Chư Pưh: Lò sấy nông sản gây ô nhiễm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân ở thôn Hòa Thuận và Hòa Tín (xã Ia Phang) và một số hộ thuộc thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) phải chịu đựng khói bụi và tiếng ồn mỗi khi cơ sở kinh doanh nông sản Bảy Gắng (thôn Hòa Thuận) hoạt động. Mặc dù người dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

Cơ sở kinh doanh Bảy Gắng do ông Huỳnh Ngọc Phong (thôn Hòa Thuận) làm chủ hoạt động đến nay cũng gần 10 năm, chủ yếu là sấy nông sản vào mùa thu hoạch bắp, cà phê. Ông H.V.Đ. (thôn Hòa Thuận) cho biết: Từ giữa tháng 8, cơ sở Bảy Gắng hoạt động tấp nập. Mỗi lần xe chở nông sản đi qua con đường trước nhà là tiếng động cơ, tiếng còi xe gây ồn rất khó chịu, nhất là vào khoảng 18-23 giờ. Bên cạnh đó, cơ sở này còn thải khói, bụi ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ xung quanh.

“Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên UBND xã và UBND huyện nhưng chỉ khắc phục được vài ngày rồi đâu lại vào đấy. Chúng tôi đề nghị di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư để không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân”-ông Đ. kiến nghị.

Người dân phản ánh cơ sở kinh doanh Bảy Gắng (thôn Hòa Thuận, xã Ia Phang) hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: H.T

Người dân phản ánh cơ sở kinh doanh Bảy Gắng (thôn Hòa Thuận, xã Ia Phang) hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: H.T

Còn chị Đ.T.N. (thôn Hòa Thuận) thì cho hay: Mỗi lần vào vụ thu hoạch bắp và cà phê, cơ sở kinh doanh Bảy Gắng hoạt động cả ngày lẫn đêm, gây tiếng ồn và khói bụi rất khó chịu. Khi gặp trời mưa, khói bụi bay là đà trên mặt đất dày đặc khiến cho việc đi lại, sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Gia đình tôi có 2 con nhỏ. Cứ tối đến, các cháu không thể tập trung học bài vì khói bụi và tiếng ồn từ lò sấy. Nhiều hôm ngủ dậy, cổ họng tôi đau rát. Các con của tôi cũng thường xuyên bị ho. Do đó, tôi mong ngành chức năng quan tâm, hướng dẫn để cơ sở này sớm di dời các lò sấy nông sản ra khỏi khu dân cư”-chị N. chia sẻ.

Tương tự, ông N.V.H. (thôn Hòa Tín) cho biết: Nhà ông nằm ở phía Đông của cơ sở kinh doanh Bảy Gắng nên chỉ thi thoảng bị ảnh hưởng bởi khói bụi từ hoạt động sấy bắp vào vụ thu hoạch. Vào vụ thu hoạch cà phê thì khói từ lò sấy của cơ sở này tỏa ra nhiều hơn. “Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị nhưng ngành chức năng và chủ cơ sở vẫn không giải quyết dứt điểm ô nhiễm. Tôi mong huyện quan tâm có hình thức hỗ trợ di dời cơ sở này ra khỏi khu dân cư để không ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống cũng như sức khỏe người dân xung quanh”-ông H. nói.

Trao đổi với P.V, ông Trần Hoàng-Chủ tịch UBND xã Ia Phang-thông tin: Trên địa bàn xã có 5 hộ kinh doanh, chế biến nông sản, hoạt động chủ yếu vào mùa thu hoạch bắp và cà phê. Các cơ sở này thu mua nông sản của người dân rồi sấy bán ra thị trường hoặc sấy thuê cho các hộ dân trong xã và các địa phương lân cận. Riêng vụ bắp năm nay, diện tích lên 1.000 ha với sản lượng thu được khoảng hơn 6.000 tấn nhưng giá bán thấp nên hầu hết hộ dân đều chọn phương án sấy khô đợi giá tăng rồi bán. Riêng cơ sở kinh doanh Bảy Gắng sấy khoảng 100 tấn/ngày đêm dẫn đến gây tiếng ồn và khói bụi ảnh hưởng đến cuộc sống các hộ dân xung quanh.

Cũng theo ông Hoàng, UBND xã đã nhận phản ánh của khoảng hơn 20 hộ dân trên địa bàn về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi từ hoạt động sấy nông sản của cơ sở kinh doanh Bảy Gắng. Ủy ban nhân dân xã đã nhiều lần phối hợp với lực lượng Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, nhắc nhở. Cơ sở kinh doanh Bảy Gắng cũng đã có biện pháp khắc phục như: lắp đặt ống xử lý khói cao 20 m, dùng củi đốt thay vỏ cà phê. Tuy nhiên, vì nằm trong khu dân cư nên cũng không tránh khỏi gây ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi.

Trong đợt kiểm tra gần đây nhất vào ngày 13-12-2022, cơ sở kinh doanh Bảy Gắng có 5 lò đang hoạt động nhưng không cung cấp được hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường theo quy định. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu cơ sở dừng các hoạt động đốt lò; liên hệ với các cơ quan chức năng để di dời lò sấy ra khỏi khu dân cư theo quy hoạch... “Ngày 20-12-2022, UBND xã đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh Bảy Gắng 1 triệu đồng; đồng thời, yêu cầu chủ cơ sở thực hiện biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường theo quy định trong vòng 3 ngày kể từ ngày 16-12-2022”-ông Hoàng cho hay.

Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Quang-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pưh-cho biết: Sau khi có thông tin phản ánh của người dân, Phòng đã nhiều lần phối hợp với Công an huyện, UBND xã Ia Phang tiến hành kiểm tra và đã nhắc nhở cơ sở thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, có phương án di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư.

“Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục phối hợp với UBND xã Ia Phang tăng cường kiểm tra, yêu cầu cơ sở áp dụng các biện pháp khắc phục ô nhiễm hoặc có kế hoạch di dời địa điểm kinh doanh ra xa khu dân cư. Về lâu dài, UBND huyện đang chỉ đạo, rà soát và quy hoạch vị trí phù hợp đối với cơ sở hoạt động kinh doanh của những ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo đúng quy định của pháp luật, trong đó có cơ sở kinh doanh nông sản Bảy Gắng”-ông Quang thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Khẳng định thế và lực

Khẳng định thế và lực

Số liệu vừa được Cục Thống kê TP HCM công bố cho thấy bức tranh kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm 2024 của thành phố tiếp tục phục hồi-bao gồm sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu, giải ngân đầu tư công...
Cứu sông Ba chờ đến bao giờ?

Cứu sông Ba chờ đến bao giờ?

Hơn 1 triệu người dân các tỉnh Gia Lai, Phú Yên ngày đêm bức xúc, mong ngóng các bộ, ngành khắc phục "sai lầm thế kỷ" khi quy hoạch thủy điện An Khê - Ka Nak, trả lại nước cho sông Ba.
Chở đất lên núi

Chở đất lên núi

Sống trên núi, nhưng lại không có đất để san lấp các công trình, dự án, chủ đầu tư phải xuống các huyện miền xuôi mua đất với quãng đường vận chuyển hàng trăm ki lô mét. Nghịch lý này đang diễn ra ở các huyện miền núi Nghệ An.