Chuyện đời trăm năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kính quý nhau, người ta thường chúc sống lâu trăm tuổi. Thế nhưng, con cháu và người thân của ông Trần Đức Tấn (16/2A Quyết Tiến, phường Ia Kring, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) lại không dám chúc như vậy, bởi năm nay ông đã… 99 tuổi! Qua gần 1 thế kỷ chứng kiến bao thăng trầm của thời cuộc, ông Tấn vẫn sống vui, sống khỏe với tâm thế viên mãn, an yên.
1. Ngồi nghe ông Tấn kể chuyện đời, chúng tôi không khỏi thích thú, thán phục trước sự minh mẫn vượt thử thách khắc nghiệt của thời gian. Khi được hỏi về bí quyết sống thọ, ông Tấn vui vẻ “bật mí” đó là nhờ thực hiện tốt nguyên tắc 4K: không thuốc lá, không rượu chè, không cờ bạc và không… quan hệ nam nữ bất chính. Lý giải về tiêu chí thứ 4, ông tự nhận ngày còn trẻ mình rất đẹp trai, đi từ Nam chí Bắc nhưng chưa bao giờ vì việc riêng tư mà làm ảnh hưởng đến hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. “Tôi được Đảng giáo dục rằng: Bộ đội ta là của dân, phải vì dân phục vụ, vì dân đánh giặc”-ông tâm tình. 
Ông Tấn cho hay, ông sinh năm 1922 tại xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Năm 1949, ông vào bộ đội địa phương, năm 1952 tham gia bộ đội chủ lực, thuộc biên chế Tiểu đoàn Thu dung 343 (Bộ Tư lệnh Liên khu 5) đóng tại huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi). Nhiệm vụ của Tiểu đoàn là quản lý, giáo dục tù binh, đặc biệt là số tù binh trong trận đánh Đak Pơ diễn ra ngày 24-6-1954. Sau chiến thắng được ví như “Điện Biên Phủ ở Liên khu 5”, ông cùng 2 đồng đội được giao quản lý đến hơn 200 tù binh Âu châu. Ngoài việc cung cấp đầy đủ lương thực, ông còn tuyên truyền về chính sách ưu việt của cách mạng. Sau đó, những tù binh có ý thức tiến bộ được giao trả về Bộ Tư lệnh Liên khu 5. Ông Tấn chia sẻ: “Hồi đó, chúng tôi không hành hạ tù binh với quan điểm: Vào trận chiến là thù, ra khỏi trận chiến là bạn”. 
Niềm vui mỗi sáng của ông Trần Đức Tấn là chăm cây, tưới hoa. Ảnh: Phương Duyên
Niềm vui mỗi sáng của ông Trần Đức Tấn là chăm cây, tưới hoa. Ảnh: Phương Duyên
Sau thời điểm đình chiến, trao trả tù binh, ông Tấn được biên chế về Tiểu đoàn 3 (Sư đoàn 305, Liên khu 5) rồi tập kết ra Bắc. Ở tỉnh Phú Thọ, ông được phân công làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4 (thuộc Tiểu đoàn Công binh) trực tiếp tham gia huấn luyện. Thêm một nhiệm vụ “nóng” nữa thời bấy giờ là sửa chữa sai lầm trong thực hiện cải cách ruộng đất. “Hồi đó, “gạo trên sàng” mới được chọn đi. Bộ đội chúng tôi cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, tuyên truyền, vận động, xoa dịu nỗi đau của các gia đình. Những người bị oan sai thì tiến hành trả lại tài sản, ruộng đất đã thu hồi trước đó. Nghe chỗ nào rối ren thì mình tập trung đến tuyên truyền, vận động. Chúng tôi nói với dân rằng, làm gì cũng có cái sai, nhưng giờ cấp trên đã biết sửa sai”-ông Tấn hồi tưởng. 
Năm 1957, ông được điều về tỉnh Thanh Hóa làm Đội trưởng Đội 4 chuyên sản xuất lương thực và chăn nuôi để chi viện cho miền Nam. Những nếp nhăn trên gương mặt ông như giãn ra khi nhớ lại tháng ngày tham gia phong trào “Lang, lúa, lạc, lợn” góp phần đánh Mỹ. Ông kể: “Lúc tôi xuống đồng tát nước cùng dân, một người nói: “Chân anh trắng thế này, anh không xuống ruộng được đâu”. Nhưng tôi vẫn xuống làm vì mình cũng là con nhà nông mà. Sau đó thì họ bảo, sao anh tát nước giỏi vậy, tát với anh thì tụi tôi tát đến mai cũng được!”.
Ông Chế Văn Đủ-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Ia Kring: “Cụ Trần Đức Tấn là hội viên cao tuổi nhất Hội Cựu chiến binh tỉnh. Tuy năm nay đã 99 tuổi nhưng cụ tham gia sinh hoạt Hội rất đều đặn 2 tháng/lần và luôn nhiệt tình ủng hộ các phong trào. Tinh thần ấy của cụ rất đáng quý. Vì vậy, chúng tôi luôn xem cụ là tấm gương để học tập, noi theo”. 
Nhiều nhiệm vụ được giao phó khiến ông Tấn chẳng dừng chân ở vùng đất nào quá lâu. Năm 1960, ông được điều về công tác tại Nông trường Cam Bố Hạ (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Tại đây, anh bộ đội gần tứ tuần có duyên gặp gỡ và yêu cô gái xinh đẹp Phạm Thị Tải. Ông Tấn nhớ lại: “Bà ấy đồng ý lấy tôi nhưng không chịu về Nam. Tôi nói: Mình là người Việt Nam, sống trên đất nước Việt Nam thì ở đâu thích hợp nhất mình sống, cần gì phải sống trên quê hương. Nếu ở đây đối với tôi tốt, tôi sẽ sống ở đây. Cô cũng vậy. Nghe xong, bà ấy liền gật đầu”. Họ cưới nhau năm 1963 rồi lần lượt 5 đứa con ra đời. Đến năm 1977, nhận thấy cuộc sống ở Bắc Giang quá khó khăn, ông Tấn đưa cả gia đình về lại Bình Định sinh sống. Năm 2011, vợ chồng ông chuyển lên Pleiku ở cùng con cháu.
Ảnh 3: Dù đã 99 tuổi nhưng cụ Tấn vẫn đọc báo rất tốt.
Hàng ngày, ông Trần Đức Tấn vẫn thường xuyên đọc báo. Ảnh: Phương Duyên
2. Trải qua những tháng ngày nhiều biến động song ông Tấn luôn mang tâm thế thoải mái, vui tươi. Ngoài nguyên tắc 4K, trước kia, ông còn thường xuyên đi bộ, tập dưỡng sinh. Ông tự hào nhắc lại thành tích đạt giải nhất cuộc thi đi bộ 5 km do Hội Người cao tuổi xã Ân Thạnh tổ chức năm 1999; tiếp đó vào tốp 10 cuộc thi cấp tỉnh. Hiện nay, tuy sức đã yếu nhưng ông vẫn tìm niềm vui sống từ việc trồng cây, chăm hoa mỗi sáng. “Tôi còn tham gia Hội Cựu chiến binh phường, họp hành gương mẫu lắm”-ông nở nụ cười móm mém. Nhắc đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 mới đây, ông tự hào cho hay kể từ cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 đến nay, ông không bỏ sót một cuộc bỏ phiếu nào. 
Và cũng thật khó tin khi nghe ông Tấn chia sẻ về niềm yêu thích đặc biệt dành cho môn “thể thao vua” ở cái tuổi ngấp nghé 100. Ông cho biết mình là “fan” của Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai, cầu thủ yêu thích nhất là Công Phượng. Câu lạc bộ này đá trận nào ông cũng theo dõi. Khi nói về thành tích của đội tuyển nước nhà tại vòng loại World Cup 2022, ông không giấu vẻ hân hoan kể rằng mình vừa theo dõi trận bóng rạng sáng 8-6 giữa Việt Nam và Indonesia. Khi chúng tôi hỏi về tỷ số, ông trả lời ngay: 4-0. 
Hiện nay, dù mất đi chỗ dựa tinh thần to lớn sau khi vợ qua đời hồi đầu năm 2021 song ông Tấn vẫn tự biết cách chăm sóc bản thân. “Người ta nói: Trẻ cậy cha, già cậy con. Nhưng muốn cậy con thì cha phải mẫu mực, ngoài ra còn phải bỏ tính bảo thủ, hay tự ái của người già. 5 đứa con tôi giờ đứa nào cũng có trình độ, thành đạt, chăm sóc tôi chu đáo. Tôi còn có 10 đứa cháu và 3 đứa chắt. Đời người có lúc sướng lúc khổ, nhưng bây giờ tôi thấy hạnh phúc lắm!”-mắt ông Tấn long lanh niềm vui khi làm cuộc tổng kết. 
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Nhân chứng đường số 7

Nhân chứng đường số 7

Đã 50 năm sau cuộc truy kích trên đường số 7 (nay là quốc lộ 25), nhưng những cựu binh vẫn hào hùng kể về câu chuyện một thời kiên cường, sẵn sàng đem cả tính mạng dâng cho Tổ quốc.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 1: Chiến thắng Đức Lập trong ký ức của một cựu binh

30/4 năm nay đánh dấu mốc chặng đường 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Để có được niềm hạnh phúc cho ngày thống nhất ấy, không biết bao nhiêu công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.