Chuyên gia khí tượng: Những cơn bão mạnh sẽ xảy ra vào tháng Chín

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dự báo năm nay sẽ có khoảng 10-13 cơn bão hoạt động trên Biển Đông và 1 nửa trong số đó sẽ ảnh hưởng vào đất liền. Trong đó, những cơn bão mạnh sẽ xảy ra vào tháng Chín tới tháng Mười.
 

 


Theo nhận định cửa cơ quan khí tượng quốc gia, hiện nay xu thế nhiệt độ đang dần chuyển sang trạng thái trung tính. Với diễn biến này, mùa bão năm nay được dự báo sẽ đến muốn hơn so với mọi năm song cần đề phòng các cơn bão mạnh; mùa mưa có thể đến sớm kèm theo các hiện tượng cực đoan; nguy cơ xảy ra khô hạn và thiếu nước cục bộ tại Trung Bộ, Tây Nguyên.

Thông tin thêm với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus vào chiều 15/4, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết từ nay đến khoảng tháng Năm ít có khả năng xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Tuy nhiên, trong những tháng tiếp theo, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ bắt đầu hoạt động và gia tăng tần suất, kéo dài đến hết năm 2021.

Cụ thể, giai đoạn từ tháng Sáu đến tháng Bảy, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và dần gia tăng tần suất, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong các tháng Tám đến tháng Chín; ảnh hưởng đến các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ từ tháng Chín cho đến hết năm nay.

"Dự báo năm nay sẽ có khoảng 10-13 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, trong đó sẽ có khoảng 1 nửa sẽ ảnh hưởng vào đất liền. Trong đó, những cơn bão mạnh sẽ xảy ra vào thời điểm từ tháng Chín đến tháng Mười," ông Hưởng nói.

Cũng theo ông Hưởng, thông thường nửa đầu mùa (từ tháng Sáu đến tháng Chín) bão, áp thấp nhiệt đới sẽ tập trung ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông, có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; vào thời kỳ nửa cuối mùa (từ tháng Chín đến tháng 11) sẽ tập trung ở khu vực giữa và Nam Biển Đông, ảnh hưởng đến khu vực Bắc Trung Bộ trở vào phía Nam.

Với xu thế bão nêu trên, các địa phương cần đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển trong các tháng mùa mưa bão năm 2021.

Về xu thế mùa mưa, ông Hưởng cho biết mùa mưa năm nay có khả năng đến sớm trên khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, từ khoảng nửa cuối tháng Tư sang nửa đầu tháng Năm, có thể xảy ra các hiện tượng dông, lốc, mưa đá, gió giật mạnh. Trong 6 tháng cuối năm 2021, lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc.


 

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)



Trong các tháng mùa khô, lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 15-40%, có sông thấp hơn 50%. Nguy cơ xảy ra khô hạn và thiếu nước cục bộ tại Trung Bộ, Tây Nguyên.

Trong mùa lũ năm 2021, đỉnh lũ năm trên các sông chính khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến ở mức biến động 1-2 và trên biến động 2; các sông ở Yên Bái, Ninh Bình, từ Quảng Bình đến Bình Thuận ở mức biến động 2-3, có sông trên biến động 3.

Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức biến động 1-2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0,1-0,3m. Mùa khô năm 2020-2021, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020. Từ tháng Năm, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm dần.

Thời kỳ xuất hiện các đợt lũ vừa và lũ lớn khu vực Bắc Bộ có khả năng tập trung nhiều vào nửa cuối mùa lũ. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất; ngập úng tại các thành phố và các khu đô thị tiếp tục có nguy cơ xảy ra do mưa lớn cục bộ trong các tháng mùa lũ.

Trước xu thế thời tiết nêu trên, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, liên tục theo dõi, giám sát, cập nhật hàng ngày trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục khí tượng thủy văn, sớm cung cấp các thông tin dự báo, cảnh báo chi tiết đến các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông và người dân để phòng, tránh.

Theo Hùng Võ (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm