Mỗi khi nhìn cô “con gái” của mình nở nụ cười, ông A Trũi (dân tộc Ba Na, 67 tuổi, thôn 3, xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy) lại mãn nguyện về hành động của mình hơn 22 năm trước. Ông từng bất chấp những khuyên ngăn của bà con, làm trái lệ làng để cưu mang đứa bé từ sản phụ không may qua đời sau sinh.
Ranh giới mong manh
Ông A Trũi (trái) cùng người bạn A Klới ôn lại chuyện cứu đứa nhỏ từ hủ tục cay nghiệt của làng. Ảnh: VT |
Trời rả rích mưa. Ông A Klới (57 tuổi, thôn 2, xã Đăk Pne) - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đăk Pne vội trải chiếc chiếu trước hiên nhà để tiếp người bạn thân A Trũi đến chơi. Nhâm nhi ly chè xanh nóng hổi, hai người vừa ôn chuyện cũ, vừa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cứu đứa bé thoát khỏi bờ vực chết chóc từ hủ tục cay nghiệt của làng năm nào.
“Đó là câu chuyện mà cả đời tôi không sao quên được, nó đã làm thay đổi nếp nghĩ của nhiều thế hệ về việc trẻ sơ sinh sẽ chết sau khi người mẹ qua đời”- ông A Klới không khỏi bồi hồi khi nhắc lại câu chuyện.
Ngược dòng hơn 2 thập kỷ trước, ông A Trũi nhớ lại, ngày 20/5/2000, khi ấy ông là giáo viên ở xã, đang bận rộn công việc trường lớp thì hay tin làng bên cạnh có một sản phụ qua đời sau khi hạ sinh đứa bé và theo luật tục đứa bé sẽ bị chôn sống cùng người mẹ. Ông chết lặng một lúc, rồi nhanh chóng đưa ra quyết định sẽ nhận nuôi vì biết rằng đứa nhỏ đang ở ranh giới của sự sống và cái chết.
Mọi hy vọng của ông đặt lên chiếc xe đạp cũ kỹ, chỉ mong nó trụ vững trong vài tiếng sắp tới. Ông hiểu rõ, nếu xe hỏng dọc đường, đến chậm, một sinh mạng vô tội sẽ không còn được thấy ánh mặt trời. Ông A Trũi đèo vợ, dốc sức đạp thật nhanh, con đường quen thuộc bỗng xa hơn ngày thường, băng rừng, vượt suối, cuối cùng cũng đến nơi.
Khi ông đến, cả làng đang tụ tập bên nhà đầm (nhà ở trên rẫy) được dựng ở bìa rừng, nơi sản phụ vừa sinh đứa bé qua đời. Ngày ấy, lực lượng y tế còn mỏng, đa số các bà mẹ tự sinh tại nhà mà không có sự giúp sức của cán bộ y tế. Mẹ đứa bé đã qua đời do bị băng huyết, để lại đứa con đỏ hỏn đang thoi thóp, không một mảnh vải quấn thân, cất tiếng khóc xé lòng trong sự mơ hồ của dân làng về hủ tục. Ngay cả chính họ cũng không biết phải làm gì với đứa trẻ, vì sợ Yàng phạt, sợ “con ma rừng” sẽ theo đuổi quấy phá nên không một ai dám bế huống chi là nhận về nuôi.
Còn cha đứa trẻ cũng chỉ biết thẫn thờ nhìn con mình nằm khóc bên người vợ xấu số, và trong suy nghĩ của người cha, của bà con lúc này là “phải chôn đứa nhỏ theo mẹ, vì nuôi cũng sẽ chết, nếu không chôn, con ma rừng sẽ phá hoại dân làng”.
Ông A Trũi cho biết: Trước đây từng có trường hợp mẹ mất sau đó người chồng vẫn nuôi con, nhưng chỉ vài hôm sau, đứa trẻ cũng qua đời. Chính vì thế, nỗi ám ánh về ma rừng, về những câu chuyện tâm linh càng ăn sâu vào tiềm thức của dân làng. Việc cứu đứa nhỏ này, tôi như đánh cược cả danh dự, uy tín của một thầy giáo để chứng minh hủ tục “chôn con theo mẹ” là không đúng và không có chuyện ma quỷ nào ở đây.
Ấm tình đồng bào
Trong giây phút căng thẳng, bất chấp những ánh nhìn gay gắt từ phía già làng và hàng chục người dân, vợ chồng ông A Trũi dùng chiếc khăn mang từ nhà đi quấn chặt và nâng niu bé gái, day dứt ngậm ngùi rời xa nhà đầm, rời xa người mẹ đã khuất. Suốt quãng đường, vợ chồng ông A Trũi nhìn đứa bé khóc mà nước mắt lưng tròng, thương cảm cho đứa trẻ kém may mắn không được hưởng hơi ấm từ mẹ, không được nếm những giọt sữa mẹ đầu đời.
Đến nhà, đôi vợ chồng có 6 người con lại thêm lần nữa làm bố mẹ. Cuộc sống không khá giả, họ tằn tiện để sắm cho con mình từng bộ đồ, lon sữa, những vật dụng chăm sóc trẻ sơ sinh. Nỗi lo nhân đôi khi ngay tuần đầu tiên đứa bé tội nghiệp kia phải nhập viện vì bị uốn ván nghiêm trọng, do thói quen cắt dây rốn bằng cây nứa của bà con.
Ông A Trũi trải lòng: Đứa bé thiếu sữa mẹ đã ốm yếu nay càng ốm yếu hơn, thường xuyên đau vặt, người gầy ốm nhưng bụng lúc nào cũng căng tròn, nhìn giống con ếch, nên vợ chồng tôi gọi tên cháu ở nhà là bé “Ộp”, còn tên khai sinh là Y Lan.
Tháng đầu tiên, sữa Ông Thọ cùng nước ấm pha loãng là thức ăn duy nhất của bé Ộp. Thấy đứa nhỏ không hấp thụ tốt, sức đề kháng yếu, nên vợ chồng A Trũi đã đổi sang sữa bột lon, loại chuyên dành cho trẻ nhỏ. Loại sữa này đắt gấp hơn chục lần so với sữa cũ, nếu lâu dài, vợ chồng A Trũi lo ngại không gồng nổi. Vì thương con, vợ chồng ông quyết định đến gặp người bạn của mình để nhờ vả.
Khi ấy, bạn ông - ông A Klới đang làm Bí thư Đảng ủy xã, cũng ngày đêm trằn trọc về việc xóa hủ tục ở địa phương, chính ông hiểu rõ hơn ai hết, việc nuôi sống bé Ộp là rất quan trọng, như là chìa khóa để “giải mã” những nghi ngờ của dân làng về hủ tục. Hiểu được nỗi lòng của A Trũi, Bí thư Đảng ủy xã A Klới cùng bạn mình đến các hội, đoàn thể trong xã vận động, kết nối, kêu gọi ủng hộ từ những thứ nhỏ nhặt như túi đường, lon sữa, đến những bộ quần áo cũ, tiền của.
A Trũi kể: Được Đảng ủy, chính quyền xã ủng hộ việc nuôi nấng đứa bé, được hỗ trợ vật dụng chăm sóc cháu mà vợ chồng tôi vui mừng đến mất ngủ. Ngày ấy không có điện, chỉ có bếp lửa để sưởi ấm, thắp sáng về đêm. Những đêm khó ngủ, hai vợ chồng lại quay sang nhìn con bé, ánh lửa hắt lên khuôn mặt kháu khỉnh, non nớt của bé Ộp, vợ chồng tôi càng thương con bé vô cùng.
Nhân chứng sống
Ngày qua tháng lại, đứa trẻ thiếu sữa mẹ ngày nào cũng chập chững bước đi trong tình thương yêu, đùm bọc của cả gia đình A Trũi. Những đứa con của A Trũi xem bé Ộp như đứa em gái út, luôn nhường nhịn và chơi đùa cùng em. Những hôm bé Ộp bị ốm, cả nhà thay phiên nhau chăm sóc thâu đêm, chỉ mong cô bé sớm khỏe để vui đùa cùng cả nhà.
Đến tuổi đi học, bé Ộp tong teo như cây cỏ lau nhưng rất thông minh và nhanh nhẹn. Ngày mà cả nhà mong đợi bao lâu đã đến, cô bé đến trường học như bao đứa trẻ khác. Bé Ộp tung tăng bước đi trong vòng tay của bố A Trũi, xung quanh là bao ánh mắt đầy sự đồng cảm và ngưỡng mộ của dân làng dành cho hai bố con.
Và cũng từ đó, những hoài nghi, những mơ hồ về “con ma rừng” bắt phải “chôn con theo mẹ” trong suy nghĩ bà con đã tan biến. Bé Ộp trở thành nhân chứng sống được nhắc đến mỗi khi người thầy A Trũi cùng chính quyền địa phương tham gia vận động người dân bỏ dần các hủ tục, phong tục không còn phù hợp.
Được ông A Trũi cứu sống, giờ đây bé “Ộp” đã trưởng thành. Ảnh: VT |
Sau này, khi ông A Trũi gác lại công việc trường lớp để nghỉ hưu, thì dân làng, chính quyền địa phương tín nhiệm ông giữ vai trò Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi xã để tiếp tục phát huy vai trò, sự uy tín của bản thân. Còn cô bé “bụng ếch” ngày nào giờ đây đã tốt nghiệp ngành lâm sinh và đã lập gia đình, sinh một bé trai kháu khỉnh.
Ông A Trũi mời tôi về nhà, nhìn mẹ con bé Ộp, tôi càng dành nhiều hơn sự cảm phục và ngưỡng mộ ông. Bởi nếu ngày ấy ông không quyết đoán thì làm gì có mẹ con bé Ộp ngày hôm nay. Bé Ộp là một trường hợp may mắn trong những sinh linh bé nhỏ vô tội trở thành nạn nhân của hủ tục oái ăm kia. Bé Ộp khôn lớn, khỏe mạnh đã khiến quyền năng luật tục về “con ma rừng” sau khi sản phụ qua đời không còn tác dụng với bà con.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nguyệt - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đăk Pne khẳng định: Từ lâu, bà con trên địa bàn xã đã không còn tin về việc đứa con sẽ chết vì “con ma rừng” bắt sau khi người mẹ mất đi, cùng với đó việc tự sinh đẻ tại nhà đầm cũng không còn, đa số đều có sự giúp sức của cán bộ y tế. Tác động lớn nhất để thay đổi bà con là từ câu chuyện gia đình bác A Trũi, được truyền tai nhau đến nhiều người, nhiều địa phương khác, cùng với đó là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đầu tư xây dựng trạm y tế để phục vụ bà con, sự quyết liệt trong công tác tuyên truyền, vận động ở địa phương.
Ông A Trũi thường xuyên cùng chính quyền địa phương tham gia vận động người dân bỏ dần các hủ tục. Ảnh: VT |
“Dù tuổi đã cao, nhưng mỗi lần xã tổ chức tuyên truyền, vận động, bác A Trũi đều tận tình tham gia và đạt hiệu quả rất cao. Vì bác A Trũi vừa biết tiếng địa phương vừa được bà con tin yêu, nên bác nói người dân nghe sẽ nghe. Và tôi tin rằng, trong thời gian tới, những hủ tục, phong tục không còn phù hợp sẽ được chính quyền cùng người dân đẩy lùi, xóa bỏ” - chị Nguyệt tâm sự.
Chúng tôi rời làng khi hoàng hôn hắt nắng nhẹ qua từng đám mây bảng lảng bay trên đồi. Ông A Trũi và mẹ con bé Ốp cười hiền chào khách. Cậu nhóc 2 tuổi kia có đầy đủ sữa mẹ nên rất khỏe mạnh không thường xuyên đau vặt như mẹ cháu hồi bé, được ông ngoại đặt tên là A Đức Thành, sẽ tiếp nối câu chuyện đời thực trong hành trình thay đổi nếp nghĩ và xóa bỏ hủ tục của người Ba Na nơi miền núi Đăk Pne sau này.
Theo Văn Tùng (baokontumn)
https://www.baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/chuyen-nguoi-di-nguoc-le-lang-25847.html