Chư Pưh: Đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, những năm qua, huyện Chư Pưh (Gia Lai) đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện. Và đến nay đã có 14 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của huyện.
Doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư
Chư Pưh là địa phương giàu tiềm năng phát triển kinh tế, có thế mạnh phát triển lĩnh vực trồng trọt với các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, lúa nước, rau màu...quy mô cánh đồng lớn. Ở lĩnh vực chăn nuôi hiện có 9 trang trại chăn nuôi heo công nghiệp tập trung, với quy mô đàn trên 2.000 con/trang trại/chu kỳ nuôi, trong đó có 4 trang trại áp dụng công nghệ chăn nuôi khép kín gắn với hệ thống xử lý chất thải ra môi trường, quy hoạch khu chăn nuôi theo hướng công nghiệp quy mô gần 25 ha tại xã Chư Don.
Với tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp sạch hiện có, Chư Pưh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực này. Ông Nguyễn Thanh Tùng-Giám đốc Ban quản lý Dự án Doveco Gia Lai (Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao), nhận định: “Khí hậu ở Chư Pưh ôn hòa, thổ nhưỡng màu mỡ, quy mô diện tích đất rộng nên chúng tôi có thể đưa máy móc thiết bị vào canh tác dễ dàng hơn. Hiện nay, công ty đã liên kết với các hộ nông dân trong vùng trồng nguyên liệu chanh dây, dứa, chuối tiêu hồng... để chế biến nước quả cô đặc và sản phẩm đông lạnh với diện tích đăng ký 350 ha. Công ty đã cấp giống cho các hộ dân trồng 130 ha chanh dây. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ triển khai tiếp các cây trồng ngắn ngày như đậu tương, bắp ngọt, rau chân vịt...”. 
Các sản phẩm đặc trưng của xã, thị trấn được trưng bày tại phiên chợ nông sản an toàn. Ảnh: Ngọc Thu
Các sản phẩm đặc trưng của xã, thị trấn được trưng bày tại phiên chợ nông sản an toàn. Ảnh: Ngọc Thu
Là một trong những hộ nông dân trồng cây có múi cho năng suất cao, chất lượng quả tốt, ông Phan Minh Tân (thôn Phú An, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) đã rất vui mừng khi có doanh nghiệp đến đầu tư. Ông Tân bày tỏ: “Gia đình tôi có 1,2 ha trồng cam sành, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ổn định. Để tiếp tục phát triển nghề trồng cây có múi tại địa phương, tôi mong muốn các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp có những chương trình hỗ trợ, chuyển giao khao học kỹ thuật cho nông dân, hỗ trợ xây dựng thương hiệu hàng hóa, quy trình sản xuất an toàn và xây dựng mối liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, tạo thu nhập ổn định cho nông dân”.
Cùng với nông nghiệp, tiềm năng về điện mặt trời, thủy điện và phong điện ở Chư Pưh cũng được nhiều doanh nghiệp nghiên cứu khảo sát xây dựng dự án đầu tư. Ông Đỗ Văn Điện-Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần TSV-TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Qua khảo sát, chúng tôi đánh giá cao tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, thủy điện nhỏ chưa được khai thác của huyện Chư Pưh. Môi trường đầu tư tại Chư Pưh ngày càng thuận lợi hơn. Theo kế hoạch của công ty, trong năm 2018 sẽ khảo sát xin phê duyệt dự án Điện gió Chư Pưh, đến năm 2019 sẽ triển khai xây dựng với tổng công suất 140 MW, tổng đầu tư khoảng 210 triệu đô la. Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo cú hích cho thị trường du lịch, bất động sản tại địa phương, tạo công ăn việc làm và tạo tiền đề phát triển ngành nghề khác...”
Nhiều chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp
Hiện nay, Chư Pưh đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông hộ làm vệ tinh nên thu hút đầu tư, hỗ trợ của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Theo đó, huyện Chư Pưh đã tổ chức nhiều hội thảo, gặp mặt các doanh nghiệp, phiên chợ nông sản an toàn... nhằm giới thiệu sản phẩm của địa phương, thu hút doanh nghiệp.
Khi các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án của địa phương, huyện Chư Pưh cũng xác định những ưu đãi, trách nhiệm đối với doanh nghiệp. Ông Lê Quang Thái-Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, khẳng định: Nhằm đẩy mạnh liên kết sản xuất, thu hút đầu tư vào huyện, Chư Pưh cam kết với các nhà đầu tư luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Sẽ xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng. Huyện sẽ thực hiện công khai ,minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư... 
Phát triển vườn cây ăn quả an toàn, chất lượng tại thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh. Ảnh: Ngọc Thu
Phát triển vườn cây ăn quả an toàn, chất lượng tại thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh. Ảnh: Ngọc Thu
Với định hướng phát triển kinh tế-xã hội tập trung thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, đảm bảo an toàn dịch bệnh và ưu tiên phát triển sản phẩm công nghiệp có lợi thế về điện năng, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp... huyện Chư Pưh đã ban hành chính sách thu hút đầu tư trong tương lai vào các dự án ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, các dự án chế biến nông, lâm sản thuộc thế mạnh của địa phương như cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn trái; đầu tư chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp gia súc và các dự án công nghiệp điện gió, điện mặt trời, thủy điện. Tạo điều kiện giải quyết lao động tại địa phương, nâng cao đời sống người dân. 
Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.