Chung tay bảo tồn văn hóa dân gian

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, tuyên truyền cổ động, thể dục thể thao, tiếp và phát sóng các chương trình truyền thanh, một số trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao cấp huyện còn sưu tầm, bảo tồn các hiện vật gắn bó thiết thân với đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa.

Phòng trưng bày hiện vật văn hóa dân gian thuộc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Mang Yang chỉ là một gian phòng nhỏ nhưng cách bài trí, sắp đặt hiện vật bài bản, đẹp mắt khiến nhiều người tham quan bày tỏ sự bất ngờ. Càng cảm phục khi biết rằng bên cạnh thực hiện tốt công tác văn hóa-văn nghệ, các viên chức của đơn vị còn dành thời gian sưu tầm nhiều hiện vật quý nhằm lưu giữ những nét bản sắc của đồng bào Bahnar sinh sống nơi đây.

Cán bộ, viên chức Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Mang Yang tại Phòng trưng bày hiện vật văn hóa dân gian. Ảnh: L.N

Cán bộ, viên chức Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Mang Yang tại Phòng trưng bày hiện vật văn hóa dân gian. Ảnh: L.N

Bà Lê Thị Thanh Thủy-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Mang Yang-cho hay: Việc sưu tầm được triển khai thực hiện từ năm 2019. Đến nay, đơn vị tập hợp được khoảng 50 hiện vật gồm cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống (trưng, klông pút, kni, goong, chuông gió), khung quay sợi, gùi, ghè, ché, nồi đồng, trang phục thổ cẩm… Hầu hết hiện vật do người dân tự nguyện hiến tặng thông qua công tác vận động.

“Đa số bà con đều hiểu ý nghĩa của việc sưu tầm, bảo tồn nên ủng hộ, phối hợp. Đối với một số ít ghè, ché quý hiếm thì đơn vị trích một phần kinh phí hỗ trợ các gia đình”-bà Thủy chia sẻ. Đáng nói là từ năm 2019 đến 2022, Trung tâm chưa có kinh phí cho hoạt động này, riêng trong năm 2023 mới được cấp 30 triệu đồng.

Đặc biệt, với một địa phương vùng khó có đến 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số như Ia Pa, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc càng được chú trọng. Ông Nguyễn Thái Sơn-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện-cho biết: Nhằm triển khai Kế hoạch số 25-KH/HU ngày 6-8-2021 của Huyện ủy Ia Pa về tiếp tục thực hiện Đề án 02 về “Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào tại chỗ, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở vững mạnh” giai đoạn 2021-2025, Trung tâm đã thành lập phòng trưng bày di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn, đặt tại Thư viện huyện.

Đơn vị cũng đã bổ sung nhiều hiện vật như: cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, các vật dụng trong lao động sản xuất của đồng bào các dân tộc; một số trang phục truyền thống của người Jrai, Bahnar, Tày, Nùng, Kinh… cùng một số mô hình kiến trúc thu nhỏ nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc tại chỗ cho khách tham quan.

Các hiện vật tại Phòng Trưng bày văn hóa dân gian (huyện Mang Yang) được trưng bày chỉn chu, đẹp mắt. Ảnh: Lam Nguyên

Các hiện vật tại Phòng Trưng bày văn hóa dân gian (huyện Mang Yang) được trưng bày chỉn chu, đẹp mắt. Ảnh: Lam Nguyên

Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Ia Pa thông tin thêm: Hiện đơn vị có tờ trình gửi UBND huyện đề nghị phê duyệt kế hoạch lắp đặt bổ sung khoảng 20 tượng gỗ chủ đề sinh hoạt, gia đình… tại khuôn viên Thư viện huyện, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị tượng gỗ dân gian, làm phong phú thêm các nhóm tượng gỗ đã có trước đó. Ngoài ra, cũng trong không gian trên, Trung tâm còn đề xuất dựng mô hình nhà rông thu nhỏ. Cán bộ, viên chức của đơn vị dành nhiều công sức nhưng ai cũng hào hứng vì đây là hoạt động rất thiết thực.

“Mô hình trưng bày này là nơi tham quan, học tập và trải nghiệm văn hóa dân tộc tại địa phương cho người dân trên địa bàn cũng như du khách trong và ngoài tỉnh khi đến thăm, làm việc tại huyện. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, quảng bá du lịch, bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc tại địa phương”-ông Sơn khẳng định.

Nâng niu, trân quý giá trị văn hóa truyền thống, song cái khó của nhiều nơi là thiếu kinh phí và không gian trưng bày. Trao đổi với P.V, ông Ngô Đức Mạo-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa-nhấn mạnh: Hiện nay, đơn vị đã thu thập được một số hiện vật mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân khu vực hạ lưu sông Ba như: nhạc cụ, gùi, công cụ lao động sản xuất, trang phục truyền thống... Tuy nhiên, hiện vật sưu tầm được không có chỗ trưng bày nên đành... mỗi món một góc.

Theo ông Mạo, từ nay đến cuối năm, Trung tâm tiếp tục xin chủ trương đầu tư không gian trưng bày; cùng với đó là tiếp tục sưu tầm, giới thiệu cách thức làm men rượu cần truyền thống của đồng bào Jrai. “Chúng tôi thu thập các loại nguyên liệu làm men, nhất là cây lá rừng rồi sấy khô, hút chân không. Đồng thời, ghi chép lại quy trình thực hiện của bà con để khách tham quan ngoài tìm hiểu hiện vật còn hiểu thêm về nét văn hóa độc đáo của đồng bào tại chỗ”-ông Mạo chia sẻ.

Có thể khẳng định, hoạt động của các phòng trưng bày văn hóa dân gian kể trên đã góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của các đơn vị trong công tác sưu tầm là cách hiện thực hóa Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025”.

Mục tiêu chung của đề án là bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội, xu thế hội nhập quốc tế và gắn với phát triển du lịch địa phương; quảng bá rộng rãi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai đến bạn bè trong và ngoài nước. Hy vọng thời gian tới, các phòng trưng bày văn hóa dân gian tại các địa phương trong tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư tương xứng để lưu giữ giá trị di sản trước nguy cơ mai một.

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.