Chuyện bác sĩ Thiện ở A Vao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày ấy, bác sĩ Trịnh Đức Thiện khoác ba lô, nhảy xe đò mấy trăm cây số từ thành phố Huế lên miền biên ải A Vao, áp nước bạn Lào ở huyện rẻo cao Đakrông của tỉnh Quảng Trị nhận việc. Trạm Y tế xã chả được tươm tất khang trang như giờ mà là vùng rừng hoang rậm thâm u. Thú rừng, con hươu con nai còn mò vào tận ngọn đồi phía sau trạm nhởn nhơ kiếm ăn chẳng mảy may hoảng sợ bóng người.

Ngó trước nhìn sau, lác đác đôi ba mái nhà sàn bạc phách nắng mưa của đồng bào dân tộc Pa Kô nép mình dưới tán cây rừng già cổ thụ. Và dưới những mái nhà sàn ấy nhiều hủ tục tồn tại dai dẳng tựa vòng kim cô quấn chặt bao đời nay. Ví như câu chuyện phụ nữ đến kỳ sinh nở phải dựng lều bên suối quằn quại trong đớn đau, xót xa một mình “vượt cạn”…

 

Bác sĩ Trịnh Đức Thiện tuyên truyền, vận động người dân đến trạm y tế khám chữa bệnh.
Bác sĩ Trịnh Đức Thiện tuyên truyền, vận động người dân đến trạm y tế khám chữa bệnh.

Bác sĩ Thiện dẫn tôi vượt suối Ăm Păng vắt qua trước Trạm Y tế xã A Vao sang khoảng đất tương đối bằng phẳng nằm dưới chân ngọn đồi thoai thoải để cho khách dưới xuôi tận thấy nơi đây ngày xưa nhiều phụ nữ dựng lều sinh nở. Anh kể, sắp đến ngày khai hoa nở nhụy là các bà, các chị ra suối dựng cái chòi bằng lau lách, lá chuối, tự sinh con, tự cắt rốn, không có ai bên cạnh nên không ít trường hợp tử vong do hậu sản. Lúc nào hết thời gian kiêng cữ  (phong long) mới được về nhà. Quan niệm của đồng bào ở đây nói phong long (rồng gió) là luồng khí xấu, uế khí của những người phụ nữ bị hư thai, nạo phá thai hoặc phụ nữ mới sinh con đang trong thời gian ở cữ.

Sinh ra và lớn lên ở xứ sơn cước Hồng Thủy (huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế) giáp với xã A Bung (huyện Đakrông, Quảng Trị), nơi có đông đồng bào dân tộc Pa Kô, Tà Ôi-Vân Kiều nên bác sĩ Thiện rất thấu hiểu một khi hủ tục còn đất bám rễ thì đời sống của bà con còn luẩn quẩn trong tăm tối đói nghèo, lạc hậu… Tháng 11/1998, tốt nghiệp trường Trung cấp Y Thừa Thiên-Huế, Trịnh Đức Thiện trở về quê nhà nghỉ ngơi dăm hôm rồi khoác ba lô đến với A Vao. “Mình cứ nhớ mãi ngày đầu tiên chân ướt, chân ráo ra A Vao nhận công tác. Sau quãng đường chạy xe máy từ xã Hồng Thủy đến xã Tà Rụt, huyện Đakrông, hỏi bà con đường vào A Vao mới biết là không thể nào đi xe máy được. Vậy là mình phải cuốc bộ, leo dốc, lội suối ngót 8 cây số đường rừng. Vào đến nơi, đập vào mắt hình ảnh Trạm Y tế được thưng che bằng mấy tấm gỗ mỏng, mái lợp tranh nằm chơ vơ trên ngọn đồi bên suối Ăm Păng khiến chút chạnh lòng thất vọng. Nhưng cái cảm giác đó, tâm trạng ấy rồi nhanh chóng qua đi, mình tự nhủ phải cố gắng khắc phục mọi khó khăn, trở ngại…”, Trịnh Đức  Thiện nhớ lại.

 

Chăm sóc vườn thuốc nam hằng ngày tại Trạm Y tế xã A Vao là niềm vui của bác sĩ Trịnh Đức Thiện.
Chăm sóc vườn thuốc nam hằng ngày tại Trạm Y tế xã A Vao là niềm vui của bác sĩ Trịnh Đức Thiện.

Sau vài ngày ổn định nơi ăn chốn ở, bác sĩ Thiện khởi động  lên kế hoạch hành động cho riêng mình để triển khai có hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng; phòng các loại bệnh lây truyền theo mùa… Và một kế hoạch với thời gian thực hiện tính bằng “chục năm” được bác sĩ Thiện nung nấu, ấp ủ và ưu tiên hàng đầu đó là cố gắng hết sức để đẩy lùi hủ tục, từng bước “kéo” người dân đến trạm y tế lúc ốm đau, sinh nở... Việc đầu tiên mà bác sĩ Thiện bắt tay vào làm ngay là xóa bỏ hoàn toàn việc phụ nữ đến kỳ sinh nở phải tự mình ra dựng lều ở bờ suối. Sở dĩ có hủ tục này bởi quan niệm của đồng bào, phụ nữ sinh nở trong nhà hoặc ở trạm y tế rồi mang về nhà đều đem lại sự uế tạp cho gia đình. Cứ đến kỳ sinh nở, chị em phụ nữ tự mang những đồ dùng cần thiết rồi tìm một khoảng đất bằng phẳng cạnh bờ suối để dựng tạm căn lều nhỏ. Khi “vượt cạn” không hề có mặt người thân bên cạnh mà chị em phải tự làm tất cả mọi công việc. Rất nhiều trường hợp tử vong thương tâm cho cả mẹ lẫn con sau khi sinh bởi các loại bệnh tật như hậu sản, uốn ván trẻ sơ sinh, tai biến sản khoa sau sinh…

Bác sĩ Thiện bảo: “Nói xóa bỏ không phải cứ muốn là xóa bỏ được ngay. Những năm đầu vào công tác tại Trạm Y tế xã A Vao, mỗi lần có ca dựng lều bên suối để sinh nở, mình lập tức đến ngay gia đình nhà chồng cũng như gia đình sản phụ để tuyên truyền, vận động rồi thuyết phục họ mang sản phụ về trạm để được chăm sóc y tế cẩn thận. Một vài gia đình phản đối với cái lý đó là “luật tục” của bản làng có từ bao đời nay nên không thể phá bỏ. Mình phải “vận nội công” cố sức thuyết phục gia đình cho mình được đến lều để chăm sóc y tế cho sản phụ. Rồi cứ kiểu “mưa dầm thấm đất” mà thuyết phục bà con dần dần. Mình cất công lặn lội đến từng bản như Ro Ró 1, Ro Ró 2, Tân Đi 1, Tân Đi 2, Tân Đi 3, A Vao, Ba Lin, Kỳ Nơi, A Sau tìm gặp các bậc già làng, trưởng bản, người có uy tín để tuyên truyền, vận động. Bởi hơn ai hết, già làng, trưởng bản, người có uy tín với tiếng nói có trọng lượng với dân bản sẽ là mấu chốt để giải bài toán đẩy lùi hủ tục. Đến bây giờ nhiều bản làng của xã A Vao không còn có chuyện phụ nữ dựng lều cạnh suối để sinh nở nữa rồi. Mà nếu có trường hợp cá biệt nào đó thì các y, bác sĩ Trạm Y tế xã A Vao sẽ đến tận nơi để can thiệp cũng như chăm sóc y tế một cách tốt nhất cho sản phụ”.
 

Bác sĩ Trịnh Đức Thiện vượt suối đến bản cứu người.
Bác sĩ Trịnh Đức Thiện vượt suối đến bản cứu người.

Chợt nhớ năm trước, trong lần chúng tôi cùng Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong Trần Thanh Lâm (giờ anh ở Ban Tuyên giáo T.Ư) và Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 Ngô Thanh Thanh Tú từ Hà Nội vào Tà Rụt trao bò giống giúp đồng bào vượt khó làm ăn, tình cờ lai rai chuyện đất chuyện người xứ non cao Trường Sơn hùng vĩ thế nào ấy mà chị Phó Chủ tịch huyện Đakrông Hồ Thị Kim Cúc “đụng” đến ông bác sĩ  Trịnh Đức Thiện này. Chị Cúc bảo, bác sĩ Thiện cùng tập thể y, bác sĩ Trạm Y tế xã A Vao  đã làm được vô số việc, tỷ như vận động gần 100% đồng bào dân tộc Pa Kô trên địa bàn xã đến trạm y tế khám chữa bệnh, chứ không còn chuyện cứ bệnh tật đau ốm là trường kỳ cúng Giàng, cúng ma. Với những trường hợp ở các bản cách xa trạm y tế xã hai, ba chục cây số như A Sau, Kỳ Nơi, Ba Lin… lúc ốm đau là các y, bác sĩ của Trạm Y tế xã A Vao trực tiếp đến tận nơi để thăm khám, chữa bệnh cho đồng bào.

Chẵn chòi hai chục năm gắn bó với xứ biên ải A Vao, bác sĩ  Thiện không nhớ nổi mình đã cứu chữa cho bao nhiêu bệnh nhân qua cơn thập tử nhất sinh. Và có rất nhiều kỷ niệm vui trong đời làm từ mẫu ở chốn núi rừng. Ví như chuyện những ngày đầu lên nhận công tác tại Trạm Y tế xã A Vao, nhiều ca bệnh là đồng bào Pa Kô, lúc thấy bác sĩ Thiện tay cầm kim tiêm sợ run cầm cập, mặt tái xanh bởi họ chưa nhìn thấy bơm kim tiêm bao giờ. Có trường hợp sợ bơm kim tiêm đến nỗi trốn biệt vô rừng, phải rủ rỉ rù rì thuyết phục mãi, mới chịu về nhà…

Lắng đọng lại trong sâu thẳm ký ức của bác sĩ Thiện là “nốt trầm” của vài trường hợp không cứu chữa được mà duyên do xuất phát từ phía bệnh nhân. Đận năm 1999, lúc ấy bác sĩ Thiện mới về  nhiệm sở Trạm Y tế xã A Vao chừng 1 năm. Buổi sáng đang ngồi trực ở trạm thì nhận tin báo sản phụ Kăn Giông bản Tân Đi 1 dựng lều bên suối để sinh con đầu lòng. Đường đến nơi sản phụ sinh nở quá khó nên bác sĩ Thiện nhanh chóng sang Đồn Biên phòng Ba Lin “mượn tạm” con ngựa làm phương tiện. Cưỡi ngựa vượt suối, băng rừng đến nơi thì sản phụ Kăn Giông đã tự mình “vượt cạn”. Bác sĩ Thiện tức thì nhập cuộc, tận tình chăm sóc y tế sau đó mang được mẹ con sản phụ về nhà thì trời đã nhọ mặt người. Tỷ mẩn dặn dò người nhà cách chăm sóc sức khỏe sau khi sinh cho sản phụ xong, bác sĩ Thiện mới yên tâm trở về trạm. Vậy mà mấy hôm sau, bác sĩ Thiện hay tin sản phụ qua đời bởi nhiễm trùng do tự ý tắm suối. Tiếng thở dài cùng giọt nước mắt đọng lại trên khuôn mặt buồn đau của người thầy thuốc mới chân ướt, chân ráo lên rừng làm “từ mẫu”. Một nốt nhói nằm lòng bác sĩ Thiện…

Tâm nguyện chữa bệnh cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc Pa Kô ngày càng tốt hơn, trong những ngày làm “từ mẫu” trên đất A Vao, bác sĩ Trịnh Đức Thiện đã vượt qua mọi trở ngại khốn khó đời thường lẫn khó khăn trên địa bàn công tác, miệt mài cố gắng học xong đại học rồi cao học tại Trường Đại học Y-Dược Huế. Việc học với bác sĩ Thiện cũng là để thực hiện tâm nguyện “không bó tay” trước nhiều căn bệnh phổ biến ở đây. Ngày mai, bác sĩ Thiện cùng túi thuốc lại lên đường đến bản gần, bản xa, làm trọn tấm lòng và tay nghề của một lương y là từ mẫu của dân bản.

Hữu Thành/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.