vọng về một cánh đồng lúa nước trĩu bông. Đến năm 1972, những đám ruộng bậc thang đã hình thành với diện tích trên 30 ha, gọi là cánh đồng Bêu”-ông Khet hồi nhớ.
Khi có ruộng, dân làng được cán bộ cánh mạng cho hạt giống và chỉ dẫn cách gieo trồng. Lúc bấy giờ, làng Dun Bêu có gần 40 hộ thì hơn 20 hộ tham gia trồng lúa nước. Sau vụ mùa đầu tiên còn bỡ ngỡ, bà con dần quen việc, nắm được quy trình xử lý đất, gieo sạ đồng loạt để tránh sâu bệnh, chim, chuột cắn phá cũng như các kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch.
“Kỹ thuật trồng lúa nước phức tạp hơn lúa rẫy nhưng thu hoạch lại được rất nhiều thóc. Dân làng phấn khởi lắm. Sau ngày giải phóng, người Jrai ở làng Dun Bêu đã thành thạo việc trồng lúa nước và tiếp tục khai hoang mở rộng diện tích”-ông Khet kể thêm.
Cánh đồng lúa trải dài ôm trọn 2 làng Dun Bêu và Hăng Ring (thị trấn Chư Sê). Ảnh: Trần Dung
Cánh đồng lúa trải dài ôm trọn 2 làng Dun Bêu và Hăng Ring (thị trấn Chư Sê). Ảnh: Trần Dung
Cũng liên quan đến chuyện trồng lúa nước của người Jrai ở thị trấn Chư Sê, ông Rah Lan Hào (làng Hăng Ring) tự hào cho rằng: Bên cạnh cà phê, hoa màu thì cây lúa nước là nguồn sống chính của hầu hết gia đình trong làng. Làng Hăng Ring có cánh đồng Tang nằm xen lẫn giữa các vườn cây lâu năm.
Nhớ về những ngày tháng gian khổ, ông Hào nói: “Năm 1990, sau khi tìm được chân ruộng phù hợp, tôi cùng 5 gia đình trong làng phải bán 2 con bò để thuê máy múc về đào mương thủy lợi dẫn nước về ruộng lúa. Sau đó, cứ ở đâu gần nguồn nước, chúng tôi lại khai hoang để trồng lúa”.
Sau những thử nghiệm ban đầu trên vùng đất mới, những ruộng lúa nước đầu tiên cho thu hoạch, ông Hào và dân làng vui lắm. Niềm vui ấy lan tỏa đến từng nếp nhà trong làng. “Bà con bắt đầu tìm hiểu xem “cái lúa nước” nó gieo hạt ngày nào, chăm bón ra sao, bao lâu mới thu hoạch? Rồi cây lúa nước dần được bà con quan tâm phát triển. Hiện nay, 200 hộ người Jrai làng Hăng Ring đều trồng lúa nước”-ông Hào phấn khởi chia sẻ.     
Có lẽ chỉ những người tiên phong như ông Khet, ông Hào thì mới có thể hiểu và trân trọng cây lúa nước trên những cánh đồng làng như vậy. Từ những hạt giống đầu tiên được mang về và gieo trên vùng đất bazan này, trải qua biết bao vất vả, thăng trầm, cây lúa nước mới thực sự cắm rễ. Trong câu chuyện của những người Jrai cao tuổi nơi đây, những cánh đồng lúa nước được hình thành, duy trì và mở rộng giống như một “kỳ tích”.
Mùa vàng ấm no
Giờ đây, bên dưới các triền đồi, nơi có dòng suối Ia Ring chảy qua là những cánh đồng lúa xanh tốt trải dài bạt ngàn. Chỉ tay về phía những ruộng lúa đang trổ đòng, anh Siu Do-Phó Trưởng thôn Dun Bêu khoe rằng, hạt lúa thu hoạch trên cánh đồng này đều “sạch” bởi người dân sử dụng rất ít thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học.
“Trước đây, khi được mùa, một sào lúa rẫy cũng chỉ thu về khoảng 10 gùi. Lúa rẫy cũng chỉ trồng được 1 vụ/năm nên cái đói cứ đeo đẳng mãi. Rồi Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nhiều giống lúa mới năng suất cao, có thể trồng 2 vụ/năm… người dân phấn khởi khi nhận thấy hiệu quả của việc khai hoang ruộng đồng để làm lúa nước. Cùng với đó, cán bộ còn xuống tận làng hướng dẫn từ khâu làm đất, xử lý giống, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản nông sản; mở các lớp khuyến nông, xây dựng mô hình trình diễn; hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… nhằm thay đổi tập quán sản xuất cho bà con”-anh Do tâm sự.
Anh Siu Do-Phó Trưởng thôn Dun Bêu (thị trấn Chư Sê) thăm cánh đồng lúa. Ảnh: Trần Dung
Anh Siu Do-Phó Trưởng thôn Dun Bêu (thị trấn Chư Sê) thăm cánh đồng lúa. Ảnh: Trần Dung
Để minh chứng cho lời nói của mình, anh Do dẫn chúng tôi đến thăm ruộng lúa xanh tốt của chị Rơ Lan H’Vát (làng Dun Bêu). Bố mẹ chị H’Vát khai hoang được 3 sào đất trồng lúa nước trên cánh đồng Dun và để lại cho vợ chồng chị canh tác.
Chị H’Vát chia sẻ: “Trước đây, làm lúa rẫy năng suất thấp, đất nhanh bạc màu, chỉ được 2-3 vụ lại phải luân canh, đi tìm đất rẫy mới. Mỗi lần như thế mất rất nhiều thời gian và công sức. Từ ngày trồng cây lúa nước, mỗi năm, tôi gieo trồng 2 vụ, mỗi vụ thu hoạch được khoảng 30 bao lúa. Nhờ vậy, gia đình tôi không phải lo thiếu gạo. Hiện nay, mọi bước cơ bản về làm lúa nước tôi đều nắm rõ, chỉ còn khâu phòng trừ sâu bệnh là chưa quen lắm nên phải nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn”.
Để người dân gắn bó với cây lúa nước, những năm qua, chính quyền địa phương đã đưa về các giống lúa mới, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của đồng bào Jrai. Ngoài ra, địa phương còn hỗ trợ giống, phân bón, duy tu sửa chữa kênh mương thủy lợi... tạo động lực cho người dân tham gia sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, đến cuối năm 2019, thị trấn Chư Sê chỉ còn 138 hộ nghèo (chiếm 1,8%, giảm 2,97% so với năm 2015).
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Thanh Hoài-Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê-cho biết: “Trên địa bàn thị trấn hiện có 3 cánh đồng lúa nước cho năng suất cao là: cánh đồng Tang có diện tích khoảng 51,2 ha (thuộc làng Tốt Byớch và làng Hăng Ring) với năng suất 40-45 tạ/ha/vụ; cánh đồng Dun diện tích khoảng 60,3 ha (thuộc làng Dun Bêu và một số thôn, làng khác) với năng suất gần 50 tạ/ha/vụ; cánh đồng Bêu có diện tích khoảng 52,6 ha (thuộc làng Dun Bêu) với năng suất 35-40 tạ/ha/vụ”.
Nói về định hướng sắp tới, Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê thông tin: Để tạo ra vùng sản xuất lúa chất lượng cao, thị trấn đề nghị UBND huyện cho quy hoạch, mở rộng và dồn điền đổi thửa đối với cánh đồng Dun. Theo đó, cánh đồng này sẽ mở rộng diện tích lên hơn 100 ha để trồng các loại lúa thơm có năng suất trung bình 65-70 tạ/ha, dự kiến cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/ha. Chủ trương này sẽ giúp nâng cao chất lượng, giá trị của cây lúa nước, cải thiện đời sống cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và đảm bảo an ninh lương thực cho địa phương.
Đối với cánh đồng ruộng bậc thang, thị trấn kiến nghị UBND huyện cho chủ trương quy hoạch liên kết với các xã lân cận để hình thành vùng du lịch sinh thái nằm ngay trong lòng đô thị Chư Sê.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.