(GLO)- Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn các xã của huyện Chư Prông đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng hoàn thiện, đời sống của người dân ngày một nâng cao.
Người dân chung sức
Thôn Hoàng Ân được coi là điểm sáng của xã Ia Phìn về huy động sức dân tham gia thực hiện chương trình xây dựng NTM. Ông Nguyễn Văn Hòa-Trưởng thôn-cho hay: Thôn có 204 hộ. Trước đây, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, giao thông nông thôn chủ yếu là đường đất nên vào mùa mưa lầy lội còn mùa khô bụi mù mịt. Hạ tầng cơ sở chưa phát triển nên sản phẩm nông nghiệp chủ lực như cà phê, hồ tiêu khi bán gặp nhiều bất lợi hơn so với các vùng khác. Năm 2011, khi chương trình xây dựng NTM được triển khai, thôn đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện bê tông hóa hệ thống đường giao thông nông thôn, trong đó, Nhà nước hỗ trợ xi măng và tiền mặt, người dân đóng góp ngày công lao động, cát, đá… Đến nay, thôn đã bê tông cứng hóa được khoảng 2 km đường giao thông nội thôn. Ngoài ra, dọc đoạn tỉnh lộ 663 qua thôn, người dân sinh sống hai bên đường đã tự nguyện lắp đèn điện thắp sáng với chiều dài khoảng 1,5 km. Diện mạo nông thôn của xã Ia Phìn nói chung và thôn Hoàng Ân nói riêng đã thay đổi rất nhiều so với trước đây, đời sống của người dân cũng khấm khá hơn.
|
Người dân thôn Hoàng Ân (xã Ia Phìn) đóng góp ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: N.D |
Không riêng xã Ia Phìn, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của các xã khác trên địa bàn huyện Chư Prông cũng đã thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, ở nhiều nơi, người dân đã tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí chưa cần đến sự đầu tư của Nhà nước như: chỉnh trang nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, làm chuồng trại nhốt gia súc, mắc điện chiếu sáng trước nhà, đóng góp kinh phí làm nhà sinh hoạt cộng đồng, đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi khác… Theo thống kê, người dân trên địa bàn huyện đã đóng góp 44.743 ngày công, hơn 113,2 tỷ đồng, hiến 62.652 m2 đất để xây dựng các công trình như nhà sinh hoạt cộng đồng, đường giao thông nông thôn. Nhờ sự chung tay góp sức của người dân kết hợp các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, cơ sở hạ tầng nông thôn của huyện đã dần hoàn thiện, tạo động lực cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Hướng đến mục tiêu mới
Huyện Chư Prông phấn đấu đến cuối năm nay có xã Thăng Hưng đạt chuẩn NTM; năm 2020 có xã Ia Lâu đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện lên 7 xã. Đến cuối năm 2020, huyện không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí NTM. |
Theo tổng hợp của cơ quan chuyên môn huyện Chư Prông, thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong giai đoạn 2011-2015, huyện đã tích cực huy động các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án lồng ghép để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế. Cụ thể, toàn huyện đã huy động được hơn 600,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương hỗ trợ và các nguồn vốn lồng ghép khác. Qua đó, các xã của huyện đã đạt được tổng cộng 228 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 12 tiêu chí và không còn xã nào dưới 5 tiêu chí. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã có 5 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM gồm: Bàu Cạn, Ia Phìn, Ia Băng, Ia Drăng và Ia Boòng; có 2 làng được công nhận đạt chuẩn NTM. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận bởi Chư Prông là huyện biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn.
Ông Từ Ngọc Thông-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-cho biết: Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, đặc biệt là sự đồng thuận, chung sức của người dân trên địa bàn, cơ sở hạ tầng của huyện đã dần được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện; hệ thống chính trị được củng cố; đời sống của người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm… Dù vậy, trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM, huyện còn gặp không ít khó khăn như vẫn còn một bộ phận người dân và cán bộ, đảng viên cho rằng đây là chương trình do Nhà nước đầu tư nên ít tham gia đóng góp. Bên cạnh đó, những năm gần đây, nguồn thu ngân sách của địa phương hạn chế nên vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất khó khăn, sự hỗ trợ của doanh nghiệp còn ít…
“Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiểu mục đích và ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho người dân, xác định người dân là chủ thể trong quá trình thực hiện. Huyện cũng sẽ huy động các nguồn lực trong cộng đồng, doanh nghiệp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi; hoàn thiện những tiêu chí sắp đạt và tập trung giải quyết những tiêu chí khó đạt”-ông Thông cho hay.
NGUYỄN DIỆP-THẢO NGUYÊN
------------------------------
Chuyên đề có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Gia Lai