Chuyện đời sau xe rác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mãi đến bây giờ, khi nỗi đau lắng xuống sau vụ lao công tử nạn, khi “tiếng chổi tre những đêm hè” mãi thức, khắc khoải, chúng tôi mới viết về họ, những người làm đẹp phố phường.
 
Công nhân môi trường và xe rác cao quá đầu người trên phố Hà Nội. Nếu không chất thêm rác lên, họ sẽ không kịp giờ thu dọn rác. Ảnh: Trường Phong
Bài 1: Trót yêu rồi phải làm sao!
Cuộc hẹn với anh Ðức, công nhân vệ sinh môi trường Urenco không thực hiện được vì lý do “có việc đột xuất”. Hỏi việc gì, anh bảo, một công nhân có người nhà nằm viện, anh phải đi làm thay. Tôi hiểu, công nhân môi trường, một khi đi làm thì luôn chân luôn tay, chẳng có mấy lúc nghỉ ngơi để nói chuyện! Cuộc hẹn đành dời sang hôm khác!
Ðại gia đình dọn rác
Anh Đinh Duy Đức 35 tuổi, công nhân Cty Môi trường Đô thị Hà Nội có hơn chục năm với công việc làm đẹp cho đường phố Thủ đô. Anh kể về lý do chọn nghề này, đơn giản chỉ vì, trước đây ông bà làm nghề vệ sinh môi trường, rồi đến đời bố mẹ. “Hồi đó, mẹ mình ốm, không làm gì được. Nghĩ thương bố vất vả, mình học hết lớp 12 rồi làm công nhân vệ sinh môi trường như bố luôn”, anh Đức nói. Uống cốc trà đá ven đường, những vết chai sạn của hơn chục năm cầm chổi xẻng, đẩy xe rác in hằn lên bàn tay. Sau một thời gian đi làm anh Đức vào quân ngũ 2 năm, rồi lại trở về gắn bó với nghiệp công nhân vệ sinh môi trường. Nhớ lại thời mới vào nghề, anh bảo, hồi đó mới 19, đôi mươi, đôi lúc cũng tủi thân, nhất là dịp Tết, khi  người người đi xem pháo hoa, đón chào năm mới, còn bản thân lại ôm lấy xe rác...
Sẽ ra sao nếu không có những người làm công tác vệ sinh môi trường. Hà Nội sẽ ra sao nếu ngập rác? Sau nhiều năm làm công nhân, anh Đức được cất nhắc lên làm tổ trưởng. Nói là tổ trưởng có vẻ oai, nhưng phụ phí quản lý chỉ được thêm khoảng hơn trăm nghìn mỗi tháng. Nếu có người nghỉ đột xuất tổ trưởng lại chính là người phải đi làm thay. “Như hôm nay mình phải làm từ 14h đến khoảng 1- 2h sáng vì có chị trong đội có con nằm viện”, anh Đức tâm sự. Đội của anh, ngày xưa duy trì khoảng hơn ba chục người, giờ chỉ còn lại hơn 20 người vì “tiền không được bao nhiêu, lại vất vả” nên nhiều người bỏ việc rồi.
Theo anh Đức, mỗi tháng, anh được khoán kinh phí, chia đều cho 22 người, cũng chỉ được khoảng 5 - 6 triệu/người nếu làm đủ công. Những ai nghỉ làm thì không có tiền vì số tiền đó phải dùng để thuê người khác làm thay khối lượng. “Đội của mình phụ trách địa bàn 3 phường, khoảng 50 vạn dân. Mỗi ngày, cũng phải vài chục tấn rác”, anh Đức kể.
Có một điều khá đặc biệt, khi ngồi nhẩm tính, anh Đức bảo, nhà anh có tới 3 đời làm nghề dọn rác, đến nay, tổng cộng có gần 20 người trong nghề. Từ ông bà, bố mẹ, đến anh chị em, rồi cậu, dì, họ hàng, anh em... Ngay cả anh Đức, trong hai cuộc hôn nhân cũng đều lấy người trong nghề. “Có lẽ, vì cùng nghề nên thông cảm được với nhau, dù một cuộc hôn nhân trước không được trọn vẹn”, anh Đức nói. Nói đến gần 20 người nhà làm trong nghề dọn rác, cũng chẳng ai ý kiến gì với anh Đức, vì không có chuyện “bổ nhiệm sai quy trình, nâng đỡ không trong sáng”. Nghề của anh Đức, đến nay, theo anh ngày càng ít người làm.
Trót yêu nên theo cả đời
Trong nhiều ngày liên tiếp, phóng viên Tiền Phong lân la hỏi chuyện nhiều công nhân dọn vệ sinh trên các tuyến phố, nhưng nhiều người lắc đầu: “Mình bận lắm, vào mùa lá này nếu chậm vài chục phút là cả hệ thống chậm theo”. Đành vậy. Chờ đến giờ tan ca, chúng tôi mới hẹn gặp được chị Vi Thị Nguyệt, công nhân Cty Môi trường Đô thị ở khu vực đường Trần Phú. Là con đường có nhiều cơ quan ngoại giao, bộ ngành nên “ở trên trông xuống, người ta trông vào”. Vẻ mặt xen lẫn tự hào, chị bảo, vừa qua, kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, chị cũng là một trong nhiều cá nhân được tặng thưởng. Dù phần quà nhỏ thôi, chỉ một triệu đồng nhưng là sự ghi nhận của thành phố với công sức của chị và những người như chị trong một sự kiện mang tầm lịch sử của đất nước.
 
Chị Vi Thị Nguyệt. Ảnh: Trường Phong
Chị Nguyệt, người nhỏ nhắn và thân thiện. Hết ca làm nhưng chưa thấy phóng viên quay lại, chị đi vòng vòng để chờ, rồi hẹn nói chuyện ở công viên, ngay khu “đại bản doanh” của các chị! Chị kể, hơn 20 năm làm nghề quét rác, dọn vệ sinh tuyến đường Trần Phú, chị chưa bao giờ chán nản hay mệt mỏi. Nghĩ một lúc cho câu hỏi vì sao lại chọn nghề này, chị bảo “Có lẽ phải yêu mới làm được như vậy”. Có lẽ chị nói đúng, bởi theo lời chị Nguyệt, những năm 90, bố chị, khi đó còn đang làm việc ở cơ quan nhà nước, lại có quen biết quan chức cấp cao, xin cho chị làm công việc văn phòng, lương cũng khá, và dù chị đã làm việc trong môi trường đó một năm, nhưng rồi chị vẫn xin ra để làm công nhân quét rác. “Cũng không hiểu tại sao, nhưng mình phải yêu thì mới làm được như vậy”, chị Nguyệt nói.
Có lẽ cũng vì suy nghĩ đó chị Nguyệt, luôn tự tin với công việc của mình. Chồng và con chị, vào mùa lá cũng thỉnh thoảng ra dọn giúp. Thắc mắc mấy lần về chuyện, cứ thấy xe rác chất cao quá đầu người, quá tải thế rồi các công nhân phải è chân è cổ ra đẩy, vì sao lại như thế. Chị Nguyệt bảo, nếu không làm như thế thì tốn công đi lại. Thời gian gấp lắm. Nếu không thế xe rác đến cũng không kịp vận chuyển lên bãi rác nữa, thành ra chậm cả hệ thống. Ngồi nói chuyện một lúc, chị Nguyệt nghe điện thoại của mẹ chồng gọi về ăn cơm.
Chị bảo, nhà ở Thanh Nhàn, hàng ngày vẫn đi xe máy về khu vực Trần Phú để làm việc. Thời gian đầu làm nghề này, bố mẹ cũng khó chịu. Nhưng dần dần thì mọi người hiểu. Chị bảo, được gia đình giúp đỡ, bây giờ có nhà cho thuê rồi, cuộc sống cũng đỡ vất vả. Chị Nguyệt cười “Yêu nghề rồi em ạ, không đi làm thấy nhớ lắm”, chị Nguyệt nói…
Trên đường về, gặp một vài công nhân đẩy xe rác cao quá đầu người, tôi dừng lại chụp ảnh và xin được trò chuyện. Thế nhưng họ từ chối: “Không được em ạ! Chị đang rất vội! Rác nhiều thế này cơ mà”. Vâng, chúng tôi biết họ sẽ phải làm việc xuyên đêm để mang lại bộ mặt mới cho phố khi bình minh ló rạng...
Trường Phong (TP)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.