Chư Sê chăm lo Tết cho gia đình chính sách, người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với các nhiệm vụ thường xuyên, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đang chuẩn bị các điều kiện để người dân đón Tết vui tươi, an toàn. Đặc biệt, huyện chú trọng đến công tác chăm lo gia đình chính sách và các đối tượng yếu thế.

Đầu tư chỉnh trang đô thị

Cùng với Công viên Phạm Văn Đồng và Kpă Klơng, hoa viên ngã ba Cheo Reo vừa hoàn thành đã tạo thêm điểm nhấn cho thị trấn Chư Sê. Hoa viên được đầu tư 5,5 tỷ đồng với các hạng mục chính như: tháp đá tự nhiên 2 tầng, đài phun nước, lối đi bộ, đèn trang trí, cây xanh, các loại cây cảnh… Công trình không những góp phần hoàn thiện nút giao thông ngã ba Cheo Reo mà còn tạo diện mạo khang trang, sạch đẹp trong dịp Tết Nguyên đán, đáp ứng nhu cầu vui xuân, đón Tết của người dân. Chị Nguyễn Thị Thu (tổ 3, thị trấn Chư Sê) phấn khởi: “Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp hơn, đặc biệt là vào ban đêm, nhìn rất lung linh. Ngoài các công viên thì nay có thêm hoa viên tại ngã ba Cheo Reo. Đây là những điểm vui chơi, check-in lý tưởng cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán này”.

Theo ông Phạm Xuân Phòng-Trưởng ban Quản lý công trình đô thị và vệ sinh môi trường huyện: Huyện đã đầu tư 300 triệu đồng lắp 114 trụ đèn led dọc theo quốc lộ 14 và quốc lộ 25 để phố thị thêm lung linh sắc màu. Ban cũng đang huy động lực lượng khẩn trương dọn vệ sinh; kiểm tra, thay cống, đanh bị hư hỏng; cắt tỉa cây xanh tại các hoa viên, công viên; kiểm tra, thay mới hệ thống điện chiếu sáng công cộng trên các tuyến đường; vệ sinh, sơn mới các vạch kẻ làn đường, các đảo giao thông; trang trí hoa Tết tại một số tuyến đường chính và tại trung tâm hành chính huyện. Cùng với đó, đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh, buôn bán nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết cũng như tạo mỹ quan đô thị.

 Hoa viên ngã ba Cheo Reo hoàn thành tạo thêm điểm nhấn cho đô thị Chư Sê những ngày giáp Tết. Ảnh: Quang Tấn
Hoa viên ngã ba Cheo Reo hoàn thành tạo thêm điểm nhấn cho đô thị Chư Sê những ngày giáp Tết. Ảnh: Quang Tấn


Để đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của người dân, từ ngày 21 đến 30 tháng Chạp, huyện sẽ tổ chức Hội chợ hoa xuân tại Công viên Kpă Klơng với quy mô khoảng 60 lô. Ban Quản lý công trình đô thị và vệ sinh môi trường huyện sẽ bố trí hệ thống đèn điện, nước tưới và các công trình vệ sinh công cộng; đồng thời phối hợp với Công an huyện, UBND thị trấn phân công lực lượng trực 24/24 giờ nhằm đảm bảo an ninh trật tự. Cùng với đó, phối hợp với UBND thị trấn tổ chức trông giữ phương tiện; tuyên truyền, hướng dẫn người dân, các đơn vị vào kinh doanh trong khu vực chợ hoa đúng địa điểm quy định.

“Hiện đơn vị đã hoàn thành công tác kiểm tra, bảo trì các phương tiện vận tải, thiết bị, máy móc, lò đốt rác. Đặc biệt, chúng tôi xây dựng kế hoạch cũng như huy động 100% quân số (khoảng 40 người) tập trung thu gom rác tại khu vực xung quanh Công viên Kpă Klơng-nơi tổ chức Hội chợ hoa xuân và đêm nhạc chào đón Giao thừa”-ông Phòng cho biết thêm.

Anh Trần Văn Khánh-công nhân Đội Cây xanh (Ban Quản lý công trình đô thị và vệ sinh môi trường huyện) chia sẻ: “Cuối năm là thời điểm bận rộn nhất của chúng tôi. Bên cạnh chăm sóc, cắt tỉa cây xanh còn phải tăng cường phụ giúp các đội khác để dọn vệ sinh, chỉnh trang đô thị thêm khang trang. Chúng tôi xác định tập trung 100% quân số để hoàn thành công việc trong đêm Giao thừa với phương châm “Đường phố hết rác mới về nhà đón Tết”.

Để tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân chào đón năm mới, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện đang khẩn trương làm pa nô, áp phích, cờ hoa, biểu ngữ và hoàn thành công tác chuẩn bị cho đêm hội Giao thừa mừng xuân Quý Mão. Theo kế hoạch, chương trình văn nghệ với chủ đề “Xuân niềm tin, Tết hy vọng” được tổ chức tại Công viên Kpă Klơng. Bà Nguyễn Thị Quyên-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện-cho hay: “Chương trình hứa hẹn đem đến cho người dân những tiết mục văn nghệ đặc sắc như: Những ngày xuân rực rỡ, Đường tàu mùa xuân, Khúc ca mùa xuân, Ngày xuân long phụng sum vầy…

“Ai cũng có Tết”

Nhằm bảo đảm mọi người, mọi nhà đều được đón Tết cổ truyền đủ đầy, ấm áp, UBND huyện đã lên kế hoạch và chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn chú trọng chăm lo Tết và thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách và người nghèo. Bà Vũ Thị Hà-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-thông tin: “Phòng đã chủ động tham mưu giúp UBND huyện xây dựng kế hoạch, tập trung rà soát để hỗ trợ đúng đối tượng nhằm mang đến cho mọi người, mọi nhà một cái Tết an vui, đầm ấm và ý nghĩa. Chúng tôi cũng tích cực vận động, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ kinh phí, quà tặng cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn”.

Toàn huyện có 150 gia đình có công với cách mạng, 50 hộ nghèo, 52 gia đình có người khuyết tật nặng, 53 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... được hỗ trợ 397 suất quà với tổng giá trị 182 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng đã rà soát, lập danh sách 958 hộ gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để được hỗ trợ gạo trong thời điểm giáp hạt. Ngoài ra, các đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn huyện huy động tổ chức trao tặng quà để các gia đình có điều kiện đón Tết đầy đủ hơn. Đến nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đăng ký trao quà hỗ trợ cho người nghèo trong dịp Tết như: Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê tặng 150 suất quà (500 ngàn đồng/suất), Sacombank tặng 150 suất quà (300 ngàn đồng/suất), Hội Chữ thập đỏ huyện trao nhà tình nghĩa...

Ông Nguyễn Phấn Tiến-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện-cho biết: Chăm lo cho người nghèo, người yếu thế, nhất là vào mỗi dịp Tết đến là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, thể hiện tấm lòng nhân ái, đùm bọc, sẻ chia. Tết Quý Mão, Hội đã triển khai kế hoạch chăm lo cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Từ nhiều nguồn vận động, Hội sẽ tặng những phần quà thiết thực trên tinh thần “Không ai bị bỏ lại phía sau” và “Ai cũng có Tết”.

 Hội Chữ thập đỏ huyện Chư Sê bàn giao nhà cho chị Rah Lan Mlar (thôn Tốt Biơch, thị trấn Chư Sê). Ảnh: Ngọc Sang
Hội Chữ thập đỏ huyện Chư Sê bàn giao nhà cho chị Rah Lan Mlar (thôn Tốt Biơch, thị trấn Chư Sê). Ảnh: Ngọc Sang
Ông Dương Mạnh Mẫn-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê: “Chăm lo Tết cho người nghèo và gia đình chính sách là một phần quan trọng trong chính sách an sinh xã hội của huyện. Điều này tạo động lực, niềm tin để người nghèo, gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống và đón Tết đầm ấm. Chính vì thế, hoạt động này đang được cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh với mục tiêu phấn đấu tất cả các gia đình đều được đón năm mới thật nhiều ý nghĩa, vui tươi”.

Gia đình chị Rah Lan Mlar (làng Tốt Biơch, thị trấn Chư Sê) hàng chục năm nay sống trong căn nhà xuống cấp nhưng không có điều kiện để xây mới hay sửa chữa lại. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Hội Chữ thập đỏ huyện đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí giúp chị xây dựng căn nhà mới. Căn nhà có diện tích 42 m2 với tổng kinh phí 60 triệu đồng, trong đó, Quỹ công tác xã hội Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Trọng Bình (tỉnh Tây Ninh) hỗ trợ 50 triệu đồng, số tiền còn lại do gia đình đóng góp. Chị Mlar bộc bạch: “Mình rất vui mừng vì được các nhà hảo tâm hỗ trợ xây tặng căn nhà vững chắc thế này. Tết này, mình được ở trong căn nhà mới”.

Là đơn vị nhiều năm liền đồng hành cùng địa phương hỗ trợ, chăm lo Tết cho người nghèo, ông Trần Ngọc Lộc-Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê-cho hay: “Năm 2022, Công ty đã hỗ trợ cho người dân trên địa bàn xây hàng chục căn nhà, mỗi căn trị giá 35-50 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty còn thông qua các hội, đoàn thể xây tặng những căn nhà tình nghĩa cho người dân gặp khó khăn, trao tặng hàng trăm suất quà hỗ trợ người nghèo”.

 

 NGỌC SANG - QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Tìm lại dấu vết văn hóa Champa ở Tây Nguyên - Kỳ cuối:Phát lộ di chỉ đặc biệt ở Gia Lai

Tìm lại dấu vết văn hóa Champa ở Tây Nguyên - Kỳ cuối: Phát lộ di chỉ đặc biệt ở Gia Lai

(GLO)- Trong cuộc nói chuyện về văn hóa Champa với Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh Gia Lai), người tham gia cùng với các nhà khảo cổ khai quật di chỉ tháp Chăm An Phú, anh đã đưa ra ý tưởng nên thành lập nhà trưng bày văn hóa Champa vùng Tây Nguyên ở vị trí An Phú, TP. Pleiku hiện nay.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Vấn vít tơ hồng

(GLO)- Một chiều, khi chở con gái đi dạo, tôi bần thần dừng lại trước một bờ giậu thấp vàng ruộm dây tơ hồng. Con gái tôi thích thú ồ lên khi thấy loài dây leo lạ. Nghe tôi nói tên, con còn thắc mắc vì sao dây leo chỉ có màu vàng, hoa thành chùm trắng mà lại gọi là dây tơ hồng.

Thơ Lê Thị Kim Sơn: Đa mang ánh chiều

Thơ Lê Thị Kim Sơn: Đa mang ánh chiều

(GLO)- "Đa mang ánh chiều" của tác giả Lê Thị Kim Sơn là chiêm nghiệm về sự mong manh của thời gian và cả cảm giác cô đơn, lạc lõng khi đối diện với ánh chiều tắt dần. Mạch cảm xúc bài thơ diễn ra trong một không gian yên ả, tưởng chừng như thanh bình nhưng lại chất chứa nhiều nỗi niềm sâu kín...

Du hành với “Pleiku xưa và nay”

Du hành với “Pleiku xưa và nay”

(GLO)- Phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) hơn nửa thế kỷ trước có gì thú vị? Triển lãm ảnh “Ký ức Pleiku” diễn ra tại Bảo tàng tỉnh từ ngày 24-1 đến 21-2 đưa người xem bước vào chuyến du hành trở về Pleiku xưa, thêm cơ sở so sánh với sự phát triển không ngừng của đô thị trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên.

Tản mạn chuyện tình yêu

Tản mạn chuyện tình yêu

(GLO)- Trong một giờ học liên quan đến nội dung giáo dục giới tính, sau nhiều vấn đề được nêu ra thảo luận khá sôi nổi, tôi đặt câu hỏi thăm dò thử xem các em học sinh suy nghĩ thế nào về tình yêu ở tuổi học trò. Lớp học ngay lập tức được chia thành 2 nhóm với các ý kiến trái chiều.

Thanh âm quê nhà

Thanh âm quê nhà

(GLO)- Sinh ra vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, tuổi thơ tôi gắn liền với những cánh đồng lúa xanh mướt, con đường làng quanh co và những ngôi nhà tranh đơn sơ mộc mạc. Quê nhà dẫu còn nghèo khó nhưng lại chứa đựng biết bao kỷ niệm đẹp đẽ, khó quên.

Cỏ xanh về phía cũ

Cỏ xanh về phía cũ

(GLO)- Bài thơ “Cỏ xanh về phía cũ” của Vân Phi như một bức tranh ký ức trầm lắng về mái ấm gia đình, nơi thời gian dường như lặng lẽ quay trở lại qua những hình ảnh quen thuộc, giản dị thấm đượm tình cảm và ký ức sâu sắc khiến người ta thổn thức.

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Mùa đót

Mùa đót

(GLO)- Mỗi khi trời đất được sưởi ấm dần từ những tia nắng mùa xuân, cây lá bên đường xanh non nảy lộc, hoa tươi thắm sắc, tôi lại bâng khuâng nhớ về những điều gần gụi. Thoáng thấy dáng má cặm cụi bên hiên ngồi tết lại cây chổi đót đã bung ra những lạt mây, tôi chợt nhớ về những mùa đót cũ.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Ngát hương mùa hoa trắng

(GLO)- Đầu xuân mới, Tây Nguyên khoác lên mình tấm áo trắng tinh khôi của những vườn rẫy cà phê. Đó là lúc đất trời như giao hòa trong sắc hương, khi từng chùm hoa trắng muốt nở rộ trên những cành cây, tỏa hương ngọt ngào quyến rũ khắp không gian.